Lời ngỏ


Thu rất hiếm khi làm thơ nhưng đọc, hiểu, cảm nhận được những gì tác giả muốn chia sẻ. Cách đây ít lâu được đọc thơ của anh Đỗ Trung Việt, cảm nhận được sức sống mãnh liệt của những vần thơ anh, và giờ đây được Hồng Hoa (Thu Hà/Nguyễn Hoa) chia sẻ những suy tư, những trăn trở về cuộc sống, được Lệ Hằng chia sẻ những bài thơ tình lãng mạn. Thu lập trang thơ với mong muốn nó sẽ là nơi để các bạn yêu thơ chia sẻ những sáng tác của mình hoặc những bài thơ mình yêu thích. Hy vọng những rung động, những cảm xúc của chúng ta sẽ sống mãi với thời gian.

Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

Khúc thu ca


HÀ NỘI TRẦM MẶC HỒN THU

Gió heo may về xào xạc tàng cây
Làm nở bung mấy chùm hoa sữa
Hà nội ơi, có gì như trăn trở
Hay hồn thu nhen lửa phố phường.

Ai tần ngần trên bến Chương dương
Tà áo phất phơ theo làn gió nhẹ
Sóng nước lăn tăn ru bờ khe khẽ
Bóng dáng thu nào chợt se se làn môi
Cầu Long biên nhịp nào vương dáng người!

Còn nhớ nao lòng đêm thu Hà nội,
Ai cầm tay ai bối rối ngỏ lòng
Trong hương cúc, nụ hôn chen lời nói
Dịu dàng say men rượu cốm làng Vòng
Khuôn hoa Ngọc hà trong mắt thu ngời ngợi
Heo may về,
               trăng nhạt nhòa e ấp tầng không.

Ước hẹn gì đây về những thu hồng?
Trong tĩnh lặng đến tận cùng thu ấy
Qua đêm heo may, bình minh thức dậy
Hương hoa nào còn vương vấn bờ môi
Nụ tình nào nồng cháy mãi khôn nguôi!

Trầm mặc cùng thu, Hồ Tây ơi!
Hà nội tràn thu , làn mắt nào lay động?
Kìa suối tóc ai dáng liễu mềm nghiêng bóng
Mênh mang Hồ Tây soi ngàn thuở bồi hồi
Dóng dả chuông chùa nào lắng sóng
Tiếng đồng vọng nào tan trong chơi vơi!

Dẫu có đi xa hơn nửa cuộc đời
Sao quên được những địa danh, đường phố...
Ngôi trường nào với ai học từ thuở nhỏ,
Mặt hồ này cùng ai hăm hở đua thuyền,
Góc phố nọ chờ ai hát khúc giao duyên,
Hàng cây kia dìu ai trải lòng năm tháng...
Có tên gọi nào không lãng đãng hồn thu !

Ai nhen lửa hồn thu dừng người lãng du
Hay nương dấu xưa , Hà nội thu quyến rũ !
Lắng hoàng hôn theo nhịp chuông Trấn vũ
Làng dâu Nghi tàm thầm trao kén vàng mơ
Dệt gấm thêu hoa cho Hà nội bây giờ
Ươm mối tơ duyên từ bao tình thu cũ
Lộng lẫy dáng duyên ,
              Hà nội trong tà áo thu ,
                      Lòng người nao nao hồn thơ .


                          Hà nội, tháng 10/2012
                              HOÀNG GIANG



22 nhận xét:

  1. Cảm ơn bác HG đã chia sẻ Thu Ca.
    Dưng mà bác hát giao duyên ở phố nào nhỉ.
    Hay là bác hát... nhạc vàng?
    Chúc các bác vui khỏe.

    Trả lờiXóa
  2. Xin cảm ơn HT về bức hình minh họa . trong bài anh không nhắc đến Hồ Gươm & tháp Rùa vì lẽ đó .

