Nguồn ảnh: Internet |
Hoàng Giang
Ta lại về đây ơi xứ Thanh!Chạnh chút tình riêng với Tây Thành
Sông Mã, nước còn tươi sắc nắng
Núi Hàm, thông vẫn biếc tầng xanh
Quay về chốn cũ, người xưa vắng
Trở bước giang hồ, nắng nhạt tênh
Thôi buồn chi nữa thi nhân hỡi!
Hãy trả tình thơ lại Kinh thành.
Thanh Hóa – Mùa thu 1996
PS: Sau khi đọc xong nhận xét của chị Bạch Liên về bài viết "Tản mạn 2011" của anh Hoàng Giang. HT thấy không thể không đăng thêm bài thơ "Hoài cổ", một bài thơ nhỏ xinh xắn đầy cảm xúc, tinh tế và xúc tích đến từng câu chữ. Không biết HT nhận xét như vậy có thiên vị quá không nhỉ khi mà tác giả chưa hề "lộ diện" để giao lưu cùng độc giả Trang Thơ. 2h luôn nhắc HT là: "Cậu không nên đăng bài liên tiếp như thế, kể cả bài của mình. Khoảng 1 tuần đăng một bài, để còn nhâm nhi, suy ngẫm." Tuy vậy hôm nay là một ngoại lệ. Hy vọng 2h sẽ không phản đối.
Hay ! Bài thất ngôn bát cú khá chuẩn .
Trả lờiXóaKhông hiểu sao cái thằng " thổ mừ " xứ Cao Bằng này lại nặng tình với Tây đô đến vậy - hay là cái con mẹ " đốp " nhà nó người Thanh ?.
" Quay về chốn cũ người xưa vắng " - có lẽ chuyên án phải đi tìm đối tượng khác chư ko phải cái người hôm nay !.
Hai câu kết " thôi buồn chi nữa thi nhân hỡi / Hãy trả tình thơ lại Kinh thành " - nói dzậy mà ko phải dzậy .
Nếu giã từ quá khứ mà êm nhẹ & dễ dàng vậy , thì màu sắc thi ca chỉ còn non nửa mà thôi , còn sức nặng của nó chắc chỉ là đôi ba ..."lạng ".
Đôi lời vậy thôi , còn muốn sâu hơn , mơ mộng , huyền diệu hơn phải nhờ tới mấy giáo sư TL , QT . TP & nữ sĩ BL ...cho đôi lời phi lộ !!!.
Em rất thích những cụm từ:
Trả lờiXóa"Chạnh chút tình riêng...nước còn tươi sắc nắng...thông vẫn biếc tầng xanh...nắng nhạt tênh"
Có thể nói TG đã dùng những từ đó rất "đắt". Chúng tạo ra sự tương phản giữa cảnh sắc tươi đẹp của thiên nhiên với sự bâng khuâng, sự hoài niệm. Ta ko thường gặp những cụm từ như vậy trong những bài thơ khác, nhưng khi đứng bên nhau chúng tạo nên bối cảnh cho chủ đề "Hoài cổ". Ở 2 câu kết dường như ko phải TG khuyên mình mà là "Đời khuyên người". Phải vậy thôi. Dẫu rằng...
Đọc bài thơ nầy,thật ko tưởng tượng nổi TG có cả một đời binh nghiệp : ăn-súng pháo,ngủ-súng pháo,mơ-súng pháo,gần bốn chục năm liền tù tì suy nghĩ cùng 'thần chết'.
Trả lờiXóaBài thất ngôn bát cú tuy chưa tuân thủ đầy đủ 5 điều nghiêm khắc của thơ Đường luật là : Luật, niêm, vần, đối và bố cục,nhưng vẫn có thể nói tới 2 chữ 'hoàn hảo'.
Mới đọc đầu đề bài thơ đã khiến cho ta liên tưởng đến một mùa man mác buồn của những ngày xa vắng. Tác giả buồn khi thăm lại “xứ Thanh“, thăm lại nơi kinh thành phía tây của triều đình xưa. Có lẽ tác giả chẳng buồn vì nhớ thương những chủ nhân của kinh thành ngày ấy hoặc thương tâm trước cái còn lại qúa ít ỏi của di sản ngày xưa. Tác giả “quay lại chốn xưa“ và buồn vì “chạnh chút tình riêng“. Khi nhìn thấy cảnh “sông Mã, nước còn tươi sắc nắng; Núi Hàm, thông vẫn biếc tầng xanh“ cảnh vẫn như còn tươi mới, rất nên thơ nhưng “người xưa vắng“. Cảnh ở đây rất đẹp. Tác giả có sự quan sát tinh tế, đã vẽ lại cảnh sông núi rất hữu tình. Bóng núi “biếc tầng xanh“ soi hình trên dòng sông với “nước còn tươi sắc nắng“. Sắc nắng “ở đây chắc hẳn vào một ngày trời trong xanh chiếu ánh nắng vàng trên mặt đất, trên dòng sông. Sông và núi dù đứng gần hoặc xa nhau thì luôn là sự tồn tại song song; có sông là có núi, như khi nói đến anh là nói đến em, vậy mà ở đây chỉ có một người. “Người xưa“ của tác giả có lẽ không phải là người bạn đời vì nếu là người bạn đời thì thấy cảnh xưa nhớ về người của mình chứ không buồn. Có thể “người xưa“ của tác giả là một mỹ nhân người xứ Thanh hoặc là ai đó đã cùng tác giả có thời cùng nhau tới xứ Thanh. ”Chút tình riêng“ dang dở khiến tác giả nhớ lại và buồn. Buồn nhớ về dĩ vãng nhưng vẫn phải chấp nhận thực tại, vẫn phải trở về với cuộc sống hiện hữu.
Trả lờiXóaThăm lại “chốn cũ“ rồi ra về với nỗi buồn mênh mang và cảm thấy “nắng nhạt tênh“. Tác giả dùng từ “tênh“ nghe rất lạ và vần “ênh” đã phá vỡ mất sự liên kết vần giữa các câu, nhưng xem ra có vẻ hợp với tâm trạng “hoài cổ“. Tác giả tự an ủi mình đừng buồn “thôi buồn chi nữa…” rồi tác giả “trả lại tình thơ với kinh thành“ trả lại mối tình dang dở thơ mộng ngày nào cho kinh thành. Nhưng độc giả cảm thấy nỗi buồn vẫn theo tác giả ra về.
Bài thơ xúc tích, nghe tiếng thơ váng vất một chút lãng đãng giang hồ của người từng trải. Đọc xong bài thơ có cảm gíac thú vị.