Lời ngỏ


Thu rất hiếm khi làm thơ nhưng đọc, hiểu, cảm nhận được những gì tác giả muốn chia sẻ. Cách đây ít lâu được đọc thơ của anh Đỗ Trung Việt, cảm nhận được sức sống mãnh liệt của những vần thơ anh, và giờ đây được Hồng Hoa (Thu Hà/Nguyễn Hoa) chia sẻ những suy tư, những trăn trở về cuộc sống, được Lệ Hằng chia sẻ những bài thơ tình lãng mạn. Thu lập trang thơ với mong muốn nó sẽ là nơi để các bạn yêu thơ chia sẻ những sáng tác của mình hoặc những bài thơ mình yêu thích. Hy vọng những rung động, những cảm xúc của chúng ta sẽ sống mãi với thời gian.

Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2015

Đầu Xuân- đọc thơ thi hào Nguyễn Du

Nhân vào dịp Xuân mới, đưa bài này lên để chúng ta xem lại cho vui




 Đối tửu - 對酒
Nguyên văn chữ Hán

趺坐閒窗醉眼開,
落花無數下蒼苔。
生前不盡樽中酒,
死後誰澆墓上杯。
春色霑遷黃鳥去,
年光暗逐白頭來。
百期但得終朝醉,
世事浮雲真可哀。
Phiên âm Hán Việt

Phu tọa nhàn song túy nhãn khai,
Lạc hoa vô số há thương đài.
Sinh tiền bất tận tôn trung tửu,
Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi?
Xuân sắc niệm thiên hoàng điểu khứ,
Niên quang ám trục bạch đầu lai.
Bách kỳ đãn đắc chung triêu túy,
Thế sự phù vân chân khả ai.

Dịch nghĩa
Ngồi xếp bằng tròn trước cửa sổ, rượu vào hơi say mắt lim dim,
Vô số cánh hoa rơi trên thảm rêu xanh.
Lúc sống không uống cạn chén rượu,
Chết rồi, ai rưới trên mồ cho?
Sắc xuân thay đổi dần, chim hoàng oanh bay đi,
Năm tháng ngầm thôi thúc đầu bạc.
Cuộc đời trăm năm, chỉ mong say suốt ngày.
Thế sự như đám mây nổi, thật đáng buồn.
Bài thơ trên đây của Nguyễn Du tôi đã đọc và biết đến từ rất lâu rồi. Khi đầu xanh tuổi trẻ, ý nghĩa của bài thơ không cảm được bao nhiêu. Khi tuổi tác đã chồng chất lên đời người, khi đã trải qua quá nhiều thăng trầm của thời cuộc và biết được lẽ sắc không của kiếp nhân sinh, đọc lại bài thơ của thi hào chợt thấy một niềm đồng cảm sâu sắc. Lại càng cảm phục cho tài năng và cách đọc nhân tình thế thái của cụ Nguyễn.
 Bài thơ được nhiều tác giả dịch thơ tiếng Việt, mỗi người một phong cách, một cách hiểu thơ khác nhau nhưng để theo sát nghĩa bài thơ thực sự không phải chuyện dễ. Đầu Xuân, nhân men rượu chưa tàn, xin đăng tải bài thơ từ nguyên văn chữ Hán, bản phiên âm, dịch nghĩa và mời anh chị em TT dịch lại cho vui, chỉ để cho vui nên không cần theo đúng luật lệ làm gì, cũng có thể chuyển thể sang kiểu thơ khác, xin ví dụ một đoạn dịch  lục bát : ( trích)

“Bên song bừng mắt rượu say,
Mang mang hoa rụng đã dày rêu xanh.
Giữa đời quên rượu trong bình,
Dưới mồ ai kẻ nhớ mình nâng ly.
Xuân qua hoàng điểu bay đi,
Tháng năm đưa đẩy đến thì tóc phai...”
hoặc:
Ngồi yên thả mắt thoáng chìm say
Nhìn dáng hoa bay cánh thả đầy
Sống mãi đời theo men đắng ấy
Chết rồi thân gửi mộ nơi đây
Xuân tan chim đã bay rời tổ
Ngày hết đêm qua tóc nhuốm mây
Mãn kiếp vui vầy cùng với rượu
Thế nhân thay đổi mặc tình ai.
(ĐH)
(Bài có tham khảo tư liệu từ internet)
Xin Mời!!!

Bản dịch Thơ của QV-KG

Bên song chuếnh choáng, mắt lim dim,
Thảm rêu xanh, đầy hoa rụng êm.
Khi sống, nâng ly mà chẳng cạn,
Xuống mồ, đâu có bạn tiếp men? 
Sắc Xuân dần đổi, Hoàng Oanh khuất,
Theo tháng năm, tóc chẳng còn đen.
Cả đời chỉ muốn say cùng rượu 
Thế sự vần xoay, gạt sang bên.


Bản dịch 2 của QV-KG:
Bên cửa sổ, lim dim, chuếnh choáng,
Thảm rêu xanh đầy cánh hoa rơi.
Nếu chẳng cạn ly khi còn sống,
Xuống mồ đâu có bạn đầy vơi?
Sắc Xuân biến, chim vàng bay mất,
Thời gian trôi, tóc đã bạc rồi.
Cuộc đời trăm năm, chỉ thích rượu,
Thế sự - mây trời, mặc nó trôi.


Bản dịch thơ của TQtrung:
(1)
Tựa cửa, tay nâng chén rượu say
Vườn xưa hoa rụng cánh rơi đầy.
Đời vui với rượu không hưởng hết
Xuống mồ ai rưới giọt men cay?

Sắc Xuân ngưng thắm, chim đã bay
tháng ngày mê mải, bạc tóc mây
Trăm năm tuổi hạc chưa thỏa chí
Nhìn áng mây trôi, lại muốn say!

