Lời ngỏ


Thu rất hiếm khi làm thơ nhưng đọc, hiểu, cảm nhận được những gì tác giả muốn chia sẻ. Cách đây ít lâu được đọc thơ của anh Đỗ Trung Việt, cảm nhận được sức sống mãnh liệt của những vần thơ anh, và giờ đây được Hồng Hoa (Thu Hà/Nguyễn Hoa) chia sẻ những suy tư, những trăn trở về cuộc sống, được Lệ Hằng chia sẻ những bài thơ tình lãng mạn. Thu lập trang thơ với mong muốn nó sẽ là nơi để các bạn yêu thơ chia sẻ những sáng tác của mình hoặc những bài thơ mình yêu thích. Hy vọng những rung động, những cảm xúc của chúng ta sẽ sống mãi với thời gian.

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

Về bài thơ nổi tiếng của Konstantin Simonov

Trang Thơ đã có dịp giới thiệu với bạn đọc bài thơ "Đợi anh về" của nhà thơ Konstantin Simonov. Theo ý kiến anh Trần Phong: "Có lẽ đến bây giờ bản dịch bài thơ "Đợi anh về" của Tố Hữu vẫn là bản dịch hay nhất. Lí do đơn giản vì rất nhiều người thuộc bài thơ này và có cảm xúc tốt đẹp về nó." Có thể bạn đọc Trang Thơ đã biết đến bản dịch của Hồng Thanh Quang, cũng như biết đến những cuộc mạn đàm xung quanh việc dịch bài thơ này. Tuy nhiên những người yêu thơ vẫn muốn có một bản dịch sát nghĩa với nguyên bản tiếng Nga để đối chiếu. Hôm nay xin giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Tất Thịnh trên trang cá nhân. Mạn phép tác giả được cắt bớt đôi từ cho phù hợp. 


VƯỢT LÊN ĐAU KHỔ CỦA CUỘC ĐỜI LÀ 
BÀI THƠ VỀ CUỘC SỐNG
Tình yêu đi qua Chiến tranh


Đây là bài thơ rất hay của nhà thơ Xô Viết Xi-Mô-Nốp, đã được nhà thơ Tố Hữu dịch ra tiếngViệt (năm 1947) thông qua một bản dịch bằng tiếng Pháp. Bản dịch của Tố Hữu khá hay, và đã đi vào tâm hồn của biết bao người Việt Nam...
Tuy nhiên tình cờ chúng tôi có được bài thơ này dưới dạng nguyên bản tiếng Nga, vì lòng yêu thích thơ và tiếng Nga tôi thử dịch lại. Bởi tôi thấy rằng bản dịch của Tố Hữu là không thật lột tả được cái hồn, cái chữ của nhà thơ Xô-Viết này.

Lời bình và sửa lại:
1. Trong khổ đầu, Tố Hữu dịch:
"Em ơi đợi Anh về
Đợi Anh hoài Em nhé"
Tố Hữu đã dùng câu điệp là thừa, hơn nữa từ "hoài" làm nghĩa câu thơ bị sái (hoài công, phí công). Cả hai câu này là lời nhắn nhủ của người lính ở xa. Anh nhắn nhủ thế là đúng, nhưng còn Anh thì sao? Không thấy nói đến. Do đó câu thơ trở nên một chiều.
Còn trong nguyên bản là:
"Em ơi, đợi Anh!
Anh sẽ về"
Hai câu là hai vế khác nhau. Một vế nhắn nhủ Em, còn một vế nhắn với Em rằng: Anh sẽ về. Đây là niềm tin hi vọng của cả hai bên, và cũng là niềm chung thủy của người lính ở ngoài mặt trận.

