Chị Bạch Liên cùng sinh hoạt với HT ở CLB DSNL. Chị yêu thơ và ngâm thơ rất hay. Trang Câu Lạc Bộ DSNL đã đăng một số bài thơ của chị, những suy tư về cuộc sống, những cảm xúc với những người mà chị kính trọng, yêu mến. Xin trân trọng giới thiệu bài thơ đầu tiên chị gửi cho Trang Thơ.
VỀ LẠI TRUNG DU
"Rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt" |
Duyên nợ gì đây ơi Trung du
Mà đã chia tay với sắn dù
Người xuôi Hà Nội lên chức mới
Rồi lại về đây với suy tư?
Có phải ngày xưa tuổi ấu thơ
Trưa hè man mác giọng ầu ơ
Bà ru cháu nhỏ bên cánh võng
Ru cả đất trời vào giấc mơ;
Còn cha chiến đấu chiến trường xa
Hy sinh xương máu giữ nước nhà
Kiêu hãnh lớn lên, đời tự lập
Kiêu hãnh lớn lên, đời tự lập
Như cánh chim trời ước bay xa?
Hay kỷ niệm nào đã đi qua
Còn vương sắc đỏ trên cánh hoa
Còn vương sắc đỏ trên cánh hoa
Hương thơm dịu ngọt thành nỗi nhớ
Rơi vào biển lặng sóng giao thoa?
Ngày ấy xa quê, xa, rất xa
Ngắm tuyết trời Âu nhớ quê nhà
Nhớ miền nhiệt đới đầy nắng gió
Câu chuyện trung du ấm lòng ta...
Thời gian thấm thoắt tựa thoi đưa
Kẻ ngược, người xuôi đã bao mùa
Đâu ngờ trái đất tròn hữu ý
Quay lại vô tình những ngày xưa.
Chiều nay rạo rực ngắm hoa mua
Tiếc xuân ấm áp đã chuyển mùa
Biển lặng lòng ai cuồn cuộn sóng
Trời đất vô tình đổ cơn mưa!
Vụng về xin tặng mấy vần thơ
Gửi cả mặn mà đất trung du
Vụng về xin tặng mấy vần thơ
Gửi cả mặn mà đất trung du
Đành như trái đất tròn quay mãi
Để cuộc đời này đẹp mộng mơ.
Tháng 6 năm 2003
BẠCH LIÊN
Sông Lô Chiều Cuối Năm
Sáng tác: Minh Quang Trình bày: Doãn Tần
(Theo gợi ý của anh Tualinh)
'Trung du','sắn dù','hoa mua'... Vâng,đúng là "Câu chuyện trung du..." đây rồi.
Trả lờiXóaĐọc bài thơ mà thấy gợn nỗi xôn xao trong lòng...ko phải vì tuổi thơ đã trôi qua ở đó,cũng ko phải vì vẫn còn 'vương vấn' với ai đó - một người con gái quê miền trung du chẳng hạn,lúc thời trai trẻ... mà là trỗi dậy những ký ức về trí tưởng tượng đầu tiên của tuổi thơ bé cấp1,cấp 2 về một miền đất lạ 'trung du',cái thời
'Ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ...' ấy.
Thoạt đầu là bài hát 'Quê em miền trung du',tiếp theo là văng vẳng âm hưởng những vần thơ của Tố Hữu 'Rừng cọ đồi chè,đồng xanh ngào ngạt,
Nắng chói sông Lô Hò ô tiếng hát,
Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca..'
Lớn lên thành thanh niên,lại được đọc 'Mầu tím hoa sim' của Hữu Loan...' Tím cả chiều hoang biền biệt...
...Đến khi đã 'đứng xuân thì' xa...đã xa..mấy năm gần đây thôi, lại được nghe ca khúc 'Sông Lô chiều cuối năm'...
Và lúc này,một cảm xúc bao nhiêu năm trước ko có được,nay lại...có đấy :
'Bất chợt gặp câu thơ,ai bỏ quên giữa dòng,
Câu thơ nói về một người con gái...'....
'...Bâng khuâng một mình ta...' :)
Đọc bài thơ của chị như lật lại những trang ký ức của cả một cuộc đời. Từ thuở còn nhỏ xíu được bà ru bên cánh võng, những "rung rinh" của tuổi học trò, nỗi nhớ khi xa quê, rồi những cảm xúc khó nói thành lời của ngày hôm nay. Dư vị dịu, ngọt, một chút mông mơ, lưu luyến, đằm thắm đọng lại thành dư âm vọng mãi, ngân mãi có lẽ đã theo chị đi suốt cả cuộc đời.
