Lời ngỏ


Thu rất hiếm khi làm thơ nhưng đọc, hiểu, cảm nhận được những gì tác giả muốn chia sẻ. Cách đây ít lâu được đọc thơ của anh Đỗ Trung Việt, cảm nhận được sức sống mãnh liệt của những vần thơ anh, và giờ đây được Hồng Hoa (Thu Hà/Nguyễn Hoa) chia sẻ những suy tư, những trăn trở về cuộc sống, được Lệ Hằng chia sẻ những bài thơ tình lãng mạn. Thu lập trang thơ với mong muốn nó sẽ là nơi để các bạn yêu thơ chia sẻ những sáng tác của mình hoặc những bài thơ mình yêu thích. Hy vọng những rung động, những cảm xúc của chúng ta sẽ sống mãi với thời gian.

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

Chờ con má nhé!

 Ảnh minh họa
                        Nhớ hôm nào tiễn con, trên bến
                        Bến dừa xanh, trìu mến má hôn con
                        Miền Nam khuất núi che non
                        Chiều bên lửa sáng má còn dõi trông
                        Lần kim trên áo, tay rung:
                        ''Hắn đi ngày ấy lúa đồng đang xanh
                        Bấm tay má nhớ ngọn ngành:
                        Hai mùa lúa chín con mình về đây"
                        Ngày xưa sống đoạ sống đầy
                        Vàng con mắt má chuỗi ngày tối tăm
                        Bốn mùa bao bố che thân
                        Củ môn hột sấu xót lòng má ơi!
                        Ngày nay được thấy mặt trời
                        Thấy lưng thẳng lại, thấy đời trẻ ra
                        Ô rơm xếp kín hột gà
                        Có nồi cơm nếp ở nhà đợi con
                        Chôm chôm còn chín đỏ vườn
                        Ngàn năm thắm mãi công ơn Bác Hồ
                        Tuổi cao mắt má có mờ
                        Cố hai năm nữa má chờ Bác vô
                        Đêm đêm nhẩm đọc i tờ
                        Cầu sao viết nổi chữ: Hồ Chí Minh
                        Ghi lên lá phiếu đinh ninh
                        Khắc sâu thêm cả mối tình Bắc Nam
                        Giờ đây vắng bóng sao vàng
                        Qua cầu đôi nhịp má sang tới bờ
                        Dù cho nước cả sóng xô
                        Vững chân má bước, trông cờ má đi
                        Tháp Mười còn lúa xanh rì
                        Còn kênh ngập nước, còn khi con về...
                        Má ơi! Thương má một bề
                        Hồ Gươm bóng Tháp nghiêng về hướng Nam
                        Có người chị, thức thâu đêm
                        Thêu con chim trắng trên nền khăn xanh
                        Trắng này thêm trắng dòng kênh
                        Xanh này thêm thắm màu xanh lá cờ
                        Con tô tám chữ lên cờ:
                        "Miền Nam là của cõi bờ Việt Nam"
                        Con in lên gối con nằm
                        Con ghi trong dạ, con hằn trong tim
                        Hải Vân dốc ngược cây chen
                        Lòng băng trăm núi, tình xuyên vạn đèo
                        Đê cao khôn cản sóng triều
                        Cả cây đâu dễ ngăn chiều gió lên?
                        Ngày mai nắng toả mọi miềm
                        Thanh trà đậu trái, sầu riêng rợp vườn
                        Em cười giữa lúa thơm hương
                        Chờ anh trong nắng gió vờn tóc bay
                        Chân trâu lại vạch luống cày
                        Gà ta xao xác gọi bầy bên sân
                        Bát cơm má thổi trắng ngần
                        Đèn khêu tỏ ngọn, tay cầm má trao...
                        Con đi, má khóc hôm nào
                        Con về má đón ngã vào hai tay...

