Lời ngỏ


Thu rất hiếm khi làm thơ nhưng đọc, hiểu, cảm nhận được những gì tác giả muốn chia sẻ. Cách đây ít lâu được đọc thơ của anh Đỗ Trung Việt, cảm nhận được sức sống mãnh liệt của những vần thơ anh, và giờ đây được Hồng Hoa (Thu Hà/Nguyễn Hoa) chia sẻ những suy tư, những trăn trở về cuộc sống, được Lệ Hằng chia sẻ những bài thơ tình lãng mạn. Thu lập trang thơ với mong muốn nó sẽ là nơi để các bạn yêu thơ chia sẻ những sáng tác của mình hoặc những bài thơ mình yêu thích. Hy vọng những rung động, những cảm xúc của chúng ta sẽ sống mãi với thời gian.

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2011

EM ĐI TÌM ANH TRÊN BÁN ĐẢO BAN - CĂNG

Khổng Văn Đương

***

Em đi tìm anh trên bán đảo Ban - căng
Tìm không thấy, chỉ thấy trời im lặng
Một mình em trong màn đêm thanh vắng
Tim bồi hồi chân bước vội dưới trăng

Em trèo lên đỉnh núi cao Các-pát
Nhìn theo anh mất hút biết về đâu
Chân ai đi xa lắc tím trời Âu
Dòng nước mắt bỗng trào ra chua chát!

Em lại đến Biển Đen xưa dào dạt
Sóng xô bờ liên tiếp gọi triền miên
Buồn! Chao ôi, gió làm em phiêu bạt
Thân cô đơn kinh khiếp cả trăng hiền!

Ôi dòng xanh rầm rì sông Đa - nuýp
Mây trời in lồng lộng giữa dòng sông
Nên ngàn năm êm đềm trôi một nhịp
Chỉ mình em nhức nhối vết thương lòng!

Hỡi trái đất rộng làm chi bao la
Cho loài người chia biên giới thế gian
Cho sa mạc nổi bùng cơn bão cát
Cho tình anh chưa bén đã lụi tàn?

Em xin hỏi Trời cao và Đức Phật
Cõi Niết Bàn có mãi mãi mùa xuân?
Đâu trời Tây, đâu xa gần Cực lạc
Mà trần gian đầy bể khổ trầm luân?

Con lạy Chúa Giê-su ban phép lạ
Cho nước Người hết li biệt, chia phôi
Hai chúng con qùi trước Người đa tạ
Xin hòa tan làm một, ngàn đời!

Em cầu nguyện. Còn anh anh chẳng biết
Trái tim anh sao giá lạnh thờ ơ?
Và hôm nay dù tình anh đã hết
Em vẫn mong, vẫn hy vọng, vẫn chờ...

Vẫn trèo lên đỉnh cao Các - pát
Vẫn theo dòng Đa - nuýp những đêm trăng
Em lại đến Biển Đen xưa dào dạt
Đi tìm anh trên bán đảo Ban - căng!


Bucarets 19/03/1969

40 nhận xét:

  1. @ A HDT: Em cài link vào tên tác giả để mọi người tham khảo.

    Trả lờiXóa
  2. "Buồn, chao ôi! Gió làm em phiêu bạt.Thân cô đơn kinh khiếp cả trăng hiền"-Hai câu thơ như gói trọn tâm tư cả cuộc đời, cuộc tình dâu bể của người thiếu nữ.Giá là giọng nam, chắc chàng sẽ tìm sự lãng quên bên ly rượu, bên người tình mới, còn cô, cô không thể quên chốn xưa, nơi khắc ghi từng kỷ niệm, từng địa danh - nơi cô đã cùng chàng uống vào chén rượu tình ái say nồng và cũng..trát đắng.Vần thơ miên man, hồi tưởng, nhắc đi nhắc lại:Em đi tìm anh trên bán đảo Bancăng...

    Trả lờiXóa
  3. Một tình yêu vừa trần tục lại vừa thần thánh . Nhưng phần thần thánh vượt trội hơn , thăng hoa & trở thành bất tử ...!
    Người ta đánh giá đây là bài thơ tình hay nhất thế kỉ 20 .
    Và thật lạ lùng , theo tôi , mọi lí luận về " sự chia tay " của học giả Trần Phong đều đc nghiệm đúng trong trường hợp này - ở bình diện CAO và SANG TRỌNG nhất !

    Trả lờiXóa
  4. Tay Đương này thì tôi biết, khi đi bộ đội về có biết anh ta cùng làm ngành dược, đảng ủy viên tổng công ty, sau vào Nam, suýt được anh hùng lao động. Mối tình với nàng Tây Natalya một thời nổi tiếng khắp cộng đồng du học sinh VN ở Rumani, chính vì mối tình này mà anh ta phải chịu nhiều tai bay vạ gió từ tổ chức, không vượt qua nổi, Đương phải từ bỏ mối tình này, cô gái đã rất đau khổ và gửi tới anh ta một bức thư thống thiết, chính từ những lời oán trách của nàng đã làm cho Cảm xúc của anh bật lên được một tuyệt tác thơ, mà như HĐT nói là hay nhất thế kỷ hai mươi, nhưng thực ra là nó đã được nhà XB văn hóa cho in trong ALMANACH người đẹp và phái đẹp, trong mục những bài thơ hay của thế giới và VN, nhưng đáng buồn là dưới cái tên một văn sỹ Nga, sau này thì đã được phục hồi đúng tên anh ấy.
    Thực tế ta cũng thấy đây là bài thơ hay, diễn tả tâm trạng của một người thiếu nữ chung tình, nàng đã yêu một chàng trai và khi đôi lứa bị cách xa, nàng đã không quản ngại xa xôi cách trở để cố tìm lại người mà mình yêu dấu, tình yêu của nàng thật đẹp và đáng trân trọng, nhất là với một phụ nữ châu Âu thì thật đáng trọng, tình yêu lãng mạn đó đã làm biết bao con tim thiếu nữ và cả các chàng trai rung động và thổn thức, bài thơ đã có một tiếng vang lớn trong giới du học Rumani những năm bảy mươi.
    Tuy nhiên trên văn đàn trong nước, bài thơ không mấy nổi tiếng, có thể vì không hợp người hợp cảnh, họ xa lạ với những địa danh và Đấng sáng tạo mà "cô gái" cầu xin phép lạ. Thật tiếc, nhưng không phải không có lý, anh ta không đủ sức mạnh vượt qua khó khăn để giữ được tình yêu của mình, ngay sau khi từ bỏ cô gái về nước đã có ngay một mối tình mới với một cô gái Việt, và hình như cũng có vài bài thơ tương tự tặng nàng, và lần này thì họ sống với nhau đến tận bây giờ, và khá sung túc!!!hehehe.
    Đọc một bài thơ, tốt nhất là hãy cảm nhận cái bài thơ ấy thôi, đừng biết gì về tác giả, ta sẽ thấy bài thơ đó thật hay, thật nhiều cảm xúc, và mỗi câu chữ đều thấm đượm tính nhân văn sâu sắc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thơ hay là ở cảm nhận người đọc. chẳng có ông nhà thơ nào trả lời rằng thơ ông hay ở đâu? thậm chí tác giả còn ko rõ. đó mới chính là văn học

      Xóa
  5. "Người ta đánh giá đây là bài thơ tình hay nhất thế kỉ 20"
    Thật là ngạc nhiên!
    Tôi thấy nhiều bài súc tích hơn về mặt 'chữ',giầu hình ảnh hơn, sâu xa hơn về triết lý.... vv...chứ.
    Ví dụ bài "Trước biển" của Vũ Quần Phương (hé lộ bí mật : Chí Nhân đang âm thầm phổ nhạc...).
    Hay bài "Đợi" cũng của VQP,đơn giản và rất hay :

    Đợi

    Anh đứng trên cầu đợi em
    Dưới chân cầu nước chảy ngày đêm
    Ngày xưa đã chảy, sau còn chảy
    Nước chảy bên lòng, anh đợi em

    Anh đứng trên cầu nắng hạ
    Nắng soi bên ấy lại bên này
    Ðợi em. Em đến ? Em không đến?
    Nắng tắt, còn anh đứng mãi đây!

    Anh đứng trên cầu đợi em
    Ðứng một ngày đất lạ thành quen
    Ðứng một đời đất quen thành lạ
    Nước chảy... kìa em, anh đợi em!

    Vũ Quần Phương

    Trả lờiXóa
  6. ờ, thì do HĐT quá ưu ái bài thơ nên từ chỗ " Những bài thơ hay" đến "những bài thơ hay nhất" chỉ cách nhau có mấy ký tự thôi mà. hehe!
    Bài " Đợi" mà TL vừa đưa lên tôi cũng đang định giới thiệu trong một loạt bài dự định đặt tên là "Những bài thơ hay(không nhất)được phổ nhạc" của VN, dĩ nhiên có kèm bài hát minh họa, chắc sẽ từ từ để sưu tập thêm. Và đúng là còn nhiều bài thơ tình thuộc "top" được đông đảo người yêu thơ công nhận, cái này chắc TP nắm rõ.
    Nói gì thì nói chứ đúng là có bài thơ hợp với tâm sự của mình thì phê lắm, càng nhiều uẩn khúc càng phê, và chắc bài này đối với HĐ.T cũng vậy chăng, cho nên ưu ái với nó chút không sao, vài hôm nữa có bài nào hay, ta lại bảo nó hay nhất thế kỷ.... 19!hehe! đùa tý đừng buồn nha HĐ! chỉ tại cái ông TL đổi anh sang em, em sang anh đấy!

