Lời ngỏ


Thu rất hiếm khi làm thơ nhưng đọc, hiểu, cảm nhận được những gì tác giả muốn chia sẻ. Cách đây ít lâu được đọc thơ của anh Đỗ Trung Việt, cảm nhận được sức sống mãnh liệt của những vần thơ anh, và giờ đây được Hồng Hoa (Thu Hà/Nguyễn Hoa) chia sẻ những suy tư, những trăn trở về cuộc sống, được Lệ Hằng chia sẻ những bài thơ tình lãng mạn. Thu lập trang thơ với mong muốn nó sẽ là nơi để các bạn yêu thơ chia sẻ những sáng tác của mình hoặc những bài thơ mình yêu thích. Hy vọng những rung động, những cảm xúc của chúng ta sẽ sống mãi với thời gian.

Thứ Tư, 6 tháng 3, 2013

"Thi trung hữu họa"

HỘI HỌA TRONG THƠ 


Đặng Phương Mai

        Trong sáng tạo nghệ thuật, ta thường nghe nói: “Thi trung hữu họa - họa trung hữu thi” (trong thơ có họa - trong họa có thơ)… Đây là sự dung hòa trong hai loại hình nghệ thuật trong cùng một tác phẩm, nhưng sự lý giải còn mơ hồ. Phải chăng cứ nói đến màu sắc là nói đến hội họa? Ca dao có câu: 
Trầu xanh, cau trắng chay hồng 
Vôi pha với nghĩa thuốc nồng với duyên 
trong thơ cũng có những câu gợi nhiều màu sắc: 
Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam 
Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng 
(Tố Hữu) 
         Chỉ có hai câu thơ thôi mà đã điểm tên đến năm màu sắc: Thanh (xanh), hồng, lam, trắng, vàng, nhưng có gợi cho ta một cảm quan hội họa không? 
         Vương Duy - một thy sĩ, một họa gia Trung Quốc đời Đường, nổi tiếng với đề tài “Giang sơn tuyết tế đồ” và “Võng xuyên đồ” vẽ về những phong cảnh nơi ông đã từng ẩn dật. Có lẽ nhờ cái mơ màng của SƠN – TUYẾT mà người ta bảo tranh của Vương Duy giàu chất thơ? Trong thơ của ông, ta hãy đọc: 
Mưa buổi sớm vị thành bụi ướt 
Rặng liễu non mườn mượt màu xanh 
Khuyên anh hãy cạn chén chén quỳnh 
Dương quan ra khỏi biết mình quen ai?
(Tống nguyên nhị sứ Tây An) 
         Bài thơ gợi lên một cảnh chia tay trong buổi sang mùa xuân bên rặng liễu xanh non lất phất mưa bay. Một không gian mờ ảo đầy chất phương Đông. Ý thơ này như được rõ hơn trong câu Kiều:
Tiễn đưa một chén quan hà 
Xuân Đình thoắt đã đổi ra Cao Đình
 Sông Tần một giải xanh xanh 
Loi thoi bờ liễu, mấy nhành dương quan 
         Cảnh được tả từ xa đến gần. Từ “một dải xanh xanh” rất khái quát cho đến “loi thoi bờ liễu” là cái cụ thể. Do mối tương quan của cặp đối lập cho thật hài hòa: Tạo cái thô để tôn cái thanh; tạo cái tối để tôn cái sáng; tạo cái cứng để tôn cái mềm; tạo cái gồ ghề để thấy cái êm ả…Thơ mà khai thác được tất cả các yếu tố kể trên cùng với các yếu tố: hiện - ẩn; tĩnh - động; hư - thực; gần - xa; nóng - lạnh;…và sự tương phản về màu sắc thì đó chính là đã có thơ trong họa.



         Nguyễn Du trong truyện Kiều đã có câu tả mùa xuân thật trong trẻo với lối tả từ xa đến gần: 
Cỏ non xanh rợn chân trời 
Cành lê trắng, điểm một vài bông hoa… 
         Màu xanh ngút tầm mắt được điểm xuyết màu trắng của một vài bông hoa trên cành tạo một gam màu xanh - trắng nhẹ nhàng, mát dịu, lành lạnh, tạo nên cảm giác xa và rộng. 
         Trong hội họa, màu xanh lục có khả năng tạo chiều sâu và chiều xa rất lớn. Để tạo nên cái thăm thẳm của đất trời, các họa gia Trung Quốc khi vẽ tranh thủy mặc chỉ dùng một chút màu lục pha với mực nho… thế là tạo nên một hiệu quả khôn lường về không gian. Cảnh mở ra tầng tầng lớp lớp trước sau từ tỏ cho đến mờ và chìm vào cái mênh mông của khoảng không xa ngút. 
Một câu thơ khác của Nguyễn Du đã tả về mùa hè: 
Dưới trăng quyên đã gọi hè 
Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông 
         Ông đã tả từ gần đến xa, trong cái màu đen của màn đêm làm nền thì màu đỏ là rất nổi vì đó là cặp màu tương phản. Nó đúng với tính chất rực rỡ gay gắt của mùa hè. 
         Màu sắc trong sự cảm nhận xa gần của mắt nhìn có hiệu quả về không gian trên mặt phẳng đó là màu sắc. Bảng màu cơ bản gồm có những màu gốc: đỏ - lam - vàng…thì màu lam cho ta cảm giác xa nhất (màu xanh của bầu trời là không cùng). 
“Cô phàm viễn cảnh bích không tận…” 
 (Lý Bạch) 
         Màu đỏ và những màu nóng khác cho ta cảm giác gần. Cảm giác xa - gần; nóng - lạnh của màu thường gắn với các cảm giác nặng nhẹ. Các màu nóng thường gây cảm giác nặng hơn các màu lạnh. Màu lạnh được cảm giác rất nhẹ: 


Long lanh đáy nước in trời 
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng. 
(Nguyễn Du - truyện Kiều) 
         Một không gian mùa thu rất thanh nhẹ: màu lục của nước quyện với màu lam của nền trời đưa lại cảm quan mơ màng. Bức tranh thực thực, hư hư mờ ảo: thành như xây bằng khói biếc, núi in hình trên nền trời chiều…Tất cả như soi bóng trên mặt nước long lanh, bóng vàng của trời chiều trong gam màu ấy là nóng hơn, tĩnh hơn và nặng hơn. Đây là sự hài hòa của nhiều cặp tương quan. Tuy nhiên, cảm giác nặng nhẹ của màu sắc còn phụ thuộc vào yếu tố đậm nhạt. Màu đậm gây cảm giác nặng nề; còn màu nhạt tạo cảm giác thanh nhẹ. Trong trường hợp nếu ta đặt màu đậm ở dưới, màu nhạt ở trên sẽ được một cảm giác ổn định, chắc chắn và nâng đỡ. Nếu đặt màu đậm ở trên, màu nhạt ở dưới sẽ cho ta một cảm giác đè nén chông chênh… 
         Khi tả bước đường lưu lạc của Thúy Kiều, Nguyễn Du đã tả cơn giông đang ập xuống trong cái tương quan đen - trắng nặng nhẹ ấy:
Nàng thì dặm khách xa xăm 
Bạc phau cầu giá, đen rầm ngàn mây 
         Khi không gian bị đảo lộn, nhẹ ở dưới và nặng ở trên như đã báo hiệu cho một cuộc đời Kiều chông chênh phía trước. 
         Cùng với tương quan về màu sắc, đường nét cũng là một tổ hợp ngôn ngữ trong hội họa. Do các chiều hướng của đường nét khác nhau, thanh đậm khác nhau mà biến hóa để tạo nên hiệu quả sáng - tối; lồi - lõm; xa - gần; ẩn - hiện; tĩnh - động… Trong tương quan thực - hư thì: 
- “Thực” là cái rõ ràng, là sáng, lồi, gần, hiện và tĩnh. 
- “Hư” là cái mờ nhạt, là tối, lõm, ẩn và động. 
         Chỉ bằng cách khai thác triệt để cái quan hệ đối lập ấy mà nghệ thuật phương Đông trở nên huyền bí thấm đậm tư tưởng triết học. Tuy nhiên sự động tĩnh chỉ là tương đối. Nếu bảo những nét cong là động, nét thẳng là tĩnh cũng không hẳn đúng. Thông thường, nhịp điệu hình “sin” luôn là biểu tượng cho sự xao động ổn định và êm đềm: 
“Êm đềm sóng lụa nhô trên lúa” 
 (Trưa hè - Bàng Bá Lân) 
ngược lại cũng có nét rất thắng mà lại rất giàu cảm giác động: 
“Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa” 
 (Chợ Tết - Đoàn Văn Cừ)
cái nét “tia” thẳng kia sở dĩ mà nó động là do bị đứt đoạn “nháy hoài” không liền mạch liên tục. Tương quan về nét ngang bằng sổ thẳng còn cho thấy sự vận động của không gian. Ngang tạo ra bề rộng, đứng tạo ra chiều sâu hút: 


