Lời ngỏ


Thu rất hiếm khi làm thơ nhưng đọc, hiểu, cảm nhận được những gì tác giả muốn chia sẻ. Cách đây ít lâu được đọc thơ của anh Đỗ Trung Việt, cảm nhận được sức sống mãnh liệt của những vần thơ anh, và giờ đây được Hồng Hoa (Thu Hà/Nguyễn Hoa) chia sẻ những suy tư, những trăn trở về cuộc sống, được Lệ Hằng chia sẻ những bài thơ tình lãng mạn. Thu lập trang thơ với mong muốn nó sẽ là nơi để các bạn yêu thơ chia sẻ những sáng tác của mình hoặc những bài thơ mình yêu thích. Hy vọng những rung động, những cảm xúc của chúng ta sẽ sống mãi với thời gian.

Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Hoa Cải đêm xuân

Tình cờ Thu đọc được bài thơ rất dễ thương gói trọn tâm sự của một cô giáo miền xuôi gắn bó cuộc đời với các em nhỏ vùng cao. Bài thơ được minh họa bằng một bức ảnh đẹp tuyệt của một người bạn trên FB có cái nick dễ nhớ "Cao Nguyên Đá". Mời cả nhà cùng thưởng thức. (Bấm vào ảnh để xem ảnh kích thước lớn.)

 Ảnh: Cao Nguyên Đá  

Xuân này em ngược vùng cao
Gập ghềnh nỗi nhớ xôn xao tiếng lòng

Mây hôn núi gấp cánh buồm
Tiếng mưa ngóng đợi hao cơn nhọc nhằn

Cao nguyên đá, đá phong trần
Nắng chiều chểnh mảng khói lam bồn chồn

Vẳng nghe nhạc ngựa đổ non
Chợ phiên nguyên cớ hoàng hôn đong đầy

Cỏ may úa lỡ đường dài
Tiếng nai tác núi em say hương rừng

Nặng lòng ánh mắt thơ nhung
Những bàn chân nhỏ ngập ngừng sớm mai

Một mùa xuân nhớ nơi đây
Trăng non gác núi sao đầy vườn sương

Tạm xa ánh điện phố phường
Sông quê bến đợi ấm nồng hương cau

Để quên những chuyện đẩu đâu
Cho vôi nồng thắm, cho trầu thêm cay

Để cùng vui với trời mây
Ngắm nhìn hoa cải rắc đầy đêm xuân.

Nguyễn Hữu Ninh
(Chủ tịch Hội cựu  giáo chức Hà Giang)

19 nhận xét:

  1. Thu không hiểu lắm 2 chữ "giáo chức". Phải chăng là "giáo viên"?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chính là "nhà giáo" HT ạ.

      Xóa
    2. Đúng là 'giáo viên'hay 'nhà giáo' nhưng là một nhà giáo có chức vị nhất định nào đó, hiệu trưởng, trưởng phó phòng giáo dục, thanh tra giáo dục... cỡ Sầm Đức Xương thì gọi là 'giáo chức'!!!

      Xóa

    3. Theo đúng từ " nôm " nhà ta thời thuộc Pháp : Giáo chức là thầy ( bà ) giáo trường công . Thầy ( bà ) giáo trường tư không được gọi là giáo chức . Hiểu nôm na như giải trình của anh QT cũng là một nhẽ của nó .

      Xóa
    4. Em nghĩ nên gọi là Hội cựu giáo viên cho dễ hiểu.

      Xóa
  2. Hoa vàng níu chặt bước chân,
    Để ai say ngắm màu Xuân núi rừng.
    Nhạt nhòa thấp thoáng trong sương,
    Cánh rừng, con suối, mái trường... xa xa.
    Trong lòng bỗng rộn tiếng ca,
    Nhớ đàn em nhỏ, đường xa hóa gần.
    Xốc ba lô, bước dồn chân,
    Rộn lòng mong phút quây quần đàn em.