                        1955

Giới thiệu về bài thơ:
Năm 1955, chàng sinh viên 21 tuổi Hà Thúc Chỉ với bút danh Thúc Hà bước lên đài Thơ với bài thơ Chờ con má nhé! Đó là tiếng của hàng triệu trái tim người dân Việt hai bên bờ Bến Hải trong nỗi đau chia cắt và nỗi khát khao đoàn tụ: 
"Con đi má khóc hôm nào 
Con về má đón ngã vào hai tay"
Bài thơ được truyền trong nước trước khi đem đi thi tại ĐHLH Thanh niên-Sinh viên TG lần thứ V tại Ba Lan. 8/8/1955 tại cung VH ở Vác-xa-va, bài thơ được trao Huy chương Vàng. Ban GK cuộc thi Thơ do nhà thơ Thổ Nhĩ Kỳ nồi tiếng Na-Dim-Hit-mét làm chánh chủ khảo. Có thể nói trong 2 năm 1955-1956, tên tuổi Thúc Hà nổi bật trong làng thơ Việt. Bài thơ được đưa vào SGK ở trường PT thời gian ấy. Biết bao lớp học sinh đã thuộc lòng và có người đến bây giờ sau 50 năm vẫn còn nhớ như in những câu thơ tình nghĩa đó. Nó cũng được NS Châu Loan nhiều lần ngâm trong buổi Tiếng Thơ của Đài TNVN. Nhà văn Sơn Tùng, thành viên chính của đoàn Đại biểu TN-SV hồi ấy là người ngâm bài thơ trước ĐH kể: "Tôi đã ngâm đầy xúc động bài thơ đó trước bao người ở Hà Nội, lần này là với tuổi trẻ trên 80 nước. Bài thơ đã được dịch ra tiếng Pháp (nhà thơ GS Phạm Huy Thông dịch) và tiếng Anh, còn tôi ngâm bằng tiếng mẹ đẻ của mình." 
(Nguồn: catbien)

18 nhận xét:

  1. Bài thơ rất cảm động. Mẹ tiễn con đi tập kết trong nỗi nhớ thương vô hạn. Cuộc sống cách trở đầy gian nan vất vả song người dân Miền Nam vẫn “ngàn năm thắm mãi công ơn Bác Hồ“, vẫn khắc trong tim niềm tin vô bờ bến vào sự lãnh đạo của Đảng, vào vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc,vào sự tất thắng của cuộc trường chinh gian khổ của cách mạng Việt Nam. Còn người con ra đi vẫn một lòng son sắt hướng về miền Nam ruột thịt, hướng về người mẹ kính yêu, từ trái tim luôn cất lên tiếng gọi “Má ơi thương má một bề, Hồ gươm bóng tháp nghiêng về phương Nam“. Dù xa xôi vẫn thốt lên lời nhắn nhủ “chờ con má nhé“.
    Người con trai Miền nam thủy chung ấy vẫn luôn nhớ “Em cười giữa lúa thơm hương, chờ anh trong nắng gió vờn tóc bay“. Với sự khẳng định “Việt Nam là của cõi bờ Việt Nam“ và niềm tin đất nước sẽ thống nhất, Bắc Nam sẽ sum họp một nhà. Ngày ấy sẽ đến: “con về má đón ngã vào hai tay“!
    Nhưng thực tế thời gian không chỉ “hai Năm“ như má tính đầu ngón tay mà thời gian chia cắt đã kéo dài gấp nhiều lần hơn thế. Vậy mà tình nghĩa Bắc Nam vẫn son sắt. Đất nước đã được thống nhất, non sông về một dải, Nam Bắc một nhà, đã có ngày xum họp. Viết đến đây Bl thấy chạnh lòng, rưng rưng nghĩ tới người Má và người Con năm xưa hẹn nhau từ ngày ấy <1955> ra sao khi nước nhà thống nhất năm 1975?

    Trả lờiXóa
  2. HT đăng bài này phải đưa cả xuất xứ và thành tích của bài thơ lên cho trọn vẹn, bài đã được giải quốc tế đấy.

