Lại sưu tầm được một bài viết liên quan đến "Em......"
Ông Khổng Văn Đương |
“Em đi tìm anh trên bán đảo Bancăng
Tìm không thấy, chỉ thấy trời im lặng
Một mình em trong đêm dài thanh vắng
Tim bồi hồi chân bước vội dưới trăng...”
Những câu thơ này xuất hiện trong vài cuốn sách với tác giả Ônga Bécgôn - một nữ thi sĩ của Nga nổi danh. Gần đây một người Việt Nam đã nhận là tác giả của những vần thơ này.
Chuyện bắt đầu từ năm 1990, NXB Văn hóa ấn hành cuốn sách Almanach Người mẹ và phái đẹp, trong đó mục “Những bài thơ tình hay” (Thế giới và Việt Nam) có đăng bài thơ Em đi tìm anh trên bán đảo Bancăng (trang 204) và ghi tên tác giả là nhà thơ Nga Ônga Bécgôn (1910 - 1975).
Sách in xong, có một người đàn ông ở Tp.HCM tình cờ đọc được bài thơ trên, đã lặng đi, cảm xúc buồn vui ùa về, khiến ông sửng sốt bàng hoàng: “Đứa con tinh thần” của ông sau bao năm lưu lạc tưởng đã mất, nay được xuất hiện trang trọng. Chỉ có điều người ta đã nhầm “người mẹ” là: Ônga Bécgôn! Và nội dung có khác một số câu chữ. Bảy năm sau, ngày 15/5/1997, ông mới rụt rè viết bức thư gửi NXB Văn hóa, nội dung bức thư như sau:
“Tôi tên là Khổng Văn Đương, sinh năm 1945, tại xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Nghề nghiệp: kỹ sư hóa, công tác tại Công ty Dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia (SULECO) thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tp.HCM... Thực tình tôi đã mua được cuốn sách này từ lâu, nhưng mãi gần đây tôi mới đọc kỹ và phát hiện ra điều này.
Vào năm 1965, sau khi tốt nghiệp cấp ba phổ thông tôi được Bộ Giáo dục chọn sang Rumani học chương trình đại học tại Trường đại học Bách khoa Georges Dej Bucarest. Trong thời gian học tại đây, vào năm 1967, tôi có quen và yêu một cô gái người Rumani tên là Valentina, 17 tuổi, học sinh lớp 12 trường THPT Cristina (Brasov).
Vào thời điểm đó, cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta bước vào những năm ác liệt nên việc yêu đương của bất kỳ sinh viên Việt Nam nào với người bản xứ đều không được Ban chấp hành Đoàn và tổ chức sinh viên tại Rumani chấp nhận. Ý thức về điều đó và thấy rõ được nguy cơ nếu cứ tiếp tục yêu đương, thì sẽ bị trục xuất về nước, trong một lần đi chơi với Valentina, tôi đã đề nghị và quyết định hai người phải cắt đứt mối quan hệ.
Tôi hoàn toàn không ngờ việc đó đã gây một hậu quả rất buồn, sau đó khoảng nửa tháng, tôi nhận được một lá thư của Valentina, với những lời lẽ hết sức bi thiết và oán hận. Xúc động trước tình cảm chân thành, tha thiết này, tôi đã viết bài thơ Em đi tìm anh trên bán đảo Bancăng được đề cập ở trên.
Câu chuyện tình của chúng tôi về sau kết cục rất bi đát: Quan hệ của chúng tôi bị tổ chức phát hiện, tôi bị khai trừ ra khỏi Đoàn, Valentina phát điên, và mọi sự đều đổ vỡ tan tành. Tập thơ tôi viết tặng Valentina (khoảng 50 bài trong đó có bài Em đi tìm anh trên bán đảo Bancăng) bị đánh giá là có màu sắc xấu, bị tịch thu và gửi đi đâu tôi cũng không được biết.”
Như vậy, bài thơ được in từ năm 1990 nhưng mãi 7 năm sau, tác giả mới gửi bức thư tới NXB xin đề nghị được đính chính, nhưng đã không gửi đi.
Sau này tâm sự với chúng tôi, Khổng Văn Đương buồn bã nói rằng: “Tôi vừa ngưỡng mộ, vừa sợ sệt văn chương. Tôi vẫn còn biết lặng đi trước một câu thơ hay, nhưng nghĩ tới tập thơ viết tay làm từ lúc 17 tuổi lên tàu ra nước ngoài mà thấy ớn lạnh...”
