Lời ngỏ


Thu rất hiếm khi làm thơ nhưng đọc, hiểu, cảm nhận được những gì tác giả muốn chia sẻ. Cách đây ít lâu được đọc thơ của anh Đỗ Trung Việt, cảm nhận được sức sống mãnh liệt của những vần thơ anh, và giờ đây được Hồng Hoa (Thu Hà/Nguyễn Hoa) chia sẻ những suy tư, những trăn trở về cuộc sống, được Lệ Hằng chia sẻ những bài thơ tình lãng mạn. Thu lập trang thơ với mong muốn nó sẽ là nơi để các bạn yêu thơ chia sẻ những sáng tác của mình hoặc những bài thơ mình yêu thích. Hy vọng những rung động, những cảm xúc của chúng ta sẽ sống mãi với thời gian.

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

XIN NGƯỜI...

    Xin người đừng nhớ đến tôi,
Hãy coi như ở cái thời chưa quen.
    Trái tim tôi vốn yếu mềm,
Đừng khơi dậy nỗi buồn đêm thương ngày.
    Nhỏ nhoi một trái tim này,
Xót xa, cay đắng đong đầy người ơi.
    Nếu người còn nhớ đến tôi,
Chân người dẫm nát tim tôi thêm nhiều.
    Xin đừng đùa với tình yêu,
Trái tim có hiểu cái điều ấy đâu.
    Người gieo chi những hạt sầu,
Cho tôi đủ bốn mùa đau bẽ bàng.
    Trái tim đa cảm, đa mang,
Ngây thơ trước những mưu toan sự đời.
    Xin người đừng nhớ đến tôi,
Là xin lại cả một thời đã yêu.

    (Trót thương người quá, quá nhiều
Tim ơi có chịu nổi điều tôi xin...         )
                01/6/1997
                HNN

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

Về Hà Nội

Hoàng Giang

Ta trở lại Kinh thành
Một chiều chơi Kẻ Bưởi
Tà áo nào phấp phới
Làn mắt nào long lanh.

Chiều còn vương nắng hanh
Trên má đào em gái
Đã nghe đêm đọng lại
Giọt sương gieo cuối thềm.

Se lạnh đôi vai mềm
Ấp ngọc trong tay giá
Bỗng quên thân sỏi đá
Hồn ta thành THI NHÂN.
Hà nội – Mùa đông 1996