    Trả lờiXóa
  7. Anh hadongtran! Tôi ngạc nhiên quá! Từ trước đến nay tôi tin rằng bài thơ này là của nữ thi sĩ Nga ÔNGA BÉCGÔN (1910-1975). Có ai lại không tin rằng bài thơ này được viết ra từ một người của phái đẹp! Vâng, đừng bao giờ thuyết phục tôi bài thơ được viết từ người khác phái đẹp! May thay, bí mật tác giả của bài thơ đã được hé mở và bây giờ tác giả bài thơ chính là anh - chàng trai có mối tình đẹp đẽ, lãng mạn và khổ đau đã đi vào thơ ca. Trên tay tôi là cuốn "ALMANACH - Người mẹ và Phái đẹp" của Nhà xuất bản văn hoá phát hành 1990 có đăng bài thơ này và bài "Mùa lá rụng" của nữ thi sĩ ÔNGA BECGON. Đến đây thì tôi tin rằng chính thi sĩ Khổng Văn Đương là tác giả của bài thơ này. Ôi! Tình yêu kì diệu đã chắp cánh cho anh viết được những vần thơ mà lẽ ra chỉ có người yêu của anh mới viết được! Tình yêu lãng mạn, đau khổ, tuyệt vọng đã làm trái tim anh nở hoa. Anh sẽ phải "thương hoài ngàn năm" cố nhân. Chàng và nàng sẽ mãi mãi "ở hai đầu nỗi nhớ". Trong bài thơ có câu:
    Cho tình anh chưa bén đã lụi tàn
    TP cho rằng tình yêu của họ đã bén lâu rồi! Nồng nàn lắm! Tác giả đã thừa nhận đã yêu nàng lắm cơ mà! Vậy, nên chăng viết lại câu này:
    Cho tình anh mới bén đã lụi tàn
    Xin ý kiến tác giả, xin ý kiến các anh chị!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cứ giữ nguyên như thế mới là thơ !!!
      Không phải con cá mất là con cá to...?

      Xóa
  8. Đọc nhận xét của mọi người xong , phê quá , ko thể ko viết .
    Trời cho ta xúc cảm , ko chia sẻ với bạn hiền thì để làm gì ?
    Xin đc thảo luận riêng với ông bạn " vàng " TL .

    *) Thứ 1 : Tôi ko phải là người đầu tiên , và chắc ko phải ng cuối cùng cho rằng " ...nhất thế kỉ 20 ". Mai tôi xin dẫn đường link.
    Tất nhiên , đây là 1 nhận xét đầy cảm tính và ko có căn cứ vững chắc .
    Nhưng cậu cũng thứa hiểu , bình thơ cũng như tán em thôi , không " nổ " thì làm sao nên cơm cháo đc , xin mọi ng châm trước nhé .
    Chả thế mà ông bạn tôi , khi câu chuyện " tà lưa " đi vào giai đoạn " ngọt giọng " ...lại cứ đòi ví mình với Bật - mã - ôn , cứ đòi nhảy vào chảo lửa !...đòi xin chết ! . Thật hết biết !!...." ngàn vàng đổi 1 tiếng cười ..." chắc phải gọi bạn tôi bằng ....CỤ !.

    *)Thứ 2 : Bài " Đợi " hay , hay thật . Sự kiên nhẫn thật đáng khâm phục .
    Nhưng xin thưa ô VQP : ô cứ đợi đi , đợi đến mùa quít Tây - ban - nha , còn em , em đợi thế đủ rồi ! Em hành động đây , em "..éo " đợi nữa !!!!
    Một cô gái 18 tuổi , đơn độc đi khắp trời Tây tìm 1 nửa của mình...
    ..." Một mình em trong màn đêm thanh vắng
    Tim bồi hồi , chân bước vội dưới trăng ..."
    Thật ko lời nào tả xiết . Một cuộc đi đơn độc , trong tim là 1 phần nghìn tia hy vọng ...còn có gì nồng nàn , đẹp đẽ và đáng kính trọng hơn thế , vì tình yêu ? .Đây ko còn là 1 chuyến đi tìm nữa , mà là 1 cuộc trường chinh - cuộc trường chinh bất tử !!!!

    Xin cứ đọc kĩ bài thơ , trong đó có đủ hết , cả nhạc cả họa cả thơ...và đậm đặc hơn hết là 1 tình yêu cháy bỏng ko gì so sánh đc ...làm ta phải xúc đông khôn nguôi !

    Trả lờiXóa
  9. Một bài thơ, hay một trăm bài thơ được đánh giá là hay nhất tùy thuộc vào cá nhân người cảm nhận, để rộng đường nói chuyện xin cung cấp cho các bạn một cuộc bình chọn đã có trên văn đàn, có thể xem tại
    đây
    Ý kiến của tôi là chúng ta có thể bình luận về bài thơ này như mình cảm nhận, không cần sa vào chuyện nó có hay nhất hay không nữa, chỉ cần HĐ biết rằng đánh giá đó là do mình và một số người tâm đắc với bài thơ ưu ái đặt cho, nó chưa đại diện cho số đông, mà bài viết trên TTO là một ví dụ.
    Bài thơ này, nếu chỉ đọc qua và cảm nhận thì như các bạn thấy, nó hay và xúc động, nhưng nếu đi sâu vào tình tiết, có một điều gì đó làm ta bất nhẫn. Cô gái châu Âu, sở dĩ yêu chàng trai châu Á tóc đen mũi tẹt là vì cô ta được biết rằng người châu Á rất trọng chữ "chung thủy". Cô ta yêu và hy vọng vào mối tình chung thủy của anh ta có thể đem lại hạnh phúc vĩnh cửu cho mình, cô ta đã đặt vào đó biết bao niềm tin và tình cảm sâu lắng, cuối cùng thì sao? Anh ta đã chạy làng vì không vượt qua được khó khăn, anh ta lấy cái tôi của mình để đáp lại tình yêu chân thành của cô gái. Và bài thơ ra đời trong hoàn cảnh nào? Chính là trong đêm ly biệt cuối cùng, anh ta đã mượn lời cô gái để than khóc, để chứng tỏ tình yêu của cô gái dành cho mình là lớn lao biết bao nhiêu, tại sao lại chính là anh ta chứ không phải ai khác? Phải chăng để khỏi day dứt? phải chăng để chống chế? Phải chằng muốn qua bài thơ này để lương tâm khỏi ân hận vì đã đang tâm bỏ rơi một tình yêu đẹp?
    "Mục đích biện minh cho phường tiện" và ở đây " Phương tiện biện minh cho mục đích"
    Phản biện cho ta một cách nhìn rõ hơn về một vấn đề, trong đó có thơ.
    Trong "cải cách ruộng đất" và nói chúng trong quan điểm tình ái cách mạng của mấy ông Cs tiền bối cha ông chúng ta đầy rẫy những mâu thuẫn và hành động ngụy biện xấu xa, một trong các thứ đó là nhân danh CM để phá tan những cuộc tình, gây nên những chia rẽ sâu sắc và ảnh hưởng đến nhiều thế hệ. Có những Đảng viên -cán bộ trung kiên nhưng không khuất phục trước bạo quyền và vẫn giữ được hạnh phúc cá nhân, dù có bị ảnh hưởng đôi chút đến cấp chức, tôi rất cảm phục họ, và nếu có những bài thơ tình hay nhất thì chính là viết về họ, những người đàn ông đích thực, biết vượt qua khó khăn để giữ gìn hạnh phúc, được sống với người yêu dấu của mình.
    Và tôi rất dị ứng, hay có thể nói là khinh rẻ những người đàn ông mềm yếu, hoặc cái cá nhân qúa lớn, không vượt qua được rào cản, chùn bước trước kẻ mạnh, chấp nhận từ bỏ tình yêu để rồi sau đó to mồm than khóc cho một sự thương tiếc muộn màng.
    Kinh nghiệm quá lớn trong đời mà.

