Lời ngỏ


Thu rất hiếm khi làm thơ nhưng đọc, hiểu, cảm nhận được những gì tác giả muốn chia sẻ. Cách đây ít lâu được đọc thơ của anh Đỗ Trung Việt, cảm nhận được sức sống mãnh liệt của những vần thơ anh, và giờ đây được Hồng Hoa (Thu Hà/Nguyễn Hoa) chia sẻ những suy tư, những trăn trở về cuộc sống, được Lệ Hằng chia sẻ những bài thơ tình lãng mạn. Thu lập trang thơ với mong muốn nó sẽ là nơi để các bạn yêu thơ chia sẻ những sáng tác của mình hoặc những bài thơ mình yêu thích. Hy vọng những rung động, những cảm xúc của chúng ta sẽ sống mãi với thời gian.

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

Mùa hoa sấu rụng

 Nguồn ảnh: Internet

Tặng bạn một bài viết rất dễ thương của một bạn gái có cái nick cũng dễ thương như chính bài viết của mình - Lantuong. Hy vọng sau khi ngắm hàng sấu, mà giờ đây chắc không dễ tìm ở Hà nội, nghe bài hát của người bạn học cũ - nhạc sĩ Trương Quý Hải và  khi đôi mắt của bạn đã trở nên mơ màng sau khi đọc bài viết của Lantuong, bạn sẽ thấy ấm áp. Chúng mình có thể mang lại niềm vui cho nhau, phải vậy không?

35 nhận xét:

  1. Hồng Thu! Bức ảnh minh họa chắc chắn là con đường Phan Đình Phùng, quận Ba Đình, Hà Nội. Ngày xưa, mình đi học trên con đường này. Ngôi trường THPT Phan Đình Phùng bây giờ chính là trường Nguyễn Trãi ngày xưa mình học. Đây là ngôi trường xây dựng từ thời Pháp thuộc, có kiến trúc đẹp. Rất nhiều học sinh của ngôi trường này không biết về lai lịch của ngôi trường. Lí do rất nhạy cảm.
    Hồng Thu có thể cho biết mình đã học ở trường nào khi còn là học sinh phổ thông được không?

    Trả lờiXóa
  2. Phố Phan Đình Phùng trước đây là một trong những đường phố ở HN có nhiều cây cao rợp bóng, tán giao nhau ở phía trên, ngẩng đầu lên không thấy bầu trời, mưa nhỏ không ướt tóc, hoa rơi vương đầy tóc và vai áo. Đôi khi em cứ muốn trở lại cái thời xưa ấy.
    Hồi cấp 3 em học trường Đống Đa, một trong những nơi có rất nhiều Trôi ngã đã từng học đấy ạ.

    Trả lờiXóa
  3. TH có kỷ niệm với phố PĐP.Là khi con trai học lớp 11, cháu xin học thêm TA ở nhà cô giáo Hạnh,số 25 PĐP. Lúc đó HSPT ko được đi xe máy nên mẹ cháu đảm nhiệm việc đưa đón.Mỗi buổi cháu học 2 giờ, còn mẹ vì ngại "tốn xăng" nên lang thang quanh phố xem hết hàng cây này đến quán cóc nọ.Bây giờ mà thi miêu tả ở phố PĐP có những gì thì chưa chắc người trong phố đã thắng được đâu.(Lại...nổ?)

    Trả lờiXóa
  4. Mình tin cậu nhưng để người khác có niềm tin như mình chắc cần có thêm bài thơ PĐP phố (phỏng theo HNP). :)))

    Trả lờiXóa
  5. Thu Hà! Bạn có biết ngã tư Phan Đình Phùng - Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân không? Hồi xưa, mình ở ngay ngã tư này đó. Nhà thơ Tố Hữu cũng ở ngay đây. Cuối con phố Đặng Tất là hồ Trúc Bạch. Nhà thơ Việt Phương cũng ở đây. Có điều mình thấy lạ là tại sao lại có quán cóc ở con đường này? Số nhà 25 chắc chắn ở phía đối diện với trường THPT Phan Đình Phùng (vì trường THPT PĐP ở bên dãy số chẵn). Mình đống ý với HT là bạn nên có bài thơ về con đường PĐP lãng mạn này, về "con đường xưa em đi"! :D

    Trả lờiXóa
  6. Trên mạng có bài thơ về con đường Phan Đình Phùng của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát. Xin đưa về TRANG THƠ để các anh chị cùng đọc. Xin cám ơn nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát!