Dốc lên thăm thẳm dốc khúc khuỷu 
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời 
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống 
Nhà ai Pha Luông, mưa xa khơi. 
(Tây Tiến - Quang Dũng)
         Nếu như ba câu đầu trong khổ thơ trên là những nét vẽ gân guốc, sắc nhọn thì ở câu thứ 4 là một nét vẽ nhòe tạo một không gian xa thẳm. Để tả cái hùng vĩ của thiên nhiên, tác giả không đi sâu vào chi tiết vụn vặt mà bắt đầu tữ những phác họa những nét khái quát. Trong hội họa, thuật ngữ này được gọi là "bắt dáng" đối tượng. Hội họa Trung Hoa có thủ pháp biểu hiện không gian theo ba cách nhìn, gọi là "tam viễn": 
- Nhìn lên gọi là "ngưỡng quan" hoặc "cao viễn". 
- Nhìn xuống gọi là "phú thị" hay "thâm viễn". 
- Nhìn ngang gọi là "bình thị" hay "bình viễn". 
         Quang Dũng đã tả lại sự vật bằng cảm nhận thi - họa như vậy. Và, khi họa sĩ vẽ trang và khi thi sĩ làm thơ thì hình ảnh trong tác phẩm có một phần tình cảm của người nghệ sĩ. Cũng tả về chàng trai cưỡi ngựa nhưng chàng kỵ mã trong Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm hiện ra rõ ràng với cặp màu đỏ- trắng tương phản, mang tính đồ họa: 
Áo chàng đỏ tựa ráng pha 
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in 
khác hẳn câu thơ tả Kim Trọng - văn nhân trong truyện Kiều của Nguyễn Du, chàng văn nhân xuất hiện trong một không gian mờ ảo với cặp màu xanh - trắng nhẹ nhàng mang bút pháp hội họa của các họa sĩ trường phái Ấn tượng: 
Tuyết in sắc ngựa câu giòn 
Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời 
         Chất hội họa trong thi ca không chỉ dừng lại ở những câu thơ có hình ảnh và màu sắc mà nó phải thể hiện được yếu tố tạo nên "hình"... Đặc điểm mà ta nhận rõ ở người phương Đông là hướng nội nên thơ mượn cảnh để ngụ tình là rất rõ nét: 
Sáng hồng lơ lửng mây son 
Mặt trời thức dậy véo von chim chào 
Cổng làng rộng mở đón chào 
Nông phu lững thững đi vào nắng mai. 
(Cổng làng - Bàng Bá Lân)
         Nông thôn Việt Nam trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho thi ca và nghệ thuật, mỗi nghệ sĩ tiếp cận với những mạch cảm xúc khác nhau. Nếu như Nguyễn Bính thiên về cái tình quê ; Bàng Bá Lân thiên về cái hồn quê thì Đoàn Văn Cừ lại tìm về sức sống rạo rực tươi vui của làng quê đầy sắc màu tinh khôi trong trẻo: 
Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi 
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh 
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh 
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết... 
(Chợ Tết - Đoàn Văn Cừ)
         Thơ ca và hội họa khác nhau về loại hình nhưng có những điểm chung để cộng hưởng: Đó là đều vươn tới cái đẹp. Thơ ca là nghệ thuật của vần điệu, là sự chắt lọc sắp xếp trong ngôn từ (người xưa có câu: "ba năm làm được hai câu thơ, ngâm xong nước mắt chảy ròng ròng..."). cho ta thấy sự lựa chọn từ là rất khó. 
         Đối với hội họa, chọn dáng hình để tác động vào mắt người là những dáng cảnh vật, hình cây thế núi, sáng tạo mang tính cô đọng điển hình để nó trở thành tiêu biểu, độc đáo và riêng biệt: Mái nhà liêu xiêu trong tranh phố cổ của Bùi Xuân Phái, ta cảm nhận được cái trầm mặc suy tư của Hà Nội, dáng phơ phất của "tre" trong tranh Trần Đình Thọ, ta thấy bóng dáng quê hương Việt Nam. Năm tháng qua đi, tác phẩm lưu giữ và in dấu trong tâm trí người xem là những nét điển hình đó. 
         Trong thực tế, Thơ và Họa không phải lúc nào cũng dung hòa. Cái "gợi" trong thơ là bộc lộ nỗi lòng: 
Tuổi trẻ chưa từng lẽ sắc không 
Xuân sang hoa nở rộn tơ lòng 
Chúa Xuân nay đã thành quen mặt 
Nệm cỏ ngồi yên, ngó nệm hồng 
(Xuân vãn - Trần Nhân Tông)
cái gợi trong hội họa là ý đồ của họa sĩ. Tranh "Ghecnica" của danh họa Picatxo nói được rất nhiều. Nó xuất phát từ hiện thực, không từ ý thơ. 
         Nhìn chung, Thơ và Họa không phải lúc nào cũng gặp nhau. Thơ vẫn là thơ - Họa vẫn là họa. Chỉ khi nào những vần thơ bộc lộ rõ cảm quan về hội họa, tạo được sự hài hòa của các yếu tố tạo hình và cộng hưởng được với nhau thì ta mới gặp Hội họa trong Thơ mà thôi. 

ĐP.M  
  TH tháng 2/2013 

32 nhận xét:

  1. Bài sưu tầm rất công phu, hay!
    nói đùa cho vui hơn:
    Mới xem lại cứ tưởng:
    "Trong thơ có tai hoạ", sao không viết là "Thi trung hữu phúc" nhỉ

    Trả lờiXóa
  2. Chào bạn ĐP.M. Xin góp ý với bạn về câu thơ:
    "Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
    Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng"
    Câu thơ này chỉ có hai màu thôi. Đó là màu trắng của hoa mơ và màu vàng của vườn cam. Ba màu bạn nói: "thanh", "hồng", "lam" là không đúng. Chắc bạn biết ba địa danh ở Điện Biên Phủ là: Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam.
    Bạn có thể phân tích rõ "họa trung hữu thi" trong các dẫn chứng mà bạn đưa ra không, nhất là tranh của học sĩ tài danh Bùi Xuân Phái?
    Đoạn văn sau đây của bạn phải hiểu thế nào cho đúng:
    "Thơ mà khai thác được tất cả các yếu tố kể trên cùng với các yếu tố: hiện - ẩn; tĩnh - động; hư - thực; gần - xa; nóng - lạnh;…và sự tương phản về màu sắc thì đó chính là đã có thơ trong họa".

