Lời ngỏ


Thu rất hiếm khi làm thơ nhưng đọc, hiểu, cảm nhận được những gì tác giả muốn chia sẻ. Cách đây ít lâu được đọc thơ của anh Đỗ Trung Việt, cảm nhận được sức sống mãnh liệt của những vần thơ anh, và giờ đây được Hồng Hoa (Thu Hà/Nguyễn Hoa) chia sẻ những suy tư, những trăn trở về cuộc sống, được Lệ Hằng chia sẻ những bài thơ tình lãng mạn. Thu lập trang thơ với mong muốn nó sẽ là nơi để các bạn yêu thơ chia sẻ những sáng tác của mình hoặc những bài thơ mình yêu thích. Hy vọng những rung động, những cảm xúc của chúng ta sẽ sống mãi với thời gian.

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

Viết cho tuổi thơ tôi...  

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ*
Chuyến tàu chiều rời ga về dĩ vãng
Ngõ nhỏ rêu phong phủ màu quên lãng
Hun hút con đường phố vắng người thưa.

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ
Đôi vai mẹ gầy sớm khuya tần tảo
Bàn tay cha vững vàng che gió bão
Cho tôi mái nhà với giấc mơ hoa.

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ
Kẽo kẹt tiếng võng ru đêm hè gió mát
Hoa xoan rụng tím đường làng ngan ngát
Nghiêng sau vườn chùm khế ngọt đung đưa.

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ
Sớm tinh mơ giọt sương rơi thật khẽ
Hàng cau non lao xao bầy chim sẻ
Ru trưa hè thanh vắng tiếng ầu ơ.

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ
Bếp lửa hồng nồi bánh chưng ngày Tết
Chiều ba mươi cha trưng cành đào biếc
Cây quất vàng trĩu quả đón xuân sang.

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ
Cổ tích ngày xưa, giọng bà móm mém
Niêu cơm Thạch sanh nuôi mùa đói kém
Ông Bụt hiền giúp cô Tấm hiện ra.

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ
Tình bạn xinh như nụ hoa mới hé
Thơm thảo bắp ngô ngọt bùi san sẻ
Củ sắn lùi khúc khích cùng chia nhau.

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ
Sân trường nắng nghiêng nghiêng màu phượng tím
Tết ngây thơ đan nụ cười ngọt lịm
Lên bím tóc dài tà áo trắng tinh khôi.

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ
Khung trời mộng mơ một thời vụng dại
Chùm mây trắng ai đưa tay lên hái
Để đêm về có kẻ nghĩ vẩn vơ.

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ
Ô cửa nhỏ ươm giấc mơ thuở bé
Mái nhà ấm êm vòng tay cha mẹ
Lưu luyến chân người mỗi lúc đi xa.

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ
Quê hương ngọt lành ước mơ kết trái
Để khi xa rồi vẫn còn nhớ mãi
Năm tháng êm đềm tôi đã đi qua.

* Tựa đề bài thơ của Robert Rojdestvensky.
(Nguồn bài & ảnh: yume.vn/lehang53's Blog)

17 nhận xét:

  1. Hưởng ứng mấy vần thơ của TH, tặng bạn đọc TT bài thơ hay của bạn có nick Demi.
    @ A HG: Anh Bắc Hải đã phổ nhạc bài thơ "Giọt Trăng" với lời nhắn nếu anh thích thì đăng lên TT, GAN hoặc K3. Em gửi vào mail của anh nhé?

    Trả lờiXóa
  2. Bài thơ của Robert Rojdesvensky do Thái Bá Tân chuyển ngữ

    Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

    "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ...!"
    Một vé trở về giấc mơ màu cổ tích
    Bút mực, truyện tranh...những tiếng cười khúc khích.
    Bàn có năm người và một bịch bỏng ngô.

    Cho tôi về cái thời biết tập tô
    Vẽ ông mặt trời cười hiền hiền như bố
    Cột tóc hai bên lon ton chào khắp phố
    Chiếc xắc xinh xinh đựng những món đồ hàng.