    Trả lờiXóa
  3. @ A QT: Hôm trước em gửi mấy bài mới trong TT qua mail cho chị BL có kèm cả đường link anh dẫn. Chị BL xem xong, gửi nhận xét trong đó có cả 2 nhận xét về 2 bài thơ trong link vì vậy em đăng lại bài thơ. Em quên khuấy không đưa xuất xứ. Cảm ơn anh đã nhắc nhở.

    Trả lờiXóa
  4. TT đã đăng một bài thơ về đấu tranh thống nhất rất hay!Vĩ tuyến 17 năm ấy với bao nhiêu bịn rịn,lưu luyến yêu thương...còn có cả bao hứa hẹn ,chờ mong,hy vọng!
    Cũng đề tài về cuộc chia ly năm ấy,tôi nhớ một đoạn thơ sau:
    ...Nhớ ngày em tiễn anh ra bắc,
    em nhìn anh nước mắt lưng tròng.
    Anh bảo:em cười có phải vui không,
    ta tạm biệt với tâm hồn người chiến thắng
    Như biển lớn không bao giờ phẳng lặng,
    em thương anh nên em gắng mỉm cười,
    nhưng hai hàng nước mắt ngập ngừng rơi.
    Cùng một lúc -em ơi!
    anh muốn uống lệ em và nụ cười trong tròng mắt.
    Nước mắt lan rồi,nhan sắc lại càng tươi.
    Anh nắm tay em ,biển trời lộng gió .
    Thương yêu nhau ta cười trong đau khổ,
    Lệ trào ra ,mắt cũng sáng niềm tin.
    Có khóc rồi cười càng đẹp,Phải không em?!
    ...

    Tôi thường ân hận vì đã không nhớ được tên tác giả và tên bài thơ và cả phần còn lại nữa.
    Rất mong các bạn giúp đỡ tìm hộ,tôi xin chân thành càm ơn !

    Trả lờiXóa
  5. Xin chào và hoan nghênh bác hungnhi tham gia trang thơ.
    Hy vọng với sự ham mê và kiến thức sâu sắc của bác sẽ đóng góp cùng trang thơ và nền thi ca nước nhà được nhiều ý kiến quý báu.
    Riêng về đoạn thơ mà anh đưa lên, có lẽ rất hiếm và tôi phải tự công nhận rằng mình chưa được đọc, vì vậy cái này có lẽ nhờ bạn Trần Phong giúp và đăng lại cho mọi người thưởng thức.

    Trả lờiXóa
  6. Gửi Tr.Trung.Trong 108 người Lương Sơn Bạc có 1 Yến Thanh,nhưng bây giờ:nghệ thuật ném đá không còn là độc sử hữu của lãng tử Yến Thanh đó nữa.
    Tôi đang tìm mua mũ sắt thời Hà Nội 72 (mũ b.hiểm bây giờ chất lượng kém lắm).Nếu mua được,tôi sẽ xông vào trại ấp nơi ông đang làm trại chủ...

    Bây giờ ,tôi nhờ ông một cách nghiêm chỉnh đây:
    tôi mới chợt nhớ ra mấy câu mở đầu của bài thơ đó:
    "Mình về có nhớ ta chăng,
    ta về ta nhớ hàm răng mình cười..."
    Lời hát cũ hay thơ anh đấy nhỉ
    Tình người xưa sao giống quá tình anh.
    Ai làm anh thức thâu canh
    trong chiêm bao vẫn thấy hình bóng ai.
    Ai cười một buổi sớm mai
    anh đi muôn dặm nhàn ngày không quên...
    Nhớ ngày nào,anh nói trêu em:
    "Hàm răng khểnh,cô này tham ăn lắm!"
    Đùa vui chút,ai ngờ em giận,
    làm anh tương tư nhớ mãi môi cười.
    Có những ngày anh cứ nghĩ trên đời
    sung sướng nhất là được em cười nói.
    Tình yêu vốn đầy nhớ thương buồn tủi,
    nhưng thiếu tiếng cười khổ biết bao nhiêu.
    Em giận rồi anh mới biết yêu!...


