Lời ngỏ


Thu rất hiếm khi làm thơ nhưng đọc, hiểu, cảm nhận được những gì tác giả muốn chia sẻ. Cách đây ít lâu được đọc thơ của anh Đỗ Trung Việt, cảm nhận được sức sống mãnh liệt của những vần thơ anh, và giờ đây được Hồng Hoa (Thu Hà/Nguyễn Hoa) chia sẻ những suy tư, những trăn trở về cuộc sống, được Lệ Hằng chia sẻ những bài thơ tình lãng mạn. Thu lập trang thơ với mong muốn nó sẽ là nơi để các bạn yêu thơ chia sẻ những sáng tác của mình hoặc những bài thơ mình yêu thích. Hy vọng những rung động, những cảm xúc của chúng ta sẽ sống mãi với thời gian.

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Và con hằng tin...*

Con tắt TV rồi, để mình con với Bác.
Dân tiễn Bác không sầu thảm.
Dân tiễn Bác tê tái suy tư.
Suy tư chào biệt thế kỷ 20, thế kỷ của những Bi Tráng Việt khổng lồ. Thế kỷ của những Người Việt khổng lồ.
Suy tư khi vườn hết đại thụ, chỉ còn chói chang nắng từ mặt trời thu. Đó là khởi đầu mới mẻ. Hãy tự mình lớn nhé, cây non!
Và con hằng tin
Rằng đất nước này kỳ diệu
Những cô cậu non tơ mặc áo xanh trong những đêm tang lễ. Những người Việt rất trẻ dắt những đứa con lẫm chẫm đi trên các ngách phố Hà Nội đêm viếng Bác thăm thẳm sâu
Những người Việt trẻ khác trên khắp non nước này
Họ có sứ mệnh để đất nước này tràn sắc nắng của yêu thương, khẳng khái.
Bác đã có một Điện Biên Phủ thứ hai.
Điện Biên Phủ của lòng Nhân Ái Việt.
Điện Biên Phủ của lòng Tự Tôn Việt.
Dẫu thế nào, thì con vẫn hằng tin - dẫu trăng có khi mờ khi tỏ
Rằng: Nước Việt là Nước của những Người Việt áo vải khổng lồ - Thời cần gươm ngàn cân hay thời cần một phần mềm lỗi lạc thì vẫn đã và sẽ là như thế. Vĩnh biệt Bác!
Để mở lòng đối diện với hôm nay.
(T.Đ.T)
 Ảnh: Internet
*Tựa đề - HT

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Dân là biển...


Dân - lặng lẽ, thân tình bên nhau trong một vòng tròn vĩ đại dài theo bốn đường phố, quây trọn Hoàng Thành xưa. 
Dân - không khóc, không cố bộc lộ điều gì cho đúng lễ tang. Họ cười với trẻ con, họ hỏi han nhau khi người bên cạnh mệt, họ đọc báo để kiên nhẫn đợi. Đa phần họ im lặng và suy tư. 
Dân - thức suốt đêm dán hình Đại tướng, rồi mang đến, kể lạc cả giọng cho thanh niên biết về những ngày khói lửa đã xa. 
Dân - lo cho nhau những bình nước uống miễn phí, chạy xe máy chở bánh mỳ đến mời nhau, đem đến cho nhau những bó hoa. 
Dân - không một vỏ bao bánh vất lên hè, lo để mọi thứ gọn gàng, chu tất trong ngày thế này. 
Dân - tất tả gọi cứu thương khi người già ốm mệt. 
Dân - chia cho nhau dải băng tang để phủ lên tấm ảnh. 
Dân - đang đứng xếp hàng, cả tiếng đồng hồ nhích lên được đoạn ngắn, chỉ cho cô bảo mẫu dắt các cháu lối "vào cửa sau" để viếng. Dân - xe đông hơn ngày thường, người đông hơn ngày thường, mà chẳng cần nhiều công điều khiển của công an, chẳng có ùn tắc. 
Khi chúng ta - người Việt - cùng vào một việc gì do thôi thúc tự tâm can, chúng ta bộc lộ một tính kỷ luật, chu đáo, sáng tạo và đoàn kết đến kỳ lạ. Một bàn tay vô hình của tình yêu và lý trí sắp xếp, hơn bất cứ một bộ óc tổ chức nào. 
Tôi đã thấy ánh mắt nhiều khách nước ngoài nhìn dòng người hôm nay. Lạ kỳ trong ngày tang, trong ta nghẹn nỗi niềm hạnh phúc. 
Dân là biển. 
"Biển ấy, chỉ ai tin thì mới hiểu" (Chế Lan Viên)
(Bài & ảnh: T.Đ.T)