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
      Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng"
      Bạn ạ. Hai câu thơ này điểm tên của 5 màu sắc chứ không phải nói đến 2 màu TRẮNG của hoa mơ và VÀNG của trái cam.... Bạn đọc lại đoạn ấy đi nhé.
      Và đây nữa: "Bạn có thể phân tích rõ "họa trung hữu thi" trong các dẫn chứng mà bạn đưa ra không, nhất là tranh của học sĩ tài danh Bùi Xuân Phái? "- Bạn lại lẫn lộn. Đáng ra phải là: Thi trung hữu họa mới đúng.
      Còn Thơ khai thác được các yếu tố....v.v...Mời bạn hãy đọc và cảm nhận:
      Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,
      Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
      Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
      Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang
      ( Mùa xuân chín- Hàn Mặc Tử)

      Xóa
  3. Giọng Bảy Tàng đây mà, hé hé hé! bẻ nhiều không sợ sái tay à.
    Trần Phong

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh 12:21 Ngày 07 tháng 3 năm 2013 không phải là anh Bảy Tàng và Nặc danh 16:25 Ngày 07 tháng 3 năm 2013 cũng không phải là anh Trần Phong. Nếu những cái còm tương tự kiểu này còn xuất hiện, Thu sẽ xóa mà không cần xin phép.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hồng Thu thân mến !
      Khi một vấn đề được nêu ra và có được sự hưởng ứng thì không có gì quý bằng. Mình nghĩ đây là một sự hưởng ứng thôi, không có vấn đề gì đâu. Người tung mà không có kẻ hứng thì mất vui. Chỉ sợ những gì mình nêu ra mà chả có ai nói gì thì mới là buồn, Hồng Thu ạ . Đây là sân chơi, là tranh luận mà, cứ để mọi người phát biểu cho vui.

      Xóa
  5. Thân ái chào Phương Mai. Chúc mừng bạn tham gia Trang Thơ. Nhân dịp ngày QTPN, trang thơ lại có thêm một bạn thơ nữ nữa, việc đó thật ý nghĩa, bạn đã có một màn ra mắt thật ấn tượng với một bài thơ rất ý nghĩa và một bài tiểu luận khá đặc sắc, bài của bạn hàm chứa một lượng tri thức rộng rãi và lập luận rõ ràng, cung cấp cho người đọc một cách nhìn thoáng hơn về thơ và những mối liên hệ của nó trong đời sống, mong rằng bạn sẽ tham gia đều đặn với các thành viên khác để cùng trao đổi tâm tư, cảm xúc, điều rất khó tìm kiếm trong thời nhộn nhạo này, chúc bạn luôn có những cảm xúc tươi mới và những thành công trong thơ ca và những lĩnh vực bạn quan tâm.
    Xin có đôi lời bàn luận thêm về bài viết của ĐPM. Rất đúng rằng trong lĩnh vực nghệ thuật, ít có một hình thái biểu hiện nào có mối quan hệ chặt chẽ và ràng buộc với các hình thức khác như Thơ. Trong bốn hình thức nghệ thuật cô đọng lại bằng Cầm, kỳ, thi, họa, ta thấy THƠ có thể kết hợp với CẦM hoặc KỲ hoặc HỌA một cách nhuần nhuyễn mà không bị 'chênh' như những kết hợp khác, điều này người xưa đã nhận ra từ lâu, điển hình là trường hợp PM nêu ra: “Thi trung hữu họa - họa trung hữu thi”. Đây là câu của Tô Đông Pha đời Tống bên Trung quốc khi bàn luận về vị tiền bối trước ông gần ba trăm năm là Vương Duy, nguyên văn câu ấy như sau: "vị Ma Cật chi thi, thi trung hữu họa; quan Ma Cật chi họa, họa trung hữu thi, dịch nghĩa: Thưởng thức thơ của Ma Cật, trong thơ có hoạ đồ; ngắm họa đồ của Ma Cật, trong họa đồ có thơ" Tô Đông Pha đã tỏ ra là một nhà phê bình tài ba khi nhận xét rất đúng về tài thơ - họa của Phật thơ Vương Duy, câu nói của ông gần như một 'chân lý' đến nỗi một ngàn năm sau vẫn có bạn thơ trẻ ĐPM dùng làm đề tài cho một tiểu luận về cái không lạ lắm trong mối liên hệ THƠ - HỌA. :)
    Trong bài viết của mình, ĐPM dùng khá nhiều dẫn chứng 'thơ' để chứng minh mối liên hệ đó, bạn có một trí nhớ thơ rất đáng nể và dùng trích dẫn rất đúng lúc, (trừ những câu thơ mà không biết vô tình hay hữu ý, bạn làm rất hợp ý nhạc sỹ An Thuyên Bẻ đôi câu thơ, chẻ đôi câu thơ, ta làm con thuyền lướt sóng..., nó biểu hiện ở đây:(trích trong bài của ĐPM)
    Ý thơ này như được rõ hơn trong câu Kiều:
    Tiễn đưa một chén quan hà
    Xuân Đình thoắt đã đổi ra
    Cao Đình Sông Tần một giải xanh xanh
    Loi thoi bờ liễu, mấy nhành dương quan
    (hết trích)
    Có vẻ như nó là:
    Tiễn đưa một chén quan hà
    Xuân Đình thoắt đã đổi ra Cao Đình...
    thì đúng hơn, phải không nhỉ?.
    Tuy nhiên nó chỉ là tiểu tiết thôi, điều tôi muốn nói với các bạn là trong nhận thức này, ta cần nhìn nhận theo một phương pháp hiện đại hơn, tư duy thế kỷ 21 khác với tư duy thế kỷ thứ 10, cái họa chúng ta nói đến đó gọi là 'thư họa'hay theo ngôn ngữ hiện đại có thể gọi là hội họa 2D, cái nhìn nhận vấn đề của Tô Đông Pha và ĐPM là cách nhìn theo 2D, hay nói cách khác, thứ hội họa đó thiếu vắng những quy chuẩn hiện đại trong Hội họa hiện đại, trong đó yêu cầu khá chặt chẽ về Phối màu, Bố cục, chiều sâu, luật xa gần, tỷ lệ cũng như chủ đề, gía trị tư tưởng ẩn chứa trong nội dung tranh. Điều mà tranh 'Thư họa', vốn chỉ có ý nghĩa biểu tượng- đặc tả không có.(tiếp ở phần sau)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bởi vậy trong thơ hiện đại, để chứng minh được luận điểm " Trung thi hữu họa...." ta cần dẫn chứng những bài thơ đạt được những yêu cầu nêu trên, dĩ nhiên là không khó, tiền nhân của chúng ta tuy chưa biết đến những quan niệm hiện đại vầ hội họa đó nhưng thơ của họ, trong thực tế đã lột tả hết những quy chuẩn hiện đại, mà không cần phải viết rõ trong câu thơ rằng phải có Xanh đỏ trắng vàng da cam lục lam chàm tím mới là có họa trong thơ, bởi thơ là có tính ước lệ, nó là thơ nên phải nhìn sâu vào trong câu chữ chứ đâu phải cứ đỏ mới là đỏ. Không nói đâu xa, tôi ví dụ khi bạn đọc thơ Bà Huyện Thanh quan- Qua đèo Ngang:
      Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,
      Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
      Lom khom dưới núi tiều vài chú,
      Lác đác bên sông rợ mấy nhà.
      Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
      Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
      Dừng chân đứng lại trời non nước,
      Một mảnh tình riêng ta với ta.