    Trả lờiXóa
  10. Hay thật rồi!
    Cám ơn HDT lại 'nổ súng' khai cuộc một 'chiến dịch' mới (nhời của HT).:)
    Xin phép phát biểu như sau :
    1.Quan điểm chung trong thảo luận:
    - Cảm thụ thơ (nói riêng),các sản phẩm văn nghệ (nói chung) và phát biểu nó ra mang đặc tính 'riêng biệt'(nếu ko nói là 'đơn nhất') của một cá nhân nhằm để chia sẻ với nhau. Quyết,nhất quyết ko phải là cuộc phân định Đúng-Sai. (như câu thành ngữ Nga đã khuyên: 'về khẩu vị,đừng có mà tranh luận')

    Đây là qđ a QT đã nêu ko ít hơn 2 lần trong các lời góp trước,ở đây và ở nơi khac. Tôi đồng tình.
    Hy vọng các bạn cũng ko phản đối. Vì có nó thì cuộc thảo luận mới có cơ hội phát triển vào 'chiều sâu'-điều mà tất cả chúng ta đều mong muốn ở TT. Chúng ta là dân 'nghiệp dư' nên việc chủ định được 'tâm thức' bản thân và 'khả năng diễn đạt' đều hạn chế và thiếu kinh nghiệm. Trong khi 'động' tới các vấn đề 'nhạy cảm' rất dễ vô tình mà 'phạm'.Thống nhất được quan điểm này,'ta' sẽ 'thông cảm' với nhau trong tinh thần 'người trong nhà' (nhời của TP) mà bảo vệ mình khỏi bị 'tổn thương' và ko (vô tình) làm 'tổn thương' người khác. (Nói 'leo' theo từ ngữ nhà Phật là tránh được 'cái bẫy' của chính 'bản ngã' chúng ta). Được như thế thì 'bóng', 'gió' sẽ sạch trơn-trời quang mây tạnh và cũng sẽ ko có 'trứng',có 'đá' gì sất
    :)
    - Mọi nội dung,nhận định,nhận xét,khen-chê...vv..chỉ có 'giá trị','tầm hoạt động' trong không gian của TT (Còn nếu,nhỡ bạn đọc nào có mang ra ngoài 'vùng phủ sóng' thì là việc của bạn đó thôi), để: một là thể hiện thực lòng tôn chỉ 'khiêm tốn' (như BT nhắc nhở), hai là tránh bị lấn cấn ko cần thiết khi 'xuất ngôn'. Vì nhiều khi cái 'sự' này nó làm giảm đi sức 'truyền cảm' của thảo luận.
    2.Tôi cũng đã chuẩn bị (trong đầu) ý kiến liên quan tới cái sự 'nhất' và bài thơ này tôi thấy 'hay' ở khúc nào,khúc nào 'dở',nó có 'hoạ' không...vv...Nhưng chưa 'nổ' vì muốn 'đợi' một chút.( bài 'Đợi' của VQP hợp với 'cảnh' của em lắm bác HD ạ,nếu ờ đó 'em' thay bằng 'comment'!):)

    Hết 'điểm xạ 1'.

    Trả lờiXóa
  11. TL : Tôi hiểu , và hoàn toàn đồng ý với quan điểm ( nhiều mặt ) của cậu .Có lẽ quá hiểu nhau rồi nên ko cần dài dòng nữa , tôi đang chờ để đc lằng nghe ý kiến của cậu về bài thơ !

    Nhưng tiện đây tôi cũng có ý kiến nhỏ :
    Theo nhận xét của QT , ( ông bạn TL ) là 1 trang hảo hán , hùng tâm tráng chí , với li rượu tràn môi , gươm khua ngựa hí ....
    Vậy mà ko hiểu tại sao , uống phải bùa mê thuốc lú của tay nhà thơ VQP nào đó , lại cứ đúng " chảy nước " ra trên chiếc cầu " khỉ " ấy chờ đợi mà làm cái gì ko biết ?..." ướt " hết cả quần rồi kìa !!!
    Chi bằng bây giờ , ông bạn thân mến chạy ngay về nhà , chấn chỉnh trang phục , rồi lượn ngay vào bếp xem có còn cơm nguội ko , lèn đôi bát cho ấm bụng .... rồi với tay cầm khẩu súng ( kiểm tra cơ số đạn )...chạy nhanh đi tìm " em "...he he , kẻo ko kịp....!..thế mới xứng là tay cao - bồi Tếch - dát hạng nhất chứ...cứ " ôm cây đợi thỏ " thì đợi đến bao giờ !!!!

    ....hợp với " cảnh " của em lắm , thì ....VỨT !!!!!

    Trả lờiXóa
  12. Đúng rồi, đây là sân chơi riêng của chúng ta, chấp nhận tất cả các quan điểm, khen chê và không ác ý, nó là cảm nhận cá nhân, không ai có quyền áp đặt, chúng ta đều có quyền nói lên tình cảm và ý nghĩ của mình khi đọc bài thơ nào đó, theo tôi xác định trước như vậy có thể dễ nói chuyện hơn, một bài thơ gọi là hay cần được mổ xẻ tận tình, nếu tất cả đều "Xuôi" mà không có "ngược" thì thật nhàm chán.
    Còn về nhận xét của tôi với khẩu khí thơ trong bài xuất thần vừa qua của TL chính xác là mang hùng tâm tráng khí của một trang hảo hớn đấy, nhưng chỉ là khẩu khí bài thơ thôi, chứ bây giờ mà bảo TL vác đao lên ngựa thì, hề hề! kiểm soát quân sự nó túm bỏ mạ!
    Với lại khí chất của người "đợi" trong bài thơ cùng tên là của phái yếu thì hợp cảnh hơn, chứ có "anh" nào cất công đứng trên cầu rầu rĩ đợi em thì chảy nước ra thật, hehe!
    Vũ quần Phương có vẻ như là một chàng trai yếu đuối khi đặt "Anh" là chủ thể của hành động đợi, vì vậy khi Huy Thục chuyển thể, phổ nhạc bài thơ chuyển sang "em" đợi thì ý nghĩa bài thơ hay hơn nhiều, tôi thích sự chuyển dịch đó. chắc HĐ cũng vậy "...lại cứ đúng " chảy nước " ra trên chiếc cầu " khỉ " ấy chờ đợi mà làm cái gì ko biết ?..." ướt " hết cả quần rồi kìa !!!"
    hay! nhưng nên dành cho VQP chứ không phải cho TL, hehe! mà nên để dịp khác mổ xẻ bài này đi, còn lắm điều phải bàn lắm!

    Trả lờiXóa
  13. He he ! Hu ra QT !!!!!!!!!!!!
    HĐT...1..../ TL....0 !

    ( Chấp TL đường dây " nóng " của E "

    Trả lờiXóa
  14. Xin nói thêm về ý kiến của TP.
    TP rất tinh tường khi phát hiện ra một từ chưa hợp cảnh trong bài thơ, anh ấy muốn đổi từ "chưa bén" thành "mới bén". Chỉ đổi một chứ "chưa" thành "mới"
    Đúng là trong thơ ca, từ ngữ rất quan trọng, nhiều khi chỉ một chữ, nhưng khi thay đổi cho đúng thì nâng được giá trị bài thơ rất nhiều, người ta từng ví dụ đàn "cháu" TĐKhoa đã sửa chỉ một từ của tiền bối gạo cội TH, từ "...thênh thang tám thước" thành "..thênh thang ta bước" chỉ bỏ đi một chữ m và một dấu sắc mà câu thơ trở nên khoáng đạt hơn rất nhiều.
    Trở lại với "chưa" và "mới". Ở đây xét trong ngữ cảnh câu thơ thì đúng, có vẻ tình yêu của họ không còn ở dạng " chưa" nữa mà có một quá trình rồi, bởi nếu chưa có gì sâu sắc thì cô gái không thể cất công:"Em đi tìm anh trên bán đảo Ban căng" được, và nếu chưa có gắn bó lắm thì cô gái không đến nỗi:"Chỉ mình em nhức nhối vết thương lòng!" v..v.
    vậy khi nói "chưa bén" là có vẻ chưa đúng.
    Nhưng, lại là nhưng, nếu ta nhìn ở một khía cạnh khác, ở phía cô gái, rất có thể cái yêu cầu "bén" ấy rất cao, cô ta mong muốn ở người đàn ông ấy nhiều hơn ta tưởng, cô ta cho rằng biểu hiện tình yêu cho đến thời điểm ấy của chàng trai chỉ ở mức khiêm tốn thôi, "Bén" thực sự của cô ta là hai trái tim phải thực sự thuộc về nhau, cùng sống chung trong một mái ấm, được cùng chàng tỷ tê tâm sự, những khi tâm hồn lạnh giá đươc con tim chàng ủ ấm.Và một trăm cái đòi hỏi khác nữa với người tình của mình, xét ở khía cạnh đó thì cô gái cho rằng "chưa" bén lắm cũng không phải là vô lý!
    Thôi thì ta chấp nhận tất cả các giả thiết, bởi ngôn ngữ nhiều đường dẫn giải, cái chính là tác giả, hẳn là anh ta cũng thấy được điều đó mà không đổi chắc là có lý do.
    Nếu không thì đề xuất của TP quả là nên làm, chỉ đổi một chữ nhưng làm cho ngữ cảnh rõ ràng hơn.