(2)
Bên thềm say tít chén rượu suông
Thảm rêu hoa rụng, luống vấn vương
Đời vui Thi, Tửu không uống cạn.
Chết rồi ai rưới chén Quỳnh tương?

Xuân đà thay sắc, chim vàng bay
Ngó lên đầu bạc thấy đắng cay!
Trăm năm đành đoạn trôi trong rượu.
Buồn trông thế sự tựa gió mây.

Bản dịch thơ của Thu Hà
Ngồi buồn bên chén rượu cay
Ngắm hoa rơi, nhớ những ngày yến-oanh.
Sống thì chén chú, chén anh
Chết rồi chỉ có cỏ xanh trên mồ.

Xuân qua, thu tới, buồn so
Tóc xanh nay đã sắc tro nhuốm màu.
Trăm năm bạn cũ nay đâu
Sự đời trôi nổi, nỗi sầu vương mang.

Bản dịch của Bạn Chưa biết tên

Lim dim bên cửa ngà say,
Cánh hoa Xuân đã rụng đầy thảm rêu.
Sống mà chẳng uống với nhau,
Chết rồi ai rót rượu đào cho đâu?
Chim bay, Xuân đã thay màu,
Tóc theo năm tháng nhuốm màu thời gian.
Cả đời chuếnh choáng hơi men,
Ngẫm suy thế sự đảo điên, buồn lòng.

Bản dịch của Hoàng Giang

Đối diện (với) be rượu

Ngồi chơi trông cửa ( mắt ngó ) đăm đăm ( xa xăm )
Thấy làn hoa rụng trước thềm mà kinh :
- " Sống không cạn cốc , dốc bình
Mai sau ai tưới mộ mình rượu đây ! " *
Tuổi xuân phai , mộng vàng bay
Tóc xanh xưa đã đến ngày pha sương
Một đời ôm ( say ) đạo luân thường
Nổi trôi trọn kiếp ngẫm buồn ( mà thương ) thế nhân ( phận mình ) .

40 nhận xét:

  1. Chắc KG chưa cảm nhận được hết cái hay, cái sâu sắc của bài thơ, nhưng cứ mạo muội men theo phần dịch nghĩa trên đây mà đưa ra một phương án ghép vần. Mong được các anh, chị chỉ giáo:

    Bên song chuếnh choáng, mắt lim dim,
    Thảm rêu xanh, đầy hoa rụng êm.
    Khi sống, nâng ly mà chẳng cạn,
    Xuống mồ, đâu có bạn tiếp men?
    Sắc Xuân đần đổi, Hoàng Oanh khuất,
    Theo tháng năm, tóc chẳng còn đen.
    Cả đời chỉ muốn say cùng rượu
    Thế sự vần xoay, gạt sang bên.

    Trả lờiXóa
  2. Góp luôn cùng KG
    (1)
    Tựa cửa, tay nâng chén rượu say
    Ngoài hiên hoa rụng cánh rơi đầy.
    Đời vui với rượu không hưởng hết
    Xuống mồ ai rưới giọt men cay?

    Sắc Xuân ngưng thắm, chim đã bay
    tháng năm mê mải, bạc tóc mây
    Trăm năm tuổi hạc chưa thỏa chí
    Nhìn áng mây trôi, chỉ muốn say!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. PA2:
      Bên cửa sổ, lim dim, chuếnh choáng,
      Thảm rêu xanh đầy cánh hoa rơi.
      Nếu chẳng cạn ly khi còn sống,
      Xuống mồ đâu có bạn đầy vơi?
      Sắc Xuân biến, chim vàng bay mất,
      Thời gian trôi, tóc đã bạc rồi.
      Cuộc đời trăm năm, chỉ thích rượu,
      Thế sự - mây trời, mặc nó trôi.

      Xóa
    2. Hai bản dịch của QV khá hợp lý, tuy nhiên đúng là mỗi bài thơ tùy theo tâm ý của tác giả mà tạo ra những cách dịch phong phú khác nhau, đọc thơ có thể thấy được quan điểm của người viết là vì vậy :))
      Ở đây, xin phép anh QV và các bạn bàn về câu kết trong bài thơ của ND, có thể nói tất cả tâm tư tình cảm của thi hào gói gọn vào câu cuối cùng này : " Thế sự phù vân, chân khả ai!" -> 'Thế sự như đám mây nổi, thật đáng buồn' Không phải tự nhiên mà ND thốt lên câu này, muốn biết rõ hơn ta cần quay trở lại thời kỳ lịch sử nhiễu nhương mà thi hào sống, cũng như chí khí, tài năng và hoài bão của ND mới hiểu hết suy tư của ông. Trong câu lộ rõ nhận định thời thế thịnh suy như đám mây bay trên trời, đó là thời kỳ cuối Lê đầu Nguyễn, thời kỳ mà trong gia đình ND có nhiều biến động (cha mẹ mất sớm, anh trai bị tù đày, bản thân ông cũng phiêu bạt). Trong cảnh nhàn cư bất đắc chí đó, có thể do chán chường mà ND viết bài ĐỐI TỬU này. Chúng ta lưu ý rằng ông chỉ cho rằng 'thế sự thật đáng buồn' vào thời kỳ đó thôi, ông không hề thấy 'chán'mà bỏ qua thế sự, bởi sau khi Nguyễn Huệ mất nước, nhà Nguyễn Ánh lên thì ông lập tức nhảy ra làm quan đến ngang Tể tướng- khá to đấy! lúc đó ông lại không thấy 'thế sự phù vân thật đáng buồn nữa!!!và có thể là ông không "mặc kệ" mà tấn công vào những lĩnh vực khác như "chuyện Kiều" và cả thơ Nôm tán gái nữa, "Thác lời trai phường nón" là một ví dụ, hehe.
      Ngoại cảnh tác động khá nhiều vào thơ của từng tác giả, nó tạo nên sự đa dạng, xin lót gạch ngồi chờ các tác phẩm hay mới của các bạn :))