    Trả lờiXóa
  3. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  4. Bài thơ này có lẽ phải để anh TL và anh HĐ bình mới thấy hết được "hồn cốt Thăng Long" 'ẩn chứa' trong đó, riêng tôi thì hôm gặp anh HG ngất ngư đi qua linh cữu LB thì đã nhận ra được một phần rồi, hehe!
    Dù sao cũng cám ơn anh HG đã cống hiến cho bạn đọc một bài thơ đầy cảm xúc- những cảm xúc khi mùa thu đến, ai cũng thấy man mác một nỗi niềm gì đó nhưng không biết bày tỏ nó thế nào, điều đó anh HG làm được, chứng tỏ anh cũng có một tâm hồn khá nhạy cảm, những "ai" đó của anh liên tục xuất hiện để chứng minh một thời trai trẻ 'oanh liệt'của HG:
    ngôi trường nào với ai học từ thuở nhỏ,
    Mặt hồ này cùng ai hăm hở đua thuyền,
    Góc phố nọ chờ ai hát khúc giao duyên,
    Hàng cây kia dìu ai trải lòng năm tháng...
    Có tên gọi 'ai' nào không lãng đãng hồn thu!

    Ai nhen lửa hồn thu cho lòng ngẩn ngơ
    Đọc bài thơ này thỉnh thoảng có đôi chút ganh tị, giá như mình được một phần cái may mắn có một nửa cái 'ai' của anh HG cũng dủ khoái lắm rồi,hehe!
    Nhưng cũng phải nói thêm là HG chưa già lắm nhưng hay hoài cổ, kể cả trong ngôn ngữ thơ, mà ngôn ngữ cổ thì không mới, hẳn nhiên là nó được người ta dùng nhiều, mà dùng nhiều thì.. hết sáng tạo, nhưng nói thế cũng không đúng, bởi trong bài thơ này có khá nhiều 'sáng tạo' nhất là cốm làng Vòng đem nấu rượu thì ngất ngư là đúng rồi!:))
    Cuối cùng thì vẫn là một lời cám ơn đã chia sẻ bài thơ, đừng lăn tăn vì những lời phía trên, vì chẳng nhẽ xem xong mà không nói gì thì bất lịch sự, mà nói thì phải nói thật chứ không lẽ nói sai cách mình nghĩ! mong có thêm nhiều bài hay của HG.
    Mà mọi người đi trốn thu hết hay sao mà im ắng thế nhỉ? xem xong hay dở thế nào cứ phát đại đi, vui là chính mà, lâu lâu ghé TT thấy buồn quá!

    Trả lờiXóa
  5. Thật ra, đọc nhận xét của QT,tôi thấy thêm những điều hay ở bài thơ của HG ( đoạn bình về chữ 'ai')
    Đọc "Hà Nội trầm mặc hồn thu" của anh HG,không hiểu sao trong tôi cứ văng vẳng lời ca khúc " Nhớ mùa thu Hà Nội" của TCS :

    Hà Nội mùa thu,
    Cây cơm nguội vàng,câ bàng lá đỏ,
    nằm kề bên nhau,phố xưa nhà cổ,
    mái ngói thâm nâu.

    Hà Nội mùa thu,
    Mùa thu Hà Nội
    Mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió,
    Mùa cốm xanh về
    thơm bàn tay nhỏ.
    Cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua.

    Hồ Tây chiều thu
    mặt nước vàng lay.bờ xa mời gọi
    màn sương thương nhớ
    bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời.

    Hà Nội mùa thu
    đi giữa mọi người,lòng như thầm hỏi
    tôi đang nhớ ai...
    sẽ có một ngày, trời thu Hà Nội
    trả lời cho tôi
    Sẽ có một ngày, từng con đường nhỏ
    trả lời cho tôi.

    ...
    Thiệt là mỗi bài lời hay một vẻ...' mười phân ven mười'.

    Trong bài thơ có tả thu qua cầu Chương Dương,cầu Long Biên,qua đêm thu trăng hoa làng Ngọc Hà và tơ tằm Nghi Tàm mà Lời ca không có.

    Trong lời ca mùa thu của TCS có cây cơm nguội vàng,cây bàng lá đỏ,có phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu. Mà lời thơ không có.