    Trả lờiXóa
  15. Tôi sẽ không có phần phát biểu này nếu tác giả bài thơ là nữ thi sĩ ÔNGA BÉCGÔN. Thật quá bất ngờ, tác giả bài thơ lại là một chàng sinh viên Việt Nam đang du học ở trời Tây. Tôi hoàn toàn cảm thông với tác giả, cảm thông với quyết định chia tay với người yêu của tác giả. Chúng ta hãy quay lại thời kì phe XHCN còn hùng mạnh, lúc đó những tư duy, nhận thức và quan điểm của chúng ta đã được nhà thơ Việt Phương diễn đạt một cách tài tình trong bài thơ "Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi". Mối tình của tác giả phải đương đầu với một áp lực ghê gớm quá! Lúc bấy giờ "trời còn xanh hơn trời xanh". Tác giả bị kết tội là theo đuổi hạnh phúc cá nhân, xa rời cuộc đấu tranh bão táp của Cách mạng đang diễn ra trên quê hương mình, hát lạc điệu với chủ nghĩa anh hùng Cách mạng VN. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng buộc tác giả phải cuối đầu nhận tội rồi. Tội yêu đương bất chính! Từ ngữ này thời đó hay dùng. Những ai đã từng trải qua vẫn chưa hết nổi sợ mỗi khi nhắc lại chuyện này. Nguyên tắc lãnh đạo lúc bấy giờ là: tuyệt đối - trực tiếp - toàn diện. Quản lí cả cái đầu và con tim của bạn. Tôi nghĩ rằng là may mắn cho tác giả biết bao khi đến bây giờ, tác giả mới nhận bản quyền của mình. Sẽ rắc rối biết bao cho số phận của bài thơ và số phận của tác giả nếu tác giả nhận bản quyền sớm hơn nữa (ngay khi còn ở bên Tây). Người ta sẽ suy diễn rồi quy kết, chụp mũ đây là tiếng kêu than, oán trách của một đôi uyên ương bất hạnh. Hạnh phúc của họ xung đột với Tổ quốc, với tổ chức. Nếu không có sự xung đột đó thì họ sẽ được hạnh phúc biết bao. Do đó, ta hoàn toàn cảm thông, chia sẻ với quyết định chia tay của tác giả bài thơ này.

    Trả lờiXóa
  16. Chúng ta chú ý hai câu thơ của tác giả. Câu trên là:
    "Cho tình anh chưa bén đã lụi tàn".
    Câu dưới là:
    "Và hôm nay dù tình anh đã hết".
    TP nghĩ rằng tình anh "chưa bén", chưa có gì thì lấy gì để mà "hết" được! Những phân tích trên của Trần Trung cũng khẳng định là duyên đã bén rồi kia mà.

    Trả lờiXóa
  17. He he ! Các ông bạn của tôi nói đều đúng cả , chỉ thương tay KV Đương này thôi . Nếu cha nội này mà đọc comment của " Thiết diện vô tư " QT thì chỉ có mà khóc rưng rức !!!
    Tình yêu , cũng như con dao sắc ngọt , khi nó " phạm " vào da thịt , ta đâu có biết - cho tới khi nhìn thấy máu chảy chan hòa !...
    Bởi vậy , trong trường hợp này , khi KVĐ phát hiện ra tình yêu của mình...thì đã muộn mất rồi , dở khóc dở cười mất rồi ! Xin đừng nặng lời trách móc anh ta ...! mà tội nghiệp . Chính chúng ta đã 1 thời kì rất dài chịu cái cung cách quản lý " phần hồn " của mình như vậy hay sao ???

    Yêu người nước ngoài là 1 câu chuyện dài , đầy thương đau và nước mắt . Ô ban ĐPH của chúng ta chẳng là 1 ví dụ cay đằng và sinh động đó hay sao ?...và cuối cùng công lý đã chiến thắng vinh quang và xứng đáng ....cái này thì QT & HT hiểu hơn ai hết....he he !

    Chỉ có điều ông bạn ĐPH của chúng ta dạo này ham tranh đấu quá , ít lượn sang bên này . Hôm nọ vào trang NHQ , thấy tâm sự của thằng bạn , đắc biệt là nhìn thấy 1 bức ảnh có " nàng " - trong " khuôn khổ " 2 mắt nên chẳng biết có phải thật ko ? .... mà phía sau nàng , ko biết là cái " thằng bỏ mẹ " nào dám đặt - nhẹ - tay lên " eo " nàng , làm tôi " ngứa con mắt bên phải " rồi lại " ngứa con mắt bên trái ".... nghĩ về thằng bạn nối khố của mình , chợt thốt lên 1 câu đầy bức xúc : " mẹ kiếp ! chẳng phải tay ông !!!"

    Ừ ! Phải tay ông thì làm sao nhỉ ? xin chờ thằng bạn tui giải thích nhé !

    Trả lờiXóa
  18. He he ! im ắng quá ! Đành hạ độ cao và " xả thiền " vậy - theo cách nói của HT .

    *) Dưới sức ép của tô chức KVĐ đành lòng từ biệt mối tình đầu đẹp đẽ của mình .
    Điều bất nhẫn đến xót xa , là cô gái 18 tuổi , đẹp như 1 bông hoa ấy , vì quá đau khổ , đã phát bệnh , phải bỏ học mất 1 năm .
    May thay , trời còn có mắt nên cô nàng chẳng bao lâu tai qua nạn khỏi....
    , kết thúc gọi là có hậu , để lại cho đời 1 bài thơ bất hủ . Ta rất biết ơn & cảm phục tình yêu mang màu sắc " huyền thoại " của nàng !
    ...Nếu nhìn thực tế hơn , thì mấy ai đã tránh khỏi cái " tai ương " có tính định mệnh ấy ? - mà thực ra , nhờ nó mà ta bản lĩnh và trưởng thành vượt bực cũng nên ...he he !.

    *) Còn nếu khảng khái , kiên cường , KVĐ chiến đấu vì tự do của mình thì :
    ....a)- Lấy nàng : Thỏa mãn nguyện vọng 2 người , nhưng hạnh phúc đến đâu ... lại là 1 câu hỏi còn để ngỏ...bởi kinh nghiêm đã chỉ ra , yêu nồng nàn say đắm và hạnh phúc thực sự dài lâu trong hôn nhân ko phải bao giờ cũng là hệ nghiệm duy nhất , hơn nữa 1 cuộc hôn nhân lệch pha về văn hóa !
    ...b)- Lấy nàng rồi ở đâu ? KVĐ lưu vong ư ? - suốt 1 đời mang nặng tâm tư của kẻ vong quốc , tên " phản bội " . Chả đúng vậy sao ? - người ta đi chiến đấu hy sinh , còn mình ....rồi cha mẹ anh em họ hàng ...tóm lại là phải trả 1 cái giá cực đắt !
    ...c)- Tiếp tục yêu , hoắc lấy nàng , nhưng chấp nhận bị trục xuất về nước : ...he he , chứng minh đc với nàng KVĐ là 1 " anh hùng tóc đen - mũi tẹt " thủy chung son sắt ( nhưng 1000 thằng khác c/m ngược lại ).
    Ôi thôi , chàng về nước cũng là lời vĩnh biệt - mất em và mất hết , kể cả tương lai !!!Có thể khẳng định rằng KVĐ ko bao giờ có cơ hội vươn lên trong sự nghiệp .
    Tất nhiên , nếu thực sự bản lĩnh thì mọi chuyện là cái " đinh " - nhưng điều - quan - trọng - nhất là có em bên cạnh thì... " ko bao giờ nhé " - ta còn lạ gì cs nữa !!!! . Vậy có khác gì chia tay ...mà thực ra chia tay cho " lành " - thực đấy , cho cả 2 !!!!
    Có lẽ lịch sử chỉ c/m có 2 trường hợp : ĐPH & câu chuyện cách đây khoảng 15 năm , khi chủ tịch Trần Đức Lương thu xếp với người đồng cấp Bắc Triều Tiên cứu vãn 1 mối tình xảy ra trước đó 30 năm của 1 lưu h/s VN kiên cường ....

    Phởn chí lên , tôi có bản tường trình với Bao đại nhân - QT . Tuy có dài 1 chút , nhưng mong Người minh xét !!!!

    ( và thú thật , phương pháp luận xử dung ở đây là tôi vay mượn ở ô bạn " vàng " TL , người luôn cao điểm hơn tôi về môn toán , trong suốt những năm đèn sánh )

    Trả lờiXóa
  19. He he TL : Đúng ko ? Khảo sát " hàm số tình yêu " mà - biện luân cho mọi trường hợp ....rồi các " điểm uốn " , " tiệm cận " ...với cả " vòng 1 - vòng 2 - vòng 3 " nữa he he !!!!

    Cậu chi ra 1 bữa bia đi , khao tui và Bao đại nhân cùng mấy anh em , tui sẽ khảo sát cho " hàm số của cậu " - cái mà dù giỏi hơn tui mấy chân kính , cậu cũng ko bao giờ làm đc ...he he ! Thật đấy ! Khảo sát chi tiết theo đúng yêu cầu ISO 14000 .