      Xóa

    3. TQT này ! Biết nhiều không có nghĩa là biết đủ , Tôi cũng vậy ! QT dùng chữ ND để gọi tên Đại thi hào Nguyễn Du làm tôi đọc lại ngỡ là " Nặc Danh " hoặc " Nặc Ông ... " ... Hoàng đế Quang Trung ( Nguyễn Huệ ) không mất nước mà khi ông mất thì Giang sơn cẩm tú này mới về tay họ Nguyễn ( Nguyến Ánh - Vua Gia Long - Thế tổ hoàng đế ) . Mà còn chuyện TQT gọi là " chuyện Kiều " thì quả là không đúng nghĩa của chữ nôm ta ; theo tôi hiểu thì phải viết là " Truyện Kiều " . Ngoài ra , thằng đàn ông nào mà chẳng tán gái , chỉ khác nhau ở chỗ " tài đến đâu thì tán đến đấy " thôi ! Tôi không dám " lót gạch " như TQT mà chỉ " lót lá chuối khô " thôi ! Mà này , thu trước , ông có nhỡ " lót lá " cho em nào nằm không đấy , mà bây giờ phải " lót gạch " ngồi cho khỏi lung liêng ?

      Xóa
    4. Rất cám ơn anh HG có nhã ý 'bổ khuyết' Lời HG nói ra rất gần với 'chân lý' "biết nhiều không có nghĩa là biết đủ" ai cung biết nhưng chỉ HG mới nói ra được, rất gần với câu nói của Lê văn Nin:'Học, học nữa, học mãi"!!!
      Thỉnh thoảng mỏi tay cũng cần viết tắt, ND - người thông minh như anh HG, trong ngữ cảnh câu nói mà hiểu được đó là chỉ Nguyễn Du là đủ, sá gì bọn quần chúng ít chữ, hehe!
      Chữ Hán ngày xưa được viết chữ Quốc là nước gồm có bộ khẩu- hình chữ nhật, biểu tượng cái thành, ở giữa là chữ Vương- biểu tượng của vua. Vua ở trong thành tào thành nước, vua mất thì nước mất, ở đây nên hiểu là nước của ông vua ấy mất vào tay người khác, Giang sơn cẩm tú này của anh HG không phải là chiếc bánh chưng mà nuốt đi được, cái bánh chưng Tết nhà anh HG rán giòn rồi ăn đi mất thì không có nghĩa là các bánh chưng khác cũng mất theo, nhà tôi vẫn còn nha! ra giêng cúng tiếp, hehe!
      Hồi gần tết, tôi có một câu đối toàn T định treo lên mời mọi người đối, nhưng thấy hơi nhạy cảm nên thôi, bây giờ chọt nghĩ ra câu toàn B. mời mọi người đối chơi"
      Bác Ba bới bèo, bọ bay bồm bộp, bác bị bọ bám bác bèn bơi bì bõm, bác bức bối bi bô: bọ, bọ!

      Xóa
    5. Mắt kém có vài chữ thiếu dấu, xin bổ khuyết:
      1:'ai cũng biết'
      2:'tạo thành nước'
      3:'bây giờ chợt nghĩ ra'

      Xóa
    6. "Xuất đối dị, đối đối nan". Khó quá, a QT ạ. KG liều đối thử:
      Chú Chín chơi chữ, chó chạy chồm chồm, chú cho chó chén, chó chịu chơi chuếnh choáng , chú chúm chím chỉ chỏ: chó, chó!

      Xóa
    7. Tuyệt. Đúng là một câu đối chỉnh cả vần, điệu và ý! hehehe!
      'Bác Ba bới bèo' được đối bằng 'Chú Chín chơi chữ' rất chuẩn, 'chó chạy chồm chồm' đối với'bọ bay bồm bộp'cũng hay nhưng chưa chuẩn lắm, theo ý tôi thay bằng "chó chạy 'chập chững' hoặc 'chập cheng' hoặc 'chầm chậm'hay hơn, hehe!
      'bác bị bọ bám bác bèn bơi bì bõm'đối là 'chú cho chó chén chó chịu chơi chuếnh choáng' cũng hay nhưng chưa đúng nhân vật, theo tôi sửa phần sau thành 'chú cho chó chén, chú cũng chơi chuếnh choáng'
      hehehe! hay thật hay thật!

      Xin đối lại một câu vần T cho phải đạo:
      Thím Thu thử thơ, thấy thật thanh thản, thím theo thầy Thiền tập tành tấn tới thế! thím thường thích tấm tắc: Tuyệt, tuyệt! :))
      Thím Thu đừng buồn nha! cho vui thôi mà!!!

      Xóa
    8. Chẳng giận! Chẳng giận! Không buồn! Không buồn! :)

      "Thầy Trung thông thơ, tinh tường tin tức. Theo thầy Thành thầy tải tin trên trang Trỗi! Thầy thường tán thưởng: Trỗi ta tuyệt!"

