Lời ngỏ


Thu rất hiếm khi làm thơ nhưng đọc, hiểu, cảm nhận được những gì tác giả muốn chia sẻ. Cách đây ít lâu được đọc thơ của anh Đỗ Trung Việt, cảm nhận được sức sống mãnh liệt của những vần thơ anh, và giờ đây được Hồng Hoa (Thu Hà/Nguyễn Hoa) chia sẻ những suy tư, những trăn trở về cuộc sống, được Lệ Hằng chia sẻ những bài thơ tình lãng mạn. Thu lập trang thơ với mong muốn nó sẽ là nơi để các bạn yêu thơ chia sẻ những sáng tác của mình hoặc những bài thơ mình yêu thích. Hy vọng những rung động, những cảm xúc của chúng ta sẽ sống mãi với thời gian.

Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2011

Giới thiệu bài thơ: "Nói với em về nơi ấy: Trường sa"

Chào các bạn! Tôi vừa nhận được lời mời tham gia vào Trang Thơ, rất vui vì được góp tiếng nói với chúng ta, những người yêu thơ và thích làm thơ.
Có thể nói thơ là hình thức thể hiện tình cảm sâu lắng và thiết tha nhất mà con người có thể nghĩ ra để dành cho đồng loại. Người yêu thơ và thích làm thơ hẳn là những người có tâm hồn tinh tế, dù ở trình độ nào, làm thơ hay hay không thì riêng việc yêu thơ đã nói lên được tính cách của con người, vì vậy tôi hy vọng chúng ta đồng cảm được với nhau qua việc thưởng thức những bài thơ hay. Dù là tự sáng tác hay của những nhà thơ nổi tiếng cũng đều có giá trị như nhau, bởi vì nó ta yêu đời hơn, và yêu người hơn.
Xin giới thiệu với các bạn bài thơ tôi vừa viết vài hôm trước đây, ngay sau khi viết bài "Tổ quốc kiêu hùng". Bài đã được đăng trên Trang Bạn Trỗi, và hôm nay tôi xin đăng lại ở đây với vài lời tâm sự cùng các bạn.
Tôi cũng hay làm thơ, khi có cảm xúc vì một điều gì đó, không có cảm xúc thì không thể viết được, đúng thế, tuy nhiên trước đây tôi thường viết về tình yêu hoặc một đề tài gì đó không dính dáng đến chính trị, tình cờ là gần đây có chuyện biển đảo, những tấm lòng yêu quê hương đất nước không thể dửng dưng, vì vậy mà có những bài thơ này.
Bài tôi viết theo hình thức một cựu quân nhân kể cho bạn gái mình nghe về Trường sa, cuộc sống ở đó cũng như sự hy sinh anh dũng của đồng đội trước sự hèn hạ của kẻ thù, người bạn gái đó tượng trưng cho những người phụ nữ Việt nam nói chung, sống bình dị hiền hòa, chỉ biết thương yêu và phục vụ chồng con, ít khi quan tâm đến chính trị nhưng khi nghe kể về Trường sa, một mảnh đất của quê hương đang bị giặc thù gây hấn thì như bất cứ ai là con dân Việt, người phụ nữ vốn bình thường đó cũng trào dâng một tình cảm mãnh liệt với Trường Sa, hơn hẳn những bậc tu mi nam tử, sức dài vai rộng nhưng không hề quan tâm đến tình hình đất nước. Những người phụ nữ như vậy thật đáng được tôn vinh.
Cái riêng trong cái chung, đó là hình thức thể hiện để chuyển tải đến người đọc tình yêu quê hương đất nước của những người phụ nữ bình thường nhất, không phải để chỉ riêng ai, vì có thể rất nhiều người nhầm lẫn cho rằng người viết để cái tôi lên trên cái chúng ta!
Tình yêu, đó là tất cả, dù là với đôi lứa nhỏ bé hay với Tổ quốc lớn lao.
Mời các bạn đọc lại bài thơ

***
Nói với em về nơi ấy: Trường sa

Em!
Là người vợ hiền,
             
        Cũng là người đàn bà
                   trong huyết quản sục sôi dòng máu Việt
Suốt một đời sống bình dị, thủy chung
Bỗng một ngày
Nghe nói ở biển Đông
Sóng đã nổi khi giặc thù gây hấn vì biển đảo
Em hỏi anh, nơi nào quân hung bạo
Dám hành hung, ngang ngược thói du côn?
***
Sẽ có một lần anh trả lời em
Về một miền đất quê hương giữa muôn trùng sóng cả.
Nơi ông cha
Ngàn năm vất vả
Dành đất, giữ đất
Để lại cho ta
Những đảo nhỏ thân yêu trấn đầu ngọn sóng
Cho đất liền bình yên
Cho đất trời thêm rộng
Cho thanh bình cuộc sống
Mà chúng ta đang yên hưởng hôm nay!
***
Em cứ nhìn về hướng cuối chân mây
Nơi dạt dào con sóng dài trăm hải lý.
Nơi san hô kết từ bao thế kỷ
Tạo thành nơi ta gọi Trường sa, Hoàng sa
Giọt máu thiêng liêng của đất Mẹ hiền hòa
Nơi một thời anh đã cùng đồng đội
Sống với nắng
Với gió
Với bão tố
Với phong ba
và những con tàu lướt vội
Nơi có cả kẻ thù
Vẫn hăm he
Chờ đợi
Thè lưỡi bò, đòi chiếm đảo thân thương.
***
Nơi có một ngày đồng đội của anh.
Những chàng trai trong tay không vũ khí.
Chỉ có một trái tim yêu
chân thành,
bình dị,
với một phần máu thịt của quê hương,
Để kết thành vòng tròn bất tử giữa trùng dương.
Nơi mưa đạn của giặc Tầu găm vào thịt da người lính trẻ.
Cũng là máu đó em, để hòa vào sóng cả.
Tô thắm thêm màu cờ, chói đỏ giữa Trường sa.