    Trả lờiXóa
  20. Khi a HDT đăng bài thơ này e đã tìm thông tin trên mạng và cài link vào tên TG. Cái nhãn "bài thơ tình hay nhất TK 20" được lặp đi lặp lại ở rất nhiều trang. Các anh đã tranh luận khá nhiều về điều này và em sẽ ko đề cập đến nữa. Em chỉ muốn chia sẻ một chút cảm nghĩ về bài thơ, ở đây em gạt những gì em biết về TG sang một bên vì nếu nghĩ đến điều đó thì sẽ mất khách quan khi bình luận một tác phẩm.
    Bài thơ này không để lại cho em nhiều cảm xúc. Em thậm chí còn không nhớ được câu nào ngoài câu lấy làm tựa đề, trong khi đó bài "Lửa Thiêng" của TL, hay "Tổ Quốc kiêu hùng" của a QT và một số bài thơ của 2h cũng như a TV lại để lại trong em những ấn tượng rõ rệt. Em cảm nhận được sự rung động thực sự, có thể đó là sự mất mát, nỗi đau, sự thất vọng, những rung động đầu đời, một chút hy vọng dù là mong manh, sự kiêu hãnh, niềm tự hào,...rất nhiều sắc thái tình cảm khác nhau của TG mà em cảm nhận được ngay sau lần đọc đầu tiên.
    Với bài thơ này, em đọc đi đọc lại, chẳng thấy cảm xúc rõ rệt. Có một vài câu một đôi chỗ hình như đem lại cho em một chút suy tư gì đó nhưng sau đó cảm giác đó lại mất đi. Nếu như TG viết bài thơ này bằng 2 giọng tự sự của chàng và nàng thì có lẽ sẽ thành công hơn, hoặc chỉ viết về tâm trạng của chàng chẳng hạn. Em hoàn toàn đồng ý với ý kiến của a TP khi anh nói rằng "Có ai lại không tin rằng bài thơ này được viết ra từ một người của phái đẹp! Vâng, đừng bao giờ thuyết phục tôi bài thơ được viết từ người khác phái đẹp!" Nó có vẻ là tự sự của một cô gái thì đúng hơn. Ở đây nếu như TG nói hộ nỗi niềm của cô gái mình vừa mới nói lời chia tay thì đoạn
    "Em xin hỏi Trời cao và Đức Phật
    Cõi Niết Bàn có mãi mãi mùa xuân?
    Đâu trời Tây, đâu xa gần Cực lạc
    Mà trần gian đầy bể khổ trầm luân?"

    liệu đó có phải là lời của cô gái hay là lời anh ta thêm vào cho bài thơ thêm "bi"?
    Tình cảm của cô gái trong bài thơ thật đáng trân trọng còn chàng trai thì sao? Em không tài nào cảm nhận được sự mất mát, sự đau khổ vì chia ly, sự đồng cảm với nỗi tuyệt vọng của người mình yêu. Có vẻ như anh ta đang viết về câu chuyện tình của một người nào đó với con mắt của người thứ ba, lạnh lùng và vô cảm. Tất cả những điều đó đã làm em thấy ngạc nhiên khi đọc được câu "Bài thơ tình hay nhất". Với em, bài thơ sẽ lại trôi tuột ra khỏi tâm trí như những bài thơ khác. Có lẽ với một người đàn ông chân chính khi chia tay một cuộc tình nên chọn cách im lặng hoặc thổ lộ nỗi niềm của mình thay vì nói hộ lời người phụ nữ.

    Trả lờiXóa
  21. Bài thơ là một sáng tạo 'nghệ thuật' lấy cảm hứng từ chuyện tình thực của TG,chứ ko phải là chính là chuyện tình ấy ( TG viết bài thơ sau khi đã nhận bức thư chia tay đẫm nước mắt của nàng, thì làm sao có chuyện nàng thơ thẩn đi tìm chàng như miêu tả -để làm gì)

    Những điều hay của bài thơ nằm ở kết cấu,phân bố ý thơ và 'bút pháp' diễn đạt.

    4 khổ đầu :'đi tìm'
    3 khổ tiếp theo :'ai oán'
    khổ 8 : 'tự trách'
    khổ 9 : 'kết mà ko kết'
    Bố cục rõ ràng như thế là chặt chẽ,có tính 'chuyên nghiệp' cao.

    Xin phát biểu về 4 khổ đầu:

    Khổ 1-4 với 'tứ'-'đi tìm', tả cảnh 'em thơ thẩn,vô định đi tìm anh' nhằm nói lên 'tình em đối với anh' mãnh liệt đến như thế nào :
    - đi bộ khắp mặt đất (khổ 1): khắp bán đảo Ban -căng.
    - đi lên núi (khổ 2) : trèo lên đỉnh Các- pát.
    - đi xuống biển (khổ 3) : Biển Đen
    - đi theo dòng sông (khổ 4) : sông Đa-nuýp.
    Cả 4 địa danh : bán đảo Ban-căng, dãy núi Các-pát,Biển đen và sông Đa-nuýp đều rất nổi danh và là đặc trưng đầy đủ cho đất nước Rumani. Vậy tức là ko có nơi nào (có thể đến và ko thể đến trên đất Rumani) là em ko tới để tìm...anh.
    4 khổ thơ là 4 'cảnh' nói 'tình'.
    Lồng trong 'cảnh' là câu chữ mô tả tâm trạng chỉ thấy có cô đơn, khắc khoải và vô vọng ở những nơi đó của nàng,TG đã truyền cảm được cái mãnh liệt,thắm thiết,tủi cảm, bi ai và cũng 'rộng lớn,bao la' của tình yêu trong trái tim người con gái ấy.

    Với tôi 4 khổ đầu và khổ kết cuối cùng là hoàn hảo và hay nhất,đặc biệt khổ 4 'hình tượng' mây soi bóng xuống dòng Đa-nuýp nghìn năm vẫn trôi một nhịp đối nghịch với thân lẻ loi ko có nhịp - là đỉnh. Có một 'hạt sạn' (thuộc về 'kỹ thuật' dùng câu chữ) là câu cuối khổ 3,
    "Thân cô đơn kinh khiếp cả trăng hiền "
    Viết như thế 'ép' chữ ,'khiên cưỡng' quá!

    Hết 'điểm xạ 2'.

    Trả lờiXóa
  22. Chuyện lâu lắm rồi . Khi đó , " chính ủy " H Thu đc chuyển về làm Trưởng ban thi đua khen thưởng của chính phủ .
    Một hôm , cậu trợ lí chuyển lên 1 tập hồ sơ : " ở dưới trình lên , đề nghị thưởng huân chương và danh hiệu anh hùng cho đ/c A...vì thành tích đặc biệt xuất sắc !" .
    ( HT xem xét kĩ h/sơ ) - " thành tích thật tuyệt vời !" ....
    - nhưng mà này !
    - dạ thưa ?
    - thế còn " lịch sử tình yêu " của tay này sao nhỉ ?
    - ( trợ lí gãi đầu ) : dạ , cách nay 20 năm , anh ta có chót chủ động nói lời chia tay với ban gái ạ !...
    -lí do tại sao ?
    -dạ ko rõ ạ !
    - ( thủ trưởng lập tức nghiêm mặt , mát mẻ ) : thế mà cũng đòi !!! huân mới chả chương ! dẹp , dẹp ! .

    Từ đó , " sức tiêu thụ " huân chương giảm hẳn , chỉ còn tầm 10% so với trước đây , công nhân thất nghiệp , đói dài . Bởi vậy có ý kiến đến tai Lê Đức Thọ , ông phán " con bé ấy rắn 1 tí nhưng tốt . Thôi cho nó phụ trách khen thưởng ở hội - đồng - đội - Trung ương ! " .

    Vậy là mọi việc lại đều suôn sẻ , công nhân mấy nhà máy phấn khởi như xưa .