      Mạn phép các thầy. Xin đừng giận. :)

      Xóa
    9. Hehehe! khá lắm, tải được ý nhưng vài chữ đối chưa chuẩn, câu đầu lặp lại chữ 'thơ', câu hai tốt, câu ba chưa được vì không đối, 'thím theo thầy Thiền tập tành tấn tới thế'mà đối' theo thầy Thành thầy tải tin trên trang Trỗi'lập lại hai chữ 'thầy', Trỗi lại là tên riêng, câu tiếp thừa một chữ vế hai, thiếu một chữ vế một. Về kỹ thuật với một người không chuyên như thế là được, hiệu ứng gây cười tốt, mà đó mới là mục đích chính của câu ra đối, lại phải cười lần nữa giống như khi xem ảnh của anh Tk "Xuân mím môi cười" hehehe!

      Xóa
    10. KG góp lời, xuất đối:

      Tiểu thư Thu tạo trang thơ, tài tử Trung thích thú, thêm thơ, tình thơ thêm thắm thiết.

      Mời ACE đối cho vui.

      Xóa
    11. Thiếu tướng Tèo thích thể thao, thuyền trưởng Tếu thường theo,tập tành, tranh tài thì toàn thua.

      Xóa
  3. Xin thử nối nốt 2 câu cuối của bài dịch theo thể lục bát trên đây:

    Cả đời chỉ muốn uống say,
    Ngắm mây trôi nổi, buồn thay - sự đời.

    Trả lờiXóa
  4. Bên thềm say tít chén rượu suông
    Thảm rêu hoa rụng, luống vấn vương
    Đời vui Thi, Tửu không uống cạn.
    Chết rồi ai rưới chén Quỳnh tương?

    Xuân đà thay sắc,chim vàng bay
    Ngó lên đầu bạc thấy đắng cay
    Trăm năm đành đoạn trôi trong rượu
    Buồn trông thế sự tựa gió mây.



    Trả lờiXóa

  5. Ngồi buồn bên chén rượu cay

    Ngắm hoa rơi, nhớ những ngày yến-oanh.

    Sống thì chén chú, chén anh

    Chết rồi chỉ có cỏ xanh trên mồ.

    Xuân qua, thu tới, buồn so

    Tóc xanh nay đã sắc tro nhuốm màu.

    Trăm năm bạn cũ nay đâu

    Sự đời trôi nổi, nỗi sầu vương mang.



    ( TH viết lại theo ý thơ của TG và phần dịch nghĩa TV )

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thơ cổ, lại là thơ đàn ông, gói rất nhiều tâm trang của cánh mày râu trong từng câu thơ, lại do một thi hào viết thì ngay các vị đực rựa cũng rất nhọc nhằn để hiểu đươc ý thơ cụ Nguyễn.
      Ấy vậy mà trong bản dịch thơ của mình, TH đã góp thêm một cách nhìn, một cách hiểu mới trong chuyện làm thơ uống rượu này, cánh đàn ông có lợi thế vì cũng đã từng lăm le uống rượu mần thơ bắt chước tiền nhân, phần nào cảm thấy được cái say, cái tình chứ phu nữ đành phải tưởng tượng thôi, cho nên quý ở cái cố gắng thấu hiểu, cố gắng diễn đạt của TH.
      Ở đây, qua cách diễn giải thơ của TH ta bắt gặp một cách nhìn rất phụ nữ, ít ra là ngồi uống rượu phải biết ngắm hoa rơi- hoa gì cũng ngắm, chắc thế hehe! nhưng ý hai của câu đầu này mới đáng nói, thêm vào cái nhớ Yến Oanh nữa thì các bác đàn ông khóc thét, chỉ có chị em mới tình đến vậy, có ai nghĩ ra được trong bối cảnh rượu ấy lại có tình không? Câu thơ thêm phong phú là ở cái chất nữ tính ấy.
      Bài thơ của TH không có cái cách nhìn thế sự khoáng đạt của kẻ sỹ như cụ Nguyễn, mà thay vào đó là cách nhìn gần hơn về tình bạn bè, điều đó làm bài thơ mềm hơn, gần gũi đời thường hơn, và biết đâu bài thơ cũng một phần nói lên được tâm tư tình cảm của người viết, nó như một cách giải tỏa tâm lý vậy.

      Xóa
    2. Đọc bản dịch của bạn mình đã sướng, đọc phần phân tích của bác QT lại sướng tiếp. Hãnh diện về bạn mình quá đi mất. :))

      Xóa
    3. (xin họa theoTHU HÀ nhé! Cảm ơn anh QUANG TRUNG ra đề! )

      Chí trai...uống rượu, biếtsay...
      Một tay tuốt giáo,một tay dương cờ
      Cuộc đời biết viết nên thơ
      Biết ngắm Quỳnh nở...Biết chờ trăng lên...

      Sống đời cao ngạo...dưới trên,
      Uống rượu tì tì,chẳng nên sự đời.
      Bể dâu trăm cuộc ...Người ơi!
      Một mai ...vương vất...tuổi trời ...nổi trôi

      Tóc xanh,xanh chỉ một thời
      Én bay,én lượn ,cho đời mùa xuân
      Xuân về nâng chén tình thân
      Trọng tình bè bạn,thế nhân trọn tình

      Xóa
    4. xin được sửa :cầm giáo(xin cảm ơn!)

      Xóa
    5. ND@ Thơ bạn hay, triết lý và khá bí hiểm ...bởi những dấu ba chấm :))
      đọc thơ nhau nhiều thường quen 'hơi'thơ, đúng như TH từng nói, nghe giọng thơ này cũng hơi quen quen!!!
      Bạn cứ việc "tuốt giáo" thôi, cám ơn nghe khách sáo quá, chúc vui và luôn "nâng chén tình thân" nhé.

      Xóa
    6. Tôi cũng sửa theo là 'cầm' giáo chứ không 'tuốt', bởi viết xong còm mới đọc được lời sửa của bạn.