    Cho tôi về chơi lại ô ăn quan
    Bắn chun, ùn đẩy rồi xếp hàng vào lớp
    Kéo áo bàn trên mượn bút chì, tẩy, thước...
    "Mày ơi!", xòe tay là được hạt ô mai...

    Cho tôi xin một vé, không hai
    Vé một chiều chẳng còn đường quay lại
    Cho tôi về tuổi thơ tôi mãi mãi
    Ngủ với trăng sao trong những giấc mơ dài...

    Ở một nơi nào đấy xa xôi....
    Có thành phố như giấc mơ im ắng ...
    Một dòng sông lẳng lặng...
    Một dòng sông nước như gương lờ trôi...
    Ở một nơi nào đấy xa xôi...
    Có thành phố ngày xưa, có thành phố...
    Nơi rất ấm tuổi thơ ta ở đó...
    Từ rất lâu... Đã từ lâu... trôi qua...

    Ðêm nay tôi bước vội khỏi nhà.
    Đến ga...xếp hàng mua vé...
    "Lần đầu tiên trong nghìn năm,có lẽ ...
    Cho tôi xin một vé đi Tuổi thơ...
    Vé hạng trung!"
    Người bán vé hững hờ...Khe khẽ đáp: "Hôm nay vé hết!"
    - "Biết làm sao! vé hết....Biết làm sao!"

    Ðường tới Tuổi thơ còn biết hỏi nơi nào?
    Nếu không kể đôi khi ta tới đó
    Qua trí nhớ của chúng ta...từ nhỏ...
    Thành phố Tuổi thơ - Thành phố truyện thần kỳ....
    Cơn gió đùa tinh nghịch dẫn ta đi....
    ...Ôi thành phố Tuổi thơ - Bài ca ngày nhỏ...
    Trái đất nhiều đường...từ thành phố Tuổi thơ
    Chúng tôi lớn....Đi xa....
    Hãy tin và Thứ lỗi.....
    "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ"...

    Trả lờiXóa
  3. HT : rất cảm ơn em đã cho anh những thông tin rất thú vị .
    Ca khúc "Chiếc vé đi về tuổi thơ" (dịch theo tiếng Nga) đó chính là có tựa đề "Đồng xanh" (tiếng Anh) .

    TBHải : chân thành cảm ơn bạn đã nhập thơ tôi vào hồn nhạc bạn ! Đó chính là tác phẩm của bạn . BH có toàn quyền đăng ở đâu cũng được , song tôi cũng xin được đăng nhạc phẩm của bạn vào trang BTK3 . BH thể lòng tôi nhé !

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn HT đã làm Nông Văn Dền cho bọn anh. Anh sẽ rất vui nếu bài hát được đưa lên trang này hoặc G.A.N. nhưng hình như DivShare đang có vấn đề chưa upload được.

    @Anh HG. Cách đây 5-6 năm 3Chai có viết một bài cũng tên là "Giọt trăng" trong một loạt "Giọt nắng", "Giọt mưa", "Giọt rượu". Anh Quang Lý có hát "Giọt trăng" nhưng phối khí không thành công lắm nên 3Chai vẫn đang cất trong ngăn kéo.
    Bởi vậy "Giọt trăng" của anh đánh rất trúng cảm xúc của 3Chai. Ngoài nội dung có những ý tưởng riêng và mới, bài thơ có hình thức rất phù hợp cho ca từ (Chia thành 3 khổ tương đối cân phương, ngắn gọn, xúc tích, không có nhiều lời khó hiểu). Phiên khúc 1 viết trước nên phiên khúc 2 có vài từ phải đổi cho phù hợp tuyến giai điệu. Có một từ bị bà xã chê là khó hiểu (nhạt nhòa LƠI). Sau một hồi cân nhắc nhạt nhòa LƠI, nhạt nhòa BAY..., cuối cùng vẫn phải chọn nhạt nhòa RƠI, lặp với khổ tiếp theo. Mong anh thông cảm.