    Nhờ TQ Trung , Trần Phong hoặc anh em khác lần mò tìm giúp nhé .Tôi nhớ mang máng tác giả là nhà thơ Nguyễn Bao (Ô. có bài thơ Hoa Chanh nổi tiếng ấy).
    Nhân tiện thì tìm thôi,chứ tôi thấy thơ văn đã dài thì cái sự hay cũng ngắn lại một chút...!
    Tôi còm cũng khá dài rồi,thôi... Chào nhé !Chúc mọi người an vui!

    Trả lờiXóa
  7. Bác cả nghĩ quá rồi, ở đây không phải là trang Quân sử VN để mọi người ném đá, tôi nghĩ đã biết yêu thơ thì mọi lời nói ở đây đều chân tình, và không cần khách sáo cũng như có ý bài bác làm gì, nó trái với tiêu chí của thơ ca.
    Vậy cũng nên nói rõ với các thành viên trang thơ một chút, tôi xin giới thiệu với mọi người anh "Hungnhi" là người mà tôi đã có lần nhắc đến khi giới thiệu bài thơ của nhà thơ Hà Thúc Chỉ, anh là bạn tôi, và xin đảm bảo với mọi người về tình yêu thơ, trí nhớ thơ và kiến thức về thơ của anh, tôi đã giới thiệu với anh ấy về trang thơ này và mời anh ấy tham gia với chúng ta (vì lý do đó nên khả năng ném đá là rất thấp. hehe !!!)
    Những bài thơ và nhận xét cũng như bình luận hay đều cần được đăng lên blog chứ không nên để trong khuôn khổ chật hẹp của comment, vậy nếu có thể đề nghị Hồng Thu gửi thư mời anh Hùng làm thành viên đăng bài.
    Một bài thơ hay đăng lên, cũng giống như khi nói chuyện thơ với nhau, phải có đọc thơ và bình luận đi kèm, để người cảm nhận được cái hay cái dẹp của tứ thơ đó, ví như một câu thơ của Yến Lan:
    ..."Thường ngày ít hay rượu
    Giờ cầm chén với anh
    Khuấy men nồng chuyện cũ
    Cho mình gặp lại mình ..."
    Hình tượng thơ về thú uống RƯỢU với bạn lâu ngày gặp lại rất đẹp nhưng sẽ càng đẹp hơn nếu anh giải thích nó cho mọi người thấy vì sao nó đẹp, và cũng góp phần để thấy rằng uống như thế mới là uống và cần uống. Không phải lúc nào uống rượu cũng xấu, có lẽ thế!!!

    Trả lờiXóa
  8. @ A QT: Vậy mà em cứ nghĩ anh Hungnhi là Trỗi đấy.
    @ A Hungnhi: Rất vui được làm quen với anh. Trang Thơ sẽ vui khi có thêm một thành viên mới. Ý anh thế nào?

    Trả lờiXóa
  9. hungnhi! Ông học cách "phi thạch" của lãng tử Yến Thanh trong Thủy Hử sẽ không vào được trang trại của Quang Trung đâu! Ông phải học tập cách "phi thạch" của Trương Thanh ấy! Trương Thanh với tài phi thạch đã đánh gục hơn chục đại tướng của Lương Sơn Bạc và bắt được cả anh hùng đấy!

    Trả lờiXóa
  10. Yến Thanh (chữ Hán:燕青) hay thường được gọi là Lãng Tử Yến Thanh (浪子燕青) là một nhân vật trong 36 Thiên Cang Tinh thuộc 108 anh hùng Lương Sơn Bạc của tiểu thuyết văn học cổ điển Trung Hoa Thủy hử.

    Yến Thanh sinh tại Đại Danh Phủ Bắc Kinh, mồ côi cha mẹ, được Lư Tuấn Nghĩa nhận làm gia nhân và hết mực cưng chiều, coi như cánh tay phải[1]. Yến Thanh là một người cao 6 thước, tuấn tú, môi đỏ, mày rậm, giỏi võ thuật, đàn hát. Binh khí thường dùng là nỏ. Yến Thanh có tài bắn tên, có thể cách xa 100 bước chân bắn xuyên cành liễu. Chức vụ ở Lương Sơn Bạc là Bộ Quân Đầu Lĩnh.