    Ngày nào tôi cũng qua đây
    Xin chào nhé những hàng cây xạc xào
    Ngày nào lá cũng lao xao
    Như trò chuyện như bước vào mùa vui
    Hàng cây có tự lâu rồi
    Nắng hun vẫn giữ khoảng trời mát trong
    Hai hàng cây đứng song song
    Khum khum cành vợ cành chồng chở che
    Rộng lòng gánh cả tiếng ve
    Chắt lòng trái sấu mùa hè sinh sôi
    Bát canh dầm quả sấu tươi
    Làm sao quên được những lời nước non
    Con đường đẹp lúc chiều hôm
    Cùng anh sánh bước khi còn thơ ngây
    Xe như mắc cửi suốt ngày
    Như dòng sông chảy vơi đầy tháng năm…
    Con đường đẹp nhất mùa trăng
    Đêm khuya tĩnh lặng sương giăng mặt người
    Phố dài đâu của riêng ai
    Nghìn năm lòng vẫn thương hoài phố xưa…

    10/2010
    Nguyễn Thị Hồng Ngát

    Trả lờiXóa
  7. TP : chào hàng xóm cũ !

    Nhà tôi ở góc đường Đặng Tất ,
    Quán thánh xưa ; cạnh nhà Vũ H Bình
    Phía Trúc bạch ấy là đầu phố
    Cuối phố xưa là "cây táo ông Lành" !

    Hàng xóm tôi có nhà Bảnh , Lảnh
    Rất quí nhau mà ít gặp mặt nhau
    Đời thay đổi , mỗi người một cảnh
    Vẫn gặp nhau trong chén rượu nghĩa tình .

    Vào đầu hè hoa sấu rơi trắng lối
    Nhớ thuở thơ nhặt sấu chín mưa thu
    PĐP vẫn cây xanh thuở ấy
    Mà giờ sao hiu quạnh tựa tình sầu .

    Vài lời tâm sự không hết nỗi lòng , TP luôn vui nhé !

    Trả lờiXóa
  8. Nói đến phố Đặng Tất em nhớ cô giáo dạy Sử tên là Yên. Cô có 3 người con: chị Tú, Lan Hương, và Hưng. Hương học cùng em. Cô dạy hay nhưng rất nghiêm. Hồi đó, có một hôm khi kiểm tra đầu giờ, có một bạn gái chưa thuộc bài, cô nhỏ nhẹ bảo: "Anh Đây-A-Nốp đẹp trai nhỉ." Bạn ấy mặt đỏ bừng. Chả là hồi ấy lũ con gái bọn em mải mê với bộ phim "Trên từng cây số" của Bungari.

    Trả lờiXóa
  9. HT : ngày ấy anh không ở nhà (đang mải bên K) . Ngày về , các em đã "sang ngang" hết , biết tìm ai , tìm ai bây giờ ! Nói vậy cho vui lòng mình thôi , ngày xưa ấy đã trôi qua lâu rồi , lâu quá rồi !
    Chút kỷ niệm chỉ để thành thơ với đời . Không biết bao nhiêu hoa sấu nổ lép bép dưới gót giày chinh chiến của anh trên hè phố PĐP ? Không biết bao nhiêu cánh phượng rơi trên áo lính anh trên đường Cổ Ngư ! Không biết bao nhiêu con gió đẩy cánh buồm anh trên mặt nước Hồ Tây ngày xưa ấy ! ... Ngày xưa ơi !

    Đôi dòng không nói hết một đời . Làm thơ thôi !