    Trả lờiXóa
  5. @ A HG: Anh nghe lại bài hát "Cánh đồng xanh""Thành phố tuổi thơ".
    @ A BH: Em cũng định upload bài "Giọt Trăng" lên DivShare mà không được.

    Trả lờiXóa
  6. HT : nghe xong , anh biết anh nhầm . Bản nhạc hay quá ! Nó gần giống như những ca khúc mà ngày xưa bọn anh thường hát khi chia tay nhau , mỗi thằng đi một CT . Dù sao thì vẫn cảm ơn em .

    Trả lờiXóa
  7. Bắc Hải : Đừng bỏ chữ "lơi" của tớ ! Bạn cứ đặt nó đúng vào câu : giọt , giọt trăng ... Có thể bà xã cậu không hiểu được nhưng nhiều người hiểu được chữ "lơi" của tớ "đắt" hơn tất cả mọi chữ khác đấy !

    Trả lờiXóa
  8. @ A HG: Anh đã nghe bài "Giọt trăng" em gửi qua mail chưa?

    Trả lờiXóa
  9. HT : anh đã nghe giọng ca "run rẩy mượt mà" của anh 3chai suốt mấy tiếng đồng hồ và thật xúc động theo giai điệu cùng tiết tấu slow rock đúp anh ấy phổ cho bài "giọt trăng" . Quyền tác giả là T B Hải , anh thấy nếu em cũng hài lòng thì mời anh 3CHAI đăng vào TT cho "vui cửa , vui nhà" . Qua em , anh cũng xin một phiên bản vào trang BTK3 nhé (em nhờ anh TL đăng) !
    Cảm ơn em trước !

    Trả lờiXóa
  10. LƠI
    Chữ “lơi” trong nguyên bản bài thơ “Giọt trăng” của anh HG rất đặc sắc. Nó làm tôi nhớ đến một bài thơ khác mà tôi cũng đã thử phổ nhạc:

    ĐÊM RƯỢU CẦN
    Rượu cần trúc vít mềm tay
    Người ơi uống cạn đêm nay với người
    Uống cho tỉnh một say mười
    Cho mắt có lửa, cho lời có men
    Cho lòng như cửa lơi then
    Rừng đêm trăng gọi tiếng khèn vào khuya.
    Lê Đình Cánh


    Cái “cánh cửa lơi then” này là cái đinh của toàn bài thơ, với tôi nó hay đến nỗi tất cả mọi thứ “rừng đêm”, “trăng gọi” và tiếng khèn” tiếp theo đều trở nên nhạt nhẽo. Và tôi đã quyết định kết thúc bài hát ở “cửa lơi then”.

    Trở lại “trăng nhạt nhòa lơi” của anh HG. Trong nguyên bản một bài thơ thì chữ “lơi” quả là đắt. “Lơi” hay đi cùng “buông lơi”, “lả lơi”, “lơi lả”... chứ “trăng lơi” thì bạn và tôi chắc đều gặp lần đầu. Nó làm cho ta bỡ ngỡ, dừng lại suy nghĩ trong giây lát, gục gặc cái đầu ra chiều đắc ý rồi mới đọc dòng thơ tiếp theo.

    Nhưng chính cái giây lát nói trên lại có thể làm cho một bài hát được cảm nhận kém đi. Khác với thi từ được đọc bằng mắt, ca từ được nghe bằng tai, các từ liên tục chảy theo dòng giai điệu. Như dòng xe đi trên xa lộ. Dừng lại là tai nạn! Bởi vậy ca từ tuy có nhiều đồng thanh đồng điệu với thi từ, nhưng như một thể loại thơ đặc biệt, ca từ cần sự đơn giản, dễ hiểu để có thể cảm nhận cùng với dòng giai điệu (“in real time”). Bởi vậy, một điều dễ hiểu trong thơ chưa chắc đã dễ hiểu trong ca từ.