Trả lờiXóaPS: Đọc bài thơ trên nền bài hát anh TL để đường link thật tuyệt.
Chị Bạch Liên! Mấy hôm nay bận làm "nội tướng ở nhà bếp" nên em sợ viết còm sẽ không hay. Nhưng em phục chị cách giữ vần điệu và chuẩn "thất ngôn" quá. Chắc tại chị học giỏi môn toán? Bài nào của chị cũng như bài mẫu cho thi HS giỏi ấy.Em chịu! Cả tập thơ em không có bài nào nguyên vẹn 7 chữ từ đầu đến cuối cả.Khi nào gặp nhau chị truyền bí kíp cho em với nhé! Chúc chị sẽ có nhiều bài thơ xuất thần như bài "Tiễn thầy" nữa!
Trả lờiXóa@ Bạn tớ: Cậu đóng mở ngoặc bài thơ Tiễn Thầy của chị Bạch Liên làm tớ cứ ngớ ra. Tớ vừa phải sang trang CLB tìm bài thơ "Tiễn Thầy". Ngắm nghía một lúc mới sực nhớ ra bạn nói "nôm na". Đó là bài "Cám ơn Thầy Augusto".
Trả lờiXóaTại tớ học dốt môn tiếng TBN nên không thể nhớ được tên thầy của cậu và chị BL.Mà cũng tại lúc tẻ tớ "sài" phí hoài trí nhớ của mình vào..một người đặc biệt rồi.Ôi! Ngày xưa ấy "hai phần ba trí nhớ của tôi ơi!"
Trả lờiXóaĐọc bài thơ "Về lại trung du" của chị Bạch Liên mà nhớ miền trung du quá! Trường Thiếu sinh quân của chúng tôi đã từng ở đây trong thời gian chiến tranh. Khi chia tay miền đất này, chúng tôi đã mang trong mình một nỗi nhớ về miền đất đầy quyến rũ ấy.
Trả lờiXóaKhác với chúng tôi, chị Bạch Liên là người con của trung du nên tình cảm chị dành cho quê hương thật đậm đà, tha thiết. Bài thơ đã vẽ lên một bức tranh miền trung du mà tác giả chính là chủ thể với bao hoài niệm, suy tư trong ngày trở về cố hương. Nơi đây, từ thưở ấu thơ, chị đã nghe tiếng ru của bà. Cha của chị đã lên đường chiến đấu cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Khi đến tuổi trưởng thành, chị đã mang một tinh thần tự lập, một ước mơ, một khát vọng vươn lên. Cũng bắt đầu từ đây, chị có những rung động đầu đời về tình bạn, tình yêu. Những tình cảm đó đã trở thành "sắc đỏ" của màu kỉ niệm; "hương thơm dịu ngọt" hay chính là hương tình yêu thưở ban đầu của tác giả. Rồi hạnh phúc lớn lao đến với tác giả khi được đi du học ở Đông Âu. Sống ở "thiên đường" của văn minh và hạnh phúc, tác giả luôn khắc khoải nhớ về quê hương nghèo khó đang đắm chìm trong khói lửa chiến tranh. Trải qua bao dâu bể thăng trầm, một chiều cuối xuân, tác giả đã trở về cố hương. Ngắm nhìn sắc hoa mua mà chạnh lòng nuối tiếc. Cơn mưa chiều đã đưa tác giả trở về với thực tại. Tác giả giãi bày sự ra đi và trở về của mình như sự quay tròn của Trái đất. Sự quay tròn này chị tin rằng sẽ làm đẹp cho đời. Chị chân thành gửi những tình cảm mặn mà cho quê hương.
Bài thơ mang chất tự sự, trữ tình và biểu cảm thật chân thật mà sâu sắc. Đó là tiếng lòng của chị khi trở về quê hương và có phảng phất đôi chút nỗi buồn thi sĩ.
Bạn đọc tự hỏi như có điều gì chưa ổn khi chị dùng hai chữ "duyên nợ" khi trở về quê hương. Chị là người con chứ không phải là khách du lịch bị quyến rũ bởi miền trung du xinh đẹp. Khi chị về lại trung du, chắc chắn quê hương đã thay da đổi thịt nhiều lắm. Nơi đây đã nổi tiếng với Bí thư tỉnh uỷ Kim Ngọc - "người hùng bất hạnh" vì đã đi đầu trong cuộc Cách mạng nông nghiệp thời bao cấp. Nếu thêm nét chấm phá này vào bài thơ, có lẽ, bài thơ sẽ "mười phân vẹn mười".