    Phần có chung ở cà 2 bài là :

    - Hoa sữa'
    "Gió heo may về xào xạc tàng cây/
    Làm nở bung mấy chùm hoa sữa /
    Hà nội ơi, có gì như trăn trở /
    Hay hồn thu nhen lửa phố phường. "
    HG

    "Mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió,"
    TCS
    - "cốm" :
    " Dịu dàng say men rượu cốm làng Vòng "
    HG

    "Mùa cốm xanh về
    thơm bàn tay nhỏ./
    Cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua."
    TCS

    - "Hồ Tây":
    "Trầm mặc cùng thu, Hồ Tây ơi! /
    Hà nội tràn thu , làn mắt nào lay động? /
    Kìa suối tóc ai dáng liễu mềm nghiêng bóng /
    Mênh mang Hồ Tây soi ngàn thuở bồi hồi /
    Dóng dả chuông chùa nào lắng sóng/
    Tiếng đồng vọng nào tan trong chơi vơi! "
    HG

    " Hồ Tây chiều thu/
    mặt nước vàng lay,bờ xa mời gọi/
    màn sương thương nhớ/
    bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời."
    TCS

    Đối chiếu như vầy,dẫu vẫn biết là khập khễnh,nhưng hy vọng đây là một cách để thầy rõ thêm cái phong phú,lãng mạng trong sự 'cảm thu' HN của các TG HG và TCS.

    ( Phần khác nhau tả mùa thu của 2 vị như thế nào,mời đọc giả so sánh)

    Cuối cùng giữa 2 bài,2 TG có một sự khác biệt lớn : HG viết cho bạn bè thân tích, còn TCS viết cho quảng đại nhân quần.

    Nhân anh QT có ý kiến nhân xét về phong cách 'hoài cổ' trong cách dùng chữ của HG,tôi xin chia sẻ. Nói chung qua những bài thơ của HG tôi được đọc, cảm thấy 'mầu sắc' trong thơ của anh nghiêng về 'gam lạnh',nên 'hay' thì là 'hay kiểu lạnh'( kiểu như "ấp ngọc trong tay giá"),ít thấy nét tươi tắn,rực rỡ,ấm áp.Có cái gì đấy 'lạnh lẽo'. Tất nhiên đây là cảm nhận chủ quan của một người đọc (biết đâu chính trong tôi nó 'lạnh' mà thành ra không thấy cái 'ấm' của HG,(vậy nên xin ý kiến của các bạn )
    Với tôi,đỉnh cao về nghệ thuật dùng từ cho phong cách 'hoài cổ' là 2 câu trong bài "Thăng Lonh thành hoài cổ" của Bà Huyện Thanh Quan :
    "Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,/
    Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,"


    Đây là nghệ thuật rất khó,vì cần vận dụng từ hán-việt. chỉ sai một ly,sẽ làm người đọc cảm thấy 'sáo' chũ.

    Trả lờiXóa
  6. Tôi muốn nói lại là HG chỉ có tính hoài cổ trong ngôn ngữ thơ, nó cụ thể trong câu chữ nhưng chủ yếu toát lên trong tinh thần bài thơ khi người đọc đọc qua bài thơ này, TL đã không quá lời khi nhận xét thơ HG có khí lạnh mặc dầu đâu đó vẫn có : 'Nhen lửa phố phường' hoặc 'nụ tình nào nồng cháy mãi khôn nguôi'. Hơn nữa HG có quá nhiều điều cần giãi bày nên tạo cảm tưởng loãng, nếu ta đọc hai câu TL đã dẫn:
    'Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
    Nền cũ lâu đài bóng tịch dương' mới thấy người xưa- người cổ nhưng tinh thần và cốt cách không cổ tý nào, sự tưởng nhớ- hay hồi tưởng một cảnh xưa người cũ thật quá mẫu mực vì sự cô đọng- tích hợp chỉ trong hai câu cả một trời thương nhớ- một mùa thu Thăng long quá chuẩn.
    Tuy nhiên việc so sánh nhà thơ làng HG với một thiên tài âm nhạc- ngôn ngữ như TCS là hơi... bắt nạt anh HG, hehehe!