      Ở đây bạn không thể tìm thấy một sắc mầu nào, không có xanh đỏ tím vàng nhưng bạn hình dung ra điều gì khi đọc " Bước tới đèo Ngang bóng xế tà..." bạn sẽ hình dung ra thời điểm khi trời đã về chiều, ánh nắng vàng nhạt không còn chói chang nữa,ánh sáng yếu làm cảnh vật núi non chuyển sang mầu xanh sẫm, tới gần chân đèo ta gặp cỏ xanh cây nâu, hoa đỏ, lá xanh, đá xám v.v. chứ? đó là cái hay của tính ước lệ, đâu cần bắt người đọc phải đọc xanh đỏ để thấy cái họa trong thơ!
      Cũng ở bài thơ này, tuy không nói ra nhưng tác giả đã cho chúng ta một bố cục gọn ghẽ xung quanh cái đèo Ngang mà thôi, luật xa gần cũng được thể hiện rõ, xa là ánh chiều tà, gần là hoa lá, trung cảnh là 'tiều vài chú', túm lại là khi đọc bài thơ, người đọc cảm nhận được nó là một bức tranh hoàn hảo đầy mầu sắc, nhưng không thể thiếu điều tác giả muốn nói, ấy là lòng yêu thương đất nước sâu sắc chen lẫn với một tâm tư riêng:' Một mảnh tình riêng ta với ta'để người đọc nhận ra bà là một người nhạy cảm và rất tinh tế.
      Tiếc rằng viết thêm sẽ bị blogpot cắt, xin tạm dừng ở đây, nếu có dịp sẽ xin đựơc nói thêm cho vui.

      Xóa
    2. @anh QT :Câu " Xuân Đình thoắt đã đổi ra Cao Đình " ,TG đã đính chính lại trong bản gửi lần thứ 2, khi hiệu chỉnh tôi đã bỏ sót câu này. Thành thật xin lỗi TG Ph.Mai ,anh QT và bạn đọc.

      Xóa
  6. Thi trung hữu họa đồng hữu phúc
    Hoạ trung hữu thi dã hữu đua

    Trả lờiXóa
  7. Không cần xin lỗi đâu TL, như đã nói, đây chỉ là tiểu tiết, tôi 'lôi' ra như một cách gây cười thay đổi không khí thôi, hoàn toàn không có ý moi móc, bởi tôi đã đọc bản trình bày này bên web 'đất dựng ngược'(đất đứng.com)không có lỗi này, mà là lỗi của 'anh đánh máy thôi', hehe! ĐPM nên nhận lời làm thành viên TT để có quyền tự trình bày, lúc đó mình mới 'móc' được :))
    Thêm thảo luận với bài viết này của ĐPM, có thể các thành viên khác của TT cũng có ý kiến riêng của mình, ở đây tôi chỉ góp thêm một cách nhìn nhằm sáng tỏ luận điểm của tác giả, cũng riêng trong 'trung thi hữu họa' chúng ta hãy đề cập đến một bài thơ của Nữ sỹ Xuân Hương, bài thơ 'quả mít'
    Thân em như quả mít trên cây
    Da nó xù xì, múi nó dầy
    Quân tử có thương thì đóng cọc,
    Xin đừng mân mó, nhựa ra tay.

    Bài thơ không hề có từ nào động chạm đến màu sắc, nghĩa đen mô tả sự ví von của một người đàn bà thôn dã với thân phận mình, và cũng mô tả một kinh nghiệm dân gian để ép quả mít chín sớm, nghĩa bóng là lời than thở của một người đàn bà sống trong chế độ phong kiến, nơi đạo lý Khổng, Mạnh trói buộc người đàn bà như một thứ phục vụ đàn ông mà không có quyền lựa chọn, giá trị của bài thơ ở chỗ tố cáo sự bất công trọng nam khinh nữ của chế độ cũ, vậy không có mầu sắc thì tính họa ở đâu trong bài thơ? Tính họa chính là khi đọc bài ta hình dung được hình ảnh màu xanh cây mít, màu vàng quả mít, người con gái thời xưa váy áo mớ ba mớ bảy, chít khăn mỏ quạ, áo nâu váy đụp nhuộm bùn, hình ảnh ông 'quân tử'nọ cầm 'cọc' ra sức đóng, chưa nói đến hình ảnh dòng 'nhựa'trăng trắng dính ra tay quân tử thì chúng ta đã phải công nhận rằng bài thơ tràn đầy hình ảnh sống động và không thiếu màu sắc, theo tôi, tính họa trong thơ chính là làm sao đó để bài thơ, câu thơ của bạn để lại trong người đọc những hình tượng sống động, đầy hình ảnh như một bức tranh, đó chính là 'trung thi hữu họa'.(tiếp phần dưới)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Và cái gì là 'họa trung hữu thi"?'trong họa có thơ'.
      Ý chính của luận điểm này là trong một bức tranh, người xem có thể nhận ra cảnh sắc, chủ đề của bức họa đẹp như một bài thơ, tác giả ĐPM qua bài thơ của VD để nhận định rằng Vương Duy - một thy sĩ, một họa gia Trung Quốc đời Đường, nổi tiếng với đề tài “Giang sơn tuyết tế đồ” và “Võng xuyên đồ” vẽ về những phong cảnh nơi ông đã từng ẩn dật. Có lẽ nhờ cái mơ màng của SƠN – TUYẾT mà người ta bảo tranh của Vương Duy giàu chất thơ? và bạn cũng dẫn chứng từ tranh BXP và tác giả khác để nêu rõ luận điểm này, không có gì bàn cãi ở đây, tuy nhiên khi bạn nói Thơ và Họa không phải lúc nào cũng dung hòa. và đề cập đến bức tranh Guernica của Picasso để chứng minh Tranh "Ghecnica" của danh họa Picasso nói được rất nhiều. Nó xuất phát từ hiện thực, không từ ý thơ. Nhìn chung, Thơ và Họa không phải lúc nào cũng gặp nhau... Thì cần xem xét lại. Riêng tôi vẫn cho rằng bất cứ một bức tranh nào cũng đều tạo cảm hứng cho thơ, nếu nhà thơ có cảm xức và đồng cảm với nội dung bức tranh đó. Ví dụ, bạn có bức tranh vẽ con vịt đập cánh trên hồ nước, có thể với bạn không có cảm xúc gì, nhưng lại tạo cảm hứng cho một nhạc sỹ tạo ra một lời thơ làm ca từ cho bài hát mẫu giáo: Một con vịt,
      xòe ra hai cái cánh.
      Nó kêu rằng:'Quác quác quác,
      quạc quạc quạc.
      Gặp hồ nước nó bì bà bì bõm,
      lúc lên bờ vẫy cái cánh cho khô
      He hehe! Nếu bạn cho ca từ đó không phải là thơ thì tôi chịu, chứ ca từ đó thơ hơn rất nhiều những bài gọi là thơ 'đương đại- điên dại' bây giờ đấy. Quay trở lại với Guernica, đây là bức tranh theo trường phái lập thể của Pablo Picasso mà chính ông là người đầu tầu "Kiệt tác hoành tráng này gióng lên một tiếng chuông cảnh tỉnh nhân loại về thảm họa của chiến tranh, đồng thời là một thông điệp hòa bình vĩnh cửu mà trong lịch sử mỹ thuật thế giới không có tác phẩm nào làm được như nó." Đó là một nhận xét không có gì đúng hơn, và theo tôi, hơn bất cứ điều gì, một nhà thơ đích thực đứng trước bức tranh nổi tiếng này ắt sẽ cảm xúc mà bật lên thành thơ, như tôi đây, chẳng phải nhà thơ đích thực mà ngẫu hứng lên có thể làm mấy câu:
      Géc ni ca, géc ni ca!
      Chiến tranh! như những bóng ma
      vươn những đôi cánh gớm giếc
      xòe ra
      trên thành phố
      Phá tan hạnh phúc
      trong những ngôi nhà.
      Ôi Tây ban nha, Tây ban nha
      Đất nước thân yêu đang rên xiết
      dưới gót giầy Phát xít
      Những chú ngựa, những chàng bò tót
      đang quằn quại, kêu la
      Chiến tranh là độc ác
      chiến tranh là gian tà
      hỡi thế giới!!! hãy đấu tranh
      cho những bóng ma
      đừng bao giờ trở lại!