      Xóa
  6. QT vừa biết làm thơ, vừa biết bình thơ. Nể!!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. KG-QV@ không dám nhận là bình, bởi bình thì phải có thời gian và ngiên cứu cẩn thận. Ở đây, như có lần tôi đã nói, mỗi bài thơ của bạn thơ viết ra đều là cảm xúc, tâm tư tình cảm của tác giả gửi đến bạn đọc, trong đó có công sức lao động và từng nơ ron thần kinh của tác giả, khi ta đọc rồi làm ngơ, không muốn bình luận thì thật buồn, những nhân xét một cách chân thành, dù hay dù dở cũng làm người viết vui lòng, đó là tâm trạng chung mà người viết muốn tìm kiếm sự động viên, rất tiếc là văn hóa xem trọng công sức lao đông của người khác chưa mấy phổ cập.
      Do cách nghĩ đó mà tôi thường viết cảm nhận về bài thơ của ai đó, nhiều khi quá dài và có khi hơi quá lời :)) nhưng cũng có lúc rất khó tìm được tiếng nói chung thì im lặng cũng là cách nên làm.

      Xóa
  7. Like! Tiếc là không có giao diện như ở trên FB. Có thể nói ít hiểu nhiều, nhưng nếu ta quá bận hoặc có ý tâm đắc điều gì nhưng ngại "nửa kia" hiểu lầm,ta bấm nút like và yên tâm là người đọc (bạn thơ)cũng thấy thích.
    TH xin cảm ơn bạn HT và các anh chị vì đã lập ra một diễn đàn thơ rất hay và có ý nghĩa với những người thích thơ.
    Nói thêm về cách bình thơ của các anh chị trong TT, TH có sự biết ơn thật sự với những lời động viên kịp thời của các anh chị và bạn. TY thơ của TH đã thay đổi và mai một đi khá nhiều. Nhờ có sự động viên đó, TH dần dần đã quay trở lại với những bài thơ Nga và coi những bản dịch mới đây là lời đáp, sự trả ơn cho những động viên đó.
    Tuy nhiên, các anh chị và bạn HT cũng nên thông cảm vì ai không có tính "lạc quan tếu" thì rất khó yêu thơ và yêu đời trong hoàn cảnh KT, CT, NG đều be bét như hiện nay, vì thế những lời khen (nếu có) cũng xin được hiểu nó trong phạm vi hẹp như khi ta khen, động viên người nhà vậy.
    Đầu xuân, xin kính chúc các anh chị và các bạn TT sức khỏe, thành công và đóng góp thêm nhiều bài thơ hay, bài còm thú vị.

    Trả lờiXóa
  8. Lim dim bên cửa ngà say,
    Cánh hoa Xuân đã rụng đầy thảm rêu.
    Sống mà chẳng uống với nhau,
    Chết rồi ai rót rượu đào cho đâu?
    Chim bay, Xuân đã thay màu,
    Tóc theo năm tháng nhuốm màu thời gian.
    Cả đời chuếnh choáng hơi men,
    Ngẫm suy thế sự đảo điên, buồn lòng

    Trả lờiXóa

  9. Tôi không quen dịch thơ hoặc làm thơ dịch nhưng thấy các bạn vui quá cũng đánh liều " theo " một bài cho xuân thêm đậm chất men . Vốn biết thơ các cụ ngày xưa sâu xa vời vợi , có khi chỉ dùng 1 từ mà ý bao trùm cả 1 thế cuộc , có khi chỉ nêu 1 tích cổ mà " bóng gió " đến cái " dịch " ( kinh dịch của Khổng Tử ) của đương đại ... Tôi biết ít chữ nên cứ đánh liều dịch theo nghĩa của toàn bài vậy . Xin được dùng thể thơ lục bát cho nó đúng ngữ cảnh Điền viên . Có điều gì chưa " đoan trang " xin các bạn cho ý !

    ĐỐI DIỆN ( VỚI ) BE RƯỢU

    Ngồi chơi trông cửa ( mắt ngó ) đăm đăm ( xa xăm )
    Thấy làn hoa rụng trước thềm mà kinh :
    - " Sống không cạn cốc , dốc bình
    Mai sau ai tưới mộ mình rượu đây ! " *
    Tuổi xuân phai , mộng vàng bay
    Tóc xanh xưa đã đến ngày pha sương
    Một đời ôm ( say ) đạo luân thường
    Nổi trôi trọn kiếp ngẫm buồn ( mà thương ) thế nhân ( phận mình ) .

    ( * ) một câu phong dao theo ý thơ của cụ Tố Như dùng cho cánh " Tửu phùng tri kỷ , thiên bôi thiểu " .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi thích bài 'dịch' này của HG.Tất nhiên theo 'trực cảm' mà thôi,vì tôi không có kiến thức về chữ Hán-Nôm.
      Câu chữ từ đầu tới cuối trong bài thơ dịch đều nhằm tả 'sát sàn sạt' duy nhất một tâm thế: thoang thoáng bất đắc chí của người trượng phu trong lúc 'đơi chờ' (cái gì đó) với sự ngán ngẩm trước cảnh nhân tình thế thái nhiễu nhương
      Không biết Cụ Nguyễn Du viết bài thơ trong hoàn cảnh nào : thời gian bất hợp tác với nhà Tây Sơn - thì rất hợp.
      Cũng có điều tiếc với bản dịch của HG ở câu :"Xuân sắc niệm thiên hoàng điểu khứ" ( Sắc xuận dần thay đổi,chim Hoàng Oanh cũng đã bay về tổ ),một câu hình ảnh rất đắt ẩn ý về sự 'tàn' đang diễn ra. câu dịch "Tuổi xuân phai , mộng vàng bay " nói lộ rõ ý , làm mất cái ý vị ẩn trong hình ảnh của bản gốc. Giống như nhấp chung trà, thì có sự khác nhau ở đầu lưỡi giữa trà Thái Nguyên và trà Bảo Lộc ý.hihi...