    Trả lờiXóa
  10. Chào anh Hoàng Giang! Rất vui khi được biết anh là hàng xóm của TP khi còn ở HN. Vậy là nhà anh rất gần nhà của anh Trần Bảnh và Trần Lãnh. Trần Lãnh hiện đang ở quận Tân Bình, TP.HCM, rất gần nhà TP. Qua Trần Lãnh, biết anh Bảnh đã mất. Anh Vũ Hoà Bình học ở Học viện Quân Y, trên TP 1 khoá. Ngày xưa, TP cùng các bạn ở phố Đặng Tất, thường xuyên đi ngang qua nhà anh để ra sân vận động Quan Thánh chơi bóng đá (ngày nay, phố này gọi là Quán Thánh). Đoạn phố Đạng Tất đi ra hồ Trúc Bạch ngày xưa chưa tráng nhựa. Ở đây có khu tập thể của phủ Thủ tướng. Nhà thơ Việt Phương ở đây. Ngày đó, anh Thực - con của nhà thơ Việt Phương - nhỏ hơn bọn mình. Ngày nay, anh vẫn thường gặp các bạn Trỗi (thường gặp Kiến Quốc). Anh còn nhớ tiếng xe điện chạy trên đường Quan Thánh không? Con đường xe điện từ Bưởi ra Bờ Hồ đấy. Ngày nay, nghe nói không còn đường xe điện nữa. Anh Hoàng Giang! TP ở nhà số 11 phố Đặng Tất đấy. Ngôi nhà có hai cây sấu trước sân, nhìn xéo qua là ngôi biệt thự của "Ông lành".
    Ước mong có ngày được trở lại nơi đây. Có thể lúc đó đã đổi thay nhiều như nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã viết:
    Em xa lạ quá đâu còn nữa
    Tố của hoàng xưa, Tố của ai.
    Chúc anh nhiều sức khoẻ, nhiều niềm vui!

    Trả lờiXóa
  11. Em còn nhớ phố Đặng Tất là con phố nhỏ, chỉ có một đoạn ngắn thôi. Chị Tú và Lan Hương đều có mái tóc dài, dầy, đen nhánh, tết đuôi sam, da ngăm ngăm, cặp mắt to, đen, tròn, trông hơi giống con gái Ấn độ.
    Đường tàu điện gỡ lâu lắm rồi. Anh Trần Phong chắc vào SG lâu rồi. Ngày xưa em thỉnh thoảng được ngồi xe điện leng keng chạy trên phố Quan Thánh từ đầu vườn hoa Hàng Đậu đến Hồ Tây. Thật thú vị.

    Trả lờiXóa
  12. HT! Phố Đặng Tất chưa đầy 1km (tính từ đường PĐP đến hồ Trúc Bạch). Từ đường Quan Thánh ra hồ Trúc Bạch là cơ quan và khu tập thể. Những người HT miêu tả có phải ở số 6 phố Đặng Tất hay không?

    Trả lờiXóa
  13. Ngày mới vào SG, con trai TH làm việc ở Đường Cộng hoà, quận Tân bình. Giờ cháu chuyển về phố Đông du Q1.Nếu có dịp vào SG, TH ước sẽ được đến quán ăn của NT Đỗ T. Quân, TG bài thơ nổi tiếng đã phổ nhạc "Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng" và "Quê hương là chùm khế ngọt"

    Trả lờiXóa
  14. Thu Hà! Anh em Trỗi ở xung quanh đường Cộng Hoà, quận Tân Bình, TP.HCM rất nhiều, hình như cả anh Tuấn Linh nữa. Hồi còn ở HN, anh Tuấn Linh ở khu tập thể 1A Hoàng Văn Thụ, gần nhà TP. Vậy mà bây giờ mới biết (cũng như anh Hoàng Giang). Khi nào có dịp vào Sài Gòn, chắc chắn bạn sẽ được cụng li cùng với HNN tại nhà hàng của nhà thơ Đỗ Trung Quân đấy! :D