      Như vậy là tôi đang bảo vệ cho quan điểm rằng, trong họa có thơ, dù nó xấu hay đẹp, có ý nghĩa hay không ý nghĩa, tùy theo cảm xúc của người thơ mà có thơ trong đó hay không :))

      Xóa
    2. Hôm nay lại có dịp quay về Trang thơ, thấy không khí trầm lặng, giật mình nghĩ: Có phải là do góp lời của mình chao chát quá không? mà sao im ắng vậy, kể cả thím Ad cũng dường như 'bất bình'? hehe!
      Nếu có bạn đọc nào khi đọc những nhận định riêng phía trên của tôi mà thấy bất nhẫn hoặc không vừa lòng thì cũng đành xin lỗi vậy, nhưng cũng xin nói rằng lời góp hoàn toàn mang tính xây dựng, với mục đích chính làm muốn bổ khuyết thêm một cách nhìn với quan niệm Thi- Họa của Đặng Phương Mai mà thôi.
      Có một điểm nữa cần nói rõ, một bài viết của ai đó, ngay cả tôi cũng vậy, không bao giờ tránh khỏi thiếu sót, vậy khi có người bổ khuyết, chỉ ra cái chưa đúng thì thật đáng quý, ví dụ như trong bài, khi trích dẫn "Kiều", PM đã sai một chữ, làm câu thơ của N.Du trở nên rất rùng rợn: (trích)
      Nguyễn Du trong truyện Kiều đã có câu tả mùa xuân thật trong trẻo với lối tả từ xa đến gần:
      Cỏ non xanh rợn chân trời
      Cành lê trắng, điểm một vài bông hoa…
      (hết trích)
      Trong 'Kiều' nó là tận chứ nhỉ? vậy mà các nhà 'Kiều học' của TT cũng không ai nhận thấy, và cũng không giúp ĐPM sửa sai!
      Bởi vậy mà nếu PM thông cảm (và cả các bạn đọc TT)thì mới thấy được tấm lòng của người phê bình, hoàn toàn không có chuyện bới móc hay quá lăn tăn, và cũng xin đừng tự ái, chưa đúng thì sửa, chỉ sợ 'không thèm' nhận ra để sửa mà thôi!
      Thật ra, tôi còn muốn góp lời thêm về 'họa' trong thơ nữa kia, như ông bạn ND nào đó đã đánh đồng 'hội họa' với 'tai họa'ấy :)) nhưng kiểu này chắc mình ngồi im cho nó... lành :))

      Xóa
    3. Từ ngày bài viết " Hội họa trong thơ " được đứng trong trang thơ đến nay ĐPM mới có thời gian vào đọc. Thật là sôi nổi .
      Cỏ non xanh rợn chân trời
      Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
      Về câu thơ trên của Nguyễn Du khi tả mùa xuân: " Cỏ non xanh...." có bản chép là "tận"; có bản chép là " rợn", vậy thì sao đây ? Thực sự, trong văn học thường gặp những dị bản. Đây cũng là một trường hợp không ngoại lệ.
      - "cỏ non xanh tận chân trời" ý nói như một không gian rộng lớn, thảm cỏ rất lớn, rất rộng hút tầm mắt, đâu đâu cũng thấy cỏ...
      - "Cỏ non xanh rợn chân trời" diễn tả một không gian vừa rộng, vừa sống động, sinh động, màu xanh bát ngát đầy sức sống.

      ĐPM nghĩ rằng: Nếu viết : Cỏ non xanh "tận" chân trời , cái nhìn mới chỉ bằng mắt. Nhưng nếu thay bằng " rợn" , câu thơ như gợi hơn, có cả sự dự cảm trong chiều sâu tâm hồn. Cá nhân PM thích từ " rợn" trong câu thơ này.
      Cảm ơn TQtrung đã đọc kỹ và trao đổi rất thẳng thắn.

      Xóa
    4. PM@ khi trích thơ, ta thường cố gắng tìm những bản có uy tín, tốt nhất là tìm bản của nhà xuất bản văn học, mà là bản của thế kỷ trước thì đáng tin hơn. Nếu bản chính viết thế nào ta nên theo, không nên tự mình đặt ra dù từ mới đó có"Cỏ non xanh rợn chân trời" diễn tả một không gian vừa rộng, vừa sống động, sinh động, màu xanh bát ngát đầy sức sống. thật đi chăng nữa. Nói thật là tôi chưa có hân hạnh xem được bản nào có chữ 'rợn' thay cho chữ 'tận' cả, có thể đấy là một thiếu sót, anh chị em đọc TT ai phát hiện ra xin cho đường dẫn nhé.
      Ngoài ra, khi chữ có dị bản, quan niệm của người dùng câu thơ, hoặc chữ thơ đó cũng quan trọng trong việc xét nên dùng từ nào là hợp lý, điều đó cần sự lịch duyệt, kinh nghiệm sống mới có được quyết định đúng.
      Tôi tôn trọng quyết định và ý thích cá nhân của ĐPM, nhưng từ RỢN mà nói nó gợi, rồi có dự cảm trong chiều sâu tâm hồn thì tôi e Đan tê khi viết 'Thần khúc' cũng phải khóc thét!

      Xóa
  8. Cậu em rể, một lần nói với tôi 'bọn nhà thơ có cái nhìn khác chúng mình anh à,nó thấy được cái mình chẳng thấy gì cả,rồi viết thành thơ'.Tôi khen là đúng.
    Nhưng nói rằng cái 'chẳng thấy gì cả' ấy là 'trung hữu thi', thì ...e là chưa ổn.
    Tương tự, một người xem một bức tranh (ví rụ bức "Ghecnica" chẳng hạn. :)) rồi làm ra một bài thơ hay,nếu bảo nguyên nhân chính là bởi "Ghecnica" trung hữu thi thì e...chưa hẳn? Ở đây có lẽ là bức tranh đã truyền cảm hứng cho 'chất thơ' trong con người đó sáng tác. Đã có biết bao nhà thơ trên thế giới chiêm ngưỡng "Ghecnica", song có phải ai cũng 'ra' thơ về nó đâu?
    Trường hợp 'thi trung hữu họa'-theo tui hỉu cũng đại để như thế,chỉ phiền bạn đọc đổi lẫn vị trí chũ 'thi',chữ 'họa' cho nhau.