@ A Trần Phong: Em lại hiểu hai chữ "Duyên nợ" của chị Bạch Liên theo cách khác. Dù ở HN có một mái ấm gia đình, và cuộc sống đầy đủ tiện nghi, chị vẫn nặng lòng với mảnh đất Trung du bởi những kí ức, kỷ niệm xưa. Ngày nay không ít người quen với cuộc sống vật chất đầy đủ mà quay lưng lại với làng quê nghèo.
Trả lờiXóa@ Bạn tớ: Cậu làm tớ tò mò muốn biết cái người mà cậu đã phí hoài 2/3 trí nhớ ấy quá. Liệu có phải nhờ thế mà giờ tớ đang sở hữu gần 100 bài thơ đấy không? :))
BL xin cảm ơn tất cả mọi người đã đọc,có lời góp về bài thơ.
Trả lờiXóa@-HT: Cám ơn Hồng Thu. BL rất thích cái ảnh Thu đã chọn .Bát ngát một màu xanh .Sống giữa màu xanh ấy còn cảm thấy hương của đất trời như Tố Hữu mô tả “Đồng xanh ngào ngạt “.
Lại còn có cả bài ca “sông Lô chiều cuối năm “ nữa ! Cái giọng trong trẻo ngân vang của Doãn Tần cứ như đưa ta về với “ thời trai trẻ “vậy . Hồng Thu đã đem bất ngờ đến cho BL ngoài sự mong đợi đấy .
Chia sẻ với trang thơ những vần thơ “vụng về “của 8 năm về trước nhưng qủa thực BL thấy bồi hồi nhớ về những kỷ niệm .
@Thu Hà : - Cám ơn Thu Hà nói hơi hay về thơ của BL đấy. Toán của BL èng èng 5 trừ thôi . Môn học BL thích là sinh vật . Mà thích thực vật hơn động vật. Có lẽ thế nên đôi khi cỏ cây hoa lá vô tình cứ “nhảy tõm” vào thơ .
Về kết cấu thơ.Tùy theo nguồn cảm hứng , có nhiều lúc cũng phá rào nhảy tự do lung tung .Thơ “cậu ông trời “ mà !
- Blog của Thu Hà lý thú thật .Có một khoảng trời riêng để tự sự, để thư giãn, để yêu mình hơn .Chúc mừng Thu Hà nhé !
- @-Tranphong:Cám ơn lời góp của anh đã đi vào kỷ niệm của BL.
Trả lờiXóa- Có lẽlà thơ dạng “cậu ông trời” vụng về qúa nên để cho đọc giả chưa hiểu hết ý của tác giả.Thật cảm động khi bạn đọc trang thơ quan tâm đến bài thơ.Thôi thì để chuộc cái lỗi ấy BL đành” nghĩa lộ” với trang thơ về” sự liên quan” đến bài thơ “về lại trung du “ vậy.BL xin được giới thiệu về “sự liên quan “ấy sau .
@ -Tualinh :BL rất cám ơn anh Tualinh có lời góp và có sáng kiến gài bài “sông Lô chiều cuối năm “ . Trong đời ai cũng có những kỷ niệm đẹp .Cuộc sống hối hả có nhiều thứ cuốn hút ta nên kỷ niệm không quên nhưng tạm lắng xuống . Một khoảnh khắc nào đó chợt đến,một điều gì dù mơ hồ có liên quan bỗng nhắc ta nhớ lại những ngày qua .BL cũng đã có những cảm xúc như thế nên hiểu cảm xúc của anh Tualinh rất thực.
• BL xin lỗi bạn đọc trang thơ để lạc đề chút xíu.
• Nhân Hồng Thu và Thu Hà nhắc đến bài thơ “ Cám ơn thầy Augusto “ của BL đăng trên trang của CLBDSNL .Thật khiếm nhã BL chưa đáp lời về lời góp với bài thơ đó .BL cám ơn và mong anh Tualinh với nặc danh nào đó đã đọc và có lời góp cho bài thơ thông cảm nhiều cho BL.