      Xóa
    2. Mình cũng thích bản dịch của HG. Ý tứ sâu xắc của nguyên tác được chuyển tải tương đối sát. Phát hiện của TL cũng xác đáng. Nếu được chọn câu khác, mình sẽ viết:"Xuân phai, Hoàng Yến vút bay". Phương án đó có thể đỡ lộ ý hơn chăng. Xin được nghe ý các AC.

      Xóa
    3. Các bạn thấy đấy, anh HG nói bình sinh không quen làm và dịch thơ, vậy mà chỉ mấy đường 'múa' bút đã được hai cây bút sừng sỏ tán thưởng, hệ quả: Nếu HG thực sự thích dịch, và có cảm xúc thực sự chứ không phải thấy mọi người vui quá đành làm theo( như lời HG tâm sự) thì tôi tin rằng hết thảy bạn trang thơ chỉ còn cách ngả mũ thán phục, và tôi sẽ đứng đầu, mặc cho tóc gió thôi bay, hehe!!!
      Đùa tý anh HG đừng buồn, tuy nhiên dù sao bài thơ cũng nói lên được một phần tâm tư tác giả lâu nay thường ẩn dấu, có thể thấy rằng HG là người mạnh mẽ, thông thường người ta uống rượu thưởng hoa như một thú vui tao nhã, thậm chí có bạn trang thơ còn đòi Yến Oanh nữa :)) vậy nhưng anh HG nghĩ khác Thấy làn hoa rụng trước thềm mà kinh vậy là anh rất kinh sợ hoa rụng, hay là anh chỉ thích hoa nở? càng chúm chím càng tốt, câu này không thể nói là bám sát nguyên bản nhưng lại nói được tâm tính người viết, cũng là một cách dịch hay.
      " Sống không cạn cốc , dốc bình
      Mai sau ai tưới mộ mình rượu đây !
      Câu này chuyển từ thơ cổ luật Đường sang lục bát đậm chất dân tộc mà vẫn giữ được ý của nguyên bản, thêm cả bản chất người viết, đã uống rượu, cạn cốc chỉ là hạng xoàng tửu, phải dốc cả bình vào miệng mới là hảo hán, hehe! đúng kiểu của tôi đấy!
      Và câu đầu, không hiểu anh HG "Ngồi chơi trông cửa" với tư cách gì? nhàn cư, ngồi bế cháu ngoại mà độc ẩm, mắt nhìn 'đăm đăm" về một phương trời diệu vợi mà ngán ngẩm ( hay phấn khích) cho nhân tình thế thái chăng? thế thì tuyệt, rất tâm trạng, tuy không nói được trạng thái 'túy'đến mức 'nhãn khai'(lim dim mắt)nhưng rõ ràng là một sáng tạo, xứng đáng với 'sát sàn sạt' của TL, nhưng thực ra cũng không cần phải 'trông' cái gì đâu, trông trời trời trông đất trông mây thì được chứ ngày xưa chưa có tivi, xe máy để mất trộm mà phải canh chừng:)) cũng như Tuổi xuân phai, mộng vàng bay thay cho con chim Hoàng yến đã bay mất, anh HG đổi 'chim' thành 'mộng', mộng thì cũng có lúc bay mất nhưng khi muốn, mộng lại có, chỉ việc nhắm mắt ngủ, nhưng 'chim' một khi bay mất là xong, còn làm ăn gì! đấy là ẩn ý 'tàn mà không phai' đấy anh TL ạ! Nhưng góp ý của KG lại cũng hay nhưng anh KG lưu ý rằng chữ "Vút bay" lại hàm ý một sự tiến triển vui vẻ, trạng thái bay vút diễn tả một sự bay bổng khoáng đạt, khác với tâm ý câu thơ nguyên bản.
      Tôi rất muốn treo bản của HG lên mặt tiền, tuy nhiên nếu để cả mấy cái trong ngoặc thì không ổn, tôi định bỏ mấy cái đó, anh Hg cho ý kiến nhé!

      Xóa
    4. Cái khổ của 'dịch' thơ chữ Hán đấy a QT à.Muốn cô đọng cho sát về ý về cấu tứ với nguyên bản thì Việt ngữ khó tìm từ tương ứng đáp ứng đầy đủ. Chọn được từ tương đối cô đọng thì DG lại e người đọc ko hỉu nên đành mượn cái ngoặc đơn...hehe,bỏ nó đi sợ rằng câu thơ dịch sẽ khó hiểu. Nếu cứ để thì dễ hỉu hơn nhưng bài thơ dịch lại có dáng dấp bài thơ ...giải nghĩa. Khó lắm thay,khó lắm thay.
      Ở đây,thiển nghĩ cái khó là : đảm bảo sát nguyên bản về 'hình thức' từ ngữ thì ý sâu xa để 'cảm' thì ko tải hết được. Cố đạt được ý thơ nguyên bản buộc câu chữ phải thay đổi (như bản dịch của a HG)-thì lại có vẻ ko sát về hình thức với nguyên bản.
      Tôi xem bản dịch nghĩa mà a QT giới thiệu thấy thấm thía lắm cả về ý và hình tượng nghệ thuật của bài thơ. Thế mới biết người ta nói quá đúng rằng : dịch thơ giống như đưa một cái bình cổ ở bên này bức tường sang phía bên kia bức tường qua một cái lỗ bao giờ cũng nhỏ hơn cái bình. Đành phải đập vỡ cái bình ra để thu gọn lại mới đưa lọt qua lỗ được. sang tới bên này dùng keo gắn các mảnh vỡ lại sao cho gần giống như hình thể ban đầu. Chính Người dịch phải làm tất cả công đoạn ấy : đập vỡ-chuyển tải-hàn gắn lại. Vậy nên bản dịch khó mà thoát khỏi cái kiếp là cái bình hàn được gắn lại,và đôi khi để che vết gắn (vì lúc đập mạnh quá) DG phủ lên cái bình một cái khăn mỏng (thậm chí sơn lại). Người 'xem' sẽ chỉ thấy được đường nét hình dạng mà ko thể thấy được các chi tiết hoa văn nghệ thuật vẽ trên vỏ bình nguyên bản. Điều đáng tiếc là ở chỗ đó và khó tránh khỏi trong việc 'dịch'.
      Về phần DG làm cái việc 'gia cố' phủ voan hay sơn phết có thề với chủ ý hoặc vô tình-tùy người.