    Vậy nên cái sự 'truyền cảm hứng' từ hình thức NT này tới con người để sáng tác ra một tác phẩm mới dưới một hình thức NT khác chưa chắc luôn đống nhất với lý giải : đó là bởi tại vì 'cái này có trong cái kia'! :)

    "Nhìn chung, Thơ và Họa không phải lúc nào cũng gặp nhau. Thơ vẫn là thơ - Họa vẫn là họa..." kết luận này của bài viết- nói chung,tôi rất tâm đắc cùng TG,hehe...

    Đây thôn Vĩ Dạ
    Hàn Mặc Tử

    Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
    Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên,
    Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
    Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

    Gió theo lối gió, mây đường mây
    Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay...
    Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
    Có chở trăng về kịp tối nay?

    Mơ khách đường xa, khách đường xa,
    Áo em trắng quá nhìn không ra...
    Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
    Ai biết tình ai có đậm đà?


    Đọc bài thơ " Đây thôn Vĩ Dạ". tôi có cảm giác như 'xem' một bức tranh ! Với tôi 'Thi trung hữu họa' tức là khi đọc một bài thơ mà cho cảm giác giống như vừa xem một bức tranh (ko phải vì trong đó có xanh,đỏ, tím, vàng...đâu nhé, nhưng có lẽ vì có 'hình tượng':'hiện - ẩn; tĩnh - động; hư - thực; gần - xa; nóng - lạnh;…và sự tương phản...' trong câu thơ)

    Đôi khi, thậm chí còn 'thi trung hữu nhạc' nữa kia đấy.:)
    Bài trường ca "Em ơi-Hà Nội phố!" của Phan Vũ chẳng hân, đủ cà 'họa-nhạc' ở đó,mà anh HDT đã có nhiều nhận xét rất hay
    ở đây
    ( Vì ko biết cách 'lọc' riêng ra những nhận xét của HDT hầu các bạn, phiền bạn đọc tự chọn lựa)
    Việc cảm nhận thơ nói riêng,NT nói chung vốn là riêng biệt tùy thuộc vào từng người,ko thể bàn luận chân lý 'Đúng-Sai' ở chốn này được. Nhưng với bạn bè chia sẻ thì...chẳng ngại gì cả. :)

    Trả lờiXóa
  9. Có câu chuyện vui, ngày xưa có viên quan nước ngoài đi sứ đến Việt Nam, về tâu lại với vua nước đó là dân Việt nói như chim hót!!!
    Tiếng Việt có nhiều thanh nhất trong ngôn ngữ thế giới, mỗi câu nói có nhiều thanh tạo thành âm điệu khác nhau và trầm bổng khác thường, vì vậy có khách nước ngoài nghe người Việt chửi bài 'trộm gà' phải thốt lên rằng: Người Việt rất lạc quan yêu đời, có thể ca hát suốt ngày!!!
    Tiếng bình thường đã vậy, thơ là sự thăng hoa của tiếng nói cho nên nói trong Thơ có Nhạc là điều tất yếu thôi.
    Bài thơ 'Đây thôn Vĩ dạ' TL dẫn chứng minh rất rõ cho luận điểm rằng trong thơ có họa mà không cần lời lẽ trong thơ phải nhắc đến màu sắc, người đọc hình dung ra nó như một bức tranh sống động thì lúc đó tác giả thơ đã thành công.
    Có một tác giả thơ nghiệp dư đã viết thế này:(Trích khổ cuối)
    ....Đêm Noel !
    Không có anh
    Đêm hội không còn là hội nữa
    Em trở về trong căn phòng nhỏ
    Tay trong tay
    mình đan lấy
    tay mình

    Cả bài thơ không có mấy ấn tượng, nhưng riêng khổ cuối này hình ảnh người phụ nữ cô đơn, tội nghiệp trong đêm hội Noel, khi người đời vui vẻ với những lứa đôi đầm ấm thì nàng một mình trở về căn phòng nhỏ, tự an ủi bằng cách tự mình đan tay vào nhau để hy vọng tìm kiếm một hơi ấm cho cõi lòng cô lạnh, hình ảnh đó thật sống động làm những trái tim nhạy cảm dường như muốn tan chảy và thật sự đồng cảm với nàng. Chỉ một câu cuối có thể làm nên giá trị của cả bài thơ, và rõ ràng tác giả cũng thành công trong sự thuyết phục người đọc rằng trong câu thơ của mình có Họa!
    Xin 'lăn tăn' thêm một chút về cái 'truyền cảm hứng' của TL.
    Nhìn chung, đúng là xem một bức tranh, vẻ đẹp của bức tranh đó sẽ tạo ra (hay là truyền cảm hứng) cho một người biết làm thơ, từ cảm hứng đó, thi nhân vung bút viết ra thơ (hay dở không tính). Nhưng đó chỉ là một cách để nói 'họa trung hữu thi' ( trong họa có thơ) ở đây Bức họa có trước, từ họa mới ra thi, còn nếu nói có ý tưởng thơ về một cảnh quan rồi vẽ ra họa thì lại ở vế 'trong thơ có họa’ mất rồi. Ví dụ ở trường hơp Guernica. Picasso không biết làm thơ nên ông không dùng một ý thơ nào để sáng tạo bức tranh, nhưng nếu đi sâu tìm hiểu thì chưa chắc! bởi cùng với sự đau xót cho sự tàn phá cuả thành phố Guernica thì thấp thoáng trong đó có những nàng 'Thơ' của ông, hình như bà Dora Maar có phần can dự trong đó, nhớ không kỹ lắm là bà nào nhưng chắc chắn là các nàng thơ- người tình của ông đóng vai trò quan trọng trong ý tưởng sáng tác(Dù đơn giản là ông lấy cảm hứng một phần từ họ, và cùng muốn nịnh họ nữa, làm cho họ lưu danh hậu thế mà), vậy có phải từ nàng 'thơ' ra họa hay không thì tùy nhận thức thôi. Khi đã có bức tranh, cũng tùy người, tùy cảm xúc mà viết nên thơ hay không, cũng với Guernica, tranh lập thể - ấn tượng đâu có phải ai cũng hiểu, thậm chí có người còn cho nó gớm giếc, mắt đi đằng này đầu đi đàng khác :))nhưng có một anh Nga ngố không biết cảm xúc thăng hoa thế nào mà bỏ tiền mua 1 bức tranh lập thể của ông, bức 'Dora Maar with Cat'đến 95 triệu đô !!! vậy không trách thằng nào đó không tiền bèn giải tỏa cảm xúc của mình bằng một bài thơ, hehe!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. PM cảm ơn TQtrung ( 20:53 Ngày 11 tháng 3 năm 2013)đã chia xẻ với tác giả nghiệp dư ấy.

