Lời ngỏ


Thu rất hiếm khi làm thơ nhưng đọc, hiểu, cảm nhận được những gì tác giả muốn chia sẻ. Cách đây ít lâu được đọc thơ của anh Đỗ Trung Việt, cảm nhận được sức sống mãnh liệt của những vần thơ anh, và giờ đây được Hồng Hoa (Thu Hà/Nguyễn Hoa) chia sẻ những suy tư, những trăn trở về cuộc sống, được Lệ Hằng chia sẻ những bài thơ tình lãng mạn. Thu lập trang thơ với mong muốn nó sẽ là nơi để các bạn yêu thơ chia sẻ những sáng tác của mình hoặc những bài thơ mình yêu thích. Hy vọng những rung động, những cảm xúc của chúng ta sẽ sống mãi với thời gian.

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

Thêm một giọng thơ

Được sự đồng ý của tác giả, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một bài thơ của Đặng Phương Mai viết về Mẹ nhân ngày 08/03, cũng là dịp lần đầu chị vào thăm và làm quen với Trang Thơ.
Tuấn Linh


MÙA CON                         

         Đặng Phương Mai

          
(Chia sẻ cùng những người MẸ và những đứa con chưa ngoan thời @)




Đất trời có bốn mùa chuyển luân

Nhà nông đi qua bao mùa lúa
Người dân chài bao mùa khoang nặng cá
Cuộc đời Mẹ chỉ mỗi một: Mùa con

Mùa con đi qua tuổi Xuân mẹ

Qua năm tháng mẹ dãi dầu
Mùa con là vất vả lo âu
Oằn đôi vai
              mẹ cõng con
                         trên đường đời xuôi ngược...

Khi con hát: Mẹ là nhành hoa con cài ngực

Là lúc Mẹ-  hòn đá tảng dưới chân con
Khi con là trang giấy trắng với cây chì đen
Mẹ là viên tẩy
                   mòn dần 
                            sau nét vẽ con vụng dại.
Con lớn lên, yêu thương và kiếm tìm mê mải
Những khoảng trời không Mẹ
Năm tháng qua, tuổi Mẹ nua già
Vẫn ngóng Mùa Con mãi cuối trời xa...



6 nhận xét:

  1. Mẹ là vậy-yêu thương và chịu đựng,
    Suốt cuộc đời, luôn đau đáu vì con.
    Con là thế, nhiều người quên có mẹ,
    Đến lúc nhớ ra, có khi mẹ chẳng còn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng. Khi ta hiểu ra thì không còn cơ hội sửa chữa hay báo đáp Cha Mẹ. Người đời rất khéo đã xoa dịu nỗi đau của những đứa con bằng câu vỗ về: "Nước mắt chảy xuôi", KG ạ.

      Xóa
  2. Bài thơ có một khái niệm hình tượng rất độc đáo 'Mùa con'. Đây là một từ mới với tôi-lần đầu tiên đọc thấy! qua hình tượng này TG mô tả về lòng Me dõi theo từng ngày, chăm chút,vun xới,hy vọng..theo con như những vụ mùa lúa,mùa cá gắn liền với cuộc sống của con người trong sự xoay vần của đất trời muôn thủa. Đây cũng lá một ý thơ ví von về tình Mẹ - con sáng tạo có bản sắc riêng.
    Nhà thơ tiền bối Hoàng Cầm ,nửa thế kỷ trước đã sáng tạo ra 'lá diêu bông' như là một biểu tượng sự trinh trắng bất diệt của TY,Tiền bối Phùng Quán sáng tạo từ 'lá khổ sâm'như là một biểu tượng 'dấn thân' cứu rỗi của một trái tim quảng đại vị tha. và bây giờ được chứng kiến một trong lớp hậu bối con cháu của Hai Vị trên sáng tạo 'Mùa con'

    Trả lờiXóa
  3. Cái thời @ thật đáng ghét làm sao! Cái thời đã tạo ra bao đứa con bất hiếu, bao bà mẹ bất hạnh. Như vậy, phải đã đảo cái thời @ phải không bạn Phương Mai Đặng? Nói nhỏ với bạn này: Thơ của bạn hơi khô đấy!

    Trả lờiXóa
  4. Cái thời đại @ làm sao mà phải ghét cơ chứ ND ? Từ xưa cho tới nay ở thời nào cũng có những đứa con chưa ngoan và vẫn còn những người Mẹ phiền muộn về con của mình.
    Còn nữa, có bạn nào biết Thơ là phải "ướt" mới gọi là thơ chỉ hộ cho nhà em biết với. Vậy cái câu thơ này của nhà thơ Hữu Thỉnh Nhà thơ Hữu Thỉnh- chủ tịch hội Nhà Văn Việt Nam ( không có hội Nhà Thơ Việt Nam) :
    Gió không phải là roi mà vách núi phải mòn.
    Anh không phải là chiều mà nhuộm em đến tím.
    nó có " ướt" đâu mà có sức biểu cảm lớn đến thế ???

    Trả lờiXóa

  5. Thơ cũng giống như món ăn, nó phải sở thích của mỗi người , là thị hiếu, có người thích thế này, có người thích thế khác..., làm sao cứ phải là " ướt" mới được.
    Có những nhà thơ rất duy lý trí như Chế Lan Viên - "Người đi tìm hình của nước" là một bài mang cốt cách sử thi :
    Quanh hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê
    Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ
    Hiểu sao hết những tấm lòng lãnh tụ
    Tìm đường đi cho dân tộc theo đi

    không hề ướt, rất KHÔ và rất tuyệt .

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.