    Trả lờiXóa
  7. @QT : anh ơi,đặt ngang hàng với TCS ( dẫu chỉ độc trong một bài hát) để 'đối chiếu' tức là tôi 'mộ' anh HG lắm đó.

    Trả lờiXóa
  8. xưa tôi nghe nói:hà nội là cây sấu-sài gòn là cây cơm nguội.không biết phải thế hay không???

    Trả lờiXóa
  9. @ Phúc Chiến. Thực ra phải ngược lại, HN rất nhiều cây cơm nguội, cây NÀYtrước cửa Bưu điện Bờ Hồ cũ, nhà tôi ngày xưa cả dãy phố mọc đầy cơm nguội, bây giờ còn nhưng ít. Sấu Hà nội cũng nhiều hơn SG. Chắc thế! :))

    Trả lờiXóa
  10. HN bây giờ xấu nhiều hơn trước.Đấy, lại ngọng rồi!
    Người HN giờ cũng ít chất thơ hơn. Họ giỏi đếm tiền và khinh người hơn.Có lần TH đèo một người bạn đi phố sắm đồ, cô bạn vào hàng chọn lựa, còn TH ngồi xe máy bên lề đường vừa chờ bạn vừa trông xe. Cứ đứng khoảng năm phút lại thấy người ta ra hắt nước, hoặc giả quét nhà vung hết rác bụi vào mặt để xua như xua tà. Hoá ra mình đứng đó là cản trở việc làm ăn buôn bán của họ ngoài vỉa hè. Nếu TH ko phải người HN chắc sẽ thù họ đến lúc chết!
    Xin lỗi vì TH đã làm cả nhà buồn rồi!

    Trả lờiXóa
  11. Các bạn quý mến !
    Cả tháng rồi HG đau mắt dịch , không mấy khi ngồi máy được . Hôm nay vào lại TT để sửa lại tứ kết của "Hà nội trầm mặc hồn thu" được đọc com. của mọi người cảm thấy nao nao xúc cảm . Xin chân thành cảm ơn những Ý NGỌC LỜI VÀNG ấy ! Mời mọi người đọc tứ kết đã sửa của HG .

    Trả lờiXóa
  12. Chào anh Hoàng Giang, thi sĩ của mùa thu Hà Nội! Đọc bài thơ của anh, TP nhớ Hà Nội vô cùng vì đã quá lâu chưa ra thăm Hà Nội. Trong mắt TP, ngoài vẻ đẹp cổ kính, Hà Nội còn có một vẻ đẹp mê hồn của các công trình kiến trúc mà người Pháp để lại sau gần 1 thế kỉ đô hộ. Đó là: Phủ Chủ tịch, Bắc Bộ phủ, Trụ sở Bộ ngoại giao, Trường Albert Sarraut (nay là khu TW), Nhà hát lớn, Đông Phương Bác cổ, Khách sạn Metropole (có thời mang tên khách sạn Thống Nhất), Trường Chu Văn An (trường Bưởi), v.v..TP nghĩ rằng những công trình kiến trúc này đã làm đẹp cho thủ đô Hà Nội. TP ước ao có ngày trở lại Hà Nội để được thoả thích ngắm những công trình kiến trúc này. Không biết có ai "ném đá" TP vì cái comment này không? Một cái comment đề cao kiến trúc thuộc địa của đế quốc sài lang để lại. :D

    Trả lờiXóa
  13. Ôi! Các thi sĩ mùa thu của Bắc Hà đâu cả rồi?!

    Trả lờiXóa
  14. Ôi ! Trần Phong , mọi người đang "vào thu" !

    Trả lờiXóa
  15. Anh Hoàng Giang! Anh cũng đang "vào thu" chứ? Vậy mà TP tưởng anh đang luyện "cửu âm chân kinh" chứ! Chúc anh luyện thành công nhé! :D

    Trả lờiXóa
  16. TP,tôi có một e ngại thay cho HG : Chỉ sợ rằng anh ấy đang luyện 'Tịch tà kiếm phổ' thì tiếc lắm thay?