      Xóa
    2. "Nghiệp dư" trong thơ, nhưng chắc họa thì chuyên nghiệp nhỉ! nhận xét thật đấy, và cũng cám ơn vì đã đồng cảm trong một bài thơ trên TQtrung :))

      Xóa
  10. Bạn Đặng Phương Mai, chắc bạn giận tôi lắm phải không? Tôi hoàn toàn không có ác ý gì với bạn. Tôi chỉ ngỡ ngàng sao bạn lại phạm sai lầm một cách ngớ ngẩn như thế khi dẫn ra hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:
    "Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
    Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng".
    Tôi tự hỏi không lẽ bạn hoàn toàn không biết 3 địa danh Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam ở ĐBP? Nếu bạn hoàn toàn không biết 3 địa danh này thì bạn không thể không biết tính từ không bao giờ viết hoa. Ba từ Thanh, Hồng, Lam được viết hoa sờ sờ ra đó mà bạn vẫn bảo đó là tính từ chỉ màu sắc, sao lại thế? Sự việc này làm tôi liên tưởng đến sai lầm nổi tiếng của cô giáo dạy Văn khi bình giảng câu ca dao:
    "Gió đưa cành trúc la đà,
    Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương".
    Cô bảo rằng đó là món canh gà ở làng Thọ Xương!!!
    Bạn Đặng Phương Mai, bạn có nghĩ rằng độc giả còn tin phần tiếp theo "bài tiểu luận" của bạn không?
    Còn nhiều lỗi nữa tôi không tiện dẫn chứng ra đây. Nhìn chung, "bài tiểu luận" đã không thành công vì mắc phải sai lầm cơ bản, bố cục chắp vá, lập luận không logic, thiếu chặt chẽ và không phân tích được "hoạ trung hữau thi". Tóm lại, bạn đã chọn một đề tài quá sức mình.
    Hãy cố gắng ở những lần sau bạn nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời

    1. "Mường Thanh,Hồng cúm, Him Lam
      Hoa mơ lại trắng,vườn cam lại vàng"

      Thanh,Hồng,Lam trong câu đầu- theo ngữ pháp là các danh từ thuộc cụm từ địa danh ,nhưng lại mang âm hưởng của sắc mầu .Sự tinh tế dùng chữ của Nhà Thơ ở đây chính là ở chỗ đặt câu tiếp theo :
      " Hoa mơ lại trắng,vườn cam lại vàng"
      Thiết tưởng tả về sự hồi sinh của mảnh đất ĐBP qua hình tượng hoa,trái nảy nở mà chỉ gói trong 2 câu lục bát ,xét về mặt 'nghệ thuật' như thế còn gì hay hơn được nữa : hình cảnh câu thơ vừa được thanh (vần điệu) vừa được sắc (mầu sắc) vẹn toàn với ý!
      ( thực tình tôi củng hơi nghi ngờ : 'hoa mơ' coi như là chấp nhận được,chứ 'vườn cam' có phải là đặc trưng của mảnh đất ĐB ko đây? nhưng thơ vẫn là...thơ mà)
      Thưởng thức một bài thơ,một câu thơ tùy theo cảm nhận riêng của mỗi người,khi chia sẻ với nhau đôi khi thấy có điểm trái ngược thì cũng là bình thường,vì thế giới nôi tâm của chúng ta nào có thể như nhau được.
      Và trong qua trình trao đổi bàn luận cùng nhau câu chữ rất nên cân nhắc,vẫn nói rõ hết được ý của mình mà tránh được 'âm hưởng' 'áp đặt' thì tốt quá.

      Xóa
    2. Tôi không tán thành cách đặt vấn đề và lời lẽ "cứng cáp" hơi quá của ND 22:17.
      Bài viết của ĐPM chỉ là để trình bày một cách nhìn, nó không phải là bài viết để làm luận án gì đó hoặc tham luận ở một diễn đàn dạng vĩ mô mà cần phải thế này thế kia, phản biện là cần thiết, nhưng có cần phải 'chì chiết' như cách ND nói hay không? cách nói đó làm nản lòng những người muốn trao đổi bằng những bài đăng như thế này.

      Xóa
    3. Giữa Đường Dẫu Thấy Bất Bằng Mà Tha nói:
      Tôi không rõ ngoài đời chị ĐPM có đắc tội gì với gã Nặc Danh hay không mà gã ta lại lấy cái sân chơi vốn rất văn hóa này- Trang Thơ, làm nơi công kích, chỉ trích và " ném đá" người ta. Giấu mặt mà ném đá là tiểu nhân quá rồi. Thật xấu hổ khi sân chơi lọt vào một nhân cách như vậy.
      Trong xã hội hiện nay, nặc danh là một loại GIẶC, một loại RÁC RƯỞI mà pháp luật cấm.
      . Một người tự tin, đàng hoàng luôn lấy tên thật hoặc một vài bút danh cố định để độc giả nhận diện. Một nhà văn nhà báo hay một người viết tử tế thường có bút danh và chính danh, mọi người trong báo giới cũng như đông đảo bạn bè, bạn đọc biết.
      Một bài viết nặc danh là bài viết không có tên người viết. Thường những người thấp cổ bé họng và sợ cấp trên trù dập hay dùng cách nặc danh để viết các đơn tố cáo thượng cấp của mình và những người quyền thế. Vì họ sợ bản thân cái nội dung họ viết, sợ bạn đọc biết đích thực họ là ai.
      Cái câu chuyện mà bạn nhớ ra ấy chỉ là TRUYỆN CƯỜI HIỆN ĐẠI, không có thật trong trường học nào hết. Để dẫn ra những truyện tương tự như vậy có cả bồ: Vào mở bài dạy về đất nước Mông Cổ ( cô giáo nọ vỗ tay lên cổ rồi lại vỗ vào mông...): Bài dạy về Cái chăn mùa đông ( vào bài: Trên người mẹ em khi đi ngủ có gì ? Trò trả lời : thưa cô, có cái chăn bông ạ. Cô giáo nói: không phải ...v.v...).
      Đây chỉ là sân chơi, là chỗ giải trí cho vui, ai có gì mới, có gì hay thì " trình làng" để mọi người thưởng thức, không có thi thố gì mà gọi là "tiểu luận" với lại "thành công" ở đây hết. Mình là người thưởng thức thì hãy chừng mực đánh giá như một người thưởng thức. Hay thì tâm đắc nghiền ngẫm, chưa hay thì thôi, phải coment mang tính xây dựng, không thì im lặng mà nghe coment khác cũng thú vị lắm. Đằng này...Chắc ngoài đời, Nặc Danh là người không thành đạt, bụng dạ hẹp hòi, hay chỉ trích người khác, thói cố chấp , sợ thiên hạ hơn mình.
      Văn hóa không là cái gì xa xôi, nó là ứng xử của mỗi cá nhân trước những vấn đề của cuộc sống.
      Thế mới biết NHẬN THỨC TỶ LỆ THUẬN VỚI ỨNG XỬ

      Xóa
  11. Bạn Đặng Phương Mai, tặng bạn một ví dụ tốt nhất để minh hoạ cho luận điểm "thi trung hữu hoạ". Bạn thấy đấy, cảnh núi rừng Việt Bắc thật hùng vĩ, đầy màu sắc. Đây là bức tranh tứ bình có đủ bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Ai mà không công nhận đây là tuyệt tác!

    Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
    Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
    Ngày xuân mơ nở trắng rừng
    Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
    Ve kêu rừng phách đổ vàng
    Nhớ cô em gái hái măng một mình
    Rừng thu trăng rọi hòa bình
    Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.