2. Câu thứ 8 và thứ 9 Tố Hữu dịch là:
"Bạn cũ có quên rồi
Đợi Anh hoài Em nhé"
Câu này không rõ nghĩa, không chuẩn về mặt ngữ pháp và nhắc lại từ "hoài" không đắt. Nội dung chính trong nguyên tác là: 
"Dù các bạn của Em, có ai đó đã quên người yêu của họ, thì riêng Em cứ chờ". Hai câu có hai vế đối lập nhau, làm tăng thêm sức mạnh nội tâm về lòng chung thủy. Vậy nên dịch lại là:
"Dẫu ai đó quên rồi
Thì riêng Em cứ đợi"
Cụm từ "ai đó" ở đây có nghĩa không xác định, không chỉ một người cụ thể nào chứ không nên dịch như Tố Hữu là "bạn cũ có quên rồi" vì nó cụ thể quá làm bạc nghĩa. Ngoài ra, cụm từ "Dẫu ai đó" đối lập với cụm từ "Thì riêng Em" sẽ làm nổi bật lên sự kiên định của Em. Lời dịch của Tố Hữu không phản ánh được điều này.

3. Tiếp theo Tố Hữu dịch:
"Tin Anh dù vắng vẻ
Lòng ai dù tái tê
Chẳng mong chi người về
Thì Em ơi cứ đợi"
Dịch thế là sai nguyên tác, vì tác giả không hề nói: "Chẳng mong chi ngày về" nghe nó tuyệt vọng quá (giống như từ "hoài" vậy). Xi-Mô-Nốp không nói thế. Còn vô nghĩa là ở câu dịch: "Lòng ai dù tái tê", bởi "lòng ai" có nghĩa không xác định, không rõ đối tượng, còn trong nguyên bản đối tượng rất cụ thể là "Lòng Em" chứ không phải là một ai khác.
Nên dịch lại là:
"Đợi Anh dù phương xa
Thư Anh dù chẳng lại
Dẫu lòng bao tê tái
Thì Em ơi, cứ chờ"

4. Còn một khổ dài Tố Hữu dịch là:
"Em ơi, Em cứ đợi
Dù ai nhớ thương ai
Chẳng mong có ngày mai
Dù mẹ già con dại
Hết mong Anh trở lại..."
Khổ thơ này gần như sai hoàn toàn so với nguyên tác. Trong bài thơ, Xi-Mô-Nốp nói: "Em chờ Anh, nhưng đừng có hoàn toàn mong những điều tốt lành. Bởi vì, trong chiến tranh điều gì cũng có thể xảy ra cả. Nếu chẳng may Anh có hy sinh thì nỗi đau khổ của Em, Em phải gắng quên đi trong nghị lực, hãy giúp Mẹ nuôi con thay Anh..." Trong khổ thơ này, Tố Hữu một lần nữa lại dùng cụm từ không xác định "Dù ai nhớ thương ai" làm câu thơ trở nên vô hồn, không có nghĩa.

Thêm nữa, chỉ có 4 câu 5 chữ mà Tố Hữu đã 2 lần lặp lại , trùng văn , trùng ý: "Chẳng mong có ngày mai - .... - Hết mong Anh trở lại ... " Trong thơ của mình Xi - Mô - Nốp không hề có ý nghĩ tiêu cực về bà mẹ như lời dịch của Tố Hữu: "Dù mẹ già con dại - Hết mong Anh trở lại". Còn trong nguyên tác ý nghĩa rất tích cực của tác giả là: "Em hãy cố gắng quên khổ đau để nuôi Mẹ nuôi con" Tố Hữu lại bỏ mất. Có thể nói khổ thơ này dịch sai hoàn toàn cả ý, cả lời.
Nên dịch lại là:
"Chờ Anh, Anh sẽ về
(nhưng) Đừng chỉ mong điều tốt đẹp
Như Em từng đã biết
Nỗi đau cần phải quên...
Hãy nhìn vào Mẹ hiền
Và các con thơ dại...
... Nếu Anh không trở lại"
Như thế vừa sát nguyên văn, phản ánh được đúng tâm hồn của tác giả.