    Cùng một vấn đề mà cảm nhận của mỗi người sẽ khác nhau. Suy cho cùng nếu tất cả chúng ta đều suy nghĩ theo cùng một cách thì thế giới này sẽ nhạt nhẽo không chịu nổi. Bởi vậy tôi rất vui vẻ sửa lại bản ký âm để giữ lại “trăng lơi” cho anh HG. Riêng việc hát và thu âm lại cho đúng là “lơi”, chắc phải xin khất anh một khi khác thôi.

    Trả lờiXóa
  11. 3chai : để bạn đỡ thắc mắc về chữ "LƠI" , tôi giải thích thế này : giọt trăng "lơi" khi ánh trăng xuyên qua tàng lá trong đêm hè HN (in trên hè đường hoặc sân nhà ...) . Khi có cơn gió thoảng qua , giọt trăng không đứng yên mả lay động theo tàng lá ... Tôi gọi đó là : Giọt , giọt trăng trên phố nhạt nhòa lơi . Điều này không có gì là đặc biệt cả 3chai ạ , chỉ có điều là không có từ nào thay được chữ "lơi" mà tôi đã dùng .
    Chúc bạn cùng xúc cảm thêm tinh tế hơn nữa khi trải nghiệm qua các tứ thơ tình và đậm thêm chất tình ca .

    Trả lờiXóa
  12. @ A HG: Anh Bắc Hải gửi cho em bản ký âm mới, em sẽ gửi luôn cho anh. Hôm nay DivShare lại có vấn đề không upload được. Để vài ba hôm nữa em sẽ đăng bài "Giọt Trăng" trên TT và GAN, nếu anh không phản đối.

    Trả lờiXóa
  13. @HG. Hay, hay thật! Buổi tối đó khi nghe tôi thu âm "Giọt trăng" và đọc lại bài thơ của anh, bà xã tôi cũng giải thích y trang như anh về chữ lơi: ánh trăng trên lá không yên. Nhưng bà ấy bảo rằng đa số người NGHE bình thường chắc cũng sẽ như bà ấy, sẽ bị gợn, không hiểu ngay ý của tác giả.

    Trả lờiXóa
  14. BT xuất hiện chắc có người "chạy", nhưng đọc không để lại lời thì không lịch sự ! vậy xin có vài lời, cho vui cửa vui nhà!
    Đừng quá đi sâu vào một từ, người phổ nhạc có thể thay đổi một chút, một chữ chứ không phải một từ, và người nghe chẳng hơi đâu mà để ý rằng nó là "lơi" hay "rơi", tác giả thơ vẫn yên tâm rằng chữ "lơi" đắt đỏ của mình chẳng mất đi đâu cả. Cũng như khi hát thì chẳng ai để ý đến giọt trăng, cục trăng, nắm trăng hay hạt trăng, túi trăng, hộp trăng...cả!
    'Lơi' là từ cổ, có ý nói đến sự lỏng lẻo, không chắc chắn.
    Ánh trăng xuyên qua đâu thì nó vẫn là một thực thể có thật để mắt người nhìn thấy, nó nhạt nhòa thì đúng, nhưng nó lơi lỏng, gần như tan biến chỉ là sự liên tưởng, tìm tòi hay moi móc từ ngữ của người viết thơ, và họ thường tự hào một cách thái qua về điều đó, không thể không nói rằng đó là biểu hiện của sự "ngộ" chữ, dù sao thì đó cũng là quyền riêng tư của người viết, càng tự cao thì càng khó chấp nhận sự thay đổi hay góp ý, đó chính là bản sắc của anh ta, hãy tôn trọng tác giả thơ, bởi nhà thơ là một trong những ngài "gàn" nhất mà tôi đã từng biết, chẳng anh nào thích thơ anh nào, mặc dù cách thể hiện ra bên ngoài thì ngược lại( Xin lỗi nếu có ai vì những lời này mà phiền lòng, tôi nói ở tầm vĩ mô ( oách) chứ không phả về quý vị ở "xóm" này)