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

Chuyện phiếm ngày thứ Bảy

Nói chuyện với "Nhà Nho" thật khó, mà không nói chuyện thì e có điều bất tri. Là bởi nghe anh HG nói về "Tri bỉ, tri kỷ hựu tri túc bách chiến bách thắng" nên có vài lời cần nói thêm. Vì thực ra văn đàn, hay thi đàn mà phải tranh đấu để phải chiến, phải đấu, lại có người được, người thua thì thật dở. Tất cả chúng ta đều không mong muốn điều đó, có phải không HG?
Bây giờ xin nói về câu chữ mà anh HG đã dẫn, có  câu khá phổ  biến  là "tri bỉ, tri kỉ bách chiến bách thắng". Câu này nguyên thủy ở trong sách binh pháp của Tôn Vũ tử, vốn dĩ nhiều đời làm nên kim chỉ Nam của các nhà quân sự. Và cũng được ứng dụng khá thành công trên thương trường. Nguyên văn như sau: 故曰:知彼知己,百戰不殆;不知彼而知己,一勝一負;不知彼,不知己,每戰必敗 ("tri bỉ tri kỷ, bách chiến bất đãi; bất tri bỉ nhi tri kỷ, nhất thắng nhất phụ; bất tri bỉ, bất tri kỷ, mỗi chiến tất bại")
Biết người biết ta, trăm trận không nguy; không biết người mà chỉ biết ta, một trận thắng một trận thua; không biết người, không biết ta, mọi trận đều bại.
Nay anh HG cho thêm "HỰU TRI TÚC". Thì xin lạm bàn chút xem sao!!!
Không hiểu HG nói “hựu tri túc” ở nghĩa nào, thông thường người biết dăm ba chữ  hiểu nôm na nó là:  “Còn biết Cung kính. “Theo cái nghĩa đó ta hiểu cả câu là: “Biết địch, biết ta, lại còn biết Cung kính hay nhẫn (nhường) nhịn (thì) trăm trận trăm thắng.”
Theo nghĩa trong câu của Tôn Vũ thì bình thường, vì quá phổ biến, hầu như ai cũng biết cả, chỉ có điều đem vận dụng như thế nào mới là vấn đề, cho nên vẫn có kẻ thắng người bại, là do vận dụng sai trật mà thôi.
 Khi HG dùng điển ngữ này, lại cho thêm ý “cung kính, nhường nhịn” nữa, thì ra khác hẳn, nó mang khí chất của quân tử Tầu, hehehe! Đọc đâu đó trong tiểu thuyết Kim Dung thường có câu để nhân vật này biểu lộ khí chất “Tầu quân tử” “Cung kính không bằng tuân lệnh”. Ngày nay tranh đấu bằng vũ khí Nguyên tử, phi cơ tàng hình, hay đơn giản bắn nhau tay bo, nhường, nhịn, cung kính đối phương liệu có còn đúng không?
 Nói vui vậy thôi, chứ Hựu tri túc còn lắm nghĩa lắm, "túc” còn có nghĩa là chân con cào cào, châu chấu hay con gián, (mấy ông BBC còn gọi bóng đá là "túc cầu") chỉ dùng trong  trường hợp khác, không mấy ai đưa vào cái câu nổi tiếng ấy.
Trang thơ  là một sân chơi nhỏ, chúng ta tâm sự, giới thiệu với bạn bè những bài thơ hay của các tác giả nổi tiếng, mà cũng là nơi chúng ta mời các bạn đồng điệu đọc những bài thơ mình tự sáng tác, có hay có dở, và nếu cần thì giúp nhau nhặt sạn,  những câu chữ ngữ nghĩa còn khiếm khuyết, tuyệt nhiên không có ác ý, và cũng không nên có ác ý, nhưng không phải vì vậy mà cấm người khác nói lên suy nghĩ, hay sự vật mà mình biết. Có thể điều gì đó là hiện tượng, không thuộc bản chất, và qua tiếp xúc, trao đổi thì hiểu nhau hơn, giao tiếp có cái hay ở chỗ đó.
Bởi vậy, khi HG dẫn câu có nói đến tranh đấu, thắng bại ở đây là không hợp, và cũng không ai muốn, để dành sức chiến đấu với họa mất nước, với thói hư tật xấu đang tràn lan trong xã hội thì đáng hơn.
À còn có điều muốn nói, trang thơ tuy nhỏ, nhưng là blog mở nên thiên hạ, những người có kiến thức uyên bác cũng có thể ghé xem, ta nói đông nói tây nhưng viết sai chính tả thì e bị cười, vậy nên có câu chữ viết chưa đúng thì nên xem lại, không để thiên hạ chê cười.
Tiếc vì: “Rượu đem vào dã bao đau đớn – Rượu dã xong rồi biết gì say – Sống ở trên đời nên biết nhậu – Gian nan rèn luyện, nhậu càng hay!”
Trên đây là trích dẫn lời HG trong bài Tâm sự, tuy rằng đã xin lỗi Hồ lãnh tụ rồi, nhưng HG dùng chữ “DÔ  ở đây là chưa đúng. Dã này người ta dùng trong “Dã ngoại” “Việt dã” “Hoang dã” “Dã man” v.v chứ không dùng để chỉ hành động làm cho hạt thóc thành hạt gạo, vậy phải dùng chữ “gi” mới đúng. Hay tốt nhất là bắt chước Hồ lãnh tụ dùng chữ Z. Zã, gạo đem vào zã bao đau đớn, còn anh HG là “ Rượu đem vào zã bao đau đớn…” hehehe! Khỏi suy nghĩ chi cho mệt!
Nhân tiện nói đến rượu, tôi có viết bài về đề tài này đăng trên BT lâu rồi, mời anh HG và các bạn đọc lại cho vui ở đây (nhẽ ra tôi viết ở comment, nhưng dài quá đành đưa lên đây, coi như một bài đọc chơi lúc nhàn tản vậy)

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

Thay lời tâm sự

Thư gửi Trang Thơ

Hà nội, ngày 20/9/2011

Các bạn trên Trang Thơ yêu quí!