5. Lại một đoạn thơ rất hay của Xi-Mô-Nốp, nói với người vợ ở hậu phương rằng: "Nếu có người bạn gái của Em vẫn chờ chồng phương xa, thường ngồi bên cửa sổ nhâm nhi li rượu cay (từ cay ở đây rất hay) để có thể nguôi ngoai đi phần nào nỗi nhớ, nỗi khổ, thì Em ơi, Em hãy cứ như bạn mà uống đi".
Nhưng Tố Hữu lại dịch khác hẳn:
"Dù bạn viếng hồn Anh
Yên nghỉ nấm mồ xanh
Nâng chén tình dốc cạn
Thì Em ơi mặc bạn
Đợi Anh hoài Em nghe
Anh của Em sắp về"
Thì có thể nói gần như một ý khác hẳn. Trong nguyên tác, không hề có "nấm mồ xanh", không có "ai viếng hồn ai" cả. Còn câu: "Nâng chén tình dốc cạn..." thì không thể hiểu ý tứ gì, nghĩa lí gì được nữa. Phải dịch là:
"Như ai đó đợi chờ
Vẫn ngồi bên cửa sổ
Li rượu cay, nỗi nhớ
Thì Em ơi uống đi
Cho lòng vơi nỗi khổ"

6. Và Xi-Mô-Nốp còn viết: "Nếu có người vợ nào đó có cầm lòng không được, thì đừng trách họ làm gì. Nhưng trong bom rơi đạn lửa ta (em và anh) vẫn biết chờ nhau". Tố Hữu dịch ra ngoài ý này: "Thì Em ơi mặc bạn -.... ". Nên dịch lại là:
"Đợi Anh! Anh sẽ về
Dẫu kề bên cái chết
Nếu có ai quên hết
Chẳng biết đợi chờ ai
Đừng trách họ lạt phai
Đã không cam chờ đợi"
Đoạn này nói lên tư tưởng thoáng đạt, niềm cảm thông sâu sắc của tác giả đối với những người phụ nữ hậu phương có thể đi bước nữa, trong cảnh rất nhiều người chồng, người anh của họ đã ra đi mà không bao giờ có thể trở về.

7. Đoạn cuối Tố Hữu dịch là:
"Đợi Anh, anh sẽ về
Trong chết cười ngạo nghễ
Hẳn cho sự tình cờ..."
Trong nguyên tác không hề có sự "chết cười", không có "ngạo nghễ". Nói thế làm câu thơ không còn đẹp nữa. Trên đời không có sự tình cờ nào cả, mà nếu có thì cũng ra ngoài cái ý chí, lòng kiên định, sự tin tưởng của tác giả muốn nói. Cần phải dịch lại:
"Trong bom rơi lửa dội
Chỉ ta biết chờ nhau
Em ngã vào lòng đau
Lúc Anh về, Anh biết"
Biết cái gì? Tác giả đã lí giải và nên dịch lại đoạn này như sau:
"Chỉ có Em tha thiết
Dù dòng lệ cạn khô
Em của Anh biết chờ
Không như ai, chẳng đợi".

Sau đây là toàn bộ bài thơ “Em ơi! đợi anh về” của Simonop - được ông Nguyễn Tất San và anh Nguyễn Tất Thịnh dịch lại theo nguyên bản tiếngNga:

Em ơi, Đợi anh,
Anh sẽ về
Dù mưa rơi dầm dề
Dù ngày buồn tái tê
Thì Em ơi, cứ đợi.
Dù gió Đông tuyết dội,
Dù nắng Hạ mưa rơi
Dẫu ai đó quên rồi
Thì riêng Em, cứ đợi.

Đợi Anh dù phương xa
Thư Anh thường chẳng lại
Dẫu lòng bao tê tái
Thì Em ơi, cứ chờ.

Chờ Anh, Anh sẽ về
Đừng mong điều tốt đẹp
Như Em từng đã biết
Có lúc cần phải quên.
Hãy nhìn vào mẹ hiền
Và con thơ bé dại
Em ơi, Em hãy chờ.

Như ai đó vẫn chờ,
Ngồi bên ô cửa sổ
Ly rượu cay nỗi nhớ,
Thì Em ơi uống đi
Cho lòng vơi nỗi khổ.
Đợi Anh, Anh sẽ về
Dẫu kề bên cái chết,
Nếu có ai quên hết
Chẳng biết đợi chờ ai
Đừng trách họ lạt phai
Đã không cam chờ đợi.