Hồng Thu đã có ý kiến về hai chữ “đồng chí” trong bài thơ rồi .BL xin có thêm ý kiến thế này :Tiếng quốc tế ngữ có 2 từ có nghĩa là đồng chí. Đó là từ “kamarado” và từ “samidealoj”. Những nhà Quốc Tế Ngữ họ thường dùng để gọi nhau bằng “samidealoj”. Samidealoj là từ ghép của 2 từ :sam là gốc của từ sama có nghĩa là giống nhau.Idealo có nghĩa là lý tưởng. Có lẽ nghĩa của từ “samidealoj “ rộng hơn . Đồng chí trong những tổ chức, đảng phái bao gồm những người cùng chí hướng, cùng lý tưởng trong phạm vi nhất định về tuổi tác . Ví như đi bộ đội theo tuổi qui định ,vào Đảng vào Đoàn theo tuổi qui định ,vào cơ quan làm việc theo tuổi quy định để khi họp gọi nhau là “đồng chí “.Còn Esperanto thì ở mọi lứa tuổi ai cũng học được.Trong các cuộc đại hội Esperanto toàn cầu có sinh hoạt chung toàn thể ,rồi có sinh hoạt riêng của thanh niên ,có sinh hoạt cho các cháu nhỏ con của nhũng người đi dư hội nghị . Miễn là người dự hội nghị nói được Esperanto.Về tổ chức cũng có hội quốc tế ngữ toàn cầu chung rồi đến hội qtn của thanh niên sinh viên.
Ở Hà Nội cũng đã có trường mẫu giáo học Esperanto . Khi ở Việt Nam thầy giáo Augusto cũng đã tới thăm.
Em chào chị BL.Em xin được góp vui câu chuyện với chị về từ "đồng chí" thế này.Bọn em "bị" học TN.Sau ba năm ôn luyên TA để thi ĐH nên mới vào năm nhất, chán nản vô cùng.Cả ba tháng trời em chỉ hoc được một từ"TAVARIS" và một câu: "Vừa đi vừa đá vừa chen-nhích ra, rau dút canh cua ăn với cà".Chị đừng cười chứ lúc ấy bọn em luyện mấy từ này mỏi mồm lắm.Em thi vào ĐHNN chỉ vì mỗi lần có tiết TA ở PT, các bạn em, đặc biệt là các bạn nam lại khen:"Các bạn hãy lắng nghe bạn Người Anh trả lời".Đấy về sau khi bị thất nghiệp vì bỏ TN,em đã khóc khi xem ct có PUTIN đến dự ở cung Văn hoá VX.Em ghét từ đồng chí, nó chung chung quá!(Đấy là vì em đã ko gặp may khi học phải nó thôi!)HuHu
Trả lờiXóaChị BL,em với chị có ba điểm chung:THƠ-THỰC VẬT-Và những trăn trở để ra thơ!Em chính là em của chị rồi(HT,bạn đứng nhích ra một tý)HeHe...
Trả lờiXóa@ Bạn tớ: Cậu làm tớ buồn cười quá. Tớ quyết không chen vào giữa hai người vì chẳng có thể "thở" ra thơ được. Hôm nào tớ phải bố trí một buổi để cho hai chị em nhận nhau. Mai con gái đi rồi mà vẫn vào trêu chọc tớ được sao? Tiễn con có khóc thì khóc ít thôi nhé.
Trả lờiXóa@Hồng Thu: Trong bài thơ "Về lại trung du", tác giả không hề nói tiếng "quê hương" nhưng bạn đọc dễ dàng nhận ra tác giả đang nói về chính quê hương của mình. Hai tiếng "quê hương" thật thiêng liêng với mỗi người Việt chúng ta. Quê hương là quê cha đất tổ, là nơi chôn nhau cắt rốn. Dù có đi bốn phương trời, chúng ta vẫn mang hình ảnh quê hương trong trái tim mình. Ai đó đã nói "Tha hương chứ không bao giờ li hương". Thật quá chí lí! Cho nên, ta trở về quê hương, là "một cuộc hành hương", còn cao hơn là "Duyên nợ". Có phải tác giả bài thơ này dùng hai chữ "duyên nợ" với ý nghĩa như vậy không?
Trả lờiXóa@Thu Hà: Trang blog của chị có bài thơ "Anh khen" thật hay! Chị có thể cho biết đôi điều về hoàn cảnh ra đời bài thơ này được không?