Lời lẽ tha thiết trong bức thư của Khổng Văn Đương đã thôi thúc chúng tôi tìm tới NXB Văn hóa (nay là NXB Văn hóa - Thông tin). Biên tập viên kỳ cựu mảng sách văn nghệ gần 30 năm có lẻ, ông Nguyễn Hoàng Điệp (Ban Sách nghệ thuật) cho biết, ông vừa là đồng tác giả, vừa là thư ký, vừa là biên tập viên của cuốn Almanach. Cuốn này xuất bản đầu tiên vào năm 1986. Đến năm 1990 thì cuốn sách đã nhiều lần tái bản, số lượng phát hành lên tới 4 - 5 vạn bản.
Ông Điệp cho hay: “ Trước đó bài thơ trên đã được in chính thức tại một giáo trình của một trường đại học, một chuyên khảo thơ hay một tạp chí nào đó, nên NXB Văn hóa mới chọn… Theo quan điểm của tôi, bài Em đi tìm anh trên bán đảo Bancăng có thể là của Ônga Bécgôn vì căn cứ vào cấu trúc, giọng điệu, ngôn ngữ của bài thơ đậm chất phương Tây và rất giống chất thơ của nữ thi sĩ người Nga này...”
Lật giở cuốn Almanach Người mẹ và phái đẹp tái bản năm 1990, chúng tôi thấy hai bài thơ Em đi tìm anh trên bán đảo Bancăng và Mùa lá rụng của Ônga Bécgôn được in trang trọng, dưới chùm thơ có dòng chữ: Trích “Mùa trăng mong chờ” - NXB Phụ nữ 1985. Tại thư viện Quốc gia, không khó khăn gì để tìm được cuốn Mùa trăng mong chờ, tập thơ nói về tình yêu của các nữ tác giả trong và ngoài nước.
Nhưng thật bất ngờ, Ônga Bécgôn xuất hiện trong tập thơ với hai bài thơ Chiếc móng ngựa ở Khécxônnet và Mùa lá rụng đều do nhà thơ Bằng Việt dịch mà không hề có Em đi tìm anh trên bán đảo Bancăng.
Trong cuốn sách Almanach nhắc tới đây, ở phần “Những bài thơ tình hay”, Ban biên soạn cũng từng để xảy ra một sự nhầm lẫn: Đó là việc tuyển in bài thơ Bóng đen của nhà thơ Bế Kiến Quốc nhưng lại đề tên tác giả là nhà thơ Đức nổi tiếng thế kỷ XIX Henrích Hainơ. Sự cố này đã gây cho nhà thơ Bế Kiến Quốc nhiều rắc rối và chỉ được giải quyết sau khi Giám đốc NXB Văn hóa (bấy giờ là nhà thơ Quang Huy) có công văn thông báo: Tập thơ Henrích Hainơ nhắc tới trong cuốn sách không hề có bài thơ nào là bài thơ Bóng đen, kèm đó là lời xin lỗi nhà thơ Bế Kiến Quốc vì sự sơ suất của Ban biên soạn.
Trong số những tài liệu mà ông Khổng Văn Đương cung cấp, chúng tôi đã được thưởng thức những bài thơ trong tập bản thảo viết tay của ông từ ngày còn học lớp 10, một số bài thơ làm trên đường sang Rumani, cả một số bài viết tặng Valentina, cô gái Rumani ngây thơ và tội nghiệp.
Đọc những bài thơ ông tặng Valentina như Valentina - tình yêu thế kỷ, Hắc Hải đêm hè, Tình Barasev, Bài ca vĩnh biệt hay Ngẫm mình, có cảm giác những câu thơ ông viết trong lệ trào.
Trong bài thơ Ngẫm mình, bài thơ cuối cùng ông viết trên đất Rumani tặng Valentina có những câu thơ thật đau:
Hỡi nhân tâm ở trên đời
Tìm cho biên giới lòng người ở đâu
Tưởng rằng thời loạn xa nhau
Ngờ đâu nay cũng địa đầu cách ngăn
Sáu năm ở đất Bancăng
Vì yêu để nợ ngàn năm chốn này...
Mời các bạn xem thêm như một tham khảo, và như bất cứ thông tin nào trên mạng chỉ phản ánh quan điểm riêng của chủ trang và tác giả bài viết mà họ dẫn.
Trả lờiXóa