Trong bom rơi lửa dội
Chỉ ta biết chờ nhau
Em ngã vào lòng đau,
Lúc Anh về, Anh biết:

Anh biết Anh không chết
Đâu phải lẽ tình cờ.
Chỉ có Em tha thiết
Dẫu dòng lệ cạn khô,
Em của Anh biết chờ
Không như ai, chẳng đợi.

Mời bạn đọc thêm bài "Từ một bản dịch thơ suy nghĩ về việc tiếp cận tác phẩm văn học nước ngoài" của PGS - TS ngôn ngữ, giảng viên khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TPHCM, Trần Thị Phương Phương.

25 nhận xét:

  1. HT đăng bài thật đúng lúc!
    Cùng với bài thơ "Mùa lá rụng", "Đợi anh về" sẽ tạo thêm điểm tựa giúp cho việc thào luận hình thành rõ những quan điểm về dịch thơ ở TT. Rất bổ ích cho bạn yêu thơ chúng ta, chẳng riêng gì những người 'biết' TN.

    Và té ra việc 'dịch lại' những bài thơ nổi tiếng là 'chuyện không của riêng ai' nữa. Đỡ hẳn phần 'rào trước đón sau' lằng nhằng. :)

    Ngay bài phân tích của DG NTT,đọc qua tôi đã thấy 'có vấn đề' đấy,ví dụ: cách TG lập luận,thường dùng câu "...còn trong nguyên bản...,rồi sau đó dẫn ra câu dịch TV của mình,thật là 'ngộ nhận' : đương nhiên coi câu dịch của mình mới là 'nguyên bản'!...:)

    Xin sẽ phát biểu chi tiết sau.
    Hy vọng sẽ có một cuộc trao đổi rộng rãi trong bạn đọc TT.

    ( Suýt quên : HNN tháng trước cũng có lần nói với tôi về việc đề xuất 'dịch lại' một bản mới bài thơ bài "Đợi anh về".Tết nhất đến ,rồi hội 'Long Vân' anh HG khởi xướng ,sau đó liên tục có các bài đăng mới, thành ra chưa kịp làm gì. Tiếc rằng em nó lúc này đã ở 'Trời tây',có biết mà tham gia không...?)

    Trả lờiXóa
  2. Chào các anh chị và các bạn! Việc dịch lại một bài thơ nổi tiếng không còn là một việc khó khăn trong bầu không khí dân chủ ngày nay. Qua nhiều bản dịch hôm nay, chúng ta sẽ thay đổi nhận thức hoặc khẳng định thêm giá trị của bản dịch lần đầu. Tôi rất hào hứng, đợi chờ những bản dịch mới của bài thơ này. Để việc thảo luận thuận lợi hơn, có kết quả hơn, tôi xin có đề nghị sau:
    - Các anh chị cung cấp bản dịch nghĩa của bài thơ này (Đợi anh về).
    - Đăng lại toàn bộ bản dịch "Đợi anh về" của nhà thơ Tố Hữu (bản dịch chính xác nhất của nhà thơ Tố Hữu).
    Xin cám ơn!

    Trả lờiXóa
  3. Chào các anh chị và các bạn! TH cũng rất hâm mộ bài thơ "Đợi Anh Về"- cả bản TN và bản dịch của Tố Hữu, giống như tất cả những người biết TN và ko phải nhà thơ, TH chỉ muốn dịch những bài thơ mà TG viết khi có những suy nghĩ trùng với những cảm xúc mà TH đã từng trải qua. TH chưa từng dịch bài thơ nào khác với ý tưởng đó. Nếu có thể, bài thơ "Đợi Anh Về" sẽ là bài đầu tiên, coi như nhận lời mời cuộc chơi thơ của HT và ACE trong TT. Nhờ bạn gửi giúp bài thơ TN qua mail cho mình nhé. Thanks! TH

    Trả lờiXóa
  4. Thu để đường link nối sang bài viết của PGS - TS, giảng viên khoa Văn học và Ngôn ngữ - ĐH Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM, Trần Thị Phương Phương, để mọi người tham khảo. Trong bài viết có cả bản dịch sát nghĩa và bản dịch của nhà thơ Tố Hữu, chắc đó là bản dịch chính xác.