    Trả lờiXóa
  3. Đầu xuân "rượu kích" men mê
    Thân tình ai khéo vỗ về làm thơ
    Đường xa cách nẻo đôi bờ
    Cho tôi mê mẩn lời thơ Tình người!

    Em về núi đá chơi vơi...
    Hoàng hôn đổ bóng, mây vờn nghiêng che
    Thương em chân lội qua khe
    Gập gềnh đá núi,chênh vênh cổng trời

    Uớc gieo con chữ cho đời
    Nâng bàn chân nhỏ ở miền xa xôi
    Mắt nai ngơ ngác ,chẳng lời.
    Nặng tình với nghĩa ,trồng người trăm năm

    Cao nguyên núi đá xa xăm
    Lòng em sâu thẳm...nhất tâm lên trường
    Em đi chan chứa tình thương
    Vui đàn em nhỏ ,dặm đường quên thân

    Chiều vàng, hoa cải mùa xuân
    Màn sương voan mỏng nhẹ choàng vai em
    Vẳng vang vó ngựa êm êm...
    Tiếng chim ríu rít ,tiếng khèn bên em !
    ..........................................................
    Cảm ơn TQ Hồng Thu
    Cho tôi say đắm" lời du" dịu hiền
    Học thầy ,học bạn triền miên
    Học tình ,học nghĩa ,học thiền tu thân.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nghe như giọng thơ chị BL thì phải. Nếu Thu nhầm, sorry nhá. :)

      Xóa
  4. XIN SỬA: Mắt nai ngơ ngác,nói lời:

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. @-HT : Đúng là HT nhầm rồi ! Bài thơ trên là của ai đó chưa muốn lộ diện trên trang thơ nhưng đã có "tình"với trang thơ rồi . Hy vọng sẽ có ngày biết được qúy danh của Nặc Danh để ta giao lưu thân thiện hơn .BL cũng nhất trí với nhận xét của HT là : bài thơ rất dễ thương ! BL rất thích những câu thơ :" ghập ghềnh nỗi nhớ ...;Mây hôn núi gấp cánh buồm ; Trăng non gác núi ..." giọng thơ rất con gái , rất đáng yêu . Nhưng đáng yêu và đáng trân trọng là tình yêu của cô giáo trẻ đối với tuổi thơ vùng cao , vì tương lai của thế hệ tương lai của đất nước mà sẵn sàng xa rời phố phường nơi có cuộc sống với nhiều tiện nghi để đến nơi có những " ánh mắt thơ nhung " với bao nỗi vất vả khó khăn .

      Xóa
  5. Hai bài họa thơ trên đây đều khá hay, so với bản của N.H.Ninh có phần hiện thực hơn, cứng rắn hơn vì sự từng trải đậm chất lính mà không kém phần ướt át.
    Đọc câu thơ của QV:
    Hoa vàng níu chặt bước chân,
    Để ai say ngắm màu Xuân núi rừng.

    Mới thấy lòng tác giả nhạy cảm lắm, có phải ai cũng thấy lòng bâng khuâng đến không thể bước nổi bàn chân khi đứng trước vẻ đẹp của thảm hoa vàng đâu, nhưng quý hơn là tấm lòng người chiến sỹ, anh vẫn xốc ba lô bước tiếp vì đàn em nhỏ đang chờ mong tình cảm thân thương từ người lính mang lại.
    Bài thứ hai của nặc danh thì ngổn ngang hơn, lồng trong bài thơ là việc ca ngợi những người đem lại ánh sáng văn hóa cho vùng cao cũng như những tình cảm đẹp dành cho các em bé nghèo người dân tộc, thà chịu thiếu đói cơm thịt nhưng không chịu thiếu đói văn hóa,bài thơ có nhiều câu hay như
    Em về núi đá chơi vơi...
    Hoàng hôn đổ bóng, mây vờn nghiêng che