Xin chân thành cảm ơn các bạn đã ưu ái những vần thơ mộc mạc, giản dị của tôi góp vào Trang Thơ của chúng ta. Lần đầu đăng thi đàn được mọi người dành cho tình cảm như vậy, tôi rất lấy làm vinh hạnh. 
Tính tôi hay rụt rè một cách rất dở hơi (bạn bè thương chỉ gọi là Hâm!), chả thế mà ngày xưa sau một mớ cuộc tình xôi hỏng, bỏng cháy (khét lẹt!) các bạn đặt cho một Mĩ hiệu: Chàng hiệp sĩ chưa cầm thương đã chực ngã ngựa. Tôi lại còn dương dương tự dắc bảo rằng: trong tử vi tôi có cái số Tiễn người yêu đi lấy chồng, mua quà đến tặng trẻ con cơ đấy! Cho nên Nữ sĩ BL gán cho cái mác Gã tình si ôm vò rượu cũng chẳng oan chút nào. Âu đó cũng là chất lãng tử trong những vần thơ giản dị của tôi chăng! 
Cảm ơn Bảy Tàng có bài họa thơ rất độc đáo (sau đó còn có các bài họa của HDT và Nữ sĩ họ Hồ nữa), Tôi với Chàng chẳng cùng một ý hay sao, chẳng qua là cách thể hiện khác nhau mà thôi! 
Còn tôi với HDT thì chửa lườm đã hiểu rồi! Câu hay nhất của ông là: "Sinh ra đã biết thương xôi tiếc chè." Tôi biết ông Thương & Tiếc cái gì rồi! Còn tôi cứ sướng âm ỉ cái câu: "Dăm câu “họa” với bạn hiền"; Cầu trời cho chữ “họa” ấy đừng lấy nghĩa trong từ “Tai họa”, nếu là nghĩa ấy thì chỉ để cho con thôi, con không muốn nó mắc họa cùng con đâu! Xin Trời ban phước! Con luôn là bạn hiền của nó mà! Duy chỉ bài họa của Nữ sĩ họ Hồ (thi tính do AMK3 đặt) còn có chỗ non tay. Điều này tôi phải giải thích: ý của cụm từ "no xôi chán chè" được dùng là để chỉ cái sự sống sót của con người qua trận mạc hay là qua những cuộc đoạn trường…chỉ cần được nghe một tiếng Cuốc kêu hoặc ngắm một nụ Lựu nở…khi vào hè là đã thấy hạnh phúc lắm rồi chứ có cần phải vinh hoa phú quí gì đâu! Thế là qua cuộc đoạn trường…chỉ là tiếng thở dài nhẹ nhõm của một gã lính già vừa qua cơn binh lửa…Nếu có dịp diện kiến, tôi mới có thể thưa hết được với Nàng cái ý mà tôi chót gọi là “non tay” ấy! Song thực sự vinh hạnh được Nàng mở rộng ý thơ tôi bằng những xúc cảm sâu lắng của Nàng. Có điều gì chưa phải thì cũng xin Nàng hai chữ Đại xá. 
Ngoài lời cảm ơn ra, tôi còn xin vài lời Ní nuận (các cụ gọi là nói nhẽ!) nữa, các bạn thấy điều gì không hạp thì cứ tai nọ sang tai kia nhé! Phàm đã là bạn mày xanh thì cái việc xướng họa với nhau ấy là chuyện thường tình. Dưng cơ mà còn dăm bảy đường múa bút; nào là Họa thơ, Mượn thơ, Dẫn thơ, Thơ bình, Lẩy thơ, Đối thơ… nào là Nhại thơ, Đấu thơ… thậm chí lại còn là Đạo thơ. Song nói cho cùng đã là bạn Mi thanh mục tú thì chỉ tròn trong hai chữ: ý và lời. Tôi ước ao được thưởng thức những vần thơ đầy tài hoa của các bạn và tất nhiên cũng không thể thiếu những lời phê bình đầy chất thơ như thế. 