    Trả lờiXóa
  15. Anh Hoàng Giang! Anh có rất nhiều kỉ niệm với con đường Cổ Ngư (đường Thanh Niên ngày nay). Anh có nhớ bài thơ "Trăng sáng Cổ Ngư" của "Ông Lành" không?
    Đêm qua trăng sáng Cổ Ngư
    Trăng đầy mặt nước, trăng như mặt người
    Trăng tươi mặt ngọc trên trời
    Ngẩn ngơ trăng ngó mặt người như trăng
    (1959)
    Anh Hoàng Giang còn nhớ những chiếc thuyền Perissoie (thuyền 2 người kiểu Pháp) không? Loại thuyền này ngày nay còn không? Nó đẹp và lãng mạn hơn xe đạp vịt trên Hồ Tây nhiều!
    Anh Hoàng Giang! Nếu có dịp trở lại Phố Đặng Tất, anh Hoàng Giang chụp vài tấm ảnh về con phố này nhé (nhớ chuọ nhà số 11 phố Đặng Tất). Cám ơn anh!

    Trả lờiXóa
  16. @ A TP: Hình như là số 6 thì phải. Lâu quá rồi em ko nhớ chính xác. Để lúc nào em tìm ảnh từ bộ ảnh lớp phổ thông xem có ảnh Lan Hương không.
    TH hay vào SG chắc sẽ có dịp hội ngộ với các anh chị TT trong đó. :)

    Trả lờiXóa
  17. TP : Tôi vốn là "sói già biển cả" từ lúc vào đời , vẫn hay cho các em gái thưởng thức cảm giác mạnh trên sóng nước HỒ TÂY bằng thuyền ... (như TP viết) . Rất tiêc là chưa có EM nào dám "ĐI" thuyền buồm với tôi trên sóng Tây Hồ thôi ! Cho nên tôi lúc nào cũng là "cánh buồm cô độc" trên biển đời mênh mang này .

    Trả lờiXóa
  18. TP : những kỷ niệm của TP đẹp quá ! TP làm thơ đi cho mọi người được thưởng thức vẻ đẹp văn chương trên nền hồn thơ ấy ! Hà nội ngày xưa trong lòng AE mình vẫn đẹp như mơ mà !

    Trả lờiXóa
  19. Anh Hoàng Giang! Chắc ông trời không cho TP làm thi sĩ! TP làm được bài nào thì lại xé bỏ đi bài đó. Thôi, đành bằng lòng vậy!
    Anh Hoàng Giang! Hôm trước TP có nói thuyền Perissoire (pơ - rít - xoa) là thuyền có hai mái chèo, hai chỗ ngồi. Loại thuyền này ngày xưa ở nhà thuyền Hồ Tây có nhiều, được các bạn thanh niên rất thích.
    Xem lại bản đồ phố Đặng Tất ngày nay, đoạn từ phố Quang Thánh ra hồ Trúc Bạch đã bị bít lại. Quang cảnh thay đồi nhiều quá!

    Trả lờiXóa
  20. @ A TP: Có phải anh nói đến loại thuyền này không?

    Trả lờiXóa
  21. Hồng Thu! Đúng là hình ảnh của chiếc thuyền Perissoire đấy! Một dạo, (1963) ở Hồ Gươm có kinh doanh loại thuyền này. Mọi người rất thích song vì hồ không đủ rộng nên loại hình này phải chuyển trở lại Hồ Tây.

    Trả lờiXóa
  22. TP : "cái chỗ bị bít lại" ấy , ngày xưa là nhà tôi đấy ! Phía ngoài là khu kỹ thuật của trận địa cao xạ 8 mái (TP còn nhớ "lầu 8 mái Trúc bạch " không nhỉ ?) . Bây giờ còn đâu , chỉ còn trong nỗi nhớ của những người "ngày xưa" như tôi mà thôi . Ngày xưa , khi đọc câu thơ của cụ Hoàng Văn Thụ , tôi ra tận lầu 8 mái đổ nát nhặt từng viên ngói vỡ , miệng lẩm bẩm câu : Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành ... mà thương cho từng mảnh ngói nát ... !
    TP , có lúc nào tưởng nhớ HN xưa hãy nhớ về lầu 8 mái từng gắn bó một quãng đời ấu thơ của AE mình ! Không biết trong những trang giấy TP đã xé đi , có câu chữ nào viết về 8 mái Trúc bạch không !
    Vài dòng tâm tư không buồn , không vui , không tủi , không hờn ... chỉ gửi bạn ý thơ của những ngày xưa thân thương ấy !