    Trả lờiXóa
  15. Bảy Tàng :đã lâu không gặp , nay gặp lại thật là may ! Có làn gió mát "đùa" rừng lá khô sinh mầm lá mới ! Hy vọng thế cho "tươi" cuộc Long vân ! Dạo này "ẩn dật" về vùng quê chắc "ngắm trăng" thỏa thuê nhỉ ! trăng quê chắc đẹp hơn trăng nơi "phồn hoa cát bụi " nhiều nhỉ ? Tôi vẫn khoái "thưởng trăng quê" cùng món canh rắn nấu me thả cọng bông súng và vài thứ rau tập tàng quê mình mà không được . Hôm nào nhậu , nhớ lên mạng cho tôi thưởng thức theo với nhé !
    Chào bạn , chúc bạn khỏe & vui !

    Trả lờiXóa
  16. Những nhận xét của tôi rất nhạy cảm, vốn không định nói bởi rất dễ làm bạn phiền lòng, người như HG không quá lăn tăn về câu chữ người góp ý cũng là bậc quân tử giữa đám quần thoa vậy.
    Nói cho công bằng, bài thơ "giọt trăng" của HG thể hiện khá rõ sự lãng mạn, tính nhạy cảm của người viết, hình dung ánh trăng đọng thành giọt, không rơi ào ào mà nhỏ nhẹ, lả lơi rụng xuống trần gian qua kẽ lá nơi đô thị ồn ào thì chỉ có HG và một người nữa làm được, tuy nhiên cái "giọt" của ông ấy là cho cả một tập thơ, không thể hình dung ra sự ưỡn ẹo, lả lướt, lạnh lùng của giọt trăng như của HG được.
    Hàn Mặc tử là thi sỹ đầu tiên nhân cách hóa ánh trăng, ông cho ánh trăng như một người thiếu nữ khao khát đến nồng nàn một tình yêu nhục dục, chính là để nói về khát vọng của chính ông khi:
    "..Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu.
    Đợi gió đông về để lả lơi"....là ta bắt gặt hình tượng đi liền với câu thơ, ngữ cảnh không xa rời mà người đọc vẫn nhận ra ý tứ, cũng như câu chữ hài hòa, chấp nhận được mà không cần bàn cãi cho cái sự vô lý là ánh trăng làm sao biết nằm hớ hênh như một cô gái khát tình?
    Hậu sinh chúng ta khi "nâng cấp" hình tượng của người đi trước nên chăng phải học được cái sự logic trong cái không logic ấy!
    Nhân tiện, cám ơn anh HG đã thăm hỏi. Hương đồng, gió nội là cứu cánh của những kẻ thích lánh đời, quà quê bao giờ cũng có sẵn, chỉ e thưởng trăng, ngắm nguyệt mà ngửi thấy mùi cá lóc nướng trui, canh rắn nấu me thì phần 'thần thánh' nơi thi nhân mai một đi mất, chúc anh thi hứng, tửu hứng ngày càng hài hòa, cho vui cái hội Long Vân như anh nói, mặc dù cái hội "Rồng mây" ấy không mấy người hiểu tận cùng nó là gì. Xin cám ơn đã đọc những lời quê mùa này.

    Trả lờiXóa
  17. HG xin được cảm ơn những lời châu ngọc của 7 Tàng ! Nếu không có ai nhắc nhở , tôi cũng "tàng tàng" như tôi mà thôi . Ông cứ yên phận với "cá lóc nướng trui" thì tôi làm sao thưởng thức "canh rắn nấu me" được ! Tôi dân miền Tây mà ! Ôi , giá mà ... cứ vậy để tôi với ông "long vân" thì chắc không gì bằng .
    Vài câu không đủ tình , hẹn ngày diện kiến !

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.