    Một vũ tiễn Trương Thanh:

    Trương Thanh là một tướng trẻ tuổi hào hoa của Lương Sơn, sử dụng Xuất Bạch Lê Hoa Thương, nhưng vũ khí nổi tiếng nhất là Phi Hoàng Thạch (phi hoàng = châu chấu bay). Phi Hoàng Thạch thực chất là các viên đá nhỏ, Trương Thanh có tài ném đá bách phát bách trúng, nên được gọi là Một vũ tiễn.

    Trả lờiXóa
  11. Cảm ơn ND !Sau hồi bị ném đá,tôi đâm ra ngớ ngẩn,Thanh nọ xọ Thanh kia.Tôi nhầm đấy(Bé cái nhầm).
    Cảm ơn Tr.Trung ,Hồng Thu...đã để tâm đến tôi !Hữu xạ tự nhiên hương,tôi ngưỡng mộ anh em Trỗi từ lâu ,(Ô. Trung làm chứng cho tôi nhé )phần lớn trong họ giỏi nhiều lĩnh vực và tài hoa.Cũng nhờ chỉ dẫn của H.Th và Q.Tr tôi mới biêt cách dùng Opera,rồi lang thang,rồi đến TT,rồi được đọc những vần thơ hay của anh em Trỗi đấy chứ !
    Mong sao còn được đọc nhiều hơn nữa .
    Dù với nick gì và ở góc nào,tôi sẽ cố gắng (nếu có thể) làm cho không khí vui hơn, thi vị hơn.
    Tr.Trung nhắc đến mấy câu mở đầu của bài "Uống rượu với bạn đồng hương"-Yến Lan hay quá !Bao nhiêu câu thơ hay trong bài này đang làm tôi mê mẩn.
    "...Những vần thơ lấp lánh lạ thay!
    trong trí nhớ như những vì sao mọc
    mỗi đợt cơn gió mùa cảm xúc,
    những vần thơ va động ngân nga..."
    (Thơ Nguyễn Phan Hách )
    Thí dụ :"cho mình lại gặp mình".thoáng nghe như đâu đó trong ca dao.Thử tìm cách khác để diễn đạt thay thế? Mình là hai hay là một?Hay là cả 2 ý :một và hai?Ẩn giữa Mình trước và Mình sau Có lẽ ,là cả một quãng đời con người dằng dặc trong thời thế,trong vận nước nổi trôi...
    Câu thơ hàm súc nhưng gợi mở ...
    Hay Yến Lan hạ câu "Mình" chỉ để cho có vần ,rồi mình chỉ được cái giỏi cả nghĩ mà thôi...
    Cũng có thể!

    Có điều tôi muốn được biết các cụ ngự rượu gì nhỉ !? (Quốc lủi ?Ngô Bắc Hà?
    Nếp mới?Cô nhắc?hay XO?)
    Anh em ta có ra đường hãy cẩn trọng,đang phạt nặng độ cồn cao đấy !

    Đối với tôi,chủ nhật này vui quá !

    Trả lờiXóa
  12. Cảm ơn Biết hết.com đã giảng giải chữ nghĩa và về 2 Ô.Thanh !
    Đấy nhé,tôi đã nói ở trên:hầu hết anh em ở Q.Lâm về đều giỏi nhiều lĩnh vực và tài hoa.
    thành thực cảm ơn nhé !