    Rất nhiều hình ảnh và màu sắc, hình tượng hóa đến mức đặc biệt, núi đá mà chơi vơi được thì lòng người hẳn 'rung rinh' lắm, câu thơ hay nhưng hơi tiếc vì thất luật, giá như bạn thay chữ 'trời' cho chữ 'vờn' và thay chữ 'trời' ở câu dưới bằng từ khác thì tầm câu thơ được nâng lên.
    Bài thơ như đã nói còn kèm theo cảm nghĩ của tác giả về TT nữa, mọi điều dãi bày tâm tư đều đáng quý, HT mải mê tìm tác giả mà quên đáp lời cho một tình cảm đẹp, dĩ nhiên bài này không phải hơi thơ của BL, đúng như bạn tự giải thích, nếu muốn tìm một cái tên thì có lẽ sẽ thấy có tính Trỗi, hay Tôi + nghã cũng được, mình đoán mò, có thể là ĐD hoặc PC, nhưng qua câu: Đường xa cách nẻo đôi bờ thì có thể là một bạn Hải ngoại, nghĩa là ĐD, nếu đúng thì hoan nghênh ĐD đến với TT, nếu sai thì xin lỗi tác giả và hết sức mong bạn dùng tên thật như chúng tôi để cùng vui với thơ, điều mà chúng ta cùng yêu thích. Toàn anh em cả, đừng ngại.

    Trả lờiXóa
  6. Cảm ơn anh QT ,tôi xin thay chữ " vờn" thành chữ" trời"

    Trả lờiXóa
  7. Trước tiên, Thu xin cảm ơn KG - QV và ND đã đáp lại bài đăng của Thu bằng 2 còm thơ thật mượt mà. Phải chăng tình cảm gắn bó với trẻ miền ngược của cô giáo trẻ miền xuôi mà TG NHN thể hiện trong bài thơ và bức ảnh của Cao Nguyên Đá đã mang lại cho các anh những cảm xúc chân thực đến thế. Lời cảm ơn thứ hai, xin được dành cho ND, người đã dành nhiều tình cảm yêu mến cho Trang Thơ, người mà giờ Thu đoán 99,9% là Trôi ngã :) Thu có lời mời ngỏ ở đây, hy vọng sớm nhận được lời đáp từ anh.
    @ A QT: Dù ND đã sửa chữ "vờn" thành chữ "trời" trong câu "Em về núi đá chơi vơi...
    Hoàng hôn đổ bóng, mây vờn nghiêng che"

    Em thích chữ "vờn" hơn. Sửa thành "mây trời" nghe vần hơn nhưng không thi vị và giàu hình ảnh bằng "mây vờn".

    Trả lờiXóa
  8. ND@ bạn đừng vội, đúng là có chênh luật một chút, nhưng từ từ tìm chữ hợp lý thì hay hơn, bởi nếu thay chữ Trời vào đó buộc ta phải thay cả 'trời'ở câu 'chênh vênh Cổng trời" câu dưới, trong một khổ thơ có hai chữ đồng âm đồng nghĩa cũng chênh luật, 'khắt khe' thì nói vậy chứ để nguyên thì câu thơ vẫn có giá trị.
    HT@ chữ 'vờn' hay hơn chữ 'trời', hợp ngữ cảnh, thi vị hơn không sai, nhưng nếu đồng ý với thơ tự do, không ép nó vào "lục bát" thì được, một khi theo thể thơ nào thì tuân theo luật là tối thiểu, nếu gieo vần theo ý 'thích' không cần luật thì ta gọi quách là thơ đương đại, thơ cách tân cho nó đẹp!!!
    Với một đôi tai biết thẩm âm, khi đọc thơ, (vốn thơ với nhạc gắn bó thật khăng khít) khi đọc một chữ thất vận cũng tương đương với một nốt thăng, hoặc giáng tấu sai, em có thể chấp nhận một sự chênh luật với một bản nhạc du dương bỗng chói tai không? Vậy nên không thể thấy hay thấy hợp mà tùy tiện bỏ luật, đó chính là điều mà một lần anh đã nói, người làm thơ như là một người phu chữ, một người nông dân cày bừa vào từng con chữ để tìm ra câu chữ phù hợp mà êm thuận cho câu thơ của mình, cũng như người nhạc sỹ, anh ta phải lao động, phải'lên đồng' cho một nét nhạc êm dịu lọt tai, chứ như người thường cứ gõ vào chum vại phát tiếng cồm cộp là đủ, đâu cần đến những bản nhạc trầm bổng đến độ làm con tim ta tan chảy???