    Trả lờiXóa
  23. Để trả lời TP thì thế này, như tôi đã nói, tác giả có chút nhầm lẫn câu chữ đúng như TP đã phát hiện ra, có điều thương hại TG nên tôi thủ tìm một lý giải khác trên nền tâm tư của cô gái, may ra thì giải thích được cho điều tréo ngheo về cái "chưa" và "mới" đó, nhưng xem ra thất bại rồi, hehe!
    Còn về "thiết diện Bao công"? một tình yêu đẹp đáng cho ta ca ngợi thì nó phải thế nào nhỉ? tôi cho là thế này: Biết vượt qua khó khăn để chung tình, cái khó khăn đó là gì? do xung khắc chính trị, chủng tộc, quốc gia! Hay cấm đoán của gia đình, vượt qua lễ giáo lạc hậu, hay đơn giản hơn vượt qua được thói thường về gia cảnh, giáo dục, hay tuổi tác !!! để được duy trì tình yêu với người mình yêu. Rất đơn giản nhưng theo tôi đó mới chính là tình yêu đẹp, mà có khi người trong cuộc lại không nhận ra :))
    Nếu một tình yêu ở dạng đã yêu nhau thắm thiết, thực tế ở đây TG trước khi đi học đã được quán triệt đầy đủ về điều các bạn nói,(ai đi du học các năm trước chẳng biết điều đó). Nếu là người tử tế anh ta biết rằng yêu một cô gái địa phương là trái quy định thì thôi, ngồi ngắm cô ta mà tưởng tượng đi, đừng đẩy sâu quan hệ để cuối cùng không đấu tranh nổi và "Phụ bạc" cô gái, cái từ phụ bạc này cổ nhưng các bà là gét nó lắm!!
    Cuối cùng thì là gì? anh ta than khóc hộ người đã thất vọng sâu sắc về mình đến nỗi sắp phát điên bằng một bài thơ, dù có hay và cảm động đến mấy tôi cũng cho là đạo đức giả, nên như một lần tôi đã nói: đọc thơ thì cứ đọc chứ đừng biết gì về tác giả là thế.
    Vì vậy tôi cũng đồng tình với quan điểm của HT: "..Có lẽ với một người đàn ông chân chính khi chia tay một cuộc tình nên chọn cách im lặng hoặc thổ lộ nỗi niềm của mình thay vì nói hộ lời người phụ nữ."
    Tất cả những điều trên làm mình thất vọng, đến nỗi không còn cảm hứng để bình luận về những câu hay ý đẹp mà vốn không thiếu trong tác phẩm thơ này.
    Ngoài ra, mấy cái ABC của HĐ trần trụi quá, tuy nhiên không phải không có lý, khi tính Trỗi tòi ra thì người ta sẽ nói: "đồ hèn! có gan ăn cắp phải có gan chịu đòn chứ!".
    Thực tế cũng có cô gái Nga bán bia ở Quàng ninh đấy, hít bụi suốt than suốt ngày vẫn cười phe phé! mỗi tội không biết làm thơ! hehe.

    Trả lờiXóa
  24. Xin các anh chị cung cấp thêm tư liệu vì sao có sự nhầm lẫn tác giả bài thơ "Em đi tìm anh trên bán đảo Ban- Căng"? TP nghĩ rằng, nếu những người thân của nữ thi sĩ Nga ÔNGA BÉCGÔN gửi đơn khởi kiện đòi lại bản quyền bài thơ này thì những chứng cớ mà tác giả Khổng Văn Đương trưng ra chưa mạnh mẽ lắm, chưa thuyết phục lắm. Các anh chị đã học ở Liên-xô cũ có thấy bài thơ này trong tuyển tập thơ của nữ thi sĩ ÔNGA BÉCGÔN không? TP hoàn toàn đồng ý với nhận xét của HT về đoạn thơ mà HT đã trích dẫn. Một cô gái châu Âu mới 18 tuổi mà hiểu biết về Phật giáo, cõi niết bàn khá sâu sắc. Điều đó hơi lạ! Có thể vì quá yêu chàng nên nàng đã yêu cả cái văn hoá phương Đông của chàng? TP sẽ nói về sự khác nhau giữa bài thơ được đăng trên mạng và bài được đăng trên "ALMANACH - Người mẹ & phái đẹp" trong lần phát biểu sau.

    Trả lờiXóa
  25. Trước tiên BL xin có lời chào tới các anh các chị tham gia diễn đàn trang thơ này .
    Trang thơ rôm rả qúa .BL xin được góp chút đỉnh với hội cho vui .
    Hồi năm 1976 khi được nghe bài hát nhạc vàng Sài Gòn sau ngày giải phóng ,trong đó có những câu ca từ khiến BL ngạc nhiên và tranh luận với bạn rằng họ hát nhầm .Nhưng rổi càng ngẫm BL càng thấy những ca từ ấy đúng .Ca từ rằng :"...Tình chỉ đẹp khi còn dang dở ,đời mất vui khi đã vẹn câu thề ..."
    Mối tình trong bài thơ "Em đi tìm anh trên bán đảo Ban căng " có lẽ rất đẹp vì dang dở chăng ?
    Bài thơ này BL dược biết vào cuối năm 1969 trên đất bạn Rumani .Hồi đó chúng tôi chép và truyền tay nhau một cách bí mật .Có những người đã học thưộc lòng bài thơ đó .
    Khi ấy đất nước VIệt Nam đang trong cuộc chiến ác liệt chống Mỹ .Trước khi ra nước ngoài chúng tôi được giao nhiệm vụ " cầm bút ".Cả dân tộc đang sục sôi tập trung tất cả cho tiền tuyến .Trong giai đoạn khó khăn ấy dân ta vừa chiến đấu chống giặc ngoại xâm vừa xây dựng Tổ Quốc .Mọi người Việt Nam đều vào cuộc chiến .Nhất là lớp thanh niên -ở trong nước cầm cày và cầm súng cón chúng tôi cầm bút .Cầm bút để ghi chép-là học để có kiến thức sau này trở về góp phần kiến thiết đất nước .Chúng tôi có nhiệm vụ tập trung tất cả cho học tập , không được yêu .Nếu ai yêu người nước bạn thì bị trục xuất về nước ,Nếu 2 ngưởi Việt Nam yêu nhau thì cả 2 phải về nước.
    Tổ chức dặt ra qui định ấy nhưng tổ chức quên rằng con người là 1 cơ thể sống ,phát triển theo qui luật tự nhiên.Ở cái tuổi đang đẹp đang khát khao yêu thỉ lại bị cấm ! Trong sự cấm đoán khắt khe ấy tình yêu càng bùng cháy mạnh mẽ đẹp muôn màu và không ít thương đau .Nhiều người Việt Nam ở Rumani hồi đó rất thích bài thơ của anh Đương .Bởi đó là tiếng lòng của 2 người yêu nhau,là tình cảm được viết ra thành lời cưa anh đại diện cho biết bao mối tình đẹp đầy nước mắt mà chỉ có những con tim yêu đương phải kìm nén mới hiểu được .
    Về bài thơ BL có lời góp thế này :Ở câu thứ nhất ,khổ thứ 5 từ trên xuống ,2 chữ cuối cùng của câu này không phái là " bao la ' mà là " bát ngát ".BL biết ở trong bài đã chép hơn 40 năm về trước và khớp với bài thơ dược đăng trên tập san hữu Nghị Việt Nam - România của Hội Hữu Nghị Việt Nam -România đăng nhân dịp kỷ niệm quốc khánh România và 60 năm quan hệ ngoại gao Việt Nam -România 1950-2010.Với lại khi dọ c câu thơ ta nghe thuận về cách gieo vần .
    Bài thơ thật hay .Bằng tiếng nói của con tim ,tác giả nói lên tiếng lòng của người yêu và cửa chính mình .Tình yêu mãnh liệt nhưng không chống lại được luật lệ khắt khe .Miệng nói ra lời ly biệt nhưng trái tim tan nát , Trong sâu thẳm hình bóng người yêu còn vẫn khắc ghi .Một mối tình rất cảm động .
    Còn chuyện tác giả cũng yêu người vợ mới của mình thì ta có thể cảm thông .Cuộc đời là thế . Trong đời sốngnào ai chẳng có mối tình đầu .uộc đồưi
    Trong tập san hữu nghị nêu trên có đăng bài thơ " Em đi tìm anh trên bán đảo ban Căng " với tác giả Khổng văn Đương và bài " Hoàn cảnh ra đời của bài thơ " ..." của Nguyễn Tấn .
    BL

    Trả lờiXóa
  26. @ Chị Bạch Liên: Cảm ơn chị đã tham gia và làm sáng tỏ đôi điều về bài thơ.

    Điều mà mọi người phân vân là liệu bài thơ được đăng có đúng nguyên bản như khi sáng tác không? Ngoài từ "bát ngát" mà chị đã sửa ra còn có đoạn nào, câu nào khác với bản chép tay của chị hồi đó không? Vì theo ý của một số người 2 khổ

    "Em xin hỏi Trời cao và Đức Phật
    Cõi Niết Bàn có mãi mãi mùa xuân?
    Đâu trời Tây, đâu xa gần Cực lạc
    Mà trần gian đầy bể khổ trầm luân?

    Con lạy Chúa Giê-su ban phép lạ
    Cho nước Người hết li biệt, chia phôi
    Hai chúng con qùi trước Người đa tạ
    Xin hòa tan làm một, ngàn đời!"


    Có vẻ hơi khiên cưỡng vì trong bối cảnh chính trị hồi bấy giờ liệu thanh niên - sinh viên du học sinh ở Rumani có sự hiểu biết về tôn giáo sâu sắc đến thế không?

    Vì vậy đã có giả thiết cho rằng bài thơ có vẻ đã được tác giả chỉnh sửa lại. Còn về hoàn cảnh ra đời của bài thơ thì anh Tr.Trung đã có bài đăng ở phần tiếp theo. Chị đọc nhé.

    Trả lờiXóa
  27. @ Bạn đọc Trang Thơ: Chị Bạch Liên gửi lời xin lỗi. Do máy tính trục trặc nên không chỉnh được lỗi chính tả khi đánh máy nhận xét và nhờ Thu sửa hộ. Thu thấy không cần thiết vì mọi người vẫn có thể đọc và hiểu được chia sẻ của chị. Nội dung chia sẻ quan trọng hơn. Sự tham gia của chị, cũng như của các bạn đọc khác góp phần làm trang của chúng ta thêm sôi nổi.