    Trả lờiXóa
  12. Xin đính chính: Đó là đoạn trích trong bài thơ "Việt Bắc" của nhà thơ Tố Hữu.

    Trả lờiXóa
  13. "Thơ mà khai thác được tất cả các yếu tố kể trên cùng với các yếu tố: hiện - ẩn; tĩnh - động; hư - thực; gần - xa; nóng - lạnh;…và sự tương phản về màu sắc thì đó chính là đã có thơ trong họa".
    Đoạn văn này được độc giả hiểu rằng trong họa có thơ (họa trung hữu thi). Nếu đúng như vậy thì bạn Đặng Phương Mai đã nhầm lẫn chứ không phải tôi. Bởi vì, bạn đang chứng minh cho luận điểm trong thơ có họa.
    Trong một đoạn văn khác, bạn có nêu nhận xét đặc thù của hội họa, có dẫn tranh của họa sĩ tài danh Bùi Xuân Phái. Tôi nghĩ đoạn này thừa, không cần phải đưa vô đây bởi vì bạn đâu có chứng minh trong hội họa có thơ mà tôi mới nghe bạn nói. Tóm lại, bài tiểu luận của bạn chỉ chứng minh cho mỗi một luận điểm là trong thơ có họa. Vậy thì bạn hãy bỏ những phần nói về hội họa mà tập trung để làm rõ trong thơ có yếu tố hội họa. Tôi không thích từ "dung hòa" chút nào mà bạn đã nói giữa thơ và hội họa.
    Xin trở lại hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu đã được bạn dẫn ra:
    "Mường Thanh,Hồng cúm, Him Lam
    Hoa mơ lại trắng,vườn cam lại vàng"
    Xin nói với bạn lần cuối là: Thanh, hồng, lam không thể nói là tính từ chỉ màu sắc được là vì:
    - Đây là danh từ riêng (chỉ địa danh).
    - Nó không phải là từ ghép (nên không thể chặt đôi để lấy thanh, hồng, lam được).
    - Nó không sánh được với câu thơ thứ hai để chỉ màu sắc như bạn đã phân tích.
    Bạn thử đọc xem: Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam gợi cho độc giả cái gì? Chỉ là địa danh thôi, không có màu sắc gì cả.
    Còn câu: "Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng" thì ai cũgg cảm nhận được bức tranh đầy muu sắc.

    Trả lờiXóa
  14. Nặc danh lúc 22:51 ngày 12/3. Ta biết mi là ai rồi. Bởi vì đó là nghề của ta mà. Mi đã bị bạn ta hạ gục thành ma rồi, bây giờ lại đội mồ lên phải không. Ta là người thành danh đang sống trong nhà cao cửa rộng chứ đâu phải thân phận nuôi gà kiếm bạc lẻ như ngươi. Ta nói cho mi biết, có 1 cái còm của kẻ bất lương giả mạo Trần Phong - bạn của ta. Bạn của ta đã dạy cho mi một bài học đích đáng, đã lột cái mặt nạ lưu manh vô học của mi. Tên của mi cũng chỉ là một thứ nặc danh rác rưởi thôi. Mi đâu có dám gặp mặt các thành viên ở Trang thơ. Hôm nay ta hả dạ lắm vì đã lật tiếp được cái mặt nạ đồng bọn của mi. Người đó cũng dốt nát, không có kiến thức phổ thông như ngươi., cũng chẻ đôi từ ngữ để phân tích như ngươi. Ta đã phát hiện người đó đạo thơ của người khác lại còn đố kị với bạn thơ.
    Lời cuối cùng của ta là: Trang thơ đã bị lủng đoạn bởi những kẻ dốt nát, đố kị. Ta không thể đến đây nữa. Đừng ai viết gì nữa.
    Tặng mi này:
    Thầy tướng chẻ đôi chữ Bảy Tàng
    Chữ đầu thầy phán số làm quan
    Chữ Tàng thầy thốt: Ôi thôi chết
    Khẩu khí ngang tàng ấy - quân gian.

    Tặng mi nữa này:
    Bốn dòng bảy chữ thật là sang
    Đọc sao không hiểu hỡi Bảy Tàng?
    Ấy thơ tứ tuyệt đường luật ấy
    Uổng công đi hỏi tận thiên đàng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. @ND 23:41 Ngày 12 tháng 3 năm 2013 : Không có bất cứ một 'ngòi bút' nào- viết ở đây có thể 'lũng đoạn' được Trang Thơ.
      Đã thế,đang thế và sẽ thế. Chắc chắn là thế!

      Xóa
    2. Tôi đã trao đổi với HT, trong một blog có tính nghệ thuật như TT không có chỗ cho những 'bức xúc' xã hội kiểu như các còm ND, cũng có Bạn ND còm có ý tốt nhưng có những ND đưa những từ ngữ ngoài đường vào làm ô uế TT, vì vậy đề nghị Admin chặn ND, ai muốn còm vào TT thì hãy đăng ký tài khoản Google để có trách nhiệm hơn với ý kiến của mình, bạn cũng có thể nhấp vào: "Trả lời với tư cách" rồi chọn TÊN/ERL, và trên hết: hãy có lòng tự trọng

      Xóa
  15. Anh Tuấn Linh - anh Quốc Trung và những người bạn khác !
    Xin đừng phiền lòng, trên con đường ta đi , ta gặp ai và gặp cái gì đâu có trong sở thích của ta được. Âu đó cũng là chuyện nhỏ mà bất cứ ai cũng gặp .
    Trong cuộc sống và ngay trong các bình luận này, mỗi người đã "tự họa chân dung của mình" rồi. Người thì họa bằng đường nét màu sắc, người thì họa bằng thơ, kẻ thì họa bằng lời lẽ... thật là muôn hình vạn trạng. Đó là bức tranh cuộc sống , nó cũng nhiều sắc màu nhiều cung bậc phong phú lắm...
    Vâng, xin đừng bận lòng.

    Trả lờiXóa
  16. Tôi là kẻ ít chữ và đặc biệt không thích thơ cho lắm. Trước đây ( trước ngày hôm nay ) thi thoảng cũng vào TT để mong tìm được những cảm xúc do các bạn thơ mang lại...Nhưng hôm nay tôi hoàn toàn thất vọng vì một số commen...Không ngờ trong các bợm chữ này có cả lưu manh.Nhỏ nhen và ty tiện ...hết chhox nói ,hơn cả những người ít chũ như tôi đây.
    Rất buồn phải không trang thơ bạn Trỗi...TRỖI vào cả thơ.

    Trả lờiXóa
  17. Thu định xóa nhận xét của Nặc danh 23:41 Ngày 12 tháng 3 năm 2013 nhưng lại tiếc 2 cái còm trả lời của a TL và TQTrung. Hôm qua Thu vừa đăng bài này bên CLB âu cũng trùng với suy nghĩ của chị ĐPM. Cảm ơn chị PM đã không phiền lòng vì những cái còm không liên quan. TT đã hơn một lần xảy ra sóng gió và đến giờ phút này các anh, các chị và các bạn vẫn gắn bó với TT. Thu thực sự cảm động. Nếu chị ĐPM không phản đối, Thu xin phép được khép phần tranh luận tại đây. Hãy để còm của Nặc danh 23:41 Ngày 12 tháng 3 năm 2013 lại đó để anh ta thấy anh ta không hề được hoan nghênh ở đây. Anh ta cứ việc "ngửa mặt lên trời phun nước bọt".

    Trả lờiXóa