    Trả lờiXóa
  23. Anh Hoàng Giang! Tôi còn nhớ như in ngôi nhà 8 mái. Đây là một kiến trúc đẹp. Ngày xưa, tôi cùng Trần Lãnh, Võ Dũng và các bạn ở khu phố hay ra đây tắm. Nước Hồ Trúc Bạch ngày đó còn sạch (trong, không có mùi). TP tìm trên mạng không có thông tin gì về ngôi nhà 8 mái cả. Tại sao?
    Anh Hoàng Giang còn nhớ thuốc lá thơm Thăng Long, Điện Biên và Thủ đô không? Anh còn nhớ bia Trúc Bạch & bia Hữu Nghị không? Có nhớ trà Hồng Đào, trà Thái Nguyên và trà Đại Đồng không? Anh còn nhớ kẹo Hải Châu chứ? Ngày xưa, TP có những thứ này là vì con cháu của "vua, quan, nịnh thần" và bị nhân dân Thủ đô căm ghét! :D

    Trả lờiXóa
  24. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  25. Còn TH thì nhớ ngày đi làm PD,ngồi nhờ xe ôtô của CGLX, bọn nó bóc gói kẹo Hải châu, mua phân phối ở cửa hàng Hữu nghị, chia cho mỗi người một cái. TH bỏ túi mang về cho con trai, còn một bạn PD nữa thì tìm một chỗ kín đáo và để vào đó. Cơ bản là TH và bạn không muốn nhận cái thứ bố thí như thế, nên đều nói là mình ko thích ăn ngọt. Đến lúc đi LX thì đứa nào cũng mua cả cân kẹo các loại, ăn cho "bõ ghét"

    Trả lờiXóa
  26. Anh Hoàng Giang! Nhớ lại những kỉ niệm xưa, chúng ta không quên những giá trị tinh thần của một thời mà chúng ta được hấp thụ. Anh còn nhớ hình tượng Lôi Phong (Made in China) không? Ngày xưa, trong cuốn "Thánh kinh" của TP ngoài những câu chép từ "Thép đã tôi thế đấy" thì có câu thơ nổi tiếng của Lôi Phong:
    Với đồng chí - ấm áp như mùa xuân
    Với việc chung - cháy nồng như nắng hạ
    Với chủ nghĩa cá nhân - gió mùa thu quét lá
    Với kẻ thù - như băng giá như đêm đông.
    Không biết 4 câu thơ trên có phải của Lôi Phong không? Thú thật, không riêng gì TP mà nhiều người bị hấp dẫn lắm! Gần nửa thế kỉ đọc lại, anh có cảm nghĩ gì?
    Xin mọi người rộng lượng đừng nghĩ rằng TP "bắn vào quá khứ"! :D

    Trả lờiXóa
  27. TP : câu bạn viết lại ấy tôi cũng đã đọc qua từ thuở bé nhưng tôi không mấy để ý đến nó . Cái mà tôi học trước đấy là :

    Hoa khai điệp mãn chi
    Hoa hàm điệp hoàn hy
    Duy hữu đường tiền yến
    Chủ nhân bần diệc quy .

    Tôi học Đường thi chứ không học tầu , tôi học cái tinh hoa của phương Đông mình chứ không "dị tín" theo kiểu "ngu trung" như một thời AE mình bị "ngu dân" đau khổ ấy ! Nói vậy , tôi lại nhớ thằng bạn nhà thơ TV của tôi quá !...
    Vài dòng tâm sự , mong TP hiểu nhiều !