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. @ HT Xin cảm ơn lời mời !,Cảm ơn anh QT nhiệt tình,nếu thay được chữ " đèo"thành :Hoàng hôn đổ bóng, mây đèo nghiêng che,nhưng sẽ ít " lung linh"hơn theo cảm tính...!

      Xóa
  9. Thử một phương án cho khổ thơ này ( chỉ là thử cho vui nhé, chứ không phải sửa thơ của bạn KX,tôi tạm gọi bạn là Khách xa-> KX thay cho từ ND mà phần lớn BT phản đối)
    .......
    Em về núi đá chơi vơi
    hoàng hôn đổ bóng, lả lơi mây vờn
    Em đi bóng núi chập chờn
    gập gềnh bước nhỏ, chon von cổng trời.

    Ứơc gieo con chữ cho đời.....

    Từ lả lơi này hơi 'lả lơi' nhưng là từ tâm đắc của anh HG, đưa vào đây có vẻ 'hợp lý' :))'chập chờn' với 'chon von' vần ơn cũng gần với vần on- dùng tạm.( 'cô đơn cổng trời' thì sao nhỉ)

    Trả lờiXóa
  10. Rất cảm ơn các anh chị TT! Tôi vẫn thích thay từ "đèo" hơn dùng tư "lả lơi"vì đây là ý tứ của khổ thơ nhưng cũng là tư tưởng,tình cảm đến cuối bài,tôi dùng hình tượng đó để cảm phục ý chí của người con gái miền xuôi chỉ "lung linh"như vậy chứ không" lả lơi"và cũng không"cô đơn cổng trời"đâu ạ !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chắc chưa ổn rồi,ý tứ thì như vậy,,, nhưng vẫn sai luật hihihi...

      Xóa
    2. Tôi hiểu ý tứ của bạn, đây chỉ là một 'phương án'vui thôi, dĩ nhiên tôi vẫn tôn trọng lời thơ của tác giả, nhưng ở phương án này, nếu bạn hiểu chữ lả lơi theo cách thông thường, và ví với người con gái ấy thì chưa đúng, bởi miêu tả một đám mây chiều vờn bay quanh chân núi, đám mây không bay đi ngay mà còn nghiêng ngả theo chiều gió, còn vấn vít, vấn vương quanh chân núi như không nỡ rời xa, được miêu tả rất gần với hành vi 'lả lơi'ngiêng bên này ngả bên kia, nhưng ở đây không thể gán với hành vi của 'Thị Màu lên chùa',như thế làm mất vẻ lả lơi nhiều nghĩa của tiếng Việt,xin hãy hiểu rộng ra, hay ít nhất cũng hiểu rằng đó là hành vi lả lơi của đám mây mà thôi!không hề ảnh hưởng đến phẩm chất của 'cô gái tày cầm đàn lên đỉnh núi' hehe!
      Tuy tôi chỉ đặt một câu hỏi ngỏ với 'cô đơn cổng trời' nhưng cũng nên hiểu cái cô đơn này đâu phải của một con người cụ thể, mà chỉ đúng trang thái của cái cổng trời đó, làm gì có cổng trời thứ hai cạnh nó, vậy nó chẳng cô đơn là gì? và thêm nữa là rất đúng vần: chờn, đơn cùng vần "ơn" mà lại chỉ được đúng nỗi vắng vẻ, đơn côi của cô giáo vùng cao, cái cô đơn đó phải được nhấn mạnh để người đời thấu hiểu sự hy sinh mất mát tuổi xanh của các thầy cô giáo tình nguyện lên vùng cao phục vụ.
      Nói vui vậy thôi, cám ơn bạn đã có một bài thơ hay và rất tình cảm.

      Xóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.