Cảm ơn Nương nương Tổng quản HT cùng Blogger AMK3 vì đã chăm lo, dìu dắt kỹ càng cho límh mới và “móc” được tấm ảnh thời “đầu bò đầu bướu” của tôi để đưa lên làm “thương hiệu” . Còn tôi bây giờ thì đã được những bàn chân của thời gian  ưu ái” dày xéo cho méo mó hết cả rồi. Thôi thì quan san cách trở, kiến văn kỳ thanh thôi chứ đừng kiến văn kỳ hình mà làm gì, dễ mất ý thơ lắm Nàng ơi! 
Cảm ơn Nữ sĩ Bạch Liên với những lời bình rất dịu dàng, đầy nữ tính và cũng rất nhiều thắc mắc! Như anh Tuấn Linh đã nói: "buồn nhất là việc TG phải giải thích thơ mìmh." Vậy là Ai cũng hiểu chỉ mình Nàng không hiểu, tôi biết vui hay phải buồn đây! Song, nói thế thôi cho nó nhuốm màu quan san, Ta vốn quen với nỗi buồn Muôn thuở rồi, sẽ cố giải thích cho Nàng cặn kẽ (có lẽ còn ngoài cả sức tưởng tượng!?) Năm Ta (các bạn thông cảm nhé, cái bàn phím của tôi nó bị lỗi nên mỗi lần đánh từ nào có chữ “i" ở cuối từ là y như nó lại nhảy sang một chữ gì đó kỳ quái lắm, nên phải dùng đại từ “Ta” cho tiện dụng) học xong lớp 7, thì cũng vừa “gạo” xong Tam tự kinh và về sau này chỉ nhớ được mỗi một câu trọn ý: "Ngọc bất trác, bất thành khí để tiện cho việc Tu thân." Khi làm thơ thì các cụ dạy: "Phải có Điển và Tích thì ý thơ mới sâu xa." Giá chi các cụ có cái thước để dò được lòng người thì “Thi nhân” đỡ khốn đốn bao nhiêu! Trong bài thơ “Quà tặng bạn” có câu: Lấy Ngự bình làm thế
Viết tặng câu Vuông Tròn.
Theo quan niệm phương Đông cổ: Trời tròn - Đất vuông (nên ta mới có Tích Bánh chưng – Bánh dầy). Còn một ý nữa là theo dân gian như câu ca dao mà anh Tuấn Linh đã dẫn. Vậy viết tặng bạn khi gả con bằng câu Vuông Tròn thì chắc là không còn ý nào hơn được nữa, phải không Nàng! Lấy Điển & Tích Vuông – Tròn để ví cái công đức Sinh thành & Dưỡng dục của cha mẹ đối với các con và hơn nữa, con đã lớn khôn hoàn hảo mới mang gả cho người đời thì chắc tôi đã không phụ khát vọng Thi hồn, thi túy của các Bạn thơ rồi! Rồi lại còn câu Lấy Ngự bình làm thế thì phải hiểu thế nào đây? Ngoài cái ý của một cụm từ Điển: Hình sông – Thế núi ra, Nàng cứ hình dung một lão nho sinh áo xám (dùng hình tượng cho nó có vẻ ba Tàu một chút) đứng quay lưng về hướng Tây Nam, trước mặt là núi Ngự bình, đối diện với Ngọ môn, đang cầm bút viết lên dải lụa là dòng Hương mượt mà uốn lượn của xứ Huế chỉ để tặng được bạn một câu Vuông Tròn thì mới hiểu được cái Điển của câu “ý tại ngôn ngoại” vậy. Cũng như vậy khi Ta dùng cái Tích “Nữ Oa đội đá vá trời” để lấy cái thực (là ông bạn ta đã từng Trần thân đội đá - và cả vôi, cát , xi