Lời ngỏ


Thu rất hiếm khi làm thơ nhưng đọc, hiểu, cảm nhận được những gì tác giả muốn chia sẻ. Cách đây ít lâu được đọc thơ của anh Đỗ Trung Việt, cảm nhận được sức sống mãnh liệt của những vần thơ anh, và giờ đây được Hồng Hoa (Thu Hà/Nguyễn Hoa) chia sẻ những suy tư, những trăn trở về cuộc sống, được Lệ Hằng chia sẻ những bài thơ tình lãng mạn. Thu lập trang thơ với mong muốn nó sẽ là nơi để các bạn yêu thơ chia sẻ những sáng tác của mình hoặc những bài thơ mình yêu thích. Hy vọng những rung động, những cảm xúc của chúng ta sẽ sống mãi với thời gian.

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

Mưa Biển

 Ảnh minh họa
 Bỗng đâu mây kéo tối sầm 
 Con thuyền xa cũng khuất dần dặm khơi 
 Ngẩng đầu: lắc rắc mưa rơi 
 Mà bên ghềnh đá lại ngời nắng lên. 
 Trông kìa, có lạ không em 
 Một vùng tối sáng như đêm lẫn ngày 
 Biển dài như thể chia hai 
 Nửa phơi dưới nắng, nửa gài trong mưa 
 Để anh như đứng trong mơ 
 Bâng khuâng nắng...với bụi mờ mưa giăng... 
 Để người phơi cá trên sân 
 Mang vào, rồi lại tần ngần mang ra 
 Để vòm cây, mấy chú gà 
 Xù lông ẩn nắng hay là trú mưa? 
 Để vai gánh vội đung đưa 
 Nón nghiêng che mặt, lời chưa kịp chào 
 Để con đường loáng ánh sao 
 Ùa lên ngọn sóng soi vào gương trong... 
 Gió đưa hương cỏ thơm nồng 
 Bóng em thoáng giữa mênh mông biển trời 
 Nắng soi mắt lưới ngời ngời 
 Và em sáng một nét cười trong mưa...

2 nhận xét:

  1. Mở đầu bài thơ bằng từ "Bỗng" trong câu thơ "Bỗng đâu mây kéo tối sầm" tác giả đã gây cho người đọc sự chú ý, kéo người đọc vào cảm xúc của mình, để đọc giả cùng "Ngẩng đầu: lắc rắc mưa rơi, Bên kia ghềnh đá lại ngời nắng lên". Tác giả có sự quan sát rất tinh tế và vẽ lại cảnh thật mà có chút bất bình thường của thiên nhiên. Rồi đến hai câu "Biển dài như thể chia hai, nửa phơi dưới nắng nửa gài trong mưa". Tác giả sử dụng từ "phơi" và từ "gài" ở đây rất hay. Cảnh biển vừa nắng vừa mưa không phải là hiếm gặp đối với những lữ khách thường đến với biển. Thế nhưng riêng với tác giả cái đẹp của biển khơi ở thời khắc hai nửa giao nhau giữa nắng và mưa đã trào thành cảm xúc khiến tác giả viết lên những câu thơ dí dỏm rất dễ thương. Mấy câu thơ tả cảnh rất thật nhưng khi đọc lên nghe có chút hài hước thú vị "Để người phơi cá trên sân, Mang vào rồi lại tần ngần mang ra; Để vòm cây mấy chú gà, Xù lông ẩn nắng hay là trú mưa". Và có điều đáng chú ý là trong thơ của tác giả luôn có "em". Đứng giữa cảnh vừa nắng vừa mưa của biển mà vẫn thấy "bóng em thoáng giữa mênh mông đất trời". Thật hạnh phúc cho "bông hoa đời" của tác giả! Với thể thơ lục bát nhẹ nhàng câu cú bố cục chặt chẽ, cách gieo vần mở gây cảm giác dễ chịu hứng thú cho người đọc. Công "của tác giả" Nay tôi xe chữ để mà làm thơ" thật không uổng! Đọc thơ của tác giả mà như được tác giả dạy cho mình nhiều điều bổ ích.

    Trả lờiXóa
  2. Dưới ngòi bút tài hoa của nhà thơ Hà Thúc Chỉ, cơn "Mưa biển" trở nên đẹp lạ lùng! Bài thơ được mở đầu một cách trực tiếp vội vã như cơn mưa biển bất chợt ập tới. Những hình ảnh trước cơn mưa đã được tác giả chọn lọc rất ấn tượng:
    "Mây kéo tối sầm...
    Con thuyền xa ... khuất dần dặm khơi."
    Tiếp theo, tiếng mưa được diễn tả bằng từ tượng thanh "lắc rắc" vui tươi và "ghềnh đá" ngời lên đẹp đẽ dưới ánh nắng. Cảnh vật lúc này đẹp lạ lùng đến nỗi tác giả phải thốt lên bằng bốn câu thơ đẹp nhất trong bài thơ:
    " Trông kìa, có lạ không em
    Một vùng tối sáng như đêm lẫn ngày
    Biển dài như thể chia hai
    Nửa phơi dưới nắng, nửa gài trong mưa ".
    Chính cái đẹp lạ lùng này đã kéo theo những cảm xúc đẹp, những cảnh vật đẹp được tác giả diễn đạt hết sức tài tình bằng lối sử dụng điệp ngữ. Điệp ngữ "để" được lặp lại năm lần đã làm cho bài thơ quá hay!
    Trong cơn mưa biển của tác giả còn có "hương biển thơm nồng". Hình ảnh cuối cùng thật là đẹp: trên cái nền đất trời mênh mông, hiện lên bóng dáng người con gái miền biển đang lao động. Hình ảnh ấy gây ấn tượng mạnh mẽ với " Nắng soi mắt lưới ngời ngời " và đẹp nhất, đắt nhất là "Và em sáng một nét cười trong mưa...".

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.