      Xóa
    5. Cách ví von của TL hay thật, và dễ hiểu. Bái phục tác giả của ý tưởng so sánh đó! Nếu mọi sự so sánh đều khập khiễng thì đây là một trong những sự so sánh ít khập khiễng nhất, giúp cho người ta hình dung được cái khó của việc dịch thơ. Cám ơ TL.

      Xóa
  10. Đã từ lâu tôi mới được nghe một sự so sánh hay và rất hình tượng của TL, ví việc dịch thơ như đưa chiếc bình quý qua cửa hẹp là cách ví von rất đặc sắc. Nó nói lên được cái khó khăn của người dịch thơ, ở đây không còn chỗ cho việc copy và paste mà là sáng tạo thật sự.
    Nếu cũng theo logic của chiếc bình quý, trong những điều kiện nào đó, liệu việc đập vỡ để hàn gắn lại có phải là cách duy nhất buộc ta phải theo? hãy thử đặt một câu hỏi: Tại sao không buộc cho nó một chùm bóng bay? thay cho việc đập vỡ! Đặt câu hỏi đó là ta lại sa vào trang luận biện pháp mà quên đi cái đích cần đến, đó là làm sao đưa được chiếc bình qua lỗ hẹp với tổn hại tối thiểu, như vậy đã là quá giỏi, vấn đề là gì? thay cho việc cố gắng hàn gắn giữ nguyên bản, dịch giả lại "vẽ rắn thêm chân" biến nó thành chiếc hũ sành!!! Và khi đó Về phần DG làm cái việc 'gia cố' phủ voan hay sơn phết có thề với chủ ý hoặc vô tình-tùy người. chính là biểu hiện tài năng của thi sỹ. Điều mà tôi muốn nói chính là việc hãy nghiêm túc với công việc 'dịch', khi buộc phải "sơn phết" lại, chúng ta nên tỉ mỉ từng chi tiết chứ đừng vẽ thêm râu cho con rồng đang uốn lượn trên chiếc bình cổ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình lại thích phương án gắn lại cái bình một cách tỷ mỷ, cẩn thận nhất có thể để người đọc được chiêm ngưỡng chiếc bình ở dạng gần với nguyên tác nhất, để biết nó hình thù thế nào, hoa văn ra sao...Tất nhiên, khi gắn lại thì kết quả tùy thuộc trình độ, tay nghề "nghệ nhân", song dù là có những vết gắn, dù có thể mất đi những họa tiết, nó vẫn là chiếc bình đó, cái bình mà người dịch muốn giới thiệu tới bạn đọc. Cũng như những bình cổ thực được khai quật ở trạng thái vỡ thành các mảnh, Nếu ta đem gắn lại mà lại sơn phết thêm thì sẽ ra cái bình khác. Riêng mình không thích phương án đó.

      Xóa

    2. Các bạn ! Ngoài việc dịch nghĩa bài thơ của cụ Tố Như bằng thể thơ lục bát theo cách hiểu của tôi , tôi còn mấy câu nói leo theo cụ mà khi lên com. không đưa vì sợ không " đoan trang " khi dùng " chính luận " . Nhân đây tôi cũng viết lên luôn cho vui vẻ cả nhà . Nó là thế này ( câu nói leo ) :

      Xong thơ , rượu vẫn đầy bình
      Bởi cụ để lại cho mình cùng say .

      Chắc là không " đoan trang " rồi , Phải không !

      Xóa
    3. Ối zoi ơi,a QT ơi,tôi viết là :'Thế mới biết người ta nói quá đúng rằng :...'kia mà. Đó là nhắc lại ý (đại để) nhận định của một nhà phê bình VH người Nga (thì phải-ko nhớ chính xác tên),tôi ko nghĩ ra được như thế đâu ạ.

      Nhân đây xin chia sẻ cảm nhận qua bản dịch nghĩa (rất hay-ko biết TG là ai?)

      "Phu tọa nhàn song túy nhãn khai,"

      'Ngồi xếp bằng tròn trước cửa sổ, rượu vào hơi say mắt lim dim,'

      <"Phu tọa nhàn song.."

      Vì sao lại là 'xếp bằng tròn trước cửa sổ',có phải là ngẫu nhiên ko?
      'Xếp bằng tròn' ngụ ý về tạo môt tâm thế nhàn nhã,tĩnh tọa,ko muốn 'động' tới một cái gì nữa. 'Bên cửa sổ' ý là bên cuộc đời ngắn ngủi này (ẩn câu 'bóng câu qua cửa sổ)

      "...túy nhãn khai," 'rượu vào hơi say mắt lim dim '

      câu này nói rằng 'tâm sự' diễn tả tiếp theo là trong cái nhìn nửa tỉnh nửa mơ hồ.

