Lời ngỏ


Thu rất hiếm khi làm thơ nhưng đọc, hiểu, cảm nhận được những gì tác giả muốn chia sẻ. Cách đây ít lâu được đọc thơ của anh Đỗ Trung Việt, cảm nhận được sức sống mãnh liệt của những vần thơ anh, và giờ đây được Hồng Hoa (Thu Hà/Nguyễn Hoa) chia sẻ những suy tư, những trăn trở về cuộc sống, được Lệ Hằng chia sẻ những bài thơ tình lãng mạn. Thu lập trang thơ với mong muốn nó sẽ là nơi để các bạn yêu thơ chia sẻ những sáng tác của mình hoặc những bài thơ mình yêu thích. Hy vọng những rung động, những cảm xúc của chúng ta sẽ sống mãi với thời gian.

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

THỊ MÀU

Anh Ngọc

***

Người mấy trăm năm làm rung chuyển những sân đình
Làm điên đảo những phông màn khép mở
Người táo bạo
Người không hề biết sợ
Người chưa từng lùi bước trước tình yêu

Người phá tung khuôn khổ những điệu chèo
Để cuộc sống ùa lên đầu cửa miệng
Người trung thực đến không cần giấu giếm
Cặp môi hồng con mắt ướt đong đưa

Người cả gan sàm sỡ cả cửa chùa
Chọn sắc áo cà sa mà chọc ghẹo
Thừa sinh lực nên người luôn túng thiếu
Nên hương trầm tiếng mõ khéo trêu ngươi

Người đi qua nghiêng ngả những trận cười
Chấp tất cả lời ong ve mai mỉa
Người chịu hết mọi thói đời độc địa
Chiếc quạt màu khép mở vẫn ung dung

Trên môi người câu hát cứ trẻ trung
Từng sợi tóc cũng rung theo nhịp phách
Mùi táo chín, mùi hương, mùi da thịt
Người đi qua sân khấu tới đời thường

Người sống trong hơi thở của nhân dân
Mấy trăm năm ai để thương để giận
Câu sa lệch cũng hò reo nổi loạn
Nhịp trống gầm lên những khát vọng không lời

Những khát vọng nằm sâu trong mỗi trái tim người
Được sống đúng với lòng mình thực chất
Những xiềng xích phết màu sơn đạo đức
Mấy trăm năm không khóa nổi Thị Màu

Những cánh màn đã khép lại đằng sau
Táo vẫn rụng sân đình không ai nhặt
Bao Thị Màu đã trở về đời thực
Vị táo còn chua mãi ở đầu môi.

4 nhận xét:

  1. Cảm ơn anh HDT, bài thơ tuyệt hay.Có điều, ngoài đời ta ít gặp Thị Màu hoặc Thị Kính lắm, toàn là Thị Mẹt thôi.Thị Mẹt lại hát rằng:
    "Gió đưa cây cải về trời
    Rau dăm ở lại chụi lời đắng cay!"...

    Trả lờiXóa
  2. TP nghĩ rằng, bài thơ này nổi tiếng phần lớn là do nghệ thuật chèo cổ với vở tuồng Quan Âm Thị Kính mà nhân vật Thị Màu quá độc đáo đã đi vào đời sống công chúng. Trước kia, Thị Màu quá độc đáo, ngày nay, khi tư duy đã được đổi mới, nhân vật Thị Màu càng độc đáo hơn, càng được thông cảm hơn, càng hấp dẫn hơn, nhất là cánh mày râu.

    Trả lờiXóa
  3. Không phải ngẫu nhiên mà bài thơ "Thị Màu" được xếp hạng trong danh sách "Một trăm bài thơ hay".
    Khi xem xét một bài thơ, người ta sẽ để ý đến thông điệp mà tác giả muốn gửi đến người đọc là gì, cũng như ý nghĩa nhân văn của nó đối với xã hội, sau đó người ta mới xem xét đến nghệ thuật, câu chữ, phương pháp thể hiện v..v.
    Bài thơ được viết dựa trên thể thơ thất ngôn bát cú nhưng đã được tác giả phá vỡ khuôn khổ trói buộc để thành một dạng thơ tự do. Điều đó cho phép tác giả thoải mái hơn trong việc chuyển tải thông điệp đến người đọc, trong nhịp tám, thỉnh thoảng tác giả cho phép mình viết: "...Nhịp trống gầm lên những khát vọng không lời" thêm một chữ nhưng rõ ràng ta thấy hiệu quả của tứ thơ nói lên sự phản kháng rất chân thực.
    Bài thơ không đi sâu tả Thị Mầu, như là chủ đề chính của bài thơ mà TG lấy làm tiêu đề, là bởi vì TM chỉ là một cái tên, câu chuyện Thị Màu trong chiếu chèo dân gian chỉ là cái nền để TG treo cái tư tưởng của mình lên, gắn vào đó ý thức phản kháng của người Việt nói chung với lễ giáo phong kiến lạc hậu, vốn làm người phụ nữ xưa bị trói buộc chặt chẽ trong gông cùm của tam tòng tứ đức, họ- nhất là phụ nữ nông thôn- thường bị xếp rất thấp trong xã hội phong kiến, tình yêu bị cấm đoán, dễ hiểu là ý thức chống đối, muốn vươn lên khẳng định mình của người phụ nữ xưa khá mạnh mẽ, khi bị đè nén, họ bung ra bằng những hình thức nghệ thuật, mà chèo là một ví dụ, để họ có thể nói lên tiếng nói với xã hội, một cô Thị Màu bất chấp giá trị đạo đức phong kiến, tự do thể hiện tình yêu, tình dục, khát vọng yêu đương chính là thể hiện tiếng nói phản kháng đó. Và điều làm nên giá trị bài thơ này chính là việc tác giả đã chuyển tải thành thơ một cách khá thành công giá trị nhân văn đó.

    Trả lờiXóa
  4. Người đàn bà nổi loạn - Thị Màu - bước từ lịch sử Phật giáo sang chèo , và từ chèo nàng đi vào cuộc sống . Nói đúng hơn , nàng là huyền thoại , là 1 biểu tượng độc đáo của những khát vọng cuộc đời .
    Muốn vậy , nàng phải rất đẹp , gan góc , thông minh & rất ....sex !!!.

    Kể ra các cụ nhà ta cũng tài , nói đến Thi Màu , cánh đàn ông ai cũng..." vị táo chua mãi ở đầu môi " ....xèm lắm !!!!

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.