măng… nữa - làm nhà - thời khốn khó - cho vợ cùng các con có mái ấm gia đình) làm nền cho tứ luận của bài thơ. Còn nữa, Ta rất cảm ơn Nàng vì còn một chút cảm thông khi thấy Ta không đến nỗi đáng ghét lắm do chỉ uống đến mức thoáng say thôi để còn đường “thăng thiên”. Có một câu chuyện thế này: hôm ấy, mấy thằng bạn ngồi nhậu với nhau “đã đời trời đất” rồi, mấy ông bạn nhậu đều “quắc cần câu” hết rồi vẫn thấy Ta ngồi thung dung uống bia, hút thuốc. Một ông bạn hỏi: "u-u- uốn nhều zâ- zâ - zdậy sao mày không say hả z – z – zdang …?" Ta cười nhẹ đáp: "ba cái vụ lẻ tẻ này nhằm nhò gì. Làm cái gì cũng phải có tiêu chí. Tiêu chí của các ông là Uống rượu để say rượu thì các ông say rượu là đúng rồi, còn tiêu chí của Ta là Uống rượu để say người mà ngoài các ông ra, Ta còn chưa tìm được người nào để mà say. Ta thua các ông là cái chắc! Bây giờ ta chịu phạt theo cách "tra tấn” các ông bằng thơ của Ta thôi!" 
Mấy ông bạn tỉnh hết cả rượu, thật là tiếc lắm thay!
Tiếc vì: “Rượu đem vào dã bao đau đớn – Rượu dã xong rồi biết gì say – Sống ở trên đời nên biết nhậu – Gian nan rèn luyện, nhậu càng hay!” (xin Cụ Hồ trăm ngàn lần tha tội cho con vì câu nhại thơ này!) Vậy, Nàng có thấy “Đường thăng thiên” của Ta đã rộng mở đến mức nào không? Cảm ơn các “Nhà phê bình nhà thơ” Tr.Trung, VNQ, Hữu Thành…vì những nhận xét tinh tế với độ hiểu biết sâu rộng trên mọi lĩnh vực. Nếu không như thế, thi đàn làm sao dậy sóng. Tôi vẫn thường trộm nghe mọi người nói một câu trong Binh pháp Tôn tử: Tri bỉ, tri kỷ bách chiến bách thắng. Còn cái tôi được học có khác một chút: Tri bỉ, tri kỷ hựu tri túc bách chiến bách thắng. Không biết tôi học có đúng sách không như nhưng vì chẳng còn ai để tranh biện cái việc đánh đấm nên đành bụng bảo dạ: Hơn thua để làm gì, âu cũng là muôn mặt đời thường ấy mà! Xin thú thật với bạn bè, mặt tôi chỉ có một nhưng ở địa hạt nào cũng có thể có còn hồn tôi thì đã bị Treo ngược lên cành cây và lả lướt đìu hiu cùng ngọn Liễu từ tấm bé rồi. Tôi từ xưa vẫn hay làm thơ, vừa là để Tu thân vừa là để "Tra tấn” các bạn tôi cho các ông ấy tỉnh rượu chứ không phải “Giọng thơ vàng vừa được khai quật”. Chả thế mà sau chuyến xe từ Hạ long về hôm 24/8 vừa rồi, ngồi uống bia “tẩy trần” với đ/c Giang mù K9, tôi cũng nói đùa rằng: tôi và ông thôi thì cứ “đơn giang” chứ cứ “song giang” thì thành lũ mất. Nói zậy chứ không mất zậy, tôi với hắn còn nhậu với nhau vài cuộc nữa sau đó. Còn nữa, việc HDT & TL có lỡ cuộc hẹn với Tr.Trung hôm sau là do tôi cầu viện Giáo sư TL giảng cho một bài về CNTT mà thứ ấy tôi lại mới chỉ ở ngưỡng “Tam tự kinh”. 