    Trả lờiXóa
  28. Hoan hô sự trở lại của bạn Bạch Liên - thât đúng lúc , khi buổi thảo luận của chúng ta về bài thơ " Em đi tìm..." cùng tác giả của nó - ông KVĐ , đi tới hồi kết .
    Với ý nghĩa là nhân chứng gián tiếp cách nay hơn 40 năm , BL đã phần nào giải đáp cho chúng ta những phân vân thắc mắc khi muốn tìm hiểu thật sâu vấn đề .
    Một điều lí thú là ở chỗ , những kiến giải hết sức tinh tế của TP , HT ...và sự công nhận của chúng ta - tuân thủ lo gic trong lập luận và kinh nghiệm cá nhân - lại bị thực tế hoàn toàn phủ định ( ý tôi muốn nói tới 2 khổ thơ ko bình thường ấy , như BL hàm ý khẳng định , là có ngay trong bản gốc từ những năm 60 ). Thật là " cây đời mãi mãi xanh tươi ...".

    Chúng ta , thưởng thức bài thơ và đã thẳng thắn phát biểu theo phong cách và góc nhìn của mình , tất cả đều lí thú và bổ ích , thật đáng quí . Trên tinh thần ấy , hy vọng chúng ta lại gặp nhau trong những đề tài mới , không kém phần gai góc & hấp dẫn ở phía trước .

    Xin chân thành cảm ơn các bạn !

    Trả lờiXóa
  29. Chào chị Bạch Liên! TP rất vui khi được làm quen với chị! TP xin hỏi chị bài thơ "Em đi tìm anh trên bán đảo Bancăng" có ghi tên tác giả là Khổng Văn Đương và đăng trên tạp chí "Hữu nghị Việt Nam - Rumani" năm 2010 phải không? TP nghĩ rằng, lúc này anh Khổng Văn Đương đã được cơ quan tác quyền Việt Nam công nhận quyền tác giả của anh rồi. TP thất vọng vì việc đó không xảy ra sớm hơn nữa! Xin hỏi chị, tác giả Khổng Văn Đương công bố "quyền tác giả" với các anh chị trong thời gian cùng học tập phải không? Những tư liệu trên mạng lại nói khác đi. Nhiều sinh viên Việt Nam lúc đó đã chép tay bài thơ này song không biết ai là tác giả hoặc biết một cách mơ hồ là của một sinh viên Việt Nam nào đó. Xin chị vui lòng cung cấp nhiều thông tin thú vị hơn nữa!

    Trả lờiXóa
  30. Vì thời gian buổi hội thảo không còn nhiều, TP xin phát biểu ý kiến cuối cùng. Để làm sáng tỏ tác giả bài thơ này là của anh Khổng Văn Đương thì cơ quan cấp quyền tác giả phải làm rõ những điểm sau đây:
    1. Người phát ngôn của ấn phẩm "ALMANACH - Người mẹ & phái đẹp" 1990 phải làm sáng tỏ vì sao có sự nhầm lẫn này.
    2. Làm việc với Bộ văn hoá của Liên bang Nga xác định có phải tác giả bài này là bà Ônga Bécgôn không. (Chính Bộ văn hoá VN phải làm việc này)
    3. Tổ chức ĐTNCS, Đại sứ quán tại Rumani hồi đó có tịch thu tập thơ gồm 90 bài trong đó có bài "Em đi tìm anh trên bán đảo Bancăng" không? Anh Đương có trả lời với tổ chức anh là tác giả bài thơ này không?
    4. Cô gái Rumani người yêu của anh có được anh tặng bài thơ này hoặc biết bài thơ này không?
    5. Bạn bè anh phải làm sáng tỏ ai là tác giả lúc đó? Bài thơ thật hay, những người yêu thơ rất tinh tế, chắc chắn họ sẽ nhớ ai là tác giả lúc đó. Nếu bạn bè anh muốn làm chứng phải có từ 2 người trở lên theo qui định của Pháp luật VN.
    6. Chứng cứ duy nhất anh Đương đưa ra phải được giám định một cách khoa học (Viện Khoa học Hình sự chẳng hạn). Trước hết, phải xác định có đúng là bút tích của anh không? Sau đó, tờ giấy và bút tích này cách đây chừng bao nhiêu năm.
    Nếu chưa làm sáng tỏ các điểm trên thì không nên vội vàng cấp quyền tác giả cho anh. Những ý kiến TP nêu lên chỉ nhầm một mục đích là việc cấp tác quyền cho anh Đương thật sự được tâm phục khẩu phục.

    Trả lờiXóa
  31. Thật có lỗi với bạn đọc trang thơ vì đã không tiếp tục nhận những ý kiến tiếp theo khi buổi thảo luận đã đi vào hồi kết, đã có “ý kiến cuối cùng “của anh tranphong . BL mong nhận được sự lượng thứ của mọi người .
    Tuy đã có những điểm chốt để làm sáng tỏ bài thơ ấy , nhưng “ muộn còn hơn không “.có thêm chi tiết mới muốn chia sẻ. BL mạo muội làm mất thời gian của bạn đọc trang thơ thêm một chút .
    @-HT: Câu hỏi khó đấy . Ở thời điểm đó khái niệm về :“cõi niết bàn”,”trời Tây”,”cực lạc “,”bể khổ trầm luân “ có lẽ chỉ được biết đến chủ yếu với những người lớn tuổi đi chùa , mà cũng không được công khai .< Nhà chị gần chùa ,Theo mẹ lên chùa ăn oản , cơm chay thấy ngon nhưng nghe đọc kinh không hiểu.Về nhà nghe mẹ giảng cho Nhưng mẹ chỉ nói khi vắng người . Đọc kinh cũng như đọc thầm. Đến lớp kể chuyện về chùa chiền là bạn cười. Khi học về chủ nghĩa Mác - Lênin .Phần nói về xã hội chủ nghĩa ,chủ nghĩa cộng sản nhằm tới mục tiêu cuối cùng để có xã hội“ làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu “ Chị nói với mẹ : cncs giống niết bàn mẹ ạ .Mẹ chị cười và bảo chả có chủ nghĩa nào giống niết bàn đâu ! > Ngây thơ vậy mà khi sang Ru cũng trộm đi nhà thờ đấy .
    Trường hợp bài thơ .Thanh niên Việt Nam khi đó mơ hồ về tín ngưỡng nhưng điều đó với dân châu Âu thì khác . Liệu có thể qua người yêu mà tác giả được mở mang nhận thức chăng ?
    -“liệu tác giả có chỉnh sửa bài thơ không ? “.Điều này chị không rõ và mới đây chị cũng có thắc mắc .Chả là thế này .Chị đã trao đổi với một số bạn chị về bài thơ và cùng nhớ ra bài thơ thiếu một khổ .Không hiểu vì lý do gì ?< vì thích ,chép và thuộc chẳng ai giữ lại bản chép cả > . Khổ thơ ấy đứng sau khổ thơ thứ 5 từ trên xuống.Nội dung như sau :
    “Ôi nhân gian mấy ngàn năm kiếp sống
    Có nghe chăng quằn quại một tình yêu
    Anh có nghe trong gió cồn xao động
    Em lang thang lạc lõng giữa trời chiều .”
    @-hadongtran :Cám ơn anh có ý kiến sau lời góp của BL.Bởi khi đó cảm thông với người trong cuộc của mối tình dang dở ấy , bởi thích thơ nên BL đã chép bài thơ ấy .Nhân buổi tọa đàm Bl biết gì nói nấy thôi mà .