Chiều nay
Anh lắng nghe từ bếp nhỏ nhà ta.
Thật dịu êm, những giai điệu mượt mà,
và sâu lắng như những lời tình tự.
Hình như em hát mãi chỉ hai từ:
Hoàng sa, Trường sa.
Ơi Hoàng sa, Trường sa!
Trần Quang Trung
(Được biết anh Trần Bắc Hải đã có nhã ý phổ nhạc bài thơ này, rất có thể chúng ta sẽ được nghe lại bài thơ qua một hình thức diễn xướng mới)

7 nhận xét:

  1. Chà,hay quá đi! tôi thấy hơi xấu hổ vì chợt...ghen tỵ với anh QT.
    Bài thơ treo ở đây,sao trong 'giọng chung',còn như có 'giọng riêng': 'nó' cứ như 'nói' với HT và 2h...? :)

    Trả lờiXóa
  2. @ TL: Em thấy anh QT nói chung với mọi người yêu thơ đấy chứ. :)

    Trả lờiXóa
  3. Dĩ nhiên là tôi nói với tất cả chúng ta, TL có một sự "ghen tỵ" rất đáng yêu của đàn ông, nhưng đó là chính đáng, vì người viết nhấn mạnh đến người phụ nữ, vì họ rất đáng khâm phục mà.
    Xin nói thêm vài ý để các bạn hiểu vì sao tôi có cảm tình đặc biệt với TS. Ai cũng yêu TS vì nó là một mảnh đất quê hương, rõ rồi, nhưng các bạn biết không, cái tầu HQ 505 đã hy sinh lao lên đảo làm mốc chủ quyền sống ấy chính là cái tầu mà tôi suýt nữa phục vụ trên đó, chỉ vì một thay đổi nhỏ mà tôi chuyển sang đơn vị khác nhưng cũng đã có thời sống cùng đồng đội trên đó, vì vậy mà khi nó hy sinh, mình cảm thấy có gì đó rất bi phẫn.
    Có câu thơ tôi viết
    "... Với bão tố
    Với phong ba
    và những con tàu lướt vội"
    Cái hình ảnh con tầu lướt vội ở đây chỉ có những người quanh năm sống cô đơn trên biển xa mới thật thấy thấm thía, vì vậy mà các bạn có thể hiểu thêm về những người lính biển và vì sao họ cần tình cảm đến vậy, họ sống giữa một mảnh đất bằng cái sân bóng đá thôi, cao chừng hai mét và xung quanh là sóng biển mênh mông đến chân trời, ngoài đồng đội ra thì không còn gì, mấy anh đực rựa với nhau khi ngồi nhìn về hướng đất liền mới cảm thấy mình nhỏ bé và đơn độc làm sao trước sự mênh mông sóng vỗ, họ hy vọng khi nhìn thấy một cánh buồm hay một dáng tầu từ phía chân trời với hy vọng mình không cô đơn, thế nhưng niềm hy vọng đó cũng chỉ lướt vội qua, để lại cho người lính những tiếc nuối, cho nên tôi đưa hình ảnh đó vào thơ như một sự đồng cảm với những người còn sống ngoài TS, và đó là giải thích về câu thơ có vẻ như không ăn nhập gì vào bài viết.
    Thơ, nhưng nhiều khi cũng cần giải thích để người đọc rõ hơn là vì vậy :))

    Trả lờiXóa
  4. Bài thơ hay và rất cảm động. Như một câu chuyện tâm tình thủ thỉ giữa hai người mà lại vẫn bừng bừng hào khí. Cảm ơn anh đã chia sẻ với những người yêu thơ.

    Trả lờiXóa
  5. Phải nói hiểu được về TS - HS như anh QT rất khó - phải là người trong cuộc cơ .

    Còn nhớ 1968 , k3 chúng tôi phải đi đơn vị rèn luyện . Vào 1 đơn vị pháo , phải luôn cắm trại , luyện tập , đào đắp công sự ..., sẵn sàng đánh không người lái - hàng ngày đc đúng 1 giờ vào làng tắm - chao ôi buồnnnnnnnnnnnnnnnnn!. Vậy mà so với lính đảo thì.....thật xấu hổ !!!

    ACE đang đón chờ anh 3 chai đấy !

    Trả lờiXóa
  6. Anh Tt lộ bem sớm quá, nói trước bước không qua thì sao đây nhỉ?

    Trả lờiXóa
  7. Chào các anh!Em nhớ thời đi học được thầy khuyên nếu làm thơ phải viết cái gì cho to tát, như là TQ chẳng hạn.Nhưng vì đầu óc lúc nào cũng chỉ nghĩ đến ko quá một người thì làm sao thơ ra thành TQ cho được! May là đã có các anh, người sẵn sàng hy sinh chịu đựng, đầu sóng ngọn gió, nên kể cả thơ "viết riêng cho em" cũng toàn là HS, TS và TQ.Cũng mừng là cùng với các anh, còn có rất nhiều người mẹ, người chị, người em, người vợ đang đọng viên, mong chờ và một lòng đồng cam cộng khổ. Họ vui cùng niềm vui của các anh và buồn đau cùng những thua thiệt thời hậu chiến.Có niềm tin của họ, các anh sẽ đứng vững nơi hải đảo xa xôi...

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.