    Trả lờiXóa
  17. TP : tiếc thay , tiếc thay ! Tôi không có một Tiểu Long nữ để tựu thành "song kiếm hợp tình" thì dù có luyện đến tàn kiếp cũng không đạt đến "nửa âm" chứ nói gì đến "cửu trùng" !
    TL : xin được dành phần "tịch tà" ấy cho các bác của câu lạc bộ số 5 !

    Trả lờiXóa
  18. Anh Hoàng Giang! Đọc những bài thơ về tình yêu của anh, TP thấy có một nỗi buồn day dứt khôn nguôi. Xin hỏi anh nỗi buồn ấy có giống nỗi buồn của Lý Mạc Sầu không? Anh đừng nhá! :D

    Trả lờiXóa
  19. Anh HG! Có lẽ TP mê tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung đến mức "tẩu hoả nhập ma". Chẳng riêng gì TP, Đặng Tiểu Bình trong thời gian bị đi cải tạo trong thời Cách mạng văn hoá cũng say sưa đọc: Tam quốc, Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng, Tây Du Kí và tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung. TP đã tìm thấy tất cả nỗi nhân tình thế thái ở đây. Có lẽ, Kim Dung đã dùng phép ẩn dụ quá tài tình về cuộc đời này. Xin mời anh Hoàng Giang cùng nghe Lý Mạc Sầu hát:
    "Hỡi thế gian
    Ái tình là chi?
    Sống chết một lời hứa luỵ
    Nam Bắc phân chia hai đàng
    Mưa dầm nắng dãi quan san
    Cánh chim bạt gió muôn vàn khổ đau
    Chung quy một kiếp tình sầu
    Khi vui gang tấc, ngàn sầu biệt ly
    Biết cùng ai, biết nói gì
    Chỉ trông mây núi người đi không về!"
    Chúc anh vui!

    Trả lờiXóa
  20. TP : khúc Tây giang nguyệt này nghe rất hay (tôi nghe trong phim) nhưng không phải của Lý Mạc Sầu mà là của tác giả Kim Dung đặt lời vào điệu sáo (tiêu). Nếu phân tích tên theo chữ nho thì Lý Mạc Sầu có thể hiểu là độ sâu của một nỗi buồn tàn ! Ôi , Nỗi buồn chơi vơi mới thành thơ được , độ sâu nhất của nỗi buồn tàn là sự tự hủy diệt . Lão Kim Dung hay dùng sự đối lập để đề cao thuyết TRUNG DUNG là tạo cái hay cho các thiên tiểu thuyết võ hiệp là như thế . Nếu Bạn chỉ thấy cái hay ở cực đoan mà không thấy cái hay (ẩn ý) của TRUNG DUNG thì dễ "tẩu hỏa" lắm .
    Mong TP luôn khỏe !

    Trả lờiXóa
  21. À mà TP có biết điệu Tây giang nguyệt như thế nào và xuất xứ ở đâu không nhỉ ! Tây giang là cội nguồn của dòng Ly giang chảy qua QL đấy . Riêng phần văn hóa phía Nam Trường giang lại thật giàu bản sắc , TP à ! Điệu Tây giang nguyệt cũng là một làn điệu dân ca nổi tiếng của lưu vực Tây giang đấy ! Ngay cả La Quán Trung khi khởi đầu cho bộ Tam quốc chí nổi tiếng cũng dùng một khúc Tây giang nguyệt :
    Trường giang cuồn cuộn chảy về Đông
    Sóng dập dồn đãi hết anh hùng ...

    Lời vắn , tình dài , mong TP luôn khỏe !

    Trả lờiXóa
  22. Anh Hoàng Giang! Tôi lại thích bài hát "Tâm sự nữ vương" (Tây Lương nữ quốc) trong bộ phim "Tây Du Kí" của Trung Hoa nhiều hơn. Anh Hoàng Giang thử nghe lại xem có còn "phê" hay không?

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.