@-Tranphong:BL rất vui khi đọc lời góp của anh tranphong .Như đã nói ở trên ,BL đăng bài thơ "trung du" để anh tranphong và bạn đọc trang thơ hiểu thêm về bài thơ "về lại trung du "của BL.
Trả lờiXóa@- HT & Thu Hà : BL biết Thu Hà qua trang thơ nhờ Hồng Thu .Hồng Thu có duyên lắm mà .Vậy là có người có điểm giống mình ,Cũng vui Thu Hà nhỉ . Bạn của BL bảo "BL thích thơ, mộng mơ,lơ mơ rồi ngẩn ngơ là vừa !".Không biết Thu Hà có ai nhận xét đại loại như thế không ?
@ A Tr trung & tranphong : Sắn dù là có thật. Ở trung du ngoài sắn dây, sắn thuyền có 3 loại sắn được trồng phục vụ đời sống của người dân . Đó là sắn nếp , sắn chuối và sắn dù. Sắn dù về cấu tạo giống như 2 loại sắn nếp và sắn chuối nhưng lá của nó nhỏ hơn và có hàm lượng độc tố cao hơn nhiều. Người dân thu hoạch sắn dù thái lát phơi khô dùng để chăn nuôi gia súc chứ không ăn. Sắn tươi nói chung có độc tố nằm ở vỏ và xơ lõi. Trước khi dùng để chế biến thức ăn người ta đem ngâm nước thải độc để tránh say sắn.
Trả lờiXóa*-Búp của cây sắn khi mới hái có màu xanh bạc, nhựa trắng. Người ta
đem muối chua khi đó lá chuyển sang màu vàng rộm. Vắt bỏ nuớc chua,
rửa sạch, luộc lên có vị sem sẻm chua, chấm muối vừng. Ăn rồi chắc
khó quên. Hoặc có thể dùng để nấu canh với cá nhỏ như anh tranphong đã nghe.
@ A Tranphong: Câu hỏi của anh Tranphong “..sao hai bạn trong bài thơ “Trung du“ không nhìn về một hướng như đôi bạn trong bài ca “Người xây hồ kẻ gỗ “…? Một câu hỏi khó cho BL rồi!
Hồng Thu rất có duyên là như thế. Nấn ná mãi rồi BL cũng vào tham gia
trang thơ. Đã thế lại còn chia sẻ bài thơ về kỷ niệm một thời của mình, rồi lại “nghĩa lộ“ cả bài thơ “trung du“. Bây giờ lại gặp bạn đọc trang thơ là người muốn biết căn nguyên cội rễ của vấn đề như anh
tranphong nữa!
Thôi thì BL bộc bạch vậy. Biết nói thế nào nhỉ? Bài thơ “Trung du“ được tác giả viết từ rất lâu trước cái thời điểm tháng 6-2002 . Mấy chữ “Tháng 6-2002“ là tác giả viết thêm vào dưới bài thơ trên tờ giấy khổ A4 khi tặng cho BL.
Thời điểm này tác giả đã được đề bạt vào vị trí lãnh đạo ngành và về công tác ở Hà Nội rồi. BL có hỏi bài thơ có từ khi nào thì tác giả
chỉ cười, rồi bảo “lâu rồi, từ khi chưa có sản phẩm giấy Bãi Bằng“. Nhưng sao bài thơ đang “ngự” trên tờ giấy Bãi Bằng? Tác giả trả lời rằng “thỉnh thoảng viết lại cho mới“. Thế đấy, tác giả làm thơ giữ lại cho mình, tự đọc, thỉnh thoảng viết lại cho mới! Mấy chục năm sau BL mới biết có người viết bài thơ tặng cho mình.
Năm 2003 có một cơ sở sản xuất của ngành trên đất trung du làm ăn thua lỗ, lãnh đạo ở đây “đuối sức“. Ngành cử cán bộ về kiêm nhiệm khôi phục lại hoạt đông ở đó. Tác giả bài thơ “Trung du“ đã nhận nhiệm vụ biệt phái này. Sau một thời gian “suy tư” trăn trở đã hoàn thành nhiệm vụ khôi phục lại hoạt động của cơ sản xuất đó và đã lại trở về vị trí công tác ở Hà Nội. Tác giả bài thơ “Trung du“ đã “về lại trung du“ như thế.