Các bạn trên Trang Thơ yêu quí! Đêm ngắn – Tình dài, đôi dòng ra mắt để được Đăng Thi đàn không nói hết được lòng thi nhân. Hẹn gặp nhau dài dài trên Trang Thơ để cùng chia sẻ.

Hoàng Giang kính bút.

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Bạn tôi

Nén hương thành kính dâng tặng: 
Liệt sỹ Nguyễn Hữu Loan, 1959 - 1979

 Ảnh minh họa

Bạn tôi lúc tuổi hai mươi
Đã lìa bỏ cuộc đời
Vì một vết thương vào ngực.

Hai mươi năm sống cuộc đời chân thực
Bạn tôi đã vội đi rồi!
Niềm vui của một kiếp người
Bạn tôi chưa bao giờ có được.

Cha mẹ già nhìn tấm bằng “Tổ quốc
- Ghi công” người liệt sỹ năm nào,
Vẫn cầu mong, như một giấc chiêm bao
Bạn tôi sẽ về sau bao năm lưu lạc.

Nghĩa trang Trường Sơn - những tấm bia đã bạc
Tên của Anh và năm tháng hưởng dương.
Những tấm bia không che dấu bất thường
Khi chứng nhận anh hai mươi tuổi!

Chúng tôi đứng đây giữa muôn vàn tiếc nuối
Những máu xương đã đánh đổi hôm qua
Cho bình yên cuộc sống mọi nhà
Và tất cả chúng ta - những người đang sống!!!
Bích Liên

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

Bông hồng

 Nguồn ảnh: Internet

Ai tặng cho ai những bông hồng
Để rồi vương vấn nhớ và mong
Màu hoa dấu kín điều không nói
Say đắm, nồng nàn vẫn trắng trong.

Vì sao biển cả rộng mênh mông
Đầy ắp niềm vui lẫn bão giông
Còn chờ dòng nước trong từ suối
Theo lạch theo nguồn tới biển Đông?

Liệu có điều chi khó nói không
Mà sao e ấp tận đáy lòng
Đôi khi bối rối, buồn vô cớ
Tự nhủ đừng mong, sao vẫn trông?

Hay bởi lẽ đời nước về sông
Con sóng giao nhau thành nhớ mong
Khao khát lòng người không biên giới
Ôm cả đất trời biển mênh mông!

Ướp lạnh con tim, ép bông hồng
Gói cất mùa xuân giữa mùa đông
Để cho kỷ niệm còn mãi mãi
Và điều chưa nói luôn trắng trong.

Hà Nội, 8 tháng 3 năm 2004
Bạch Liên

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

Thơ hoạ


    Hoạ thơ Hoàng Giang  
    
   Đúng là Ông _ Đúng là Tôi,
Có ai không muốn " no xôi chán chè."
    Mặc người nói, mặc người chê,
Đến già ta chẳng " chán chè, no xôi."
    Đấy là Ông _ Đấy là Tôi,
Đoạn trường ngẫm cái Nghiệp Đời thêm đau.
    Gio' sương nhuộm trắng mái đầu,
Tri âm, tri kỷ, còn đâu mấy người.
    Thế là Ông _ Thế là Tôi,
Run run ly rượu kề môi ngậm ngùi...
    Mới hay muôn sự tại trời,
Vậy mà Ông _ Vậy mà Tôi " Vưỡn" cười.
   
     Họa thơ, múa bút chút thôi,

Cũng là Ông _ Để mà tôi có " nhời".

                       09/2011
                       Hồ Như Nguyện

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

Hoài cổ

Nguồn ảnh: Internet
Hoàng Giang
                               Ta lại về đây ơi xứ Thanh!
                               Chạnh chút tình riêng với Tây Thành
                               Sông Mã, nước còn tươi sắc nắng
                               Núi Hàm, thông vẫn biếc tầng xanh
                               Quay về chốn cũ, người xưa vắng
                               Trở bước giang hồ, nắng nhạt tênh
                               Thôi buồn chi nữa thi nhân hỡi!
                               Hãy trả tình thơ lại Kinh thành.