    Trả lờiXóa
  5. Đọc xong toàn bộ bài viết của ông Nguyễn Tất Thịnh, tôi hơi ngỡ ngàng vì ông đã "chê" quá nhiều bài thơ dịch "Đợi anh về" của nhà thơ Tố Hữu. Tôi có suy nghĩ rằng những nhà phê bình cự phách của chúng ta chẳng ai phê như thế bao giờ! Cuối cùng, đọc bài thơ dịch "Đợi anh về" của 2 tác giả này, tôi có nhận xét rằng bài thơ dịch này vẫn không vượt ra khỏi cái bóng của nhà thơ Tố Hữu. Chúng ta còn nhớ lại vào thập niên 70 của thế kỉ trước, trên sóng truyền hình có phát hàng loạt những bài dự thi Quốc ca mới. Cuối cùng, vẫn không có bài nào thay thế được bài "Tiến quân ca" của nhạc sĩ tài hoa Văn Cao - ông hoàng của thơ ca nhạc hoạ! Dù rất tôn trọng ông Nguyễn Tất Thịnh, tôi cũng không bằng lòng với những ý kiến nhận xét của ông. Xin ông đừng bảo rằng tôi bất lịch sự khi nói rằng ông "nổ" quá!

    Trả lờiXóa
  6. Mời bạn quan tâm,tham khảo bảng đối chiếu các bản dịch bài thơ "Đợi anh về" của các TG với nguyên bản TN và với nhau,với một mục đích duy nhất : thưởng thức tính đa dạng về cảm nhận phong phú của các TG ở đây

    Trả lờiXóa
  7. @ A TL: Ơ thế anh không đặt lại chế độ chia sẻ thì làm sao mà xem được. Cứ để chế độ "riêng tư" thì chỉ mỗi "mình tôi" được xem thui. :(

    Trả lờiXóa
  8. Chậc,chậc,xozi ,sửa lại ngay đây.

    Trả lờiXóa
  9. Bài thơ có một đoạn liên quan tới sự 'may mắn'(thoát chết) của người lính trong chiến trận,từ câu [25] tới câu [29] :

    "Жди меня, и я вернусь,[25]
    Всем смертям назло.
    Кто не ждал меня, тот пусть
    Скажет: - Повезло.
    Не понять, не ждавшим им, [29]
    "


    Dịch nghĩa (đen) của từ như sau :

    Жди меня, и я вернусь,[25]
    Đợi anh,và anh sẽ về

    Всем смертям назло. [26]
    (như là sự) trêu ngươi (thách thức với) mọi cái chết (thần chết)

    Кто не ждал меня, тот пусть
    Người ko trông đợi (ko thân thiết) anh,kệ (mặc họ)

    Скажет: - Повезло.
    Bào (nói rằng):- (Ồ,chỉ là,đấy là nhờ) may mắn.

    Не понять, не ждавшим им, [29]
    (họ) ko hiểu (rằng),(với)những người được ngóng (trông) đợi đấy ko là (may mắn).

    TG T.H đã dịch câu [26] hay 'độc nhất vô nhị'là:
    "Trông chết cười ngạo nghễ"
    Phần 'may mắn' ko dịch (có lẽ vì Ô. dịch qua bản tiếng Pháp chăng?)

    TG NTS và NTT dịch ko sát bản TN, cũng ko có 'may mắn', nhưng ko có chi sai phạm với ý nguyên gốc.
    Những câu này,TG Th.H dịch đạt nhất so với 2 bản trên,vì có nhắc tới hai từ 'gặp may'.