Ở khổ thơ thứ 2 và 3 trong bài “Về lại trung du“ là hoàn cảnh thực của bạn BL. Thương lắm. Trong 2 khổ thơ đó không nói gì về hình bóng người mẹ. Người cha đi bộ đội. Người mẹ trẻ đã để lại đứa con trai bé bỏng cho mẹ chồng để đi tìm nguồn vui mới. Người cha ra đi mãi mãi không về. Trong bài thơ “Trung du“ tác giả đã 2 lần nhắc đến tiếng “ru” là cũng có nguyên cớ của nó.
Người “ngược“ lên trung du nghĩ rằng người trung du thì ắt về trung
du công tác và khi đó sẽ có dịp để nói “điều chưa nói”. Nhưng không ngờ người trung du lại “xuôi“ Hà Nội. Thế là “kẻ ngược người xuôi”!
@ HT: Nhân dịp tết Tân Mão 2011. Ở tạp chí Văn Việt chuyên đề văn chương của nhà xuất bản văn học quĩ hộ trợ sáng tạo VHNT ,Hội
liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội có đăng bài thơ “VCề lại trung du“
của BL . Bài đã đăng nhưng BL không biết mọi người đã đọc tạp chí đó có ai đọc bài thơ ấy không? và nếu có đọc thì không biết có nhận xét gì về bài thơ ấy? Nghĩa là thơ của mình tự làm tự đọc, chẳng biết hay dở thế nào. Vậy mà ở diễn đàn mini trang thơ này BL được biết có người đọc thơ của mình và có cả lời góp, quan tâm về bài thơ mình đã viết ra. Một cảm giác thú vị, một niềm vui nho nhỏ. Cám ơn HT về ý tưởng hay, đã thiết lập trang thơ để những người yêu thơ có dịp giao lưu chia sẻ.
Chị Bạch Liên! Cám ơn chị đã vui lòng trả lời những câu hỏi của TP, trong đó có những câu hơi "tò mò". Thú thật với chị, TP có thói quen khi đọc một tác phẩm thì muốn biết rõ về tác giả và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. Qua những thông tin mà chị chia sẻ cho TRANG THƠ, độc giả càng hiểu sâu sắc và yêu thích hai bài thơ "Trung du" và "Về lại trung du". Chúc chị có nhiều sức khoẻ, có nhiều niềm vui trong cuộc sống và sáng tác được nhiều bài thơ hay!
Trả lờiXóa@ A Trần Phong: Chị Bạch Liên ko vào được blogspot, gửi câu trả lời qua mail cho em. Nhẽ ra em phải ngắt câu trả lời của chị ấy ra thì lại đăng chung vào làm một. Hôm nay đọc lại mới thấy câu hỏi về "sắn dù" của a và a QT là ở bài thơ "Chúng tôi ngồi trên cao" của a TV. Ai mới vào trang thơ lại chỉ thấy mỗi câu hỏi mà ko có câu trả lời. Lần sau em sẽ cẩn thận hơn.
Trả lờiXóaHồng Thu ! Hồng Thu lại quá cẩn thận rồi! Hồng Thu đã viết còm 18h27' ngày 20/8/2011 thì độc giả hiểu ngay mà! Nếu TRANG THƠ lớn mạnh, có lẽ Hồng Thu nên tuyển Thư kí và lập Ban kiểm duyệt thôi!
Trả lờiXóa@-Tranphong: Bl cám ơn anh Tranphong về lời góp cho bài thơ và lời chúc cho BL. Sức khoẻ và niềm vui thì BL nhận ngay. Còn ”làm thơ hay“ thì nghe chừng khó vì BL được bạn bè đặt cho tác giả thơ “cậu ông trời“ rồi.
Trả lờiXóaBL chúc anh Tranphong vạn sự như ý và mong rằng sẽ được đọc tiếp những chia sẻ thú vị và rất sâu của anh trong diễn đàn trang thơ.
MỘT THOÁNG TRUNG DU
Trả lờiXóa(Phổ Nhạc: Hùng Khanh)
Ngô Thái
Trung Du trời xanh thắm
Ngút ngàn cọ xoè ô
Sương long lanh chót lá
Mắt ai cười mộng mơ!
Nương chè xanh xanh ngát
Đậm đà ủ hương say
Thì thầm trong gió sớm
Đung đưa làn tóc mây
Ngút ngàn những hàng cây
Hoa tràm sao quyến rũ
Goi ong về xây tổ
Gom mật ngọt cho đời
Chuông chiều ngân trong gió
Xao động tâm hồn ai
Thoáng nghe lời Xoan Ghẹo
Bao lòng cùng đắm say!
N.T