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

CHIẾN CÔNG CUỐI CÙNG

 Nguồn ảnh: Internet
         Những đoàn người kéo dài hàng cây số lặng lẽ xếp hàng để chia tay ông, trước cả tuần khi tang lễ diễn ra. Những tấm ảnh của ông, những lời tri ân dành cho ông ngập tràn mạng xã hội trước khi báo chí chính thống đưa tin ông từ trần. Đó là những chỉ dấu về sự đồng thuận trong lòng dân khi bày tỏ nỗi tiếc thương đối với một con người.
         Điều mà lâu rồi, và hẳn còn lâu nữa mới xuất hiện. Và đó, cũng là chiến công cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một con người của những chiến công.
         Sẽ là thừa khi nói về những chiến công của ông. Bởi cả thế giới này đã nói đến ông, và những chiến công đó.
Sẽ là thừa khi nói về nhân cách của ông. Một con người nhận được cả sự tiếc thương, ngưỡng vọng của cựu thù thì đâu cần phải nói đến thêm về nhân cách. Đó là điều đã được minh định trong hơn một thế kỷ làm người của ông.
         Nhưng sẽ là thiếu nếu như không nghĩ về chiến công cuối cùng này, về điều mà ông mang lại cho nhân dân bằng hơi thở cuối cùng. Bởi sự ra đi của ông mang lại niềm tin cho những người đang sống.
         Chúng ta có thể đã phần nào mất đi lòng tin vào những giá trị đạo đức khi nhìn thấy những điều xấu xa xuất hiện mỗi ngày. Nhưng khi nhìn vào những đoàn người lặng lẽ đau buồn trước sự ra đi của ông thì niềm tin đó đã trở lại. Bởi hình ảnh đó cho thấy những giá trị từ con người ông, trí tuệ của ông, lòng yêu nước của ông, nhân cách của ông, cuộc sống bình dị của ông… vẫn luôn là điều được nhân dân chân thành ngưỡng vọng.
         Chúng ta có thể đều đã từng bi quan về sự đảo lộn các giá trị sống, đã có lúc nghĩ rằng cả dân tộc này đang chạy theo những điều phù phiếm, sự hư danh, hay tiền tài, vật chất thuần túy. Nhưng khi lắng nghe người dân chia sẻ tình cảm dành cho ông thì chúng ta đã thấy rằng lòng dân không khi nào quên được một con người đã mang lại niềm tự hào cho dân tộc.
         Niềm tin của dân chúng có thể vẫn luôn luôn tồn tại. Nhưng nó lẩn khuất, nó hao mòn trước những điều tiêu cực, những vấn đề khó khăn của đất nước. Rất nhiều người trong chúng ta vẫn cố gắng tìm lại niềm tin ấy trong những nỗ lực của mình, bằng hành động, bằng lời nói, bằng cả sự hi sinh.
         Đôi khi chúng ta nản lòng, đôi khi tuyệt vong khi những nỗ lực đó dường như quá bé nhỏ để lấn át những điều tồi tệ, xấu xa của cuộc sống. Và, khi nhìn vào đoàn người lặng lẽ, u buồn trước ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu thì có một niềm hi vọng đang trở lại một cách mạnh mẽ.
         Có lý gì để mà không tin tưởng vào sự hồi sinh quật cường của một dân tộc biết cúi đầu trước một nhân cách lớn chứ không phải cường quyền?
         Có lý gì để mà không tin tưởng vào một tương lai tốt hơn cho dân tộc khi những con dân bình thường nhất cũng luôn có nhu cầu được tự hào về những chiến công?
Sau khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn tiếp tục mang đến cho những người đồng bào của ông niềm tin tuyệt vời đó. Ông vẫn tiếp tục lập nên một chiến công cả khi không còn hơi thở nữa, một chiến công thậm chí còn khó khăn hơn rất nhiều những chiến công mà ông đã lập trong cuộc đời của mình.
         Năm xưa, những người lính đã tin tưởng vào tài năng của ông mà làm nên một trận Điện Biên Phủ. Giờ đây, niềm tin mà ông tạo ra trong lòng người dân rất có thể sẽ là chỉ dấu bắt đầu cho một kỳ tích mới.

Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

Kính tặng Bác Văn

 Ảnh: Duy Anh
LỜI CHÚC 
                             BÁC là vị Đại tướng đầu tiên
                             Chỉ đạo kháng chiến thắng mọi miền
                             Chúc BÁC: trường thọ, vui, hạnh phúc
                             Lẻ ba trăm tuổi đẹp như tiên.
 Hà Nội 04-10-2013
NÉN TÂM HƯƠNG 
                             Vẫn biết tử sinh vốn lẽ đời 
                             Mà nghe tin dữ thấy chơi vơi 
                             Dâng nén tâm hương con kính viếng 
                             Đau thương vĩnh biệt Bác VĂN ơi! 