    Trả lờiXóa
  13. Bác Hungnhi@
    Tham gia trang thơ này không hẳn là Trỗi, chỉ vài ba người thôi, còn lại là bạn bè thân thiết và bạn yêu thơ.
    Mạng mở nên nhiều người có quyền comment, tuy nhiên không ai muốn khuyến khích việc lấy tên nặc danh, và thường là không nói chuyện ,và do cô HT còn nể nang nên không xóa còm của họ nếu không có gì quá đáng, hy vọng là các nặc danh nên phát biểu có văn hóa và tôn trọng nhau khi tham gia vào trang thơ này.
    Riêng về chữ "Mình" vừa nhắc đến, "cho mình lại gặp mình". Ví người đối ẩm là "mình", cái danh từ chỉ dùng khi nói với chính mình hoặc là người phối ngẫu, ở đây tác giả dùng cho người bạn, chứng tỏ rằng họ thân nhau lắm, cái sự thân thiết đó vượt qua ranh giới quan hệ thông thường để biến thành một tình cảm sâu đậm thân thiết, hoàn toàn tin cậy lẫn nhau, mà tôi ngờ rằng trong đời thực hiếm gặp lắm, xã hội tạo nên và khiến họ nghi ngờ lẫn nhau kinh khủng, thời đại này ra đường gặp Lý Thông- Thạch Sanh nhiều hơn Lưu Bình- Dương Lễ, thế mới biết chỉ đối xử với nhau chân thành như thế hệ trước(không hẳn là tất cả) mới có thể sản sinh ra những thi nhân biết viết nên những câu thơ hay đến vậy, nó làm cho thế hệ sau tấm tắc khen nhưng thấy oải nếu bắt chước.
    Bài thơ anh trích dẫn ở trên tôi chưa được đọc bao giờ, có lẽ nhờ mọi người tìm kiếm, nếu cần có thể hỏi trực tiếp tác giả nếu họ còn sống. mà Trần Phong đâu nhỉ?có biết bài này không TP?

    Trả lờiXóa
  14. @ A QT: Thực ra em cũng ko khoái 2 chữ ND cho lắm, nhưng đôi khi cũng hiểu vì người ta có cái khó riêng nên thông cảm, cũng ko xóa còm nếu đó là những còm thân thiện. A TP ko hiểu đi đâu, liệu có vấn đề gì về sức khỏe ko. Theo em biết anh ấy cũng ko đc khỏe lắm.

    Trả lờiXóa
  15. HT! Cám ơn HT đã quan tâm đến sức khoẻ của TP! TP vẫn khoẻ và đang đi tìm lại thời kì rực rỡ của TRANG THƠ. TP tặng riêng HT bài thơ của nhà thơ Yên Thao mà TP rất tâm đắc.
    Gom tựng hạt bụi phấn
    góp từng phân tử đường
    con ong làm nên mật
    cho cuộc đời lên hương.

    người làm thơ chúng ta
    hơn con ong cần mẫn
    càng phải biết chọn hoa
    đừng làm ra mật đắng!
    Yên Thao

    Trả lờiXóa
  16. Vậy mà lâu không thấy TP lên mạng, tôi cũng tưởng ông bị ốm, hóa ra TP đang có nhiều tâm sự, và chắc cũng khó dãi bày.
    Bài thơ bạn trích dẫn thật nhiều ý nghĩa, đến nỗi là bài tặng riêng mà mình vẫn cố tình xen vào, bởi thấy chất triết lý dày đặc và nhiều điều của Con Ong cũng rất đáng học tập.
    Trong đời thực, có được loài ong nào làm ra mật đắng? Hiếm, cho nên bài học từ nó làm con người suy ngẫm !!!
    Nhân đây, khi nói về loài ong, tôi cũng xin mạo muội viết tặng TP mấy câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên:

    "...Đến với hương anh cứ phải đi vòng.
    Đi bất tận mà thua loài ong nhỉ!
    Vụt một cái chúng vào sâu tận nhụy.
    Vào lòng hoa thầm kín nhẹ như không..."

    Trả lờiXóa
  17. @ A Tranphong: Cảm ơn anh về bài thơ. Em không biết làm thơ nhưng biết gom những bài thơ hay làm đẹp cho đời. Vậy cũng được phải không anh?

    Trả lờiXóa
  18. Trần Trung: Cám ơn bạn!
    Hồng Thu: HT nói rất đúng! HT đã góp phần tạo ra một giai đoạn rực rỡ của TRANG THƠ.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.