    'may mắn'-có vẻ 'đơn giản' nhưng thực tế luôn gắn với sinh mạng người lính trong chiến đấu,có ý nghĩa 'triết lý' đặc biệt quan trọng khi mô tả về nó.
    Trong cuộc KCCMCN ở VN có ai ko mong chờ và nguyện cầu khôn nguôi người thân của mình trở về sau ngày chiến thắng? và người đã vĩnh viễn ko về có ít hơn đi ko? Vậy Có 'may mắn' hay ko ở đây?
    TG K. Ximonop,có lẽ vì muốn nhất mạnh tới sự 'kỳ diệu' tin đợi của người ở hậu phương đối với người lính ở chiến trận mà phủ định đi tính 'may mắn' trong khổ thơ BT này của Ông.
    Thật tình,dù bạn đọc chê trách,tôi thấy là 'đáng tiếc '.
    Có thể viết khác đi một chút,thì hay hơn,ý tưởng của TG vẫn được bảo toàn.

    Trả lờiXóa
  10. Ôi giời ơi! Anh làm thế này thì em "thất nghiệp" à. Em đợi TH sửa lại bản dịch xong, định đăng sang TT thì a HG đăng bài "Nuối tiếc". Định chờ lúc nào "Nuối tiếc" nguội nguội đi thì đăng bản dịch của TH để mọi người đối chiếu thì anh đã ra mắt bản "luận văn TS" rồi. :)

    Trả lờiXóa
  11. Xin chúc mừng một thành công nữa của Thu Hà! TP đã đọc nhiều bản dịch bài thơ này trên mạng. Có dịch giả từng học ở Liên - xô và là nhà thơ nhưng khi dịch bài thơ này lại hỏng, ít gây cảm xúc cho độc giả. Sẽ còn đủ thời gian để Thu Hà sửa lại bản dịch này để gần bằng với bản dịch của nhà thơ Tố Hữu! :)

    Trả lờiXóa
  12. @HT : bài "Nuối tiếc" của a HG ở đâu a?

    Trả lờiXóa
  13. @ A TL: Thì bài "Viết Cho Người Tình Lỡ" đó. Chẳng "nuối tiếc" là gì?

    Trả lờiXóa
  14. @HT : Viết như vậy,thì hiểu là tiêu đề (trong ngoặc kép mà) đấy.

    Trả lờiXóa
  15. Rất cảm ơn TL vì BT của tôi không hề "nuối tiếc" khi "viết cho người tình lỡ" như HT đã gán . Như cụ Tố Như đã nói : Đời còn chẳng tiếc , tiếc gì đến duyên . Tôi không dám như cụ , chỉ dừng tính Nhân văn đến câu tựa đề : KHÚC VĨ THANH BUỒN mà thôi !

    Trả lờiXóa
  16. @ A TL, A HG: Em đã không nói rõ làm hai anh hiểu lầm. "Nuối tiếc" là cảm xúc của em khi đọc bài thơ đó. Em thấy tiếc vì một cuộc tình đẹp như mơ đã không trở thành hiện thực.

    Trả lờiXóa
  17. Xin chào các anh chị và các bạn.Trong một số việc, làm lại là việc tối kỵ.Nếu có ai đó đã làm ra một bài thơ mà ta lại muốn viết lại đoạn kết hay gì gì đó để hay hơn hay hợp lý hơn cũng đều không nên.Nhưng dịch thơ thì luôn được phép làm lại.Kể cả bản dịch của chính mình, sau một thời gian thấy lúc đó sao mình lại dùng từ này mà không phải là từ khác...Vì không phải là nguyên bản nên DG thường tự động điền vào rất nhiều từ trợ giúp với mong muốn sẽ làm tăng thêm chất thơ hoặc làm cho bạn đọc hiểu kỹ hơn ý của TG. TH cho là một bản dịch sẽ thành công nếu DG không phải bổ sung nhiều từ theo chủ quan của mình và đọc vẫn giống thơ, chưa bị biến thành văn xuôi là được.
    VD như TH có nhớ mấy câu thơ NN như sau:"Gặp em non buổi chiều, ngẩn ngơ tròn buổi tối, đường về quên mất lối, ghé nhầm vào nhà em..." TH đánh giá đây là những câu thơ rất hay và chắc chắn người dịch cũng là một tài năng!