TỔ QUỐC GHI CÔNG 
                             Cả nước tiễn Người trong nỗi đau 
                             Trời thương biển nhớ quyện xanh màu 
                             Thế giới nghiêng mình chào Đại Tướng 
                             Ghi công Tổ Quốc mãi mai sau. 
 Hà Nội 04-10-2013
BẠCH LIÊN

*Bài thơ đầu chị Bạch Liên, đăng trên FB, sáng tác hôm 25/8 nhân ngày sinh nhật lần thứ 102 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-25/8/2013). Hai bài thơ sau chị mới sáng tác khi nghe tin Bác mất. Hôm nay xin phép chị được đăng chùm thơ này.   

Hàng triệu người tự cài lấy băng tang

Kính viếng Vị tướng tài Võ Nguyên Giáp

Ôi! Vẫn biết phút giây này sẽ đến
Mà làm sao tim vẫn nghẹn nên lời
Vị tướng tài bao triệu người quý mến
Trái tim Người ngừng đập... Việt Nam ơi!

Tin buồn đưa giữa chiều tối đất trời
Tin buồn đưa đến muôn nơi trái đất
Tin buồn đưa ngỡ chưa là sự thật
Vị tướng tài! Nay đã mất rồi sao?

Từng hàng tre ngỡ như cũng lao xao
Từng trái tim thấy nghẹn ngào thương tiếc
Bữa cơm tối từng nhà dừng ăn tiếp
Cháu ngây thơ ngơ ngác biết chuyện gì?

Vẫn hiểu rằng vòng tử biệt sinh ly
Chẳng ai thoát, chẳng có gì níu được
Đời nhân hậu mấy ai so sánh được
Thế kỷ đời điều mong ước nhân gian!

Khu rừng xưa nghe vọng tiếng suối ngàn
Tên anh Văn vẫn vọng vang bờ cõi
Quân lệnh đầu tiên rõ từng tiếng nói
Phai Khắt, Nà Ngần chói lọi sử xưa...

Đờ Cát gục đầu, hai cánh tay đưa
Từ dưới hầm lên vẫn chưa hiểu nổi
Là tướng phương Tây không ngờ phút cuối
Thành hàng binh cúi đầu dưới sao vàng.

Cầu Hiền Lương chia cắt Bắc Nam
Cuộc chiến mới với vô vàn gian khó
Lời Bác Hồ trong tim ai khắc rõ
"Không có gì quý hơn độc lập, tự do!"

Pháo đài bay? Ta thiêu chúng ra tro!
Vua chiến trường? Ta đập bò ra hết!
Xẻ Trường Sơn! Bao đoàn quân mải miết...
Vị tướng tài thêm anh kiệt vô song.

Nhật lệnh tuyệt vời, dân tộc chờ mong
Thần tốc nữa lên! Vang trong quân ngũ!
Táo bạo nữa lên! Từng giây tranh thủ...
Giải phóng miền Nam! Một nửa cõi bờ...

Khúc khải hoàn rộn rã nhạc và thơ
Quốc kỳ tung bay ước mơ đã thoả
Vị tướng tài thấy nỗi niềm sao lạ.
Trong ngày vui như thấy có Bác về...

Tóc bạc một đời binh nghiệp say mê
Tạm quên chiến trường quay về cuộc sống
Đảng giao việc gì không hề nao núng
Dù có tạm quên gươm súng, sa bàn...

Nụ cười vẫn hiền, tình vẫn chứa chan
Tuổi tác càng cao lại càng đức độ
Bên người lính xưa chia từng cảnh ngộ
Giữa những gian nan vẫn tỏ tim hồng.

Ôi! Vị tướng tài rạng rỡ núi sông
Sử vàng mãi ghi chiến công lừng lẫy
Lễ tang Người... có thể không đến đấy...
Hàng triệu người... tự cài lấy băng tang...

Lê Thống Nhất 

***
Thầy giáo, tiến sĩ Toán học Lê Thống Nhất, từng là giảng viên ĐH Sư phạm Vinh, nay là chủ tịch HĐQT Công ty CP Truyền thông và Giáo dục Trực tuyến, là một thầy giáo được rất nhiều thế hệ học trò biết đến không chỉ qua các cuốn sách, bài giảng môn Toán rất hay mà còn với tài làm thơ của mình. 
Xem các bài thơ của TS Lê Thống Nhất tại link.