    Trả lờiXóa
  32. @tranphong :Cám ơn anh. BL cũng hân hạnh được làm quen với anh và các bạn trang thơ .Về câu hỏi của anh BL có ý kiến thế này :
    -Trong tập san hữu nghị Việt Nam –România của hội hữu nghị Việt Nam –România nhân kỷ niệm quốc khánh và 60 năm quan hệ ngoại giao V- R ở trang 15 có đăng bài thơ “Em đi tìm anh trên bán đảo Ban Căng “.Dưới tít của bài có ghi Khổng Văn Đương . Cuối bài ghi Bucarets 19-3-1969.
    Mỗi khi nhắc đến bài thơ này thì hình như mặc định từ khi ở Rumani ,chúng tôi hiểu đó là bài thơ của anh Đương , mà biết rồi nên khi đọc tập san đến bài thơ chỉ lướt qua chứ không đọc kỹ .Gần đây chúng tôi mới phát hiện ra như nói ở trên.
    -Hồi ở Rumani anh Đương không “công bố quyền tác giả “với chúng tôi , nhưng từ nguồn tin mà chúng tôi được biết khi đó là bài của anh ấy .Vì anh ấy đang trong “hoàn cảnh khó khăn “ bị theo dõi xem có thực hiện đúng cam kết với tổ chức là “Không tiếp tục quan hệ , không vương vấn với cô gái Ru nữa “hay không ? Chúng tôi cảm thông và giữ kín để anh ấy bớt phần rắc rối.
    Với lại những địa danh trong bài thơ là của Rumani.Chúng tôi vẫn cho rằng cô gái” lang thang suốt ngày đêm “trong thơ ấy cũng có chút “ lơ ngơ “ sắp bị” ốm” rồi ! Mối tình trắc trở ấy hồi đó như scandal ,bài thơ như là “cái đuôi “của mối tình ấy. Thông tin nội bộ trong cộng đồng người VN rất nhanh .
    -Về bài thơ .Mối tình Ta –Tây tai tiếng dễ biết .Còn bài thơ thì ai thích mới quan tâm ,mới chép .Mà chép truyền cho nhau có thể cũng tam sao thất bản .
    - Về “đòi quyền tác giả “. BL cũng có nghe hồi đầu anh ấy không muốn . Có ý kiến cho rằng : Những năm đầu mới về nước ai dại gì mà “Vạch áo cho người xem lưng”-Xem cái qúa khứ suýt thì bị đuổi về nước ấy , dù biết rằng bài thơ của mình mang danh người khác ! Người ta yêu Tổ Quốc hơn yêu người yêu .Chia tay người yêu để được ở lại học tiếp và tốt nghiệp để giữ danh cho gia đình , để không hổ thẹn với làng xóm quê hương và sống xứng đáng với các chiến sỹ ngoài mặt trận- thì người ta cũng có thể tạm hy sinh “quyền tác giả “để cơ quan không biết về quá khứ .“Có lý lịch đẹp –đi học nước ngoài về có nhiều cơ hội để phấn đấu , để thăng tiến .Rồi khi đã có nhiều thứ ,người ta mới nghĩ đến danh -nghĩ đến đòi lại quyền tác giả …
    Ý kiến khác cho rằng :Hồi đó ,quyền tác phẩm tác giả ở nước ta chưa được quan tâm như bây giờ .Mặt khác liệu câu chuyện về “cái buổi ban đầu ấy “ anh Đương có nói cho vợ biết không ? Sau này hơn 40 năm khi vợ biết thì đã là “sự đã rồi “đã qúa lâu chẳng còn ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình nữa !

    *_BL có đề nghị : Có ai đã nhìn thấy văn bản nào của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho anh Khổng Văn Đương thừa nhận anh ấy là tác giả của bài thơ “Em đi tìm anh trên bán đảo Ban Căng “ Không ? Nếu có đề nghị copy để cùng xem.BL muốn biết cụ thể nội dung bài thơ được bảo hộ kèm theo giấy chứng nhận ấy .
    * Khi đã biết ” tính pháp lý của “ quyền tác giả thì 6 điểm kết luận của anh tranphong có lẽ còn được bàn tiếp .

    Trả lờiXóa
  33. Chào chị Bạch Liên! Cám ơn chị đã trả lời câu hỏi của TP. TP xin có vài ý kiến về bài thơ của anh Khổng Văn Đương.
    1. Trên mạng khi viết về quyền tác giả của anh Đương, các tác giả chưa đưa ra những chứng cứ pháp lý thuyết phục bạn đọc về quyền tác giả của anh Đương. Chứng cứ đưa ra là bà Trần Thị Trường, cơ quan cấp quyền tác giả nói rằng tờ giấy có chép bốn khổ thơ của bài thơ này có thời gian vào khoảng năm 1960-1970. Chứng cứ thứ hai là dư luận từ bạn bè cùng học với anh tại Rumani. Bạn đọc không dễ bị thuyết phục bởi những "chứng cứ" trên. Khi đòi quyền tác giả, anh Đương nên tham khảo ý kiến của luật sư xem có còn thời hiệu khởi kiện không? Những chứng cứ đưa ra có đảm bảo đòi được quyền tác giả không? Nếu không hội đủ những điều trên thì không nên khởi kiện đòi quyền tác giả. Việc này có lợi cho anh Đương nhiều hơn là theo đuổi vụ kiện.
    2. Về ý kiến anh không đòi quyền tác giả sớm hơn là muốn giữ cho lí lịch được đẹp. Gần cuối đời, khi đã có cuộc sống dư giả, anh mới cần có danh. Chắc chắn bạn đọc sẽ không thông cảm với anh đâu vì lí lịch cần phải đẹp suốt cuộc đời!
    3. Về 2 khổ thơ có nhiều ý kiến nhất, TP xin nói thêm thế này: Nếu toàn bài thơ được ví như toà lâu đài thì hai khổ thơ bị nghi mới thêm vào hoặc sửa lại chẳng khác nào như việc "quét vôi vào toà lâu đài" này!
    4. Những bài thơ của anh Đương được đưa trên báo mạng, TP cảm thấy có khoảng cách rất xa với bài thơ mà anh đòi quyền tác giả.
    Thân ái chào chị!

    Trả lờiXóa
  34. Bài thơ này thời sinh viên một cô bạn đã chép cho tôi và ghi tên tác giả là On Ga Béc Gôn (Nhà thơ Nga). Tôi thích bài này lắm. Nhiều đêm buồn đọc lại thấy càng thấm. Nó sầu thảm, kiêu hãnh, bao la rộng lớn. Nó diễn đạt được biết bao điều của một tình yêu bi thiết. Năm nay, sau 23 năm, nhớ bài thơ, tìm trên mạng lại thấy tác giả lại là của một người Việt, tôi rất ngạc nhiên và mới biết có bao người cũng yêu thích bài thơ này như tôi. Chỉ có điều có nhiều dị bản quá mà tôi chưa tin chắc chắn vào một bản nào là bản gốc. Trong trang thơ này, tôi xin chép lại bài thơ xưa:
    Em tìm anh trên bán đảo Ban căng
    Người chẳng thấy chỉ thấy trời im lặng
    Một mình em giữa màn đêm thanh vắng
    Tim bồi hồi chân bước vội dưới trăng.

    Em trèo lên đỉnh núi cao Các pát
    Nhìn theo anh mất hút, biết về đâu?
    Chân ai đi xa lắc, tím trời Âu
    Dòng nước mắt bỗng trào ra chua chát.

    Em lại đến biển Đen xưa dào dạt,
    Sóng xô bờ liên tiếp gọi triền miên.
    Buồn! Chao ôi! Gió làm em phiêu bạt
    Thân cô đơn kinh khiếp cả trăng hiền.

    Em trở về thầm thì sông Đa nuýp
    Có gì chăng nằm giữa đáy dòng sông
    Để ngàn năm sông vẫn trôi một nhịp
    Chỉ mình em nhức nhối vết thương lòng.

    Ơi trái đất! Rộng làm chi bát ngát
    Cho lòng người chia biên giới thế gian,
    Cho sa mạc thổi bùng lên ngọn lửa
    Cho tình em chưa bén đã lụi tàn!

    Ôi nhân gian! Mấy ngàn năm kiếp sống
    Có nghe chăng quằn quại một tình yêu!
    Anh có nghe gió ngàn đang xô động
    Riêng mình em lạc lõng giữa rừng chiều.

    Em tìm anh, còn anh anh chẳng biết
    Sao tim anh lạnh cóng thờ ơ?
    Đến hôm nay dù tình anh đã chết
    Em vẫn mong, vẫn hy vọng, vẫn chờ...

    Em vẫn trèo lên đỉnh núi cao Các pát
    Vẫn theo dòng Đa nuýp dưới đêm trăng.
    Em vẫn đến biển Đen xưa dào dạt
    Vẫn tìm anh trên bán đảo Ban căng!

    Trả lờiXóa
  35. Tôi rất thích bài thơ này, từ hồi học lớp 8 đọc được trên một trang báo in cải chính về tác giả thực của bài thơ. Tuy nhiên tôi yêu bài thơ, yêu cảm xúc của bài - cảm xúc tận tim tác giả ở thời điểm đó.. chứ ko "Yêu Tác giả" :)) Tôi nghĩ xúc cảm thường mang tính thời điểm và quan trọng là chúng ta trân trọng, đồng cảm vs "tình thơ" trong thời điểm đó để cảm nhận bài thơ. Như Taylor Swift - mỗi sáng tác của công chúa nhạc đồng quê này đều chứa đựng kỷ niệm về những cuộc tình đã qua. hầu hết những ca khúc đó đều trở thành hit và thứ người ta quan tâm nhất đâu phải để "lên án" tác giả bài hát yêu thích của mình :). Tôi ko để ý lắm Ông Ấy là ai, nhưng tôi đặc biệt quan tâm và trân quý cảm xúc ở thời điểm sáng tác. Và đặc biệt đồng cảm, "nhập tình" với nỗi lòng nhân vật trữ tình trong bài thơ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất thú vị với chia sẻ của bạn. Mình đồng ý với bạn cảm xúc tại thời điểm sáng tác là quan trọng nhất vì nếu tách ra khỏi bối cảnh bài thơ sẽ không còn sức rung động người đọc như nó vốn có. Tuy nhiên đôi khi có một vài chi tiết trong bài thơ, nếu không biết bối cảnh thực cảm nhận của người đọc sẽ khác.
      Chỉ là một chút trao đổi. Mình thấy vui khi bạn đã ghé qua và để lại nhận xét.

      Xóa
  36. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.