    Trả lờiXóa
  18. Đó là bài "Nhầm" của Henrích Hainơ

    "Gặp nhau non buổi chiều,
    Ngẩn ngơ tròn buổi tối
    Đường về quên mất lối
    Bước nhầm vào nhà em."


    (Hoàng Trung Thông dịch)

    PS: Cụ Gúc Gồ bảo thế.

    Trả lờiXóa
  19. Có những bài thơ dịch đã trở thành hiện tượng "độc nhất vô nhị". Trường hợp bài thơ Un secret của thi sĩ Pháp Félix Arvers được nhà văn Khái Hưng - nhóm Tự lực văn đoàn dịch sang tiếng Việt là một trường hợp như thế. Khái Hưng là một tiểu thuyết gia, chưa hề là nhà thơ, chưa hề là dịch giả, song với bản dịch này, độc giả VN chỉ biết bản dịch bài thơ này của Khái Hưng mà thôi! Bản dịch có nhan đề là "Tình tuyệt vọng" hoặc "Xon nê". Mời các anh chị cùng đọc.

    Tình Tuyệt Vọng
    Félix Arvers - Khái Hưng dịch


    Lòng ta chôn một khối tình
    Tình trong giây phút mà thành thiên thâu
    Tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu
    Mà người gieo thảm như hầu không hay
    Hỡi ơi, người đó ta đây
    Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân
    Dẫu ta đi trọn đường trần
    Chuyện riêng đâu dám một lần hé môi
    Người dù ngọc nói hoa cười
    Nhìn ta như thể nhìn người không quen
    Đường đời lặng lẽ bước tiên
    Ngờ đâu chân đạp lên trên khối tình
    Một niềm tiết liệt đoan trinh
    Xem thơ nào biết có mình ở trong
    Lạnh lùng, lòng sẽ hỏi lòng:
    "Người đâu tả ở mấy giòng thơ đây".

    Trả lờiXóa
  20. Cãm ơn TP đã cho tôi biết hết bài thơ mà hơn 2o năm qua tôi chỉ được mẹ mình đọc cho nghe mấy khổ thơ đầu.

    Trả lờiXóa
  21. Bên trang riêng của TH có bản dịch rất hay 1 bài thơ của Puskin " Tên tôi có gợi lại gì cho em " ( từng nổi tiếng với tựa đề : Một chút tên tôi đối với Nàng - Thúy Toàn dịch thì phải )

    Nhờ HT mang sang Trang Thơ " công diễn " để ace cùng bình cho vui vửa vui nhà ( tất nhiên nếu TH ko phản đối )

    À mà TH : Anh có qua bên ấy chơi , để lại 1 comment mà ko thấy hiện lên - trang của em " đóng cửa " với khách vãng lai à ?

    Trả lờiXóa
  22. Chào HNN! Chúc mừng bạn đã trở lại với TRANG THƠ! TP rất vui vì bạn đã vui khi đọc lại bài thơ này. Thời sinh viên, TP phải thuộc lòng và chỉ dám đọc thầm bài thơ này. Ngày nay, nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã có một vị trí xứng đáng trong văn học lịch sử VN. Mình đang say sưa đọc các bài viết về nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Hay lắm!
    Rất mong được đọc những bài thơ hay của HNN!

    Trả lờiXóa
  23. @T.P:Cho HNN số ĐTDDĐ của TP được không?

    Trả lờiXóa
  24. HNN! Số điện thoại bàn của TP là: (08) 38116264 (Q.Trung biết số này).

    Trả lờiXóa
  25. Anh HDT, em vẫn để ngỏ phần NX nhưng em cũng sợ các anh vui quá, bình thơ mà như là bình loạn, các con và cháu em đang ở xa đọc lại thấy mẹ teens quá, chúng nó "ngượng". Nếu gửi comm các anh chị chú ý hộ em với,please!

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.