      Nhũng 'cái' sau đó là :
      Cảnh
      'Vô số cánh hoa rơi trên thảm rêu xanh.'
      mang mác buồn cho cái 'tàn' mà liên hệ suy ngẫm sang cái 'đáng tiếc' đau đáu của 'đời'người (TG mượn trong tứ 'rượu' để diễn tả) :
      'Lúc sống không uống cạn chén rượu,
      Chết rồi, ai rưới trên mồ cho?'


      2 câu tiếp theo cũng cùng trong ý đó,nhưng lại có thêm chút gì đó như sự 'giằng xé' nội tâm,chua chát trách 'phận' mình bỏ mất thời gian.
      'Sắc xuân thay đổi dần, chim hoàng oanh bay đi,
      Năm tháng ngầm thôi thúc đầu bạc.

      2 cấu cuối cùng :
      "Bách kỳ đãn đắc chung triêu túy,
      Thế sự phù vân chân khả ai."

      'Cuộc đời trăm năm, chỉ mong say suốt ngày.
      Thế sự như đám mây nổi, thật đáng buồn'


      Thật tình tôi hơi có ý nghi ngờ bản dịch nghĩa 2 câu này chưa toát hết ý của câu thơ về một tâm thế( chỉ là 'trực cảm' thôi),ko dám khẳng định vì tôi ko hiểu thực nghĩa chữ 'chân khả ai' trong ngữ cảnh này. Tôi hiểu như sau ;
      'Cuộc đời trăm năm, ước gì say được suốt ngày.
      (để)CoiThế sự như đám mây trôi, thật đáng buồn

      Cảm nhận chung là bài thơ tả tâm sự một bậc đại trượng phu :lòng chua hẳn đã về ẩn nhưng ko thể làm được gì vì thế sự trắc ẩn,'tiếc' cho đất trời-'tiếc' cho mình ,muốn nhàn tản với rượu để trôi đicùng năm tháng mà thấy buồn bã thay. Cái ý 'bất đắc chí' ẩn dấu ở đó.
      hehe...

      Xóa
  11. Muốn bàn thêm với HG về cái gọi là 'đoan trang'
    Lâu nay chỉ nghe thấy nói đến'đoan trang' để chỉ hành vi, đạo đức của người phụ nữ có phẩm hạnh hoặc không, chứ chưa hề nghe nói dùng nó để ví với thái độ của bậc đại trượng phu, vì lẽ đó e rằng anh HG dùng từ này để đặt câu hỏi về phong thái làm thơ của anh e rằng không hợp, mà dù có hợp cũng không ai có ý ấy, cho dù trong bình thơ có thể có đôi câu gây ngộ nhận.
    TL@ bất kể là ai nói ra, nhưng nhớ được và dùng đúng thời điểm đều xứng đáng được tán thưởng 8))
    Về bản dịch, bản Hán ngữ này không quá khó, ai hiểu biết chút ít từ Hán Việt cũng có thể dịch gần sát nguyên bản như vậy.
    Câu đầu Phu tọa nhàn song túy nhãn khai, theo tôi có thể hiểu là: Lão phu ta đây nhân ngày nhàn chưa có việc làm, ngồi bên song cửa uống rượu giải sầu, đã đến mức say túy lúy mà mắt vẫn phải mở.( để nhìn thấy vô số hoa lạc lối rụng trên thảm rêu mà buồn cho tình đời, vậy thì lúc hãy còn sống đây hãy uống cho đã, đến khi xuống mộ chắc gì đã còn ai nhớ đến mà rưới cho ta một chén, nhìn ngoài trời mà xem, còn đâu sắc Xuân đẹp đẽ, con Hoàng anh ngày thường vẫn hót sau nhà cũng đã bay đi rồi, thôi! cuộc đời trăm năm cứ uống tràn cung mây cho đã đời, chúa cũ nay đâu rồi? thế sự cứ như đám mây chìm nổi, thật là buồn, bao giờ ta mới được tung cánh giang hồ cho phỉ nguyện đây? HEHE! đấy là cách hiểu của tôi đấy)còn chân khả ai thì TL hiểu đúng rồi còn gì, chân là chân thật, thực sự, khả: đáng, là. Ai: buồn, ba chữ này chỉ đúng tâm trạng thi hào lúc nghĩ về thế sự chìm nổi: thật đáng buồn-> chắc chắn là do khi phe nhà Nguyễn mà ông ủng hộ và cho là chính thống đang bị Nguyễn Huệ đánh tơi tả.Cái đó chung với thái độ của đám sỹ phu Bắc Hà thời đó, họ vẫn cho nhà Lê là chính thống và phong trào Tây sơn là Ngụy, giải thích cho việc nhiều năm ở ẩn, không ra làm quan cho triều đình Tây sơn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời

    1. QT : " đoan trang " là câu cửa miệng của tôi khi nâng ly nhậu cùng bạn bè ấy mà : Nào các bạn , chúng ta hãy uống thật đoan trang ! Uổng rượu với bạn bè vẫn cần không khí vui vẻ mà ! Ở đây cũng vậy , chứ chẳng có nghĩa lý gì đâu !

      Xóa
  12. Ha ha ... Chuyện cổ xưa ấy mà , phải không Hồng Thu ! VUI & BUỒN có cả , song cái thực nhất lại là tính cách con người ( vì tôi biết ai cũng nói thực ! ) . Thật vui là trang thơ của nàng hội tụ được những người thực tình ; và cũng thật buồn là những người thực tình lại làm mất lòng nhau ( nàng không có lỗi gì đâu ! ) . Vài lời chia sẻ ngọt bùi cay đắng , ta có điều gì không nên không phải thì nàng " hứ " cho ta một tiếng nhé ! Chúc nàng xuân mới nhiều điều tốt lành !

    Trả lờiXóa
  13. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.