    Trả lờiXóa
  28. Anh Hoàng Giang! Mình ôn lại kỉ niệm ngày xưa cũng đã nhiều. Chúng ta nên tạm dừng ở đây. Hi vọng chúng ta sẽ trở lại chủ đề này vào một dịp nào đó. TP xin mượn 4 câu thơ của nhà thơ Việt Phương trong bài thơ "Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi" để giãi bày tâm sự của mình:
    Năm xưa ta vô tình tô đẹp cuộc đời để mà tin
    Nay ta càng thêm tin mà không cần tô gì nữa
    Quen thuộc rồi mọi bất ngờ kỳ lạ
    Ta đã trả giá đau và ta đã học nhìn.
    Chúc anh có nhiều sức khỏe!

    Trả lờiXóa
  29. Chào Nặc danh lúc 06:23 ngày 08/05/2012! Ý của TP là nội dung 4 câu thơ của nhà thơ Việt Phương được dẫn ra. Đó là những ý nghĩ tích cực. Đó là ý nghĩ của những con người lạc quan, yêu cuộc sống.
    Ta đau lắm những nỗi đau sinh nở
    Cuộc đời thân như hơi thở ta ơi
    Ta vui lắm những niềm vui cởi mở
    Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi
    (Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi - Việt Phương).

    Trả lờiXóa
  30. TP: Đã tự trả lời cho mình rồi!Hãy thai nghén cho ra những "đứa con" tinh thần. Là "thi sĩ" hẳn đã có những bài thơ hay...?Cứ phải là "thi sĩ" mới làm thơ chăng ...?Chờ đón những vần thơ của bạn .Tự tin lên!TT thêm sôi động...!

    Trả lờiXóa
  31. @ Các anh: Thơ thi sĩ vườn có cái hay riêng. Có phải lúc nào cũng thở ra thơ được đâu, và có phải với ai cũng muốn chia sẻ đâu. Vì vậy em trân trọng tất cả những vần thơ các anh treo ở đây.

    Trả lờiXóa
  32. Em ơi, Hà nội nắng
    Ta còn em, đường Cổ ngư
    Ta còn em, đường Trần phú
    Những con đường rợp bóng cây xanh...

    Chiều lang thang trong tiếng nhạc yên bình.
    Ta bỗng nhớ, một thời xưa xa lắm.
    Hoa sấu rụng những con đường rất vắng.
    Tay trong tay, ta bước lặng bên nhau.

    Em ơi, Hà nội còn đâu
    Những kỷ niệm của tình đầu trong trắng.
    Chùm phượng đỏ ngày xưa anh trao tặng
    Giờ như máu chảy trên hè.

    Hà nội bây giờ vắng hẳn tiếng ve
    Người vội vã, ồn ào, tham lam, khốc liệt.
    Giữa phố đông người em giả điếc.
    Trước tiếng rao: Dép nhựa đứt bán đeeeeeeeeeeee!
    (Trăm lần xin tạ lỗi cùng NT Phan Vũ. Đây là tại bạn em xui dại ạ!)

    Trả lờiXóa
  33. Tặng các bạn thơ :

    Có bao giờ bạn ngắm ánh trăng
    Qua tàng lá đêm hè Hà nội
    Có bao giờ tự thấy lòng bổi hổi
    Giọt , giọt trăng trên phố nhạt nhòa lơi .

    Có bao giờ bạn nghe tiếng trăng rơi
    Trong tí tách giọt cà phê phố cũ
    Như nhắc nhở về một miền trăng ngủ
    Đậm đà đêm và loang loáng sao .

    Để bây giờ tôi nghe trong đêm cao
    Từng tiếng hát trăng xạc xào trong gió
    Vẫn dịu êm và vẫn như để ngỏ
    Giọt trăng lòng bỡ ngỡ nhẹ buông .

    Trả lờiXóa
  34. @ A HG: Em nghĩ là chỉ khi nào ở trạng thái "định" mới nghe thấy tiếng trăng rơi thôi ạ. :)

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.