                               Thanh Hóa – Mùa thu 1996

PS: Sau khi đọc xong nhận xét của chị Bạch Liên về bài viết "Tản mạn 2011" của anh Hoàng Giang. HT thấy không thể không đăng thêm bài thơ "Hoài cổ", một bài thơ nhỏ xinh xắn đầy cảm xúc, tinh tế và xúc tích đến từng câu chữ. Không biết HT nhận xét như vậy có thiên vị quá không nhỉ khi mà tác giả chưa hề "lộ diện" để giao lưu cùng độc giả Trang Thơ. 2h luôn nhắc HT là: "Cậu không nên đăng bài liên tiếp như thế, kể cả bài của mình. Khoảng 1 tuần đăng một bài, để còn nhâm nhi, suy ngẫm." Tuy vậy hôm nay là một ngoại lệ. Hy vọng 2h sẽ không phản đối.  

Trăng

Nguyễn Trọng Oánh là một trong những người đầu tiên tham gia thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, là biên tập viên đầu tiên của tờ Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Bài thơ tình có nhan đề "Trăng" của ông đã được nhạc sĩ Xuân Đông phổ nhạc thành bài hát "Trăng Thu". Xin giới thiệu với bạn đọc Trang Thơ bài "Trăng". 

 Ảnh minh họa
                               Nhớ trung thu năm trước
                               Ôm trăng ngủ giữa đèo
                               Ngày đi ngàn dặm đất
                               Đêm xáp mặt người yêu
                               Vội vàng hôn mái tóc
                               Gió đèo chợt lao xao
                               Mắt nhòa trong ánh mắt
                               Tỉnh dậy thành chiêm bao
                               Em ơi tình có một
                               Mà mùa trăng có nhiều
                               Từ thuở có mặt trăng
                               Có bao nhiêu hẹn ước
                               Đêm nay lại đêm rằm
                               Ta quên nhau sao được
                               Xa xôi đường hành quân
                               Lòng em hay đáy nước
                               Ôm một ánh trăng rằm
                               Dõi theo anh từng bước.
Nguyễn Trọng Oánh
PS: Cảm ơn Nặc danh 16:01 Ngày 09 tháng 9 năm 2011 đã gợi nhớ lại bài thơ này.

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

Chờ con má nhé!

 Ảnh minh họa
                        Nhớ hôm nào tiễn con, trên bến
                        Bến dừa xanh, trìu mến má hôn con
                        Miền Nam khuất núi che non
                        Chiều bên lửa sáng má còn dõi trông
                        Lần kim trên áo, tay rung:
                        ''Hắn đi ngày ấy lúa đồng đang xanh
                        Bấm tay má nhớ ngọn ngành:
                        Hai mùa lúa chín con mình về đây"
                        Ngày xưa sống đoạ sống đầy
                        Vàng con mắt má chuỗi ngày tối tăm
                        Bốn mùa bao bố che thân
                        Củ môn hột sấu xót lòng má ơi!
                        Ngày nay được thấy mặt trời
                        Thấy lưng thẳng lại, thấy đời trẻ ra
                        Ô rơm xếp kín hột gà
                        Có nồi cơm nếp ở nhà đợi con
                        Chôm chôm còn chín đỏ vườn
                        Ngàn năm thắm mãi công ơn Bác Hồ
                        Tuổi cao mắt má có mờ
                        Cố hai năm nữa má chờ Bác vô
                        Đêm đêm nhẩm đọc i tờ
                        Cầu sao viết nổi chữ: Hồ Chí Minh
                        Ghi lên lá phiếu đinh ninh
                        Khắc sâu thêm cả mối tình Bắc Nam
                        Giờ đây vắng bóng sao vàng
                        Qua cầu đôi nhịp má sang tới bờ
                        Dù cho nước cả sóng xô
                        Vững chân má bước, trông cờ má đi
                        Tháp Mười còn lúa xanh rì
                        Còn kênh ngập nước, còn khi con về...
                        Má ơi! Thương má một bề
                        Hồ Gươm bóng Tháp nghiêng về hướng Nam
                        Có người chị, thức thâu đêm
                        Thêu con chim trắng trên nền khăn xanh
                        Trắng này thêm trắng dòng kênh
                        Xanh này thêm thắm màu xanh lá cờ
                        Con tô tám chữ lên cờ:
                        "Miền Nam là của cõi bờ Việt Nam"
                        Con in lên gối con nằm
                        Con ghi trong dạ, con hằn trong tim
                        Hải Vân dốc ngược cây chen
                        Lòng băng trăm núi, tình xuyên vạn đèo
                        Đê cao khôn cản sóng triều
                        Cả cây đâu dễ ngăn chiều gió lên?
                        Ngày mai nắng toả mọi miềm
                        Thanh trà đậu trái, sầu riêng rợp vườn
                        Em cười giữa lúa thơm hương
                        Chờ anh trong nắng gió vờn tóc bay
                        Chân trâu lại vạch luống cày
                        Gà ta xao xác gọi bầy bên sân
                        Bát cơm má thổi trắng ngần
                        Đèn khêu tỏ ngọn, tay cầm má trao...
                        Con đi, má khóc hôm nào
                        Con về má đón ngã vào hai tay...

                        1955

Giới thiệu về bài thơ:
Năm 1955, chàng sinh viên 21 tuổi Hà Thúc Chỉ với bút danh Thúc Hà bước lên đài Thơ với bài thơ Chờ con má nhé! Đó là tiếng của hàng triệu trái tim người dân Việt hai bên bờ Bến Hải trong nỗi đau chia cắt và nỗi khát khao đoàn tụ: 
"Con đi má khóc hôm nào 
Con về má đón ngã vào hai tay"
Bài thơ được truyền trong nước trước khi đem đi thi tại ĐHLH Thanh niên-Sinh viên TG lần thứ V tại Ba Lan. 8/8/1955 tại cung VH ở Vác-xa-va, bài thơ được trao Huy chương Vàng. Ban GK cuộc thi Thơ do nhà thơ Thổ Nhĩ Kỳ nồi tiếng Na-Dim-Hit-mét làm chánh chủ khảo. Có thể nói trong 2 năm 1955-1956, tên tuổi Thúc Hà nổi bật trong làng thơ Việt. Bài thơ được đưa vào SGK ở trường PT thời gian ấy. Biết bao lớp học sinh đã thuộc lòng và có người đến bây giờ sau 50 năm vẫn còn nhớ như in những câu thơ tình nghĩa đó. Nó cũng được NS Châu Loan nhiều lần ngâm trong buổi Tiếng Thơ của Đài TNVN. Nhà văn Sơn Tùng, thành viên chính của đoàn Đại biểu TN-SV hồi ấy là người ngâm bài thơ trước ĐH kể: "Tôi đã ngâm đầy xúc động bài thơ đó trước bao người ở Hà Nội, lần này là với tuổi trẻ trên 80 nước. Bài thơ đã được dịch ra tiếng Pháp (nhà thơ GS Phạm Huy Thông dịch) và tiếng Anh, còn tôi ngâm bằng tiếng mẹ đẻ của mình." 
(Nguồn: catbien)

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

Tết Trung Thu

 Nguồn ảnh: Triệu Hoa Hồng Blog

Trung thu năm trước con cùng mẹ
Đến Bệnh viện K thăm các em
Mới đấy, thời gian đã một năm
Bánh trung thu lại nhắc Trăng Rằm.

Con ở nơi xa lo bài vở
Sẽ không trăng, không bánh, không sao!
Mẹ ở quê nhà vẫn ước ao
Mùa Trung thu tới cùng đám trẻ.

Chúng sẽ được vui như con mẹ
Được nô đùa múa hát cùng Trăng
Được bình yên nhìn ngắm chị Hằng
Và âu yếm nhận quà như trước.

Nhưng có thể, con yêu, không được
Vì có em đã vội đi rồi
Cha mẹ đã cho em cuộc đời
Những đứa trẻ không niềm vui sống!

Những đôi mắt vẫn còn hy vọng
Những đôi tay vẫn đấy – chìa ra
Và niềm tin sâu thẳm, xót xa
Lòng nhân ái hay là lãnh đạm???

Hà Nội